Sông Gành Hào
Địa chỉ hiện nay
huyện Đông Hải - tỉnh Bạc Liêu
Sông bắt nguồn từ thành phố Cà Mau, chảy qua địa phận thành phố Cà Mau, làm ranh giới tự nhiên giữa huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau và huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Đoạn sông đi qua thành phố Cà Mau còn gọi là sông Cà Mau. Sông đổ ra biển tại cửa Gành Hào, nằm giữa thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) và xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), dài khoảng 55km. Đoạn sông tại cửa Gành Hào sâu 19m và rộng 300m.
Sông Gành Hào thơ mộng, gắn bó bao đời với người dân Bạc Liêu - Cà Mau, đã đi vào thơ ca với những làn điệu “Xề u xế u liu phạn...” tha thiết lòng người. Ngày nay, dòng sông càng được nhiều người biết đến qua bài hát Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Đoạn sông Gành Hào chảy qua thành phố Cà Mau là đầu mối giao thông và giao lưu kinh tế giữa các dòng sông, kinh rạch, giữa các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Cà Mau. Có thể nói sông Gành Hào là nơi tập trung nhiều loại phương tiện giao thông đường thủy nhất của tỉnh Cà Mau. Mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện - nào là tàu đò, ca nô cao tốc, đò máy, đò chèo, ghe lườn... tấp nập ngược xuôi chở hành khách và hàng hoá đến với các địa phương và ngược lại từ các địa phương các phương tiện chở người và hàng hoá cùng hướng về sông Gành Hào để đến với thành phố Cà Mau.
Cửa sông Gành Hào ngày nay sầm uất, với một bên là thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu và một bên là xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Trước kia, xung quanh đây chỉ toàn là rừng đước, nhà dân thưa thớt, từ ngã ba Vàm Xáng đến cửa biển Gành Hào chỉ chừng vài chục hộ dân sinh sống. Thời đó, người ta gọi vùng Cửa sông Gành Hào là: “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Ngày nay, hai bên bờ sông, nhà cửa san sát, kinh tế phát triển.
- Ấp Lưu Hoà Thanh, xã Tân Thuận là địa phương nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống. Muối chỉ làm vào mùa nắng gắt, bắt đầu từ tháng 11 cho tới tháng 2, tháng 3 năm sau. Với 165 ha diện tích ruộng muối, năng suất 70 tấn/ha đã nuôi sống khoảng 65 hộ dân ven biển Gành Hào. Những vuông muối được cải tạo công phu, nền thật dẽ và lán bóng để đón luồng nước mặn từ biển đổ vào, rồi nhờ cái nắng chói chang của đất trời kết tạo nên những hạt muối trắng tinh. Chất mặn của muối - vị mặn của giọt mồ hôi làm cho cuộc sống con người trở nên đậm đà hơn.
- Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu, phát triển mạnh nhờ cảng cá Gành Hào - công trình có ý nghĩa nhiều mặt, tạo hiệu quả rất lớn cho các chủ thu mua và ngư dân khai thác biển. Tuy chưa thể so với cửa biển Sông Đốc, nhưng sự sầm uất ở Gành Hào cũng đã được khẳng định. Nhờ đó, Gành Hào sở hữu một lực lượng tàu thuyền khá hùng hậu, tạo nên sự sung túc cần có của một vùng cửa biển.
Như bao vùng cửa biển khác, ngư dân ở Gành Hào cũng tín ngưỡng thờ cá Ông. Lăng Ông Nam Hải ở Gành Hào hiện nay nằm gần đường vào thị trấn và đường ra đê biển. Tại miếu thờ hiện nay có tới 4 cốt (sọ đầu) cá Ông, 9 xương sườn và khoảng mười đốt xương sống. Theo lời những người sống lâu năm nơi đây, những bộ xương này chí ít cũng có khoảng 100 năm tuổi. Lễ hội nghinh Ông ở Gành Hào được tổ chức vào ngày 09 -10 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Sông Gành Hào ở thành phố Cà Mau thì luôn nhộn nhịp với chợ nổi trên sông. Chợ họp cả ngày lẫn đêm, nhưng chỉ có buổi sáng sớm là tấp nập và náo nhiệt nhất. Ghe chở hàng - chủ yếu là các loại trái cây từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tập trung đậu thành hàng dài trên sông, trên mỗi ghe đều cắm một cái cây treo lủng lẳng các loại rau củ, trái cây, nào là mận, xoài, nhãn, chôm chôm, khoai lang, bí rợ, bí đao, củ sắn, mít, ổi, sầu riêng... để giới thiệu với khách hàng. Hàng hoá trên ghe được bán vừa sỉ vừa lẻ, nhưng chủ yếu là bán sỉ giá cả rất rẻ, do vậy các chợ đầu mối thường đến lấy hàng để đem về bán lẻ ở các chợ. Tiếng mái chèo khua nước lao xao, tiếng máy đuôi tôm tì tạch, tiếng nói cười rộn rã, kẻ bán người mua nhộn nhịp cả một khúc sông tạo thành một âm thanh rất riêng của chợ nổi.
Hiện thành phố Cà Mau đã có cầu bắc qua sông Gành Hào trên quốc lộ 1A. Ngày 20-03-2009, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khởi công xây dựng công trình cầu Gành Hào mới. Theo Ban Quản lý dự án 1 (PMU1 - đơn vị quản lý dự án), cầu Gành Hào hoàn thành sẽ nối liền Cụm công nghiệp khí điện đạm Cà Mau, cảng Năm Căn... với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Dự án xây dựng cầu Gành Hào gồm hạng mục xây dựng cầu mới và hoàn chỉnh cầu cũ đang sử dụng. Cầu Gành Hào mới có tổng chiều dài 800 m, trong đó phần cầu chính dài 209 m, tải trọng 30 tấn. Điểm đầu dự án tại km2247+688 QL1A (đường Hùng Vương, phường 7), điểm cuối trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, thành phố Cà Mau. Cầu có sáu làn xe, mỗi làn rộng 3,5 m. Tổng mức đầu tư dự án 254,58 tỷ VNĐ từ nguồn vốn vay bổ sung của Ngân hàng Thế giới cho dự án WB3 và vốn đối ứng của Chính phủ. Công trình do liên danh Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 thi công. Dự kiến công trình hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2010.
Đoạn sông Gành Hào qua địa bàn thành phố Cà Mau đã bị ô nhiễm nặng trong những năm gần đây. Nước ở đây đã chuyển hoàn toàn sang màu đen. Cá tôm không còn sống được. Chỉ có những loại côn trùng không quá phụ thuộc nguồn nước mới có thể bám trụ lại đâu đó ven bờ. Người dân địa phương cho biết, sông Gành Hào ô nhiễm là do nước thải không qua xử lý của các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố Cà Mau đổ ra sông. Bên cạnh đó, rác sinh hoạt của người dân và rác thải từ chợ nổi cũng là nguyên nhân giết chết dòng sông thơ mộng này.