<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Tỉnh Gia Lai

Thông tin sơ lược

Diện tích: 15.495,7 km2

Dân số: 992.763 người. Trong đó người Kinh chiếm 52% dân số toàn tỉnh. Ngoài ra còn có người Gia Rai (33,5%), Ba Na (13,7%), Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cơ Ho, Nhắng, Thái, Mường…

Mật độ dân số: 64 người/km2 (2004)

Tỉnh lỵ: Thành phố Pleiku

Bao gồm: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê và các huyện: Đắc Pơ, Đắc Đoa, A Yun Pa, Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, La Grai, Kbang, Krông Pa, Kong Chro, Mang Yang, Ia Pa.

Vị trí địa lý

Gia Lai là tỉnh miền núi Tây Nguyên. Bắc giáp Kontum. Đông giáp Bình Định, Phú YênQuảng Ngãi. Nam giáp Đắk Lắk. Tây giáp Camphuchia với đường biên giới khoảng 90km.

Gia Lai nằm trong toạ độ 15°58'20" đến 14°36'36" vĩ Bắc, từ 107°27'23" đến 108°94'40" kinh Đông.

Đặc điểm địa hình

Địa hình Gia Lai chủ yếu là đồi núi, chiếm 2/5 diện tích toàn tỉnh. Ngoài ra địa hình Gia Lai còn là địa hình thung lũng, địa hình cao nguyên và một số sông, suối khá bằng phẳng, ít bị chia cắt. Nhìn chung địa hình Gia Lai thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng từ Đông sang Tây.

Khí hậu

Do có địa hình chủ yếu là đồi núi và cao nguyên nên Gia Lai thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, không có bão và sương muối.

Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Lượng mưa ở Gia Lai cũng phân chia thành hai vùng rõ rệt: vùng Tây Trường Sơn trung bình năm từ 2.200-2.500 mm. Vùng Đông Trường Sơn từ 1.200-1.750 mm.

Nhiệt độ trung bình năm 22-250C.

Tài nguyên thiên nhiên

Đất

Đất Gia Lai được khai thác và sử dụng từ lâu chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông – lâm nghiệp với quy mô lớn, hình thành những vùng chuyên canh.

Đất Gia Lai chia thành ba vùng: đất đỏ bazan, đất phù sa và đất xám. Đất đỏ bazan có diện tích tập trung lớn thích hợp với việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Đất phù sa tập trung chủ yếu ở các vùng thung lũng sông suối phía Nam, Đông, Đông Nam và Tây Nam. Còn lại đại đa số phân bố rải rác nhiều nơi.

Khoáng sản

Gia Lai có nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú và quan trọng đối với nền kinh tế tỉnh.

Tỉnh Gia Lai có nhiều khoáng sản nổi bật nhất là vàng, nguồn vật liệu xây dựng, bô xít và đá quý. Ngoài ra còn có sắt, thiếc, chì…nhưng quy mô nhỏ. Tỉnh còn có khoáng sản phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như đá vôi, đá bazan, đá granit, cát..

Đặc biệt Gia Lai còn có mỏ than bùn ở Biển Hồ, Chư Păh đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất phân vi sinh.

Rừng

Rừng ở Gia Lai rất phong phú về các loài, kiểu, dạng khác nhau về tính chất, hình thái và ý nghĩa kinh tế. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích lâm nghiệp, 30% diện tích có rừng và 38% trữ lượng gỗ.

Rừng Gia Lai còn có hàng trăm triệu cây tre nứa và các loại lâm sản có giá trị như song mây, bời lời, sa nhân …

Sản lượng gỗ Gia Lai là nguồn nguyên liệu cho chế biến gỗ, bột giấy với quy mô và chất lượng cao.

Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 280.000 ha đất trống, đồi núi trọc có khả năng trồng rừng lấy gỗ, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan du lịch, trồng các loại cây công nghiệp dài và ngắn ngày với quy mô lớn.

Lịch sử hình thành và phát triển

Trước đây Gia Lai là vùng rừng rậm hoang vu chỉ có đồng bào Thượng sắc tộc Gia Lai sinh sống. Gia Lai trước là đạo ở Tây Nguyên.

Gia Lai trước đây là tỉnh Gia Lai – Kontum. Năm 1991 được tách ra thành hai tỉnh Gia Lai và Kontum.

Văn hoá

Nói đến vùng đất Tây Nguyên là nói đến văn hoá cồng chiêng, nhà Rông, điêu khắc tượng gỗ, nhà mồ và các lễ hội… Bên cạnh đó là đàn Trưng, đàn Tưng-nưng, đàm Krông-pút. Những nhạc cụ truyền thống này gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào. Người Gia Lai hầu như hát múa từ tuổi nhi đồng cho đến khi già yếu, không còn đủ sức nữa, mới chịu đứng ngoài những cuộc nhảy múa nhân dịp lễ hội tổ chức trong làng hay trong gia đình.

Gia Lai là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, đa dạng về thành phần cư dân và nền văn hoá cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, Gia Lai vẫn duy trì một nền văn hoá đa dạng mang đậm bản sắc văn hoá Tây Nguyên bản địa .

Nói đến dân tộc Gia Rai phải kể đến những trường ca, truyện cổ nổi tiếng như "Đăm Di đi săn", "Xinh Nhã"...

Gia Lai còn có các tên gọi khác là Giơ-rai, Chơ rai, Tơ Buăn, Hơbau, Hdrung, Chor. Ngôn ngữ chủ yếu là Malayô – Pôlinêxia.

Người Gia Lai sống thành từng làng (plơi hay bôn). Làng được xem như một đơn vị hành chính mang tính bao quát và cụ thể chi phối mọi hoạt động trong đời sống xã hội. Mỗi làng mang tính độc lập riêng biệt do một chủ làng là người có uy tín nhất trong làng đứng đầu.

Dân tộc Gia Lai có truyền thống mẫu hệ, phụ nữ có quyền tự do chọn người yêu và chủ động việc hôn nhân. Đặc biệt con cái của người dân tộc Gia Lai đều theo họ mẹ. Khi con gái lấy chồng thì được phân chia tài sản và ra ở riêng, còn con trai thì không được thừa kế tài sản mà phải về nhà vợ.

Người Gia Lai có tập quán ở nhà sàn, cửa chính nhìn về hướng Bắc.

Dân tộc Gia Lai có trang phục rất độc đáo

Trang phục nữ:

Phụ nữ Gia Lai thường mặc áo ngắn, chui đầu, phổ biến là áo cổ hình thuyền, nền chàm áo được trang trí các sọc hoa văn theo bố cục ngang thân áo ở cổ, vai, ống tay, giữa ngực, gấu áo và hai cổ tay áo. Và váy thì thường là váy hở quần vào thân, phong cách trang trí cũng thiên về lối bố cục ngang với các đường sọc màu.

Người nữ ở Gia Lai thường để tóc dài búi sau gáy hoặc quấn gọn trên đỉnh đầu. Thường đeo các trang sức như vòng ở cổ, vòng tay hoặc khuyên tai.

Trang phục nam:

Đàn ông Gia Lai thường đóng khố, thường là loại vải trắng có kẻ sọc, ngày lễ thì họ mang khố màu chàm, khố này được trang trí hoa văn màu trắng, đỏ thành các đường viền ở mép khố. Áo thì họ thường mặc loại ngắn tay và có viền chỉ màu trắng bên sườn.

Họ thường đội khăn theo lối quấn nhiều vòng trên đầu rồi buông sang một bên tai, hoặc quấn gọn gẽ như khăn xếp người Kinh.

Kinh tế

Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng bậc nhất hiện nay của Gia Lai. Người dân Gia Lai sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt nương rẫy, lúa tẻ là cây lương thực chính. Ngành trồng trọt chính gồm có ngành trồng cây lương thực, cây công nghiệp hàng năm và lâu năm. Các cây công nghiệp chủ yếu bao gồm cà phê, cao su, chè, điều, tiêu, ...

Lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhằm khai thác thế mạnh về rừng và có quan hệ mật thiết với cuộc sống của cộng đồng các dân tộc ở Gia Lai. Ngành lâm nghiệp bao gồm các hoạt động như: trồng và nuôi rừng, khai thác gỗ và lâm sản, dịch vụ nông nghiệp.

Ngoài ra Gia Lai còn là tỉnh có tiềm năng về thuỷ năng rất lớn với các công trình thuỷ điện như: thuỷ điện Yaly, thuỷ điện Sê San 3…đây chính là những tiềm năng lớn để công nghiệp điện năng được coi là công nghiệp mũi nhọn của Gia Lai.

Giao thông

Giao thông Gia Lai khá thuận lợi không những về đường bộ mà còn cả đường hành không. Tỉnh có Quốc lộ 14 nối các tỉnh Đắk Lắk, Kontum thông đến Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt tuyến đường Hồ Chí Minh đã rút ngắn khoảng cách từ Gia Lai đến các trung tâm kinh tế chính trị lớn của cả nước. Tỉnh có Quốc lộ 19 xuống Quy NhơnBình Định, Quốc lộ 25 đến Tuy HoàPhú Yên. Đường hàng không nối Pleiku với Đà NẵngHà NộiPleikuthành phố Hồ Chí Minh.

Du lịch

Nói đến du lịch Tây Nguyên không ai không nghĩ đến rừng núi. Đến Gia Lai cũng không ngoại lệ về điều này. Du khách đặt chân đến Gia Lai có thể tham quan những khu rừng nguyên sinh với hệ thống động vật và thực vật phong phú, nhiều ghềnh thác, suối, hồ như thác Dakthoa, thác Phú Cường, thác Lồ Ô, thác Chín Tầng

Gia Lai có tiềm năng du lịch rất phong phú với rừng núi cao có nhiều cảnh quan tự nhiên cũng như nhân tạo. Đến Gia Lai du khách có thể tham quan cổng trời Mang Yang, đỉnh Hàm Rồng, lành rừng kháng chiến Stơ- quê hương anh hùng Núp, chiến thắng Đắk Pơ, khu di tích Biển Hồ, Tây Sơn Thượng Đạo, nhà sàn, nhà rông, nhà mồ và tham gia các lễ hội truyền thống như lễ hội đâm trâu, lúa mới, bỏ mả….Đặc biệt đến đây du khách sẽ cảm thấy sức mạnh của con người đi đứng bên cạnh sức mạnh thiên nhiên của núi rừng Gia Lai.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt