<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpốk và một phần của sông Ba, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Lãnh thổ tỉnh là đầu mối của nhiều tuyến quốc lộ, thông qua các tuyến giao thông, Đắk Lắk được ví như chiếc cầu nối giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên và vùng Hạ Lào cũng như vùng Đông Bắc Campuchia.

Tỉnh được thành lập từ năm 1904, theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương, trên cơ sở tách khỏi lãnh thổ Lào. Năm 1950, thuộc Hoàng triều cương thổ, đặc khu riêng do Pháp hỗ trợ cho Bảo Đại lập nên. Thời Việt Nam Cộng Hoà, vẫn giữ Đắk Lắk là đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng địa giới hành chính thì nhiều lần thay đổi do tách và nhập một số quận. Sau năm 1975, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam với khoảng 19.656,1 km2. Đầu năm 2004, 6 huyện phía Nam của tỉnh được tách ra để thành lập tỉnh Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk hiện nay có diện tích 13.139,2 km2.

Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ tỉnh Đắk Lắk với thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất Việt Nam. Buôn Ma Thuột luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và chất lượng cà phê. Kể từ năm 2005, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được công bố ra thế giới. Từ đó đến nay, hằng năm lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đều được tổ chức đều đặn ở thành phố này với nhiều hoạt động giao lưu văn hoá thương mại đặc sắc, thu hút hàng ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý

Đắk Lắk là tỉnh thuộc Tây Nam dãy núi Trường Sơn, trung tâm Tây Nguyên. Đắk Lắk nằm trong tọa độ 11030 đến 13025 vĩ độ Bắc và 107030 đến 109030 kinh độ Đông. Đông giáp tỉnh Khánh Hòatỉnh Phú Yên. Tây giáp Vương quốc Campuchia. Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đăk Nông. Bắc Giáp tỉnh Gia Lai.

Địa hình

Đắk Lắk có địa hình tương đối đa dạng. Là một cao nguyên rộng lớn, địa hình dốc thoải, lượn sóng, khá bằng phẳng, độ cao trung bình từ 500 - 800m. Địa hình của Đắk Lắk chia thành bốn loại chính:

  • Địa hình núi chiếm 35% diện tích tự nhiên.

  • Địa hình cao nguyên bằng phẳng nằm giữa tỉnh, chiếm 53% diện tích tự nhiên.

  • Địa hình bình nguyên với độ cao bình quân 200 - 300m. Địa hình thấp dần từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc với độ dốc 30 - 80. Quá trình bào mòn, xâm thực diễn ra mạnh, nhất là khu vực phía nam.

  • Địa hình vùng thấp trũng xen giữa cao nguyên với các dãy núi cao tạo nên những cánh đồng tương đối bằng phẳng với độ cao trung bình vài trăm mét.

Khí hậu

Do chịu ảnh hưởng của dãy núi Trường Sơn và độ cao của địa hình nên nhiệt độ thường thấp hơn so với các tỉnh có cùng vĩ độ ở miền trung. Nhiệt độ trung bình năm là 200 - 240C. Lượng mưa trung bình năm là 1.600 - 2.000 mm. Có sự phân hoá rõ rệt theo thời gian và không gian.

Khí hậu của Đắk Lắk tuỳ thuộc vào sự phân bố của địa hình. Vùng phía Tây Bắc có khí hậu nắng nóng, khô hanh về mùa khô. Vùng Đông và Nam có khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Khí hậu sinh thái nông nghiệp của tỉnh được chia thành sáu vùng:

  • Tiểu vùng bình nguyên Ea Súp chiếm 28,43% diện tích tự nhiên.

  • Tiểu vùng cao nguyên Buôn Mê Thuột – Ea H’Leo chiếm 16,17% diện tích tự nhiên.

  • Tiểu vùng đồi núi và cao nguyên M’Đrắk chiếm 15,82% diện tích tự nhiên.

