<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Thành phố Long Xuyên

Thành phố Long Xuyên - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Thành phố Long Xuyên là tỉnh lỵ, trung tâm, kinh tế, chính trị, văn hoá và khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang. Thành phố nằm bên bờ sông Hậu; Tây Bắc giáp huyện Châu Thành, đường ranh giới dài 12,446 km; Đông Bắc tiếp giáp với huyện Chợ Mới; Tây giáp huyện Thoại Sơn với chiều dài đường ranh giới là 10,054 km; Nam giáp huyện Thốt Nốt của thành phố Cần Thơ.

Về đơn vị hành chính, thành phố hiện bao gồm 11 phường là: Mỹ Long, Mỹ Bình, Mỹ Xuyên, Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Phước, Mỹ Qúy, Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh, Đông Xuyên và 2 xã là Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh.

Long Xuyên là đô thị sầm uất thứ hai tại miền Tây Nam Bộ chỉ sau thành phố Cần Thơ. Đây là nơi sinh của hai chính trị gia nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam hiện đại: ông Nguyễn Ngọc Thơ - cựu Phó Tổng thống của nền Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa (trước 30-04-1975) và ông Tôn Đức Thắng - cựu Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Long Xuyên là một thành phố trẻ và được xem là động lực phát triển kinh tế của tỉnh An Giang cũng như vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế của thành phố là Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp - Xây dựng và Nông nghiệp. Thành phố có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Cù lao Ông Hổ trên sông Hậuchợ nổi Long Xuyên là hai địa danh được nhiều người biết đến.

Long Xuyên từng nổi tiếng khắp vùng sông nước miền Tây qua điệu hò:

Hò ơ... Long Xuyên nước ngọt gió hiền
Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang
Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang,
Tiếng rao lảnh lót nhịp nhàng chèo khua......

Du lịch
 

Tuy không nổi tiếng bằng thị xã Châu Đốc, nhưng thành phố Long Xuyên cũng có những thế mạnh riêng thu thút du khách. Long Xuyên có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là: Khu di tích Tôn Đức Thắng, đình Mỹ Phướcchùa Ông Bắc, cùng những thắng cảnh khác như: cù lao Ông Hổ, hồ Nguyễn Du, công viên Mỹ Phước.

Từ Long Xuyên, có các tour du lịch tới đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Hà Tiên. Có hai ngã đi Hà Tiên.

- Ngã Rạch Giá: theo kênh Rạch Giá - Long Xuyên hoặc theo quốc lộ 80 qua thành phố Cần Thơ đến thành phố Rạch Giá.

- Ngã Châu Đốc theo đường bộ song song với kênh Vĩnh Tế dọc biên giới Việt - Campuchia qua vùng của khẩu Tịnh Biên, Tri Tôn, bến phà Hà Giang, thẳng tới Hà Tiên.

Ngoài các di tích thắng cảnh, đến Long Xuyên, du khách đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức một đặc sản dân dã nhưng rất hấp dẫn, đó là bún cá Long Xuyên. Để có được tô bún cá đậm chất Long Xuyên, người chế biến phải tiến hành nhiều công đoạn. Đầu tiên, phải chọn cá lóc tự nhiên (không phải cá nuôi), đem nấu nước lèo. Khi cá chín vớt ra, đầu cá để riêng còn thịt cá được tách ra từng miếng, lọc hết xương, xào sơ qua với nghệ để khử mùi tanh. Tô bún dọn ra trông rất bắt mắt với màu vàng ươm của miếng cá lóc đồng và màu xanh của rau muống, rau nhút. Bên cạnh tô bún là một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn. Thưởng thức món bún cá Long Xuyên ngon miệng nhất là lúc trời gần tối, trời mát bụng đói. Ở thành phố Long Xuyên, có nhiều nơi bán món bún cá, nhưng tập trung nhất là dọc theo đường Lê Lợi. Ở đây, vào khoảng 12 giờ hàng ngày là quán bún đã được dọn ra bán đến gần 21 giờ tối.

Cảnh quan thành phố Long Xuyên
 

Trên cầu Hoàng Diệu - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Không giống như các thành phố khác ở Việt Nam, thành phố Long Xuyên có cảnh quan khá đặc biệt. Rạch Long Xuyên chia đôi thành phố với những chiếc cầu bê tông bắc qua. Khu hành chánh bên kia cầu Hoàng Diệu với tòa hành chánh tỉnh, tòa án, bưu điện, ngân hàng, sở giáo dục, trường học, bệnh viện và nhiều sở khác tạo thành một vùng yên tĩnh. Bên này cầu Hoàng Diệu là khu thương mại, chợ búa, phố xá, khách sạn, rạp hát, bến đò, bến xe tấp nập, ngược xuôi... Đường phố Long Xuyên khang trang với những dãy phố chạy dài cùng một lối kiến trúc giống hệt như nhau, không cao, không thấp, không trồi, không sụt, rất gọn gàng, ngăn nắp.

Quảng trường Trưng Vương rộng lớn với những gốc trúc đào, những cây dương, những cánh hoa mười giờ màu tím than, những cây tùng xanh biếc quanh năm. Cầu Hoàng Diệu mà tên gọi thời Pháp thuộc là Henrie Rivière, bắc ngang rạch Long Xuyên như một điểm nhấn của thành phố. Hai dãy trụ đèn cao gần bằng những chiếc cột nhà ngói cổ dọc hai bên thành cầu, đêm đêm sáng rực ánh đèn. Cầu Duy Tân được xây dựng sau này, song song với cầu Hoàng Diệu, nối liền bến chợ với bệnh viện Long Xuyên.

Hàng cây trứng sấu to lớn trở thành những cây cổ thụ trên đường Đinh Tiên Hoàng phía bên kia cầu Hoàng Diệu chạy ngang qua khu học đường thật bệ vệ trang nghiêm. Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu mơ màng bên những hàng dương liễu thướt tha chung quanh, có lẽ là ngôi trường nổi tiếng nhất Long Xuyên. Trường này từng có nhiều vị giáo sư danh tiếng về dạy. Học giả Nguyễn Hiến Lê, ngày xưa cũng dạy nơi đây ba niên học. Phía trước trường, gần cổng chánh, có ngôi miếu tiên sư thật trang nghiêm để thờ phượng các vị giáo sư của trường quá cố, như một nét văn hóa thật đẹp và cao qúy của trường.

Hồ Nguyễn Du nằm ở đường Lê Lợi, hai bên hồ là những giàn bông giấy, những cánh hoa trúc đào, những hàng phượng vĩ đứng soi mình lướt thướt. Thầy giáo Nguyễn Hiến Lê cứ mỗi lần đến đây đều có cảm tưởng như đang hưởng cái thú "giang thượng chi thanh phong" của Tô Đông Pha vậy. Nhìn về phía sông Hậu, cồn Mỹ Hoà Hưng hiện lên xanh mướt với những vườn cây ăn trái sum suê, trĩu nhánh.

Lịch sử
 

Nhà thờ Chánh Toà thành phố Long Xuyên - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Tiền thân của thành phố Long Xuyên là thủ Đông Xuyên - một đồn nhỏ bên vàm sông Tam Khê (tức rạch Long Xuyên) - được thành lập năm 1789.  Năm 1832, vua Minh Mạng lập tỉnh An Giang, địa bàn thành phố Long Xuyên ngày nay thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang thời ấy.

Năm 1876, Pháp thành lập hạt Long Xuyên, chợ Đông Xuyên cũng được ra đời ở thôn Mỹ Phước, trung tâm hành chính được thành lập ở thôn Bình Đức. Năm 1917, toàn bộ vùng đất của thành phố Long Xuyên ngày nay nằm trên hai xã là: xã Bình Đức, tổng Định Thành và xã Mỹ Phước, tổng Định Phước, thuộc quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Cuối năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm sáp nhập hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên thành tỉnh An Giang. Địa bàn Long Xuyên ngày nay tương ứng với các xã Bình Đức, Mỹ Hoà Hưng, Phước Đức - tổng Định Thành và các xã Mỹ Phước, Mỹ Thới - tổng Định Phước của quận Châu Thành, tỉnh An Giang. Vùng đất Long Xuyên cũng được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh An Giang mới thay cho Châu Đốc trước đó.

Về phía chính quyền Cách mạng, năm 1945, địa bàn Long Xuyên ngày nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Năm 1947, thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Năm 1950, thuộc tỉnh Long Châu Hà. Năm 1956, thuộc tỉnh An Giang. Năm 1957, tách một phần đất của huyện Châu Thành thành lập thị xã Long Xuyên. Năm 1974, thị xã Long Xuyên thuộc tỉnh Long Châu Hà. Sau ngày giải phóng, Long Xuyên trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh An Giang, gồm các xã: Bình Đức, Mỹ Bình, Phước Mỹ và Mỹ Phước. Năm 1977, tách xã Mỹ Thới của huyện Châu Thành nhập vào thị xã Long Xuyên. Đến thời điểm này, thị xã Long Xuyên bao gồm 4 phường: Bình Đức, Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Phước và 2 xã là: Mỹ Hoà, Mỹ Thới. Năm 1979, tiếp tục sáp nhập thêm xã Mỹ Hoà Hưng của huyện Châu Thành. Năm 1984, thành lập thêm phường Mỹ Xuyên và hai xã Mỹ Khánh, Mỹ Thạnh. Ngày 01-03-1999, thị xã Long Xuyên được nâng lên cấp thành phố. Ngày 02-08-1999, thành lập thêm hai phường Bình Khánh, Mỹ Quý và chuyển các xã Mỹ Thới, Mỹ Thạnh lên thành phường. Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2005/NĐ-CP thành lập phường Đông Xuyên trên cơ sở 89 ha diện tích tự nhiên và 10.149 nhân khẩu của phường Mỹ Xuyên, thành lập phường Mỹ Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Mỹ Hoà.

Kinh tế
 

Là một thành phố trẻ ở đồng bằng sông Cửu Long, Long Xuyên không chỉ là trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh mà còn là trọng điểm kinh tế của vùng. Cơ cấu kinh tế của thành phố hiện nay là: Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp - Xây dựng và Nông nghiệp. Theo thống kê của tỉnh 9 tháng đầu năm 2007, GDP của thành phố tăng trưởng 15,67%, trong đó Thương mại - Dịch vụ 16%; Công nghiệp- Xây dựng 16,45% và Nông nghiệp 2,5%; GDP bình quân đầu người 23 triệu đồng.

Năm 2007, tỷ trọng Thương mại - Dịch vụ chiếm hơn 69% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Hoạt động thương mại của thành phố chủ yếu là mua bán lúa gạo, và xuất khẩu thủy sản. Thành phố đã có hướng phát triển 4 trung tâm thương mại và siêu thị rộng 74.000m2, gồm: Trung tâm thương mại Mỹ Xuyên 20.000 m2, Trung tâm thương mại Mỹ Bình 50.000 m2, siêu thị Sao Mai 2.000 m2 và siêu thị Mỹ Khánh 2.000 m2. Bên cạnh đó, thành phố cũng có kế hoạch đầu tư nâng cấp các chợ ngoại ô (Mỹ Phước, Mỹ Thạnh, Mỹ Khánh, Mỹ Hòa, Mỹ Hòa Hưng, Bình Đức); xây dựng mới 2 chợ Đông Xuyên và Tây Huề.

Năm 2007, ngành Công nghiệp - Xây dựng của thành phố Long Xuyên đạt giá trị sản xuất 3.133,642 tỷ đồng, tăng 19,3% so năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 2.820,277 tỷ đồng, tăng 19,8% so cùng kỳ; khu vực cá thể đạt 313 tỷ 365 triệu đồng, tăng 16,7%. Có 110 cơ sở mới thành lập, tổng vốn đầu tư ban đầu 3 tỷ 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 500 lao động. Số cơ sở mới này tập trung vào các ngành nghề: sản xuất cửa sắt, khung tiền chế, hàn tiện, đóng bàn ghế, vật liệu xây dựng, may mặc, gia công cửa tủ nhôm…

Thế mạnh Nông nghiệp của thành phố là sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản. Năm 2008, tổng diện tích gieo trồng của thành phố đạt trên 11.500 ha, riêng diện tích nuôi thủy sản gồm 230 ha và 527 bè cá các loại. Năm 2009, thành phố Long Xuyên tập trung thực hiện 4 vùng sản xuất theo quy hoạch, gồm: vùng sản xuất lúa giống 348 ha; vùng sản xuất lúa đặc sản 700 ha ở Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Quý, Mỹ Hòa, Mỹ Khánh; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa Hưng và vùng sản xuất rau an toàn.

Xã hội
 

Giáo dục

Thành phố Long Xuyên là trung tâm giáo dục quan trọng của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Ngành giáo dục của thành phố không ngừng phát triển qua từng thời kỳ lịch sử. Năm 2003, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi. Nhiều trường học được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, khang trang như: Phổ thông trung học Thoại Ngọc Hầu, Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Tiểu học Châu Văn Liêm, Mẫu giáo Hướng Dương.....Đại học An Giang được thành lập tháng 12-1995 tại số 25 Võ Thị Sáu, là trường Đại học lớn thứ 2 ở đồng bằng Sông Cửu Long, sau Đại học Cần Thơ.

Y tế

Thành phố Long Xuyên là trung tâm y tế của tỉnh An Giang, nơi tập trung hầu như tất cả các cơ quan y tế quan trọng hàng đầu của tỉnh. Ngoài các cơ sở y tế trực thuộc tỉnh, thành phố còn có một bệnh viện đa khoa riêng ở số 9 Hải Thượng Lãn Ông. Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã được thành phố thực hiện có hiệu quả. Năm 2008, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 79,4% so với năm 2007, không có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Thành phố đã tổ chức khám chữa bệnh cho 784.054 lượt người, tăng 104.412 lượt so với cùng kỳ năm trước.

Hướng phát triển
 

Khu hành chính tỉnh - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Thành phố Long Xuyên đang phấn đấu để trở thành đô thị loại 2. Thành phố đã và đang triển khai nhiều dựa án chỉnh trang và phát triển đô thị quan trọng. Năm 2008, thành phố đầu tư 79 công trình xây dựng phát triển kinh tế- xã hội, tập trung trên các lĩnh vực:

- Tạo nguồn qũy đất sạch thu hút đầu tư: khu đô thị Tây sông Hậu, khu dân cư Tây Đại học An Giang (Khu dân cư Đông Thịnh 5), khu dân cư Xẻo Trôm 3, khu dân cư Hòa Thạnh 1....Trong đó, nổi bật nhất là dự án khu đô thị Tây Sông Hậu (phường Mỹ Phước), với tổng diện tích mặt bằng 64,93 ha.

- Hoàn chỉnh, mở rộng hệ thống giao thông: tập trung mở rộng hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố, phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 91, tỉnh lộ 943, tạo hệ thống đường song song nhằm giải tỏa những bức xúc trong phát triển giao thông thành phố. Những dự án trọng điểm là: nâng cấp đường Phạm Cự Lượng, Ung Văn Khiêm tạo trục (Phạm Cự Lượng - Ung Văn Khiêm - đường số 1 - cầu Tôn Đức Thắng; mở rộng tuyến 943; di dời bến xe Long Xuyên, theo đó bến xe Long Xuyên cũ sẽ được trao cho nhà đầu tư Metro hình thành siêu thị, bến xe mới sẽ hình thành tại vị trí giao thông thuận tiện nhất.

- Tập trung xây dựng bờ kè chống sạt lở: đây là công trình tầm cỡ nhất của thành phố hiện nay. Bờ kè không chỉ có tác dụng giữ đất giữ bờ mà còn góp phần làm đẹp cho thành phố. Kinh phí xây dựng bờ kè được trích từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc, tương đương 960 tỷ đồng.

Năm 2009, thành phố Long Xuyên có kế hoạch thực hiện 117 công trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, với tổng vốn đầu tư trên 312 tỷ đồng, thành phố sẽ tập trung đầu tư có trọng điểm, hoàn tất từng công trình để phát huy ngay hiệu quả đầu tư, ưu tiên triển khai thực hiện các công trình: Khu hành chính thành phố, đường Phạm Cự Lượng, Ung Văn Khiêm, đường trục Đông Thạnh, khu dân cư Xẻo Trôm 5, Hòa Thạnh giai đoạn 2… Đồng thời, xúc tiến kêu gọi đầu tư khu tiểu thủ công nghiệp Tây Huề, rạp hát An Giang, Trường mẫu giáo Mỹ Xuyên…


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt