Nhà bác vật Lưu Văn Lang (sinh ngày 05-06-1880, mất ngày 03-08-1969), quê ở làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay là thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Thuở nhỏ ông học chữa Nho, đến năm 10 tuổi, ông học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Do có trí thông minh thiên phú, ông Lang được cấp học bổng lên Sài Gòn học trường Tây Chasseloup Laubat. Năm 17 tuổi, ông thi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, được học bổng sang Pháp học École Centrale de Paris - nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất nước này. Năm 1904, ông tốt nghiệp kỹ sư hạng ưu (đứng thứ 3 trong số 250 người) và được coi là kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ lúc bấy giờ. Người dân Đồng bằng sông Cửu Long quen gọi là nhà bác vật.
Sau khi ông Lang về nước, nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam liền cử ông qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia xây dựng tuyến đường xe lửa nối liền Trung Quốc với Đông Dương. Từ 1909 - 1940, ông làm việc ở Sở Công chánh Sài Gòn, nổi tiếng tài giỏi và rất liêm khiết. Trong khoảng thời gian này, ông Lang nhiều lần được điều về công tác ở Bạc Liêu, để theo dõi các công trình xây dựng ở đây.
Chuyện kể rằng: Khi ông Lang xuống Bạc Liêu thì công trình cầu Long Thạnh do Pháp xây dựng sắp xong. Ông Lang lấy cây gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với viên kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu sẽ sập. Quả nhiên chiếc cầu sập sau đó đúng 1 tháng. Từ đó, người dân ở đây gọi chiếc cầu Long Thạnh là Cầu Sập cho đến tận bây giờ.
Khâm phục và mến mộ tài năng của ông, tỉnh trưởng Bạc Liêu rất quý trọng và luôn đối đãi tốt với ông. Đáp lại tình cảm đó, ông Lang đã làm chiếc đồng hồ đá kể trên để làm quà tặng tỉnh trưởng. Đồng hồ được đặt trong khuôn viên của dinh tham biện lúc bấy giờ.