  • Tiểu vùng đất ven sông Krông Anasông Sêrêpốk chiếm 14,51% diện tích tự nhiên.

  • Tiểu vùng núi Chư Yang Sin chiếm 3,98% diện tích tự nhiên.

  • Tiểu vùng núi Rlang Dja chiếm 3,88% diện tích tự nhiên.

Nhìn chung khí hậu Đắk Lắk khác nhau giữa các dạng địa hình và giảm dần theo độ cao. Chế độ mưa theo mùa là một hạn chế đối với phát triển sản xuất nông sản hàng hoá.

Tài nguyên thiên nhiên

Đất

Tài nguyên đất của Đắk Lắk khá phong phú và đa dạng. Trong đó chủ yếu là nhóm đất xám, đất đỏ bazan và một số nhóm đất khác như: đất phù sa, đất gley và đất đen. Trên phạm vi toàn tỉnh có 8 loại đất chính:

Núi rừng Tây Nguyên - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

- Nhóm đất phù sa: được hình thành và phân bố tập trung ven các sông suối của tỉnh. Tính chất của đất này phụ thuộc vào sản phẩm phong hóa của mẫu chất.

- Nhóm đất gley: được phân bố tập trung ở các khu vực thấp trũng.

- Nhóm đất xám: là nhóm đất lớn nhất trong số các nhóm đất có mặt ở Đắk Lắk, phân bố hầu hết ở các huyện.

- Nhóm đất đỏ: là nhóm đất chiếm diện tích lớn thứ hai sau đất xám. Đất đỏ bazan còn có tính chất cơ lý tốt, khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu…và nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày khác. Đây là một lợi thế rất quan trọng về điều kiện phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.

- Nhóm đất than bùn

- Nhóm đất đen

- Nhóm đất mùn alít trên núi cao

- Phần còn lại là nhóm đất xói mòn và trơ sỏi đá.

Nước 

Hệ thống sông ngòi của Đắk Lắk khá dày đặc và phong phú với mật độ trung bình là 0,08 km/km2. Trên địa bàn tỉnh có ba hệ thống sông chính là sông Sêrêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai. Hệ thống sông suối đã đem lại cho Đắk Lắk nguồn thủy điện dồi dào. Đắk Lắk có khoảng 400 hồ cả tự nhiên và nhân tạo với diện tích sáu nghìn ha và tổng dung tích 200 - 450 m3. Đây là nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong mùa khô.

Rừng

Rừng Đắk Lắk phong phú và đa dạng, thường có kết cấu ba tầng: cây gỗ, có tác dụng phòng hộ cao, có nhiều loại cây vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị khoa học, rừng Đắk Lắk có mật độ tái sinh khá lớn. Ngoài ra, rừng Đắk Lắk còn có nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ. Rừng và đất lâm nghiệp có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Khoáng sản

Đắk Lắk có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng khác nhau, trong đó một số loại khoáng sản đã được xác định là: sét cao lanh với trữ lượng ước tính khoảng 60 triệu tấn, phân bố ở M’Đrắk, Buôn Ma Thuột; sét gạch ngói với trữ lượng ước tính trên 50 triệu tấn, phân bố ở Krông Ana, M’Đrăk, Buôn Ma Thuột, Cư Jút và nhiều nơi trong tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều loại khoáng sản khác như Vàng (Ea Kar), chì (Ea H’leo), phốt pho (Buôn Đôn), than bùn (Cuôr Đăng), đá quý (Opan, Jectit), đá ốp lát, đá xây dựng, cát xây dựng… có trữ lượng không lớn phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh.

Du lịch

Tỉnh có lợi thế về du lịch với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc trong tỉnh như hồ Lắk, cụm du lịch Buôn Đôn, thác Krông Kmar, … bên cạnh các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin, Ea Sô

Tính đến ngày 31-12-2000, toàn tỉnh có 23 di tích lịch sử cách mạng, 2 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh. Có 9 di tích được công nhận di tích quốc gia. Bảo tàng Đắk Lắk có hơn 8.000 hiện vật văn hoá lịch sử.

Di tích

Nhà dài Ê đê - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Danh thắng

Cưỡi voi ở Buôn Đôn - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Hành chính hiện nay

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk bao gồm 14 đơn vị hành chánh trực thuộc là: thành phố Buôn Ma Thuột và 13 huyện: huyện Ea H'leo, huyện Ea Súp, huyện Krông Năng, huyện Krông Búk, huyện Buôn Đôn, huyện Cư M'gar, huyện Ea Kar, huyện M'Đrắk, huyện Krông Pắk, huyện Krông Ana, huyện Krông Bông, huyện Lắk, huyện Cư Kuin.

Các cơ quan quản lý cao nhất của tỉnh hiện nay là: Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Uỷ ban Nhân dân (UBND)

Tỉnh uỷ là cơ quan đại diện cho Đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh. Đứng đầu là Bí thư Tỉnh uỷ. Quyền hạn và trách nhiệm được quy định theo Điều lệ Đảng. Bí thư Tỉnh uỷ hiện nay là ông Niê Thuật.

HĐND theo quy định là cơ quan quyền lực nhân dân trong tỉnh, được bầu lên với nhiệm kỳ 5 năm. Đứng đầu cơ quan này là Chủ tịch HĐND. Chủ tịch HĐND tỉnh hiện nay là ông Niê Thuật, kiêm chức Bí thư Tỉnh uỷ. HĐND  họp mỗi năm 2 kỳ, tại các kỳ họp này, các đại biểu sẽ bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề quan trọng của tỉnh. Hội đồng Nhân dân chịu sự giám sát và hướng dẫn hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, đồng thời chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội.

UBND do Hội đồng nhân dân chọn ra, có trách nhiệm quản lý trực tiếp các vấn đề hành chính, kinh tế, xã hội, văn hoá....của tỉnh nhà. Đứng đầu UBND là Chủ tịch và các phó Chủ tịch, bên dưới là các Sở ban ngành quản lý từng lĩnh vực cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh hiện nay là ông Lữ Ngọc Cư, 3 Phó chủ tịch là các vị: Mai Hoa Niê KĐăm, Đinh Văn Khiết và Y Dhăm Ê Nuôi. Trụ sở UBND tỉnh đóng tại số 9 đường Lê Duẩn, thành phố Buôn Ma Thuột.

Lịch sử hình thành và phát triển

Tên tỉnh Đắk Lắk có nhiều cách ghi khác nhau như: Đắk Lắk (hay dùng nhất), Đăk Lắc, Đắc Lắk, Đắc Lắc, Đăk Lăk và ghi theo tên tiếng Pháp là Darlac. Đắk Lắk là một trong số các địa danh gây nhiều tranh cãi nhất về cách viết, tuỳ theo góc độ nhìn nhận của nhà ngôn ngữ học, dân tộc học hay xã hội học. Theo tiếng Êđê: Đắk là nước; Lắk là hồ. Đắk Lắk là hồ nước.

Tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo nghị định ngày 22 tháng 11 năm 1904 của Toàn quyền Đông Dương và tách khỏi Lào, đặt dưới quyền cai trị của Khâm sứ Trung Kỳ. Trước đó, vào cuối thế kỷ XIX, Đắk Lắk thuộc địa phận địa lý hành chính Kontum và bị Pháp nhập vào Lào.

Đến ngày 9 tháng 2 năm 1913 thì tỉnh này trở thành một địa lý hành chính trực thuộc tỉnh Kon tum. Mãi đến ngày 2 tháng 7 năm 1923, tỉnh Đắk Lắk mới được tái lập.

Ngày 15 tháng 4 năm 1950, Bảo Đại ban hành Dụ số 6 đặt Cao nguyên Trung phần, trong đó có Đắk Lắk, làm Hoàng triều cương thổ, có quy chế cai trị riêng.

Nghị định số 356 - BNV/HC/NĐ của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày 2 tháng 7 năm 1958 ấn định tỉnh Đắk Lắk có 5 quận, 21 tổng, và 77 xã.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tách gần như toàn bộ quận Đắk Song của tỉnh Đắk Lắk lập ra tỉnh Quảng Đức vào ngày 23 tháng 1 năm 1959. Sau đó quận M'Đrăk lại bị xé lẻ, một phần nhập vào tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 20 tháng 12 năm 1963, lập thêm một quận mới tên là Phước An, quận lỵ đặt tại Phước Trạch, đến ngày 1 tháng 9 năm 1965 chuyển về Thuận Hiếu. Sau này lại bỏ cấp tổng, nên chỉ còn cấp quận và xã.

Tỉnh Đắk Lắk của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 hình thành từ hai tỉnh Đắk Lắk và Quảng Đức, có diện tích lớn nhất Việt Nam (19.656,1 km2). Từ 1 tháng 1 năm 2004, Đắk Lắk lại được chia thành 2 tỉnh: Đắk Lắk và Đắk Nông.

Kinh tế

Nhận định chung

Đắk Lắk nằm ở trung tâm của Tây Nguyên, với khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai khá đa dạng, phong phú, với hơn 8 nhóm đất khác nhau, đặc biệt có hơn 700.000 ha đất đỏ bazan có khả năng phát triển thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn như cà phê, cao su, các loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Rừng Đắk Lắk có diện tích và trữ lượng lớn nhất  nước với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm. Diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển trồng rừng nguyên liệu còn nhiều, cho phép phát triển những nhà máy chế biến lâm sản có công suất lớn.

Công nghiệp có ưu thế đặc biệt, với mỏ quặng bôxít trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn phân bố tập trung ở vùng phía Nam của tỉnh, ngoài ra còn có nhiều khoáng sản khác như sét cao lanh, sét gạch ngói, đá quý, than bùn, nước khoáng, vàng, chì, phốt pho…, thuỷ năng ước khoảng  2,6 tỷ kWh song chưa được khai thác, đặc biệt các bậc thang trên hệ thống sông Sêrêpốksông Đồng Nai cho phép phát triển nhiều công trình thuỷ điện lớn, nhiều sông suối nhỏ rải rác khắp địa bàn có thể phát triển được thuỷ điện vừa và nhỏ như Đắk Rtik, Ea Súp, Krông Năng…

Tình hình kinh tế

Giai đoạn 2001 - 2005

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn này, kinh tế tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể. Tổng sản phẩm xã hội năm 2005 ước đạt 7.470 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994 ), tăng 1,54 lần so với năm 2000; nhịp độ tăng bình quân hàng năm 8,9%, gần đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra (9 - 9,5 %). Trong đó: tăng trưởng của ngành Công nghiệp - Xây dựng (21,1%/kế hoạch 20% ), các ngành Dịch vụ (16,2%/kế hoạch 12% ) đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, riêng ngành Nông - Lâm nghiệp đạt thấp (5,6%/kế hoạch 8%).

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: So với năm 2000, tỷ trọng ngành Nông - Lâm nghiệp giảm từ 77,5% xuống 66,5% năm 2005 theo giá so sánh năm 1994; công nghiệp - xây dựng tăng từ 7,3% lên 12,4%; các ngành dịch vụ tăng từ 15,2% lên 21%. Qua thực tế cho thấy Đắk Lắk đã và đang chuyển hướng đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hướng đầu tư xã hội sang các lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng và Dịch vụ. Đây là xu hướng tất yếu của tỉnh hiện nay và trong tương lai; bởi lợi thế về tài nguyên đất đai đã được khai thác đưa vào sử dụng cho nông nghiệp tương đối ổn định. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu chú trọng thâm canh tăng vụ.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đến năm 2010

Dệt thổ cẩm - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Tốc độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế:

    - Tổng GDP năm 2010 (giá so sánh năm 1994) gấp trên 2,6 lần so với năm 2000. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 5 năm 2006 - 2010 đạt 11,5%. Trong đó nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,5%, công nghiệp và xây dựng tăng 23,5%, dịch vụ tăng 20,7%.

