Tỉnh Trà Vinh
Chủ tịch HĐND
Dương Hoàng Nghĩa
Tỉnh ở hạ lưu sông Cửu Long, thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hay miền Tây Nam Bộ. Lãnh thổ Trà Vinh nằm kẹp giữa sông Hậu và sông Cổ Chiên - một nhánh của sông Tiền, mặt Đông Nam tiếp giáp biển. Vùng đất Trà Vinh vốn là đất Trà Vang của Chân Lạp. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, đất này thuộc phủ Trà Vang, trấn Vĩnh Thanh. Thời Minh Mạng, vùng đất này là huyện Trà Vinh, phủ Lạc Hoá, tỉnh Vĩnh Long. Thời Pháp thuộc, tỉnh Trà Vinh được thành lập năm 1900. Thời Việt Nam Cộng Hoà, tỉnh Trà Vinh được đổi thành tỉnh Vĩnh Bình. Sau năm 1975, tỉnh Vĩnh Bình được sáp nhập với tỉnh Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long. Cuối năm 1991, tỉnh Trà Vinh được tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Cửu Long.
Trà Vinh là địa bàn cư trú của người Kinh, người Khmer và người Hoa. Người Khmer ở Trà Vinh chiếm khoảng 30% dân số tỉnh, cao nhất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Người Khmer có chữ viết riêng, các lễ hội truyền thống như Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), Dolta (lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (lễ cúng trăng), Lễ hội nghinh ông (lễ cúng biển), Dâng bông, Dâng phước và các phong tục tập quán có giá trị văn hoá khác. Người Khmer còn xây dựng trên địa bàn Trà Vinh nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, hài hoà với thiên nhiên, tiêu biểu là chùa Âng. Theo thống kê trên địa bàn Trà Vinh có tới 140 ngôi chùa Khmer, vượt xa số lượng của người Kinh, người Hoa và của các dân tộc khác hiện có trên địa bàn Trà Vinh cộng lại.
Trà Vinh xưa được biết đến qua câu ca dao:
Trà Vinh có bún nước lèo,
Có chùa Ông Mẹt, ao đào Bà Om.
Có đình thờ vía Quan Công,
Ðền thần Hiếu Tử, thờ Trần Trung Tiên.
Tỉnh Trà Vinh nằm trong tọa độ địa lý giới hạn từ: 9o31’46’’ đến 10o04’5” vĩ độ Bắc và 105o57’16” đến 106o36’04” kinh độ Đông; Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long; Đông giáp sông Cổ Chiên, ngăn cách với tỉnh Bến Tre; Tây giáp sông Hậu, ngăn cách với tỉnh Sóc Trăng; Nam và Đông Nam giáp biển với chiều dài hơn 65 km. Trung tâm tỉnh lỵ nằm trên quốc lộ 53, cách thành phố Hồ Chí Minh gần 200 km và cách thành phố Cần Thơ 100 km.
Ở địa thế nằm kẹp giữa hai con sông lớn: sông Hậu và sông Cổ Chiên, có hai cửa sông Cung Hầu và Định An - hai cửa sông quan trọng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thông với biển Đông, Trà Vinh có vị trí quan trọng về kinh tế cũng như quốc phòng. Thông qua các con sông và cửa sông, Trà Vinh có thể dễ dàng giao lưu với các tỉnh bằng đường thủy. Việc giao lưu theo đường bộ chủ yếu diễn ra trên tuyến quốc lộ 53 nối liền với tỉnh Vĩnh Long; hai tuyến quốc lộ 54 và 60 nối Trà Vinh với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bến Tre bị chặn lại bởi hai dòng sông lớn, gây nên nhiều khó khăn, trở ngại. Nếu có cầu bắc qua sông Cổ Chiên trên quốc lộ 60 thì sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Trà Vinh và thành phố Hồ Chí Minh thông qua tỉnh Bến Tre.
Địa hình Trà Vinh mang tính chất vùng đồng bằng ven biển, chịu ảnh hưởng bởi sự giao thoa giữa sông và biển đã hình thành các vùng trũng, phẳng xen lẫn các giồng cát. Càng về phía biển, các giồng cát càng cao và rộng lớn. Do sự chia cắt bởi các giồng và hệ thống trục lộ, kinh rạch chằng chịt, địa hình toàn vùng khá phức tạp. Các vùng trũng xen kẹp với các giồng cao, xu thế độ dốc chỉ thể hiện trên từng cánh đồng. Nhìn chung, độ cao địa hình phổ biến từ 0,4 - 1,0 m, chiếm 66% diện tích đất tự nhiên. Khu vực phía Bắc địa hình bằng phẳng hơn phía Nam. Địa hình cao nhất trên 4 m, gồm các giồng cát phân bố ở Nhị Trường, Long Sơn (Cầu Ngang); Ngọc Biên (Trà Cú); Long Hữu (Duyên Hải). Địa hình thấp nhất dưới 0,4 m, tập trung tại các cánh đồng trũng xã Tập Sơn, Ngãi Xuyên, Ngọc Biên (Trà Cú); Thanh Mỹ (Châu Thành); Mỹ Hoà, Mỹ Long, Hiệp Mỹ (Cầu Ngang); Long Vĩnh (Duyên Hải).
Địa hình phức tạp của tỉnh Trà Vinh đã hình thành nên 1 nền sản xuất đa dạng và phong phú như: màu lương thực, thực phẩm, cây ăn trái phát triển trên các giồng cát. Cây lúa chiếm ưu thế ở các vùng trung bình - thấp, một số vùng trũng ven sông có thể nuôi tôm tự nhiên. Sự phân cắt của các giồng cát đã làm cho việc thực hiện các công trình dẫn ngọt khó khăn cũng như tập trung nước mưa nhanh gây ngập úng cho các vùng trũng kẹp giữa giồng. Nhìn chung, địa hình thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp là từ: 0,6 - 1m. Cao trình này thích hợp cho việc tưới tiêu tự chảy, ít bị hạn cũng như không bị ngập úng. Riêng đối với rừng ở Duyên Hải, cao trình 0,4 - 1 m là dạng địa hình thích hợp cho sự phát triển của hầu hết các loại cây rừng ngập mặn có giá trị như: đước, lá, mắm.
Trà Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ven biển, có điều kiện ánh sáng bức xạ dồi dào, nền nhiệt độ cao và ổn định, tuy nhiên, do đặc thù của vùng khí hậu ven biển tỉnh Trà Vinh có một số hạn chế về mặt khí tượng như: gió chướng mạnh, bốc hơi cao, mưa ít....Một năm có hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
- Nhiệt độ trung bình toàn tỉnh là 26,6oC, nhiệt độ cao nhất đo được là 35,8oC, nhiệt độ thấp nhất đo được là 18,5oC. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm thấp: 6,4oC.
- Bức xạ: toàn tỉnh có tổng số giờ nắng cao: 7,7 giờ/ngày, bức xạ quang hợp dồi dào: 82.800 cal/năm, cho phép cây trồng phát triển quanh năm. Tuy nhiên, với phương thức canh tác như hiện nay, nguồn năng lượng này chưa được tận dụng bao nhiêu nhất là trong mùa khô.
- Độ ẩm: tỷ lệ ẩm độ trung bình cả năm biến thiên từ 80 - 85%, biến thiên ẩm độ có xu thế biến đổi theo mùa; mùa khô đạt 79%, mùa mưa đạt 88%. Riêng ẩm độ trung bình của tất cả các tháng đều đạt trên 90%, đây là điều kiện thích hợp cho sự phát triển và lây lan của một số dịch bệnh xảy ra.
- Gió: một năm có hai mùa gió. Gió mùa Tây Nam hoạt động từ tháng 5 - 10, gió thổi từ Biển Tây vào mang nhiều hơi nước gây ra mưa. Gió mùa Đông Bắc hoặc Đông Nam (gió chướng) hoạt động từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau có hướng song song với các cửa sông lớn. Gió chướng là nguyên nhân khiến cho nước biển dâng cao và đẩy mặn truyền sâu vào nội đồng. Vận tốc gió đạt cao nhất đạt 5 - 8 m/s (chủ yếu trong tháng 2, 3) và thường mạnh vào buổi chiều. Sự xuất hiện các đỉnh mặn do gió chướng tác động đã làm cho việc sản xuất không ổn định trong thời gian này.
- Sương muối: xuất hiện hàng năm tập từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Sương muối tạo thành do hiệu ứng của các yếu tố: độ ảm cao cuối mùa mưa kết hợp với nhiệt độ thấp nhất trong năm và sự thịnh hành của gió chướng. Do mang theo một hàm lượng muối đáng kể trong không khí, sương muối đã ảnh hưởng không ít đến tình hình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
- Bốc hơi: tổng lượng bốc hơi toàn tỉnh cao, bình quân 1.293 mm/năm. Vào mùa khô, lượng bốc hơi rất mạnh từ 130 - 150 mm/tháng, nhất là các vùng giồng cát cao và khu vực sát biển, gây ra sự khô hạn gay gắt ở các vùng này. Riêng huyện Duyên Hải, lượng bốc hơi cao hơn lượng mưa năm đã gây ra sự mao dẫn muối lên và tập trung ở tầng mặt làm cho lý tính đất trở nên xấu và khó sử dụng hơn.
- Mưa: tổng lượng mưa từ trung bình đến thấp (1.588 - 1.227 mm), phân bố không ổn định và phân hoá mạnh theo thời gian và không gian. Về thời gian, 90% lượng mưa của năm tập trung vào mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Về không gian, lượng mưa giảm dần từ Bắc xuống Nam, cao nhất ở Càng Long, Trà Vinh; thấp nhất ở Cầu Ngang và Duyên Hải; ở các huyện gần biển, mùa mưa bắt đầu muộn nhưng kết thúc sớm. Địa phương có số ngày mưa cao nhất là huyện Càng Long (118 ngày), thị xã Trà Vinh (98 ngày); thấp nhất là huyện Duyên Hải (77 ngày) và huyện Cầu Ngang (79 ngày).
- Hạn: hạn hàng năm thường xảy ra gây khó khăn cho sản xuất với số ngày không mưa liên tục từ 10 - 18 ngày. Cầu Kè, Càng Long, Trà Cú là các huyện ít bị hạn. Huyện Tiểu Cần hạn đầu vụ (tháng 6,7) là quan trọng trong khi các huyện còn lại: Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải hạn giữa vụ (tháng 7, 8) thường nghiêm trọng hơn.
|
Sông nước Trà Vinh - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Hai con sông chính là sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) và sông Hậu. Đây là nguồn cung cấp nước trực tiếp cho toàn bộ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của tỉnh.
- Sông Hậu chảy theo hướng Tây Bắc Đông Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh Trà Vinh có chiều dài 55 km. Sông đổ ra biển theo cửa Định An. Lưu lượng nước bình quân 2.000 - 3.000 m3/s. Hàm lượng phù sa là 200 - 600 g/m3.
- Sông Cổ Chiên là 1 trong 3 nhánh chính của sông Tiền, đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Trà Vinh có chiều dài khoảng 45 km. Mặt sông rộng nhất ở khu vực huyện Càng Long (1.800 - 2.100 m). Lưu lượng nước 12.000 - 19.000 m3/s. Hàm lượng phù sa 100 - 500 g/m3.
Bên cạnh đó, Trà Vinh còn có hệ thống kênh rạch chằng chịt cung cấp nước cho nội đồng. Mật độ kinh trục phân bố khá đều trong tỉnh từ 4 - 10 m/ha. Đối với mật độ kinh nội đồng, Trà Vinh có mật độ còn thấp (< 50% so với yêu cầu sản xuất). Huyện có mật độ kênh cao nhất của toàn tỉnh là Tiểu Cần (45 m/ha); thấp nhất là Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang (18 - 28 m/ha). Các hệ thống trục chính bao gồm:
- Phía sông Cổ Chiên: rạch Láng Thé, kênh Trà Vinh, rạch Bãi Vàng rạch Thâu Râu
- Phía sông Hậu: Rạch Mỹ Văn, sông Cần Chông, rạch Trà Cú, Tống Long, Vàm Ray, kênh Láng Sắc (Nguyễn Văn Pho).
- Hệ thống kênh trục dọc: Kênh Trà Ngoa, kênh 3/2 - Thống nhất quan trọng nhất mang nhiệm vụ tiếp ngọt cho từng vùng.
Hệ thống thủy văn của tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ triều biển Đông. Đây là chế độ bán nhật triều không đều, ngày có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống, mỗi tháng có 2 kỳ triều cường (vào ngày 1 và 15 ÂL) và 2 kỳ triều kém (vào ngày 7 và 23 ÂL). Do gần biển, biên độ và mực nước trên sông rạch khá cao nên tiềm năng tiêu tự chảy của tỉnh rất lớn. Chỉ riêng một phần ở Càng Long và khu vực giữa tỉnh (phần giáp ranh của các huyện: Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang) do có sự giáp nước từ nhiều hướng và biên độ triều tắt nhanh nên bị ngập kéo dài 3 - 4 tháng.
Nhìn chung, khoảng 1/3 diện tích đất tự nhiên của tỉnh bị ngập khá sâu vào mùa mưa (> 0,6 m) phân bố tập trung ở ven sông và các trũng giữa giồng của các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú. Tuy tiêu rút dễ dàng nhưng độ sâu ngập này đã hạn chế việc thâm canh lúa mùa như bón phân, sử dụng giống mùa cao sản. Các vùng gò ngập ít (< 0,4 m) phân bố chủ yếu ở khu vực giữa tỉnh (thuộc vùng lúa cao sản), đây là vùng có khả năng canh tác màu và thâm canh lúa cao sản nhưng dễ bị hạn ảnh hưởng. Do bị mặn ảnh hưởng nên dù động lực triều cao nhưng chỉ 1 phần diện tích của tỉnh có khả năng sử dụng nước sông để tưới tự chảy và chủ yếu ở các khu vực nhiễm mặn ít (2 - 3 tháng).
Hàng năm có khoảng 90% diện tích đất tự nhiên của tỉnh bị nhiễm mặn trong phạm vi 30 km tính từ biển trở vào. Độ mặn bình quân là 4 g/lít. Hiện tượng nhiễm mặn thường bắt đầu từ tháng 12 tại Hưng Mỹ trên sông Cổ Chiên và Trà Kha trên sông Hậu. Mặn lên cao nhất vào tháng 4 tại cửa Vũng Liêm (sông Cổ Chiên) và Cầu Quan (sông Hậu). Mặn thường kết thúc vào tháng 6, thời gian sớm hay muộn phụ thuộc vào thời gian, lượng mưa tại thượng nguồn và địa phương. Dựa trên ranh giới độ mặn 4‰, có thể phân tỉnh ra làm 6 vùng ảnh hưởng mặn như sau:
- Vùng mặn thường xuyên (mặn 4‰ quanh năm): chiếm 17,7% diện tích nông nghiệp.
- Vùng mặn 5 - 6 tháng (từ tháng 1 - 6 DL): 25,8%
- Vùng mặn 4 tháng (từ tháng 2 - 5 DL): 13,9%
- Vùng mặn 3 tháng (từ tháng 3 - 5 DL): 16,6%
- Vùng mặn 2 tháng (tử tháng 4 - 5 DL): 1,8%
- Vùng mặn 2 tháng bất thường (từ tháng 4 - 5 DL): 15,1%
Việc canh tác 2 vụ lúa ổn định chỉ giới hạn ở vùng mặn < 4 tháng. Riêng 1 phần khu vực Cầu Ngang và huyện Duyên Hải, thời gian nhiễm mặn dài, nguồn nước ngọt khan hiếm mà lại có lượng mưa và thời gian mưa ít nên sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, vùng này thích hợp cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất lâm nghiệp.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01-01-2008, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Trà Vinh là 229.500 ha. Đất đai được chia thành các nhóm chính như sau:
|
Đất phù sa nhiễm mặn ở huyện Duyên Hải - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
- Đất cát giồng: phân bố tại các giồng cát hình cánh cung chạy dài song song với bờ biển, thuộc địa bàn các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành. Độ cao địa hình từ 1,4 - 2 m. Loại đất này thích hợp trồng cây ăn trái và hoa màu.
- Đất phù sa: chia thành các loại sau:
+ Đất phù sa phát triển trên chân giồng cát phân bố chủ yếu ở Trà Cú, Duyên Hải, Châu Thành. Đất này hình thành ở địa hình cao từ 0,8 - 1,2 m, không bị ngập nước do triều. Loại đất này đang được sử dụng trồng hoa màu với cơ cấu 2 - 3 vụ/năm hoặc luân canh lúa - màu. Tuy nhiên, năng suất và mùa vụ chưa ổn định.
+ Đất phù sa không nhiễm mặn phân bố chủ yếu ở Cầu Kè, Càng Long, một phần nhỏ phân bố ở Tiểu Cần, Châu Thành. Đất có độ cao từ 0,6 - 1,2 m, chủ yếu trồng lúa 2 - 3 vụ/năm, một số diện tích có thể trồng cây ăn trái hay hoa màu.
+ Đất phù sa nhiễm mặn ít nằm trong vòng cung mặn, nước kênh rạch bị nhiễm mặn 2 - 5 tháng. Loại đất này phân bố tập trung tại Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Ngang; một phần nhỏ phân bố ở Cầu Kè, Châu Thành. Độ cao từ 0,6 - 1,2 m nên hầu như không bị ngập úng. Đất thích hợp trồng lúa 2 vụ/năm hay 1 vụ lúa + 1 vụ màu. Đất này cũng thích hợp để trồng mía.
+ Đất phù sa nhiễm mặn trung bình có nguồn nước bị nhiễm mặn từ 6 - 8 tháng phân bố tập trung ở Cầu Ngang, Duyên Hải và một ít ở Trà Cú, Châu Thành. Đất thấp nên thường bị ngập khi triều cường hoặc ngập theo mùa. Điều kiện canh tác khá hạn chế, chỉ trồng lúa 1 vụ vào mùa mưa và kết hợp nuôi trồng thủy sản.
+ Đất phù sa nhiễm mặn nhiều: tập trung ở Duyên Hải, thời gian mặn trên 8 tháng, độ mặn 100/00. Đất này sử dụng cho nuôi trồng thủy sản, khoanh nuôi bảo vệ rừng và làm muối.
- Đất phèn gồm có các loại:
+ Đất phèn không nhiễm mặn: phân bố ở Càng Long, Cầu Kè. Địa thế cao, không bị ngập lũ, có thể cải tạo để trồng lúa.
+ Đất phèn nhiễm mặn ít: tập trung ở Châu Thành, Cầu Ngang, có thể cải tạo để trồng lúa.
+ Đất phèn nhiễm mặn trung bình: phân bố ở Châu Thành, Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú. Địa hình khá cao, từ 0,6 - 1,2 m, không thể ngập lũ. Người dân ở đây có thể canh tác bằng cách trồng lúa mùa, nuôi thủy sản.
+ Đất phèn nhiễm mặn nhiều, tập trung ở Duyên Hải. Đất nhiễm mặn quanh năm do ảnh hưởng của biển, chỉ thích hợp trồng rừng ngập mặn.
Nhìn chung, đất đai ở Trà Vinh có đến 56% diện tích nhiễm mặn và 27% diện tích nhiễm phèn. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tỉnh phải thực hiện nhiều dự án cải tạo đất nhằm rửa phèn, rửa mặn. Dự án thủy lợi Nam Mang Thít (Nam Măng Thít) là một trong những công trình trọng điểm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Mục tiêu của dự án là nhằm kiểm soát mặn, lấy nước và giữ nước ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn cho gần 171.626 ha đất canh tác và 225.628 ha đất tự nhiên, đồng thời có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng, kết hợp khai thác nguồn lợi thủy sản, phát triển giao thông, cải tạo môi trường.
Bảng thống kê hiện trạng sử dụng đất của tỉnh Trà Vinh năm 2002
| Tổng diện tích (nghìn ha) | Đất đã sử dụng | Đất chưa sử dụng |
Đất nông nghiệp | Đất lâm nghiệp | Đất chuyên dùng | Đất ở | Diện tích (nghìn ha) | Tỷ lệ % |
Diện tích (nghìn ha) | Tỷ lệ % | Diện tích (nghìn ha) | Tỷ lệ % | Diện tích (nghìn ha) | Tỷ lệ % | Diện tích (nghìn ha) | Tỷ lệ % |
2002 | 222,5 | 180,5 | 81,5 | 6,1 | 2,8 | 9,4 | 4,2 | 3,2 | 1,4 | 22,3 | 10,1 |
Nguồn: Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam - Tập 6 - Trang 489 - NXB Giáo dục - 2006
2.215100
Bảng thống kê hiện trạng sử dụng đất của tỉnh Trà Vinh thời điểm 01-01-2008
Danh mục | Tổng diện tích (nghìn ha) | Đất nông nghiệp (nghìn ha) | Đất lâm nghiệp (nghìn ha) | Đất chuyên dùng (nghìn ha) | Đất ở (nghìn ha) |
Cả nước | 33.115,0 | 9.420,3 | 14.816,6 | 1.553,7 | 620,4 |
Đồng bằng Sông Cửu Long | 4.060,2 | 2.560,6 | 336,8 | 234,1 | 110,0 |
Trà Vinh | 229,5 | 149,8 | 7,0 | 12,2 | 3,7 |
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Trước kia rừng ở Trà Vinh dày đặc, có nhiều lâm sản quý không chỉ đáp ứng cho địa phương mà còn xuất sang các vùng kế cận. Ngày nay rừng đã bị giảm sút về mặt diện tích khá lớn. Rừng tự nhiên chỉ còn lại là rừng bần thuần loại, đại bộ phận diện tích rừng đã trở thành đất trống, trảng cây thưa thớt, trữ lượng gỗ không đáng kể, khả năng tái sinh tự nhiên thấp, tác dụng phòng hộ kém.
Tính đến năm 1994 chỉ còn lại 6.120 ha có giá trị bao gồm: bần 640 ha; đước 580 ha; mắm 400 ha; bạch đàn 100 ha; lá 4.400 ha. Còn lại 18.000 ha đất rừng và bụi cây thưa thớt chiếm 3,81% diện tích tự nhiên. Ðất lâm nghiệp giảm do khai thác rừng quá mức (chặt trắng) và lấy đất rừng để nuôi trồng thủy sản. Theo thống kê địa chính năm 1997 diện tích đất lâm nghiệp chỉ còn 9.004 ha.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31-12-2008, tổng diện tích rừng của Trà Vinh là 6.700 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 1.300 ha, diện tích rừng trồng là 5.400 ha, đạt tỷ lệ che phủ 2,9%. Rừng ở Trà Vinh tập trung dọc theo 65 km bờ biển gồm toàn bộ huyện Duyên Hải, xã Mỹ Long (Bắc, Nam) huyện Cầu Ngang và các xã Ðôn Châu, Ðôn Xuân huyện Trà Cú.
Trà Vinh có bờ biển dài 65 km, là vùng biển nông, thuộc khu vực tiếp giáp của 2 vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đây là vùng biển có nguồn tài nguyên phong phú, có giá trị kinh tế cao. Biển không chỉ cho tiềm năng về hải sản mà còn có thể phát triển thương mại và du lịch. Biển Trà Vinh có nhiều tôm cá và các loại thủy sản khác. Trữ lượng thủy sản khoảng 1,2 triệu tấn/năm, khả năng khai thác 630.000 tấn/năm. Thực vật phù du có 73 loài thuộc 5 ngành, đa phần tập trung vào ngành tảo Silíc và các nhóm tảo có nguồn gốc nước mặn. Mật độ trung bình đạt 666/cá thể/ lít. Động vật phù du có 48 loài, số động vật nổi vùng ven bờ đạt bình quân 15.600 cá thể/ m3 (biến động từ 4.000 - 34.000 cá thể /m3). Động vật đáy (cỡ nhỏ) ở vùng biển Trà Vinh khá phong phú.
Diện tích lưu vực tự nhiên của tỉnh là 21.265 ha và khoảng 98.597 ha ngập nước từ 3 - 5 tháng/ năm, trữ lượng thủy sản nội đồng ước tính của Trà Vinh là 3.000 - 4.000 tấn, khai thác thường xuyên từ 2.000 - 2.500 tấn. Nguồn lợi thủy sản vùng ven biển Trà Vinh bao gồm nguồn lợi cửa sông, rừng ngập mặn và vùng nước ven biển có độ sâu 30 - 40 m nước vào bờ. Nguồn cá ven biển có 40 họ, 78 giống và 150 loài gồm cá biển ven bờ, cá nước lợ và cá di cư. Trữ lượng cá vùng cửa sông ven biển Trà Vinh trên diện tích lưới quét năm 1994 là 62 tấn (khu cửa sông ), 274 tấn cá nổi và cá tầng giữa; khu nước mặn và lợ là 9.063 tấn, cá nổi và cá tầng giữa là 63.470 tấn. Tổng trữ lượng khu cửa sông, ven biển là 72.869 tấn, khả năng khai thác (50%) là 36.434 tấn.
Bãi tôm cửa Định An diện tích khoảng 20.000 ha là bãi tôm lớn nhất trong 5 bãi tôm ở dải ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long. Ước tính trữ lượng tôm biển tại hai bãi tôm chính là 97 - 212kg/ha (Bắc Cung Hầu) và 64 - 249kg/ha (Cửa Định An); tổng sản lượng tôm biển của Trà Vinh khoảng 4.300 - 11.000 tấn/ năm. Tôm càng đứng sau tôm biển về giá trị kinh tế ở thủy vực Trà Vinh có 11 loài, trong đó có tôm càng xanh, tôm trứng, tép bò, tôm sông. Có thể khai thác mỗi năm 2.000 - 3.000 tấn mực; 35 - 49 tấn sò huyết/ năm; trữ lượng nghêu khoảng 168 - 210 tấn.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2008, tỉnh Trà Vinh có 42.100 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản; sản lượng thủy sản khai thác năm 2008 đạt 60.820 tấn, chiếm khoảng 7% sản lượng thủy sản khai thác trong năm của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Hoạt động khai thác thủy sản trong những năm qua đã làm ảnh hưởng đáng kể tới nguồn lợi thủy sản của địa phương. Nhiều hộ dân vi phạm các quy định về hành nghề khai thác đánh bắt hải sản như dùng lưới có mắt lưới quá nhỏ; phương tiện tập trung dày đặc làm hao hụt, xáo trộn, cản trở sự sinh sống, di trú của các loài thủy hải sản dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, phong trào săn bắt các loại cua, sò, nghêu và cá kèo giống; tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại các cửa sông...đã làm tổn hại đến sự sinh tồn của một số loài thủy sản. Hiện nay, sản lượng khai thác ven bờ của Trà Vinh tính theo đơn vị đánh bắt đã giảm nhiều so với các năm trước. Nhiều ngư dân cho biết, đôi khi thu không đủ để bù chi, điều đó chứng tỏ nguồn lợi thủy sản đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Trà Vinh là tỉnh ở hạ nguồn sông Cửu Long, độ cao địa hình từ 0 - 5 m. Về mặt địa chất, toàn bộ tỉnh là trầm tích trẻ với nguồn gốc phù sa sông biển, vì vậy khoáng sản ở Trà Vinh chỉ có cát san lấp, cát xây dựng không đáng kể và một số ít sét gạch ngói.
- Cát san lấp: chủ yếu là cát sông. Đoạn sông Tiền giáp thị xã Trà Vinh có trữ lượng cát nhỏ, tiêu chuẩn đạt yêu cầu phục vụ san lấp trong xây dựng, có thể khai thác 30.000 - 50.000 m3/năm. Ở sông Hậu cồn nổi lên hầu hết là bùn, chỉ có khu vực ấp Hòa Lạc xã Hoà Tân là có cát, nhưng trữ lượng cũng nhỏ, có thể khai thác 30.000 m3/năm.
- Cát xây dựng: phân bố thành giồng cao 3 - 3,5 m, có dạng gần vòng cung song song với bờ biển, dài 5 - 10 km, rộng 50 - 70 m. Khảo sát giồng cát ở Phước Hưng thấy được mặt cắt địa chất như sau:
+ Phần trên: là bột cát màu xám trắng, bột 70% - cát 30%, chiều dày khoảng 4 m.
+ Phần dưới: là cát hạt mịn đến hạt vừa, bở rời, dày 1,5 - 2 m, chủ yếu là thạch anh, mica. Thành phần độ hạt gồm:
• Cát hạt vừa (0,50 - 0,25 mm) = 3,4 %
• Cát hạt nhỏ (0,25 - 1,10 mm) = 95,15%
• Bột sét (dưới 0,10 mm) = 1,45%
Tài nguyên cát xây dựng tại Phước Hưng khoảng 810.000 m3. Ðã được dân khai thác trong xây dựng. Ngoài ra tại 2 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang có những giồng cát ven biển có thể khai thác cát xây dựng.
- Sét gạch ngói: năm 1996, trong quá trình lập bản đồ địa chất - khoáng sản đồng bằng Nam Bộ, Ðoàn địa chất 204 đã lấy mẫu khảo sát tại 4 nơi: Trà Luột (2), Phước Hưng (3), Trà Cú (5) và Cam Sơn (1). Tại những vùng này, dân đã khai thác đất sét để làm gạch, quy mô trữ lượng nhỏ, tổng số 2,65 triệu m3, nhưng gạch thường bị vênh và trọng lượng viên gạch nặng, không phù hợp với thị trường tiêu dùng nên ngành gạch không tồn tại được.
- Nước khoáng: mỏ nước khoáng ở thị trấn Long Toàn, huyện Duyên Hải với khả năng cho phép khai thác là 2.400 m3/ngày.
Trà Vinh có đến 65 km bờ biển với khá nhiều bãi biển đẹp. Do được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu, các bãi biển Trà Vinh đều nằm ven các cồn, các cù lao dọc các cửa sông, hoặc các cánh rừng bần, đước nguyên sinh chạy dài ngút tầm mắt. Tỉnh có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái trên các cù lao: tham quan những cảnh đẹp của làng quê miền Tây dọc hai bờ sông, tham quan những vườn cây ăn trái, đưa du khách tiếp xúc với những sinh hoạt văn hoá đặc trưng, giàu bản sắc của dân cư miền Tây nói chung, Trà Vinh nói riêng.
Cồn Nghêu chỉ xuất hiện trọn vẹn khi nước triều rút xuống và bày ra những mỏ nghêu tự nhiên, mời gọi du khách đến để thưởng thức không khí trong lành, cảnh quan đẹp và những món ăn đậm đà chế biến từ nghêu. Cồn Bần mang dáng vẻ đảo hoang, cuốn hút du khách bởi nét thiên nhiên hoang dã, với hàng vạn, hàng triệu cây bần mọc dày đặc, nằm thoi loi giữa sông Tiền mênh mông. Các cồn Long Trị, Long Hòa, Tân Quy có vườn cây trù phú, xóm làng êm đềm, đẹp như tranh nằm ven các con rạch quanh năm xanh trong.
Bãi biển Ba Động, bãi biển Mỹ Long thuộc huyện Duyên Hải và huyện Cầu Ngang cũng là những bãi biển đẹp nguyên sơ với những cồn cát đẹp không thua kém cồn cát Mũi Né. Những cánh rừng nguyên sinh chạy dọc sát mép sóng. Rừng và biển đan xen nhau, thấp thoáng là những làng chài nằm khuất trong những tán rừng xanh um ngút tầm mắt.
Các huyện thị trong đất liền cũng có nhiều di tích thắng cảnh đẹp. Ao Bà Om, chùa Dơi, chùa Cò, chùa Hang, chùa Samrông Ek là những địa điểm du lịch nổi tiếng. Đền thờ Bác Hồ ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, cách trung tâm thành phố Trà Vinh 5 km được xây dựng từ năm 1970 với hàng trăm hiện vật liên quan đến Bác Hồ cũng là địa điểm tham quan không thể thiếu khi đến Trà Vinh.
Trà Vinh còn nổi tiếng với những loại đặc sản độc đáo như dừa sáp ở Cầu Kè, loại dừa đặc ruột dày và mềm có hương vị rất riêng. Trái quách cũng là loại trái lạ, to gần bằng trái dừa, thơm ngon, được bà con Khmer trồng nhiều. Các loại mắm rươi cũng là đặc sản quý hiếm làm từ con rươi, là món quà không thể thiếu khi đến với Trà Vinh. Tỉnh cũng có những lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Khmer như: Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), Dolta (lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (lễ cúng trăng), Lễ hội nghinh ông (lễ cúng biển)......
Chợ đêm Trà Vinh mới được khai trương ngày 22-12-2009, trên đoạn đường Lý Tự Trọng, giới hạn từ đường Phạm Ngũ Lão đến đường Lê Lợi, thuộc khu vực phường 1, thành phố Trà Vinh. Chợ thu hút trên 50 gian hàng gồm các ngành nghề kinh doanh như: ẩm thực, hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm, quần áo may sẵn, giầy dép, thời trang, mỹ phẩm… chợ hoạt động từ 18 giờ đến 22 giờ hàng đêm. Việc đưa chợ đêm Trà Vinh đi vào hoạt động có nề nếp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, mở rộng giao lưu hàng hóa không chỉ trên địa bàn thành phố Trà Vinh mà còn lan rộng ra các huyện trong tỉnh. Ngoài việc kinh doanh dịch vụ, chợ đêm còn tạo ra nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Là nơi hội tụ hàng hóa đa dạng phục vụ người tiêu dùng ngày một tốt hơn. Đồng thời việc đi chợ đêm còn giúp người dân thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng vào những ngày cuối tuần.
|
Khu du lịch Ba Động - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Khu du lịch Ba Động
Làng Mỹ Long
Cù lao Tân Quy
Cù lao Long Trị
Ao Bà Om
Chùa Ông Bổn
Chùa Âng (chùa Angkorajaborey)
|
Chùa Âng - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Chùa Samrông Ek
Chùa Giác Linh (chùa Dơi)
Chùa Cò (hay chùa NoDol)
Chùa Hang
Lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Chol Chnam Thmay
Lễ hội Dolta
Bánh tráng Trà Vinh
Bún nước lèo
Dừa đặc ruột
Rượu Xuân Thạnh
Hiện nay, Trà Vinh có 8 đơn vị hành chính trực thuộc là: thành phố Trà Vinh - tỉnh lỵ của tỉnh, huyện Càng Long, huyện Châu Thành, huyện Cầu Kè, huyện Tiểu Cần, huyện Cầu Ngang, huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải. Trong đó, huyện Duyên Hải có diện tích lớn nhất, thành phố Trà Vinh có diện tích nhỏ nhất. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã tại thời điểm 31-12-2008 là 104, trong đó có 9 phường, 10 thị trấn và 85 xã.
Các cơ quan quản lý cao nhất của tỉnh hiện nay là: Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ủy ban Nhân dân (UBND):
- Tỉnh ủy là cơ quan đại diện cho đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh. Đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy. Quyền hạn và trách nhiệm được quy định theo Điều lệ đảng. Bí thư tỉnh ủy hiện nay là ông Nguyễn Thái Bình.
- HĐND theo quy định là cơ quan quyền lực nhân dân trong tỉnh, được bầu lên với nhiệm kỳ 5 năm. Đứng đầu cơ quan này là Chủ tịch HĐND. Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh hiện nay là ông Nguyễn Thái Bình kiêm Bí thư tỉnh ủy.
- UBND do Hội đồng nhân dân chọn ra, có trách nhiệm quản lý trực tiếp các vấn đề hành chính, kinh tế, xã hội, văn hoá....của tỉnh nhà. Đứng đầu UBND là Chủ tịch và các phó Chủ tịch, bên dưới là các Sở ban ngành quản lý từng lĩnh vực cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh hiện nay là ông Trần Hoàn Kim.
Cũng như các tỉnh khác ở miền Tây Nam Bộ, đất Trà Vinh trước kia là địa bàn của vương quốc Phù Nam với nền văn hóa Óc Eo phát triển rực rỡ từ thế kỷ I - VI sau CN. Đến thế kỷ thứ VII, vương quốc Khmer hùng mạnh chiếm lĩnh và tiêu diệt vương quốc Phù Nam rồi lâu dần đồng hoá thành người Khmer. Năm 1757, vua Chân Lạp cắt phần đất Trà Vang nằm giữa sông Tiền và sông Hậu dâng cho chúa Nguyễn Phúc Khoát. Chúa đặt thành phủ Trà Vang và phủ Măng Thít, thuộc trấn Vĩnh Thanh. Lỵ sở của phủ Trà Vang được đặt tại thôn Vĩnh Trường (nay là các ấp Vĩnh Bảo,Vĩnh Trường, Xuân Thạnh xã Hoà Thuận huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đình Vĩnh Trường vẫn còn sắc chỉ của chúa).
Đời Gia Long, Nam Kỳ có năm trấn, vùng Vĩnh Long và An Giang họp thành trấn Vĩnh Thanh. Đất Trà Vinh là một địa phương nhỏ thuộc trấn này. Năm 1820 Gia Long băng hà, Minh Mạng lên nối ngôi, việc cai trị ở trấn Vĩnh Thanh vẫn giữ nguyên trạng. Đến năm 1832, trấn Vĩnh Thanh được đổi thành trấn Vĩnh Long cùng với Phiên An, Biên Hòa, Định Tường và Hà Tiên hợp thành 5 trấn trực thuộc thành Gia Định. Trấn Vĩnh Long bấy giờ bao gồm 4 phủ: Định Viễn, Hoằng An, Hoằng Trị và Lạc Hoá. Phủ Lạc Hoá gồm 2 huyện: Tuân Ngãi có 5 tổng 76 xã; huyện Trà Vang có 6 tổng và 70 xã. Ngày 01-08-1832, sau khi Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng bỏ trấn và chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh trực thuộc triều đình Huế. Đất Trà Vinh bấy giờ vẫn là phủ Lạc Hoá, tỉnh Vĩnh Long.
Sau khi đánh chiếm Nam kỳ, người Pháp bãi bỏ cấp phủ Lạc Hoá. Huyện Trà Vinh (có địa bàn dọc theo sông Cổ Chiên) đổi thành hạt tham biện Trà Vinh và huyện Tuân Ngãi (có địa bàn dọc theo sông Hậu) thành hạt tham biện Bắc Trang. Hạt Trà Vinh lúc này có 10 tổng: tổng Bình Trị với 11 thôn, tổng Bình Phước với 13 thôn, tổng Trà Bình với 9 thôn, tổng Trà Nhiêu với 17 thôn, tổng Trà Phú với 10 thôn, tổng Vinh Lợi với 24 thôn, tổng Vinh Trị với 17 thôn. Ngày 05-06-1871, sáp nhập thêm 2 tổng Ngãi Hoà, Ngãi Long của hạt Bắc Trang giải thể và hai tổng Bình Khánh, Bình Hoá chuyển từ hạt Vĩnh Long. Ngày 19-09-1871, sáp nhập thêm tổng Thành Hoá do tách từ tổng Thành Trị. Từ ngày 05-01-1876, các thôn gọi là làng, hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện, tổng Bình Trị đổi thành tổng Cầu Ngang (sau lại đổi thành tổng Bình Trị).
Ngày 08-09-1887, tổng Bình Trị được chia thành hai tổng Bình Trị Thượng và Bình Trị Hạ; tổng Bình Khánh được chia thành hai tổng Bình Khánh Thượng, Bình Khánh Hạ; tổng Ngãi Hoà được chia thành hai tổng Ngãi Hoà Thượng, Ngãi Hoà Hạ; tổng Ngãi Long được tách thanh hai tổng Ngãi Long Thượng và Ngãi Long Trung; tổng Thành Hoá được tách thành hai tổng Thành Hoá Thượng và Thành Hoá Trung; tổng Trà Nhiêu được tách thành hai tổng Trà Nhiêu Thượng và Trà Nhiêu Hạ; tổng Vinh Trị được tách thành hai tổng Vinh Trị Thượng và Vinh Trị Hạ.
Từ ngày 01-01-1900, hạt Trà Vinh đổi thành tỉnh Trà Vinh, là một trong 20 tỉnh của Nam Kỳ lúc bấy giờ, bao gồm các quận: Càng Long, Châu Thành, Bàng Đa, Ô Lắc, Bắc Trang. Ngày 06-01-1911, lập trung tâm đô thị tỉnh lỵ Trà Vinh gồm làng Minh Đức, tổng Trà Nhiêu Thượng; một phần làng Long Bình, tổng Trà Bình. Từ ngày 01-01-1928, giải thể huyện Bàng Đa và Ô Lắc để thành lập huyện Cầu Ngang và thành lập huyện Tiểu Cần trên cơ sở một phần huyện Bắc Trang và một phần huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh có 5 quận như sau:
- Quận Châu Thành có 4 tổng: Trà Nhiêu với 6 làng, Trà Phú với 4 làng, Trà Bình với 4 làng, Bình Phước với 3 làng. Quận lỵ tại làng Long Đức.
- Quận Cầu Ngang có 3 tổng: Bình Trị với 5 làng, Vinh Lợi với 6 làng, Vinh Trị với 6 làng. Quận lỵ tại làng Thuận Mỹ.
- Quận Bắc Trang có 3 tổng: Ngãi Hoà Trung với 5 làng, Thành Hoá Thượng với 4 làng, Ngãi Hoà Thượng với 5 làng. Quận lỵ tại làng Trà Cú.
- Quận Càng Long có 2 tổng: Bình Khánh với 3 làng, Bình Khánh Thượng với 4 làng. Quận lỵ tại làng An Trường.
- Quận Tiểu Cần có 2 tổng: Ngãi Long với 4 làng, Thành Hoá Trung với 3 làng. Quận lỵ tại làng Tiểu Cần.
Năm 1931, lập quận Trà Cú thay quận Bắc Trang. Năm 1939, lập lại quận Bắc Trang bỏ quận Trà Cú. Ngày 01-10-1943, địa giới hành chính của tỉnh Trà Vinh được điều chỉnh, từ 5 quận còn lại 4 quận:
- Quận Châu Thành có 4 tổng: Ngãi Thạnh, Trà Nhiêu, Trà Bình, Trà Phú với 15 làng.
- Quận Trà Cú có 3 tổng: Ngãi Hoà Thượng, Ngãi Hoà Trung, Thạnh Hoà Thượng với 10 làng.
- Quận Cầu Ngang có 3 tổng: Bình Trị, Vinh Trị, Vinh Lợi với 12 làng
- Quận Càng Long có 2 tổng: Bình Khánh, Bình Khánh Thượng với 9 làng.
Năm 1948, tách huyện Cầu Kè từ tỉnh Cần Thơ nhập về Vĩnh Long, sau đó lại nhập về Trà Vinh. Ngày 08-02-1949, lập quận Bang Đa. Ngày 01-10-1951, tách đất quận Cầu Ngang thành lập quận mới Ba Động. Ngày 06-04-1952, giải thể quận Ba Động. Ngày 11-12-1954, giải thể quận Bàng Đa. Sau năm 1956, tỉnh Trà Vinh đổi thành tỉnh Vĩnh Bình, gồm có các quận: Long Toàn (nay là huyện Duyên Hải), Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Ôn, Vũng Liêm với 20 tổng, 75 xã.
Sau năm 1976, tỉnh Vĩnh Bình và tỉnh Vĩnh Long hợp nhất thành tỉnh Cửu Long. Ngày 26-12-1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Tỉnh Trà Vinh bao gồm thị xã Trà Vinh và 7 huyện: Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Cầu Ngang, Duyên Hải, Tiểu Cần, Trà Cú.
Ngày 04-03-2010, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, thành lập thành phố Trà Vinh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên (6.803,5ha), dân số (131.360 nhân khẩu) và các đơn vị hành chính (9 phường, 1 xã) trực thuộc thị xã Trà Vinh cũ.
Trà Vinh là tỉnh có quy mô dân số nhỏ, năm 2003, số dân tỉnh Trà Vinh chỉ xếp trên tỉnh Bạc Liêu. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, dân số tỉnh Trà Vinh năm 2008 là 1.062.000 người, đứng thứ 11 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, cao hơn tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Hậu Giang. Dân số Trà Vinh tăng liên lục qua các năm, tốc độ tăng tự nhiên các năm trước khá cao, nhưng đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể năm 1992, tốc độ tăng dân số tự nhiên của tỉnh là 2,12
% nhưng đến năm 2001, tốc độ tăng chỉ còn 1,59%. Mức tăng tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn so với trung bình cả nước. Tuy quy mô dân số nhỏ, nhưng do diện tích không lớn, nên mật độ dân cư của Trà Vinh vẫn cao hơn mật độ trung bình của khu vực. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2008, mật độ dân số của tỉnh là 463 người/km2, trong khi mật độ bình quân của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là 436 người/km2. Dân cư Trà Vinh phân bố không đều. Thị xã Trà Vinh có mật độ cao nhất (1.111 người/km2 vào năm 2004). Huyện Duyên Hải có mật độ thấp nhất (219 người/km2 vào năm 2004). Dân cư phân bố thưa dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Các huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi như Càng Long, Cầu Kè có mật độ tương đối cao; các huyện có điều kiện tự nhiên khó khăn như Cầu Ngang, Duyên Hải có mật độ khá thấp.
|
Trẻ em nghèo Trà Vinh - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
- Xét theo độ tuổi, Trà Vinh là địa phương có dân số trẻ. Tỷ lệ trẻ em cao. Ngày nay, mức sinh đã giảm nhưng kết cấu dân số vẫn trẻ. Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 1999, Trà Vinh có 32,59% dân số trong độ tuổi dưới 15, chỉ có 7,02% dân số