<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Thành phố Mỹ Tho

Tổng quan
 

Thành phố Mỹ Tho - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Tiền Giang, nằm ở bờ Bắc hạ lưu sông Tiền; Đông và Bắc giáp huyện Chợ Gạo; Tây giáp huyện Châu Thành; Nam giáp sông Tiền, ngăn cách với tỉnh Bến Tre. Về hành chánh, thành phố bao gồm 11 phường là: phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường 5, phường 6, phường 7, phường 8, phường 9, phường 10, phường Tân Long và 6 xã là: Phước Thạnh, Trung An, Thới Sơn, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong.

So với các thành phố trực thuộc tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, Mỹ Tho được xem là thành phố lâu đời nhất. Năm 2005, thành phố đã được công nhận là đô thị loại II trong phân cấp các đô thị Việt Nam theo Quyết định số 248/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố Mỹ Tho vừa là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - khoa học kỹ thuật của tỉnh Tiền Giang, vừa có vai trò tác động tích cực cho sự phát triển của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thành phố Mỹ Tho có sông Tiền và quốc lộ 1 A chạy qua, có quốc lộ 60 đi Bến Tre qua cầu Rạch Miễu, quốc lộ 50 đi Chợ Gạo - Gò Công - đến Long An và thành phố Hồ Chí Minh, có đường cao tốc dành riêng cho xe ô tô từ Trung Lương đi thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố cũng là đầu mối của hệ thống tỉnh lộ đi các huyện thị trong tỉnh như: tỉnh lộ 24 đi thị xã Gò Công, tỉnh lộ 28 chạy dọc sông Tiền lên Cai Lậy - Cái Bè. Từ thành phố Mỹ Tho có thể đi dễ dàng bằng đường thủy hay đường bộ lên thành phố Hồ Chí Minh hoặc xuống các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, hay sang thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia).

Du lịch
 

Mỹ Tho phát triển du lịch sinh thái vườn kết hợp với du lịch văn hoá thông qua các di tích lịch sử và các công trình kiến trúc như: chùa Bửu Lâm ở thôn Phú Hội (nay thuộc phường 3), chùa Thiên Phước ở thôn Mỹ Hoà (nay thuộc xã Mỹ Phong), Hội quán Toàn Bửu ở thôn Mỹ Chánh (nay là chùa Ông, phường 8), chùa Vĩnh Tràng, cù lao Thới Sơn.... Vùng đất này còn được xem là một trong những nơi mà nghệ thuật cải lương ra đời sớm nhất, như: ban nhạc “ca ra bộ” của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều), gánh hát thầy Năm Tú, gánh hát Nam Đồng Ban, gánh hát Tái Đồng Ban và gánh Đồng Bào Nam..v..v. Mỹ Tho là quê hương của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như: Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), Năm Phỉ (Lê Thị Phỉ), Bảy Nam (Lê Thị Nam), Phùng Há (Trương Phụng Hảo)… Đồng thời, Mỹ Tho cũng là quê hương của họa sĩ tài danh Nguyễn Sáng.

Mỹ Tho có đặc sản nổi tiếng là hủ tiếu. Hủ tiếu là món ăn quen thuộc của người Hoa, du nhập vào đất Mỹ Tho từ hàng trăm năm nay. Nhưng được "Mỹ Tho hoá" theo cách riêng, trở thành món ăn ngon có tiếng của địa phương, không giống như hủ tiếu Tàu hay hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu Mỹ Tho làm bằng bánh bột gạo chan nước súp (nấu bằng xương hầm, khô mực nướng, tôm khô cùng một số gia vị đặc trưng); bên trên mặt bày miếng sườn non, con tôm bổ đôi cùng với thịt và lòng, ăn với nước tương và giá. Theo những người sành ăn, hủ tiếu Mỹ Tho ngon nhất thường được làm bằng gạo Gò Cát (thuộc xã Mỹ Phong - ngoại thành Mỹ Tho) trong và chắc hạt nên cọng bánh hơi dai và ngọt rất đặc trưng.

Lịch sử hình thành và phát triển
 

Thành phố Mỹ Tho có lịch sử hình thành khá sớm. Từ năm 1623, một bộ phận người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn kênh Bảo Định (phường 2, 3, 8 và xã Mỹ Phong, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh hiện nay). Người Việt đến đây chủ yếu sống bằng nghề nông và buôn bán. Năm 1679, một nhóm người Hoa do Dương Ngạn Địch dẫn đầu sang thần phục chúa Nguyễn, được chúa Nguyễn cho phép xuôi về hạ lưu sông Tiền lập nên Mỹ Tho đại phố. Sau đó, người Việt cũng di dân vào và lập ra rất nhiều làng xã xung quanh khu vực Mỹ Tho.

Mỹ Tho đại phố nằm dọc theo nhánh bên trái của rạch Mỹ Tho; bắt đầu từ bến Tắm Ngựa ở chỗ giao nhau giữa rạch Mỹ Tho với sông Tiền (nay thuộc phường 2, thành phố Mỹ Tho), chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức khoảng 4 km (nay thuộc phường 2 và phường 8, thành phố Mỹ Tho), cho đến cầu Vỹ, Gò Cát (nay thuộc xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho). Cuối thế kỷ XVII, Mỹ Tho đại phố là một trong những đầu mối giao thương giữa người Việt, người Hoa, Khmer, Ấn Độ và các quốc gia lân cận. Hàng ngày, ghe thuyền từ khắp nơi tụ về đậu kín, khung cảnh buôn bán phồn vinh tấp nập.

Năm 1731, Mỹ Tho thuộc đạo Trường Đồn, đến năm 1779 Nguyễn Ánh nâng đạo Trường Đồn thành dinh Trường Đồn. Năm 1781, dinh Trường Đồn lại đổi tên thành dinh Trấn Định, trụ sở đóng tại giồng Kiến Định (Tân Hiệp, huyện Châu Thành ngày nay). Mỹ Tho lúc này là trung tâm buôn bán. Đến năm Nhâm Tý (1792), Mỹ Tho trở thành trung tâm kinh tế thương mại sầm uất, chúa Nguyễn cho dời lỵ sở dinh Trấn Định về chợ Mỹ Tho thuộc thôn Mỹ Chánh (khu vực Chợ Cũ thuộc phường 2, 3 và 8 ngày nay) và cho xây dựng thành Trấn Định tại đây. Từ đây, Mỹ Tho trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, thương mại của dinh Trấn Định.

Thời Gia Long, Mỹ Tho là lỵ sở của trấn Định Tường. Năm 1826, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở trấn Định Tường sang phía Tây kênh Bảo Định thuộc hai thôn Điều Hoà và Bình Tạo của huyện Kiến Hưng (nay thuộc các phường 1, 4 và 7). Năm 1832, Mỹ Tho là lỵ sở của tỉnh Định Tường. Thời Pháp, tỉnh Định Tường được chia thành hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, khu vực Mỹ Tho đại phố được xem là tỉnh lỵ của tỉnh Mỹ Tho. Ngày 01-01-1939, Pháp thành lập thị xã hỗn hợp Mỹ Tho, thuộc tỉnh Mỹ Tho, đặt dưới quyền một viên Thị trưởng do quan Chủ tỉnh kiêm nhiệm. Sau năm 1956, chính quyền Sài Gòn giải thể thị xã Mỹ Tho, nhập địa bàn vào xã Điều Hoà, quận Châu Thành, tỉnh Định Tường. Ngày 30-09-1970, chính quyền Sài Gòn lập thị xã Mỹ Tho, tỉnh lỵ tỉnh Định Tường. Sau 30-04-1975, thị xã Mỹ Tho trở thành thành phố Mỹ Tho, tỉnh lỵ tỉnh Tiền Giang, gồm 8 phường có tên gọi từ 1 đến 8 và 5 xã: Trung An, Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, Tân Long.

Ngày 09-12-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 154/2003/NĐ-CP, về việc thành lập phường, xã thuộc thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Cônghuyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Theo đó, thành lập phường Tân Long thuộc thành phố Mỹ Tho trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Long; thành lập phường 9 thuộc thành phố Mỹ Tho trên cơ sở 274 ha diện tích tự nhiên và 9.270 nhân khẩu của xã Tân Mỹ Chánh; thành lập phường 10 thuộc thành phố Mỹ Tho trên cơ sở 69,32 ha diện tích tự nhiên và 3.323 nhân khẩu của xã Đạo Thạnh, 197,26 ha diện tích tự nhiên và 6.964 nhân khẩu của xã Trung An.

Ngày 26-09-2009, Thủ tướng Việt Nam ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, để mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho; điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Nội dung cụ thể như sau:

- Mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho trên cơ sở điều chỉnh 2.585,77 ha diện tích tự nhiên và 24.440 nhân khẩu của huyện Châu Thành (bao gồm toàn bộ 1.211,64 ha diện tích tự nhiên và 5.505 nhân khẩu của xã Thới Sơn; 329,90 ha diện tích tự nhiên và 4.174 nhân khẩu của xã Long An; 177,69 ha diện tích tự nhiên và 1.754 nhân khẩu của xã Thạnh Phú; 510,01 ha diện tích tự nhiên và 6.177 nhân khẩu của xã Phước Thạnh; 356,53 ha diện tích tự nhiên và 6.830 nhân khẩu của xã Bình Đức) và 709,51 ha diện tích tự nhiên và 6.917 nhân khẩu của huyện Chợ Gạo (bao gồm 502,33 ha diện tích tự nhiên và 4.986 nhân khẩu của xã Lương Hoà Lạc; 207,18 ha diện tích tự nhiên và 1.931 nhân khẩu của xã Song Bình) về thành phố Mỹ Tho quản lý.

- Thành lập xã Phước Thạnh thuộc thành phố Mỹ Tho trên cơ sở điều chỉnh 329,90 ha diện tích tự nhiên và 4.174 nhân khẩu của xã Long An; 177,69 ha diện tích tự nhiên và 1.754 nhân khẩu của xã Thạnh Phú; 510,01 ha diện tích tự nhiên và 6.177 nhân khẩu của xã Phước Thạnh (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Phước Thạnh thuộc huyện Châu Thành điều chỉnh về thành phố Mỹ Tho).

- Điều chỉnh 356,53 ha diện tích tự nhiên và 6.830 nhân khẩu của xã Bình Đức (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu điều chỉnh về thành phố Mỹ Tho) về xã Trung An thuộc thành phố Mỹ Tho quản lý.

- Điều chỉnh 502,33 ha diện tích tự nhiên và 4.986 nhân khẩu của xã Lương Hòa Lạc (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu điều chỉnh về thành phố Mỹ Tho) về xã Đạo Thạnh thuộc thành phố Mỹ Tho quản lý.

- Điều chỉnh 207,18 ha diện tích tự nhiên và 1.931 nhân khẩu của xã Song Bình (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu điều chỉnh về thành phố Mỹ Tho) về xã Tân Mỹ Chánh thuộc thành phố Mỹ Tho quản lý.

Sau khi điều chỉnh, thành phố Mỹ Tho có 8.154,08 ha diện tích tự nhiên và 204.142 nhân khẩu, có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, phường Tân Long và các xã: Tân Mỹ Chánh, Đạo Thạnh, Trung An, Mỹ Phong, Phước Thạnh, Thới Sơn.

Kinh tế
 

Thành phố Mỹ Tho là trung tâm giao lưu kinh tế lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, cơ cấu kinh tế của thành phố vào năm 2003 bao gồm: Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp - Tiểu thủ công, Nông - ngư nghiệp. Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế thành phố, vài năm trở lại đây, cùng với sự mở mang đô thị, mức độ xây dựng tăng nhanh; việc đầu tư mới và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhất là các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Mỹ Tho, Cụm Công nghiệp Trung An và cả ở bên ngoài, cộng với cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước nên giá trị sản xuất công nghiệp vươn lên với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm cao, làm cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng: Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại - Dịch vụ, Nông - Ngư nghiệp.

Năm 2007 tốc độ tăng trưởng GDP của toàn thành phố là 32.8%, thu nhập bình quân đầu người đại 20,881 triệu đồng - cao nhất của toàn tỉnh. Năm 2008, kinh tế thành phố tăng trưởng ở mức cao 27,03%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 33,53%, tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 29,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 55,45%, các khu vực kinh tế đều tăng cao so với năm 2007, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá cao (trên 70%), vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện trên 81%.

Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp

Theo thông tin từ Website thành phố, năm 2003, trên địa bàn Mỹ tho có 988 đơn vị sản xuất, bao gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và kinh tế cá thể; thu hút khoảng 6.840 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 237 tỷ VNĐ. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm chiếm 60% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố.

Cũng theo thông tin từ Website thành phố, tính đến ngày 31-12-2007, trên địa bàn thành phố Mỹ Tho có 937 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó nhiều nhất là khu vực cá thể (870 cơ sở, tỷ lệ 92,8%). Năm 2007, các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nầy thực hiện giá trị sản xuất là 2.416 tỷ đồng, tăng 66,9% so năm 2006.

Trong thời gian tới, Mỹ Tho vẫn còn điều kiện để mời gọi phát triển sản xuất công nghiệp. Thành phố vẫn còn tiềm năng để triển khai Cụm công nghiệp thủy sản và dịch vụ nghề cá, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế Khu Công nghiệp Mỹ Tho, Cụm Công nghiệp Trung An, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Tân Mỹ Chánh.

Thương mại - Dịch vụ

Thành phố Mỹ Tho là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Tiền Giang. Hệ thống thương nghiệp của Mỹ Tho bao gồm các chợ, phố thương mại, các đại lý, vựa trái cây, vựa hàng bông, các bến bãi, các cửa hàng ăn uống và các cơ sở dịch vụ. Theo thông tin từ Website thành phố, năm 2007, Mỹ Tho có 17 chợ gồm 01 chợ trung tâm, 16 chợ ở các phường, xã, kinh doanh hầu hết các mặt hàng phục vụ đời sống và sản xuất. Trong tương lai, Mỹ Tho sẽ xây dựng thêm một số chợ và liên kết các đơn vị bạn xây dựng một số siêu thị để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Doanh thu Thương mại - Dịch vụ năm 2003 của thành phố đạt 3.873 tỷ VNĐ. Trong cơ cấu doanh thu toàn ngành thương mại dịch vụ - du lịch của thành phố năm 2009, thương nghiệp chiếm 65%, khách sạn nhà hàng chiếm 18%, dịch vụ chiếm 17%.

Nông - Ngư nghiệp

Năm 2003, tổng diện tích đất nông nghiệp thành phố Mỹ Tho là 3.015 ha; trong đó vườn cây ăn trái 2.243 ha với các loại cây có múi, nhãn các loại; đất trồng cây hàng năm 772 ha với lúa, hoa màu, hoa kiểng. Trong tương lai, nông nghiệp Mỹ Tho sẽ chuyển sang nông nghiệp sinh thái phục vụ du lịch, phát triển vành đai thực phẩm với rau, trái an toàn, chất lượng cao, phát triển sinh vật cảnh, hoa tươi....

Năm 2003, thành phố có 44 bè nuôi cá trên sông, 362 tàu đánh bắt thủy sản, chiếm 35,57% số tàu toàn tỉnh; tổng công suất 83.545 CV, chiếm 65,4% so toàn tỉnh, sản lượng 36.000 tấn/năm. Theo thông tin Website thành phố ngày 12-02-2010, Mỹ Tho có 346 phương tiện đánh bắt xa bờ với tổng công suất gần 100.000 CV. Năm 2009, các phương tiện này khai thác được 38.715 tấn cá các loại, đạt chỉ tiêu kế hoạch đưa ra hồi đầu năm. Tuy đạt được chỉ tiêu về sản lượng, nhưng tình hình khai thác trên biển gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2008. Năm 2010, thành phố đưa ra chỉ tiêu khai thác thủy hải sản là 50.550 tấn, tăng hơn 2009 khoảng 18,30%.

Xã hội
 

Giáo dục

Đầu năm 2010, thành phố đã thực hiện được chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục (PCGD) trung học cơ sở (THCS) tại 17 phường xã. Tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS nhiều năm liền đạt từ 97% trở lên, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, tỷ lệ học sinh được công nhận có tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 đạt từ 98% trở lên. Bên cạnh đó, ngành giáo dục của thành phố vẫn gặp phải không ít khó khăn như: tỷ lệ bình quân diện tích trường lớp trên đầu học sinh hiện nay ở thành phố là 3,7 m2/học sinh, thấp hơn nhiều so với quy định 6 - 10 m2/học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; toàn thành phố hiện chỉ có 10/33 trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc phổ thông.

Y tế

Theo thông tin từ Website thành phố, sau 5 năm thực hiện đề án 10 chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2004 - 2008, 15/15 phường, xã của thành phố đã đạt 10 chuẩn quốc gia về y tế, chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở được nâng lên, đảm bảo yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đến cuối năm 2008, thành phố Mỹ Tho có 100% phường, xã có trạm y tế hoạt động; 100% khu phố, ấp có cán bộ y tế; 60% trạm y tế có bác sĩ phụ trách; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh trung học hoặc y sĩ sản nhi; trên 93% trạm y tế có y sĩ y học cổ truyền hoặc lương y phụ trách phòng chẩn trị….Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đào tạo cán bộ y tế cho tuyến phường, xã…qua đó cơ bản đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt