Thành phố Cà Mau
Địa chỉ hiện nay
tỉnh Cà Mau
Dân số
204.895 người (06-2009)
Mật độ
818 người/km2 (06-2009)
Thành phố Cà Mau là tỉnh lỵ của tỉnh Cà Mau, Đông giáp tỉnh Bạc Liêu; Tây giáp huyện Cái Nước và huyện Trần Văn Thời; Nam giáp huyện Đầm Dơi; Bắc giáp huyện Thới Bình. Thời Việt Nam Cộng Hoà, đây là quận Quảng Long, tỉnh lỵ của tỉnh An Xuyên. Sau năm 1976, đây là thị xã Cà Mau, tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải. Năm 1996, thị xã Cà Mau là tỉnh lỵ tỉnh Cà Mau. Năm 1999, thị xã Cà Mau được nâng lên thành thành phố Cà Mau.
Với vị trí nằm trên trục quốc lộ 1A từ Cần Thơ đi Năm Căn, quốc lộ 63 đi Rạch Giá; có các sông Gành Hào, Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Cà Mau - Bạc Liêu chảy qua, lại tiếp giáp với hầu hết các huyện của tỉnh; có sân bay Cà Mau, đồng thời là đầu mối các tuyến du lịch, nên thành phố Cà Mau có điều kiện rất thuận lợi giao lưu bằng cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không với các đô thị, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
|
Quãng trường trung tâm thành phố Cà Mau - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Thành phố Cà Mau là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật và là đầu mối giao thông, giao lưu của tỉnh; là trung tâm công nghiệp lớn; trong đó khu công nghiệp khí điện đạm có vị trí quan trọng của vùng. Thành phố là nơi hội tụ của cư dân người Việt, người Hoa, người Khmer với những nét văn hoá đặc trưng tiêu biểu. Trong lòng thành phố có nhiều di tích và thắng cảnh đẹp, đặc biệt có làng nghề dệt chiếu Tân Thành từng nổi tiếng một thời với thương hiệu "chiếu Cà Mau". Đến thành phố Cà Mau có thể tham quan các di tích danh thắng sau:
- Đình Tân Hưng
- Chùa Monivongsa Bopharam
- Chùa Quan Âm
- Chùa Bà Thiên Hậu
- Sân chim Cà Mau
- Công viên Tràm Chim
Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thành phố Cà Mau được mở mang cách đây 300 năm. Vào thế kỷ XVII, một số lưu dân người Việt đã đến vùng đất này lập nghiệp, dựng thành một xã với tên gọi “xã Cà Mau”. Đến năm 1808, dưới thời Gia Long, Minh Mạng, xã Cà Mau được nâng lên thành huyện Long Xuyên thuộc trấn Hà Tiên.
Thời Pháp thuộc, địa bàn thành phố Cà Mau cũng như tỉnh Cà Mau ngày nay thuộc hạt Rạch Giá. Năm 1903, địa bàn thành phố Cà Mau ngày nay thuộc tổng Quảng Long, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1956, Quảng Long là tỉnh lỵ của tỉnh An Xuyên. Năm 1976, quận Quảng Long đổi thành thị xã Cà Mau, tỉnh Minh Hải. Đầu năm 1997, tỉnh Minh Hải tách thành tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, thị xã Cà Mau trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Cà Mau.
Ngày 14-04-1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 21/1999/NĐ-CP, về việc thành lập thành phố Cà Mau, thuộc tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập thành phố Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Cà Mau. Thành phố Cà Mau có 24.580,33 ha diện tích tự nhiên và 176.848 nhân khẩu, gồm 15 đơn vị hành chính cơ sở là các phường: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và các xã: An Xuyên, Tân Thành, Tắc Vân, Định Bình, Hoà Thành, Lý Văn Lâm và Hoà Tân.
Ngày 04-06-2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã; thành lập xã, phường, thị trấn thuộc huyện U Minh, huyện Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập phường Tân Xuyên trên cơ sở điều chỉnh 1.887,50 ha diện tích tự nhiên và 6.261 nhân khẩu của xã An Xuyên và thành lập phường Tân Thành trên cơ sở điều chỉnh 1.115,32 ha diện tích tự nhiên và 5.137 nhân khẩu của xã Tân Thành. Sau khi điều chỉnh, thành phố Cà Mau có 25.030,39 ha diện tích tự nhiên và 204.895 nhân khẩu, có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, phường Tân Xuyên và phường Tân Thành, các xã: Tắc Vân, Tân Thành, Hoà Tân, Định Bình, Hoà Thành, Lý Văn Lâm và An Xuyên.
Từ khi được nâng cấp lên thành phố, kinh tế thành phố Cà Mau phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 1999 - 2005 là 17,44%/năm. GDP năm 2005 tăng 2,65 lần so với năm 1998. GDP bình quân đầu người năm 2005 (theo giá so sánh năm 1994) đạt 13,2 triệu đồng, tăng bình quân hàng năm 14,98%. Năm 2008, cơ cấu kinh tế thành phố bao gồm: Công nghiệp - Xây dựng chiếm 55%, Thương mại - Dịch vụ 33%, Nông - Ngư nghiệp 12%. Trong 7 năm, thành phố đã tiến hành lập quy hoạch chi tiết 26 dự án, với tổng diện tích 1.319,71 ha, gồm các khu: Công nghiệp, Trung tâm thương mại, các khu dân cư, khu đô thị mới… Đã có 13 dự án được phê duyệt, với 688,9 ha. Riêng năm 2005, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt 06 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn trong 7 năm đạt 4.092 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 27,15%.
- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có nhịp độ tăng trưởng 20%/năm; gía trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm trên 70% toàn tỉnh. Hiện trên địa bàn thành phố có 1.470 cơ sở, tăng 279 cơ sở so với năm 1998, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 3,05%. Năm 2008, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố Cà Mau vẫn đạt hơn 1.849 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu, tăng hơn 18% so với năm 2007.
- Giá trị ngành thương mại dịch vụ giai đoạn 1999 - 2006 đạt 4.748 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 17,53%. So năm 1998, thành phố hiện có 7.150 cơ sở, tăng 2.875 cơ sở, mức tăng bình quân hàng năm là 7,62%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tăng 31%/năm. Năm 2008, thành phố có 26 nhà hàng - khách sạn với tổng số trên 500 phòng, trong đó có 60% phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Các loại hình dịch vụ khác như giao thông - vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm tăng từ 24 đến 32%/năm, ngày càng đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.
- Giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 1999 - 2006 đạt 2.248 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 16,80%. Tổng sản lượng lúa trong 7 năm đạt 390.262 tấn, sản lượng tôm 13.480 tấn, tăng bình quân hàng năm 49,58%.
|
Một góc thành phố Cà Mau - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Thành phố hiện quản lý trên 200 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 100 km, trong đó có 77 km đường trải nhựa và bê tông nhựa nóng; trên 230 km lộ giao thông nông thôn bằng bê tông, hàng trăm cây cầu giao thông bằng bê tông. Lưới điện nông thôn phát triển nhanh, góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,62% (năm 1998 đạt 76%).
Trên lĩnh vực giáo dục, thành phố được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm 2008, thành phố có 04 trường đạt chuẩn quốc gia. Trên địa bàn có 52.318 em học sinh, tăng 7.103 em so với năm 1998, mức tăng bình quân hàng năm là 2,11%; có 904 phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, chiếm 100%.
Thành phố đã hoàn thiện dần mạng lưới y tế các cấp, tổ chức hoạt động có hiệu quả, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình được quan tâm, thường xuyên thực hiện công tác truyền thông dân số, áp dụng các biện pháp tránh thai...góp phần làm giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,41% vào cuối năm 2005 (năm 1998 là 1,7%). Thành phố cũng đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp Bệnh viện đa khoa thành phố, xây dựng bán cơ bản 15 trạm y tế xã, 3 phòng khám đa khoa khu vực. Năm 2008, thành phố có 6 xã phường được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 31% năm 1998 xuống còn 15,58% năm 2005.
Hệ thống mạng thông tin liên lạc trên địa bàn được hoàn chỉnh, bình quân có 32 máy/100 dân (năm 1998 là 5,5 máy/100 dân). Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt nội thành từng bước được đầu tư cải tạo, mạng nước sạch nông thôn cũng được quan tâm đầu tư, nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đến nay chiếm 98,76% (năm 1998 chiếm 75%). Đến cuối 2005, tỷ lệ hộ nghèo thành phố theo tiêu chí cũ còn 2,67% (năm 1998 là 9%), theo tiêu chí mới còn 5,48%.
Nhìn chung, diện mạo của thành phố đã có nhiều đổi mới. Đô thị được mở rộng trên cơ sở quy hoạch theo hướng xây dựng phát triển thành phố, từng bước vươn đến văn minh hiện đại. Các dịch vụ về điện, nước, vệ sinh môi trường, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông... phát triển khá mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Cà Mau đang cố gắng phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại 2 vào năm 2010.
Những tháng đầu năm 2009, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố là trên 990 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch năm; trong đó, vốn ngân sách nhà nước trên 160 tỷ đồng, còn lại là vốn của các doanh nghiệp, vốn đầu tư dân dụng. Các công trình được đầu tư xây dựng như: nâng cấp đường và hệ thống thoát nước tuyến Phan Ngọc Hiển nối dài, đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Ngọc Sanh, Hải Thượng Lãn Ông… thi công một số công trình thủy lợi khác, khắc phục tình trạng những tuyến đường thường xuyên bị ngập nước....
Theo quy hoạch không gian đô thị đến năm 2020, thành phố Cà Mau sẽ mở rộng về hướng Tây, Tây Bắc và hướng Tây Nam; triển khai dự án xây dựng khu đô thị Đông Bắc, khu đô thị phía Tây Bắc của Phường 8. Xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt của thành phố như giao thông, phát triển giao thông công cộng, hệ thống lưới điện, viễn thông, xây dựng hệ thống nước thải thành phố, các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, công viên cây xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. Quy hoạch đầu tư các dự án khu dân cư, phục vụ công tác tái định cư và giải quyết nhu cầu nhà ở của nhân dân. Phát triển khu vực nông thôn ngoại thành theo hướng gắn đô thị hoá với xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư hạ tầng cho các xã ngoại thành, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giảm sự cách biệt giữa nội thành với ngoại thành.
Dự báo quy mô dân số nội ô thành phố năm 2010 khoảng 270.000 người, năm 2020 dự báo khoảng 360.000 người. Dự kiến năm 2005 đất xây dựng thành phố khoảng 1830 ha, năm 2010 quy mô đất xây dựng thành phố khoảng 2.550 ha; trong đó, đất dân dụng 1.350 ha. Năm 2020 quy mô đất xây dựng thành phố khoảng 3.775 ha, trong đó đất dân dụng 2.050 ha.