Di chỉ Cốc Pàng
Địa chỉ hiện nay
Bảo Lạc - Cao Bằng
Di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Hiện vật thu được là 3 chiếc trống đồng được thu giữ ở đồn biên phòng Cốc Pàng.
Trống thứ 1 cao 36cm, đường kính mặt trống 56cm. Mặt trống, chính giữa là hình mặt trời với 12 tia, giữa các tia là hình lá đề tạo sóng ngắn, giữa lá đề là hình tam giác lồng ngược. Các vành 2, 11, 12 là những vòng tròn kép; vành 3, 10, 13 là vạch ngắn song song; vánh 4, 5, 7, 8, 9, 14 để trơn; vành 6 hình người cách điệu và văn kỷ hà gãy góc. Tang trống nở, thân trụ, chân cao, đường gờ nổi gân chiếm 1/3 chiều cao của trống. Chân trống trang trí hình V lộn ngược. Có 4 quai trống đối xứng văn thừng. Hoa văn ở tang và thân trống giống với mặt trống.
Trống thứ 2 cao 28cm, đường kính mặt trống 49cm. Mặt trống có 9 vành hoa văn, giữa là mặt trời với 12 tia. Vành 2; hoa văn đường tròn kép trong các ô cách đều nhau; vành 3 hoa văn bông lúa; vành 4, 9 hình chấm nổi; vành 5 là 4 cụm hoa văn cách đều nhau, hình lưỡng long tranh châu; vành 6 người múa cách điệu, vành 7 là vạch kẻ song song; vành 8, 10 để trơn. Tang và thân trống hoa văn mờ, không phân cách rõ ràng. Chân trống hơi choãi; trống đúc bằng 4 mang, có 4 quai đối xứng.
Trống thứ 3 cao 24cm, đường kính mặt trống 37,5cm. Mặt trống ở giữa là hình mặt trời có tia, giữa các tia là hình lá đề đơn giản, quanh mặt trời là các vành hoa văn: vành 2, 9 là các vạch song song; vành 3 là dây móc với nhau; vành 4 là hoa dây ngược chiều kim đồng hồ; vành 5 hình người múa cách điệu nằm trong các ô vuông cách đều nhau; vành 6 là hoa văn nổi với những đường sóng lượn; vành 7 hoa văn xương cá chạy dài trong các vòng tròn khép kín; vành 8 hình ô trám lồng; vành 10 để trơn vừa là vành mép mặt trống. Tang trống cao, lưng trống eo lượn, trang trí đường kẻ song song và vòng tròn kép và sóng lượn. Chân trống trang trí hình tam giác lồng ngược. Có 4 quai trống, đúc bằng khuôn 2 mang.