Sông Gianh
Địa chỉ hiện nay
Quảng Bình
Vị trí
Sông Gianh là một trong năm con sông lớn nhất ở Quảng Bình. Sông bắt nguồn từ núi Mụ Giạ ở Trường Sơn, dài hơn 150 km, chảy vắt ngang từ Tây sang Đông, được hội tụ từ bốn nguồn chính: nguồn Nậy, nguồn Trổ, nguồn Nan và nguồn Son, đổ ra biển ở cửa Gianh rộng 800m. Tên chữ là Linh Giang, gọi tắt sông Thọ Linh, tên nôm là Rào Nậy.
Sự kiện
Thế kỷ XV, đề cập đến đặc điểm thiên nhiên của vùng Thuận Hóa (tức Bình Trị Thiên ngày nay), Nguyễn Trãi nói đến Nam Hải và sông Linh Giang như một vùng đất chiến lược, có núi cao biển rộng, địa thế hiểm trở. Sông Gianh đã từng là biên giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành cho đến khi được sáp nhập vào Đại Việt từ thế kỷ XI. Sau đó, nối tiếp nhau các vương triều phong kiến Đại Việt thi hành chính sách di dân, đưa người Việt vào khai hoang lập ấp, sinh sống ở đó. Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh cũng chọn ngay sông Gianh làm ranh giới về mặt hành chính.
Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, sông Gianh là đầu mối của những mũi giao thông thủy bộ lợi hại: một ngả qua sông Son lên phà Xuân Sơn tiếp xúc với đường Trường Sơn, một ngả ra biển Đông theo con đường Hồ Chí Minh trên biển, một ngả đường bộ vào Nam theo quốc lộ 1A... cảng sông Gianh trở thành “tọa độ lửa” - trọng điểm địch tập trung bắn phá, còn với ta là nơi tập kết lực lượng, hàng hóa trước khi ra chiến trường, cần được bảo vệ bằng mọi giá.
Mảnh đất ven sông Gianh còn có tầng văn hóa lâu đời, mà một trong những biểu hiện của nó là các làng nghề truyền thống: làng nghề mộc, nghề rèn, nghề chạm, nghề đan lát, làm nón, đan lưới... Có thể tóm lại qua câu hát ví von sau:
Đồ đan Thọ Đơn
Hàng may Pháp Kệ
Hàng chiếu Thanh Sơn
Ngọa Cương làng gốm
Giấy bổn Diên Trường
Nón Kinh chợ Ngọa
Mắm cá Cảnh Dương
Hà Khương thao lụa
Thanh Lạng tre nứa
Dao búa Hòa Ninh
Bánh tráng Lộc Điền
Lệ Sơn ngô lạc
Hàng quạt Trung Thuần
Thuận Bài vải sợi
Trải qua thời gian, đến nay, có những nghề đã thất truyền, có những nghề còn tồn tại. Trong số những làng nghề còn tồn tại, có thể kể đến như: làng Thọ Đơn với nghề đan lát, Thuận Bài, Thổ Ngọa với nghề làm nón, Quảng Lộc với nghề đan lưới…