    - Cơ cấu các ngành kinh tế đến năm 2010 dự kiến: nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 49 - 50%; công nghiệp và xây dựng khoảng 20 - 21%; các ngành dịch vụ khoảng 31 - 32%.

Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 7,5 triệu đồng (tương đương 500 USD).

Phát triển cơ sở hạ tầng:

    + Thuỷ lợi: đảm bảo tưới chủ động cho 80% diện tích cây trồng có nhu cầu.

    + Giao thông: nhựa hoá hoặc bê tông hoá 100% tỉnh lộ, "cứng hoá" 100% đường trục chính liên xã; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá.

    + Điện: 100% số xã có điện lưới quốc gia; 90% số hộ được dùng điện.

    + Thông tin: 100% số xã nối được mạng thông tin viễn thông và cứ 100 người dân có 10 máy điện thoại.

d. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm 10 - 12%.

e. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm. Kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm 2006 - 2010 đạt 2.100 triệu USD và nhập khẩu đạt 315 triệu USD.

g. Quy mô dân số đến năm 2010 khoảng 1.941 ngàn người; tốc độ phát triển dân số bình quân trong 5 năm 2006 - 2010 khoảng 2,21%. Giảm tỷ suất sinh hàng năm 1‰;

h. Giải quyết việc làm cho 16 vạn lao động; Giảm số hộ nghèo đói xuống còn dưới 7% (theo tiêu chí của thời kỳ 2001 - 2005) .

i. Giáo dục: xoá lớp học ca ba và phòng học tạm, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên; phổ cập trung học cơ sở ở thành phố, thị xã, thị trấn và 100% số xã; các huyện đều có 1 trường nội trú, hầu hết các huyện có trường dạy nghề.

j. Y tế: 100% trạm y tế xã có bác sĩ và đủ điều kiện làm việc; có đủ trạm y tế thôn, buôn.

k. Phủ sóng phát thanh và truyền hình trên toàn tỉnh.

l. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, đảm bảo trật tự - an toàn xã hội và đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Văn hóa

Văn hoá cồng chiên - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Nói đến Tây Nguyên là nói đến vùng đất có nền văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc, Đắk Lắk có nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng của cư dân bản địa như đàn đá, nhạc cụ, cồng chiêng, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng...những bản sử thi của dân tộc Eđê, Mnông, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn...

Điểm nổi bật của Văn hóa bản địa Đắk Lắk là văn hóa lễ hội nhà dài, văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa ẩm thực, văn hóa sử thi, văn hóa luật tục, văn hóa cộng đồng ...độc đáo, phong phú giàu bản sắc dân tộc.

Không những bảo lưu và phát huy những truyền thống văn hóa của các dân tộc bản địa, Đắk Lắk còn có sự du nhập nền văn hoá của các dân tộc thiểu số phía Bắc và nền văn hóa của người Kinh với đủ sắc thái của ba miền Trung – Nam – Bắc.

Giao thông

Giao thông ở Đắk Lắk khá thuận lợi, từ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng đều có các chuyến bay đến sân bay Buôn Ma Thuột. Đắk Lắk có 14 tỉnh lộ với tổng chiều dài 460 km, quốc lộ 14 là cầu nối của Đắk Lắk với các tỉnh Đắk Nông, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai, tỉnh Bình Phước...Song song với biên giới Campuchia có quốc lộ 14C. Ngoài ra, còn có quốc lộ 27 nối thành phố Buôn Ma Thuột với tỉnh Lâm Đồng. Quốc lộ 26 từ Đắk Lắk đi tỉnh Khánh Hoà, nối với quốc lộ 1A tại thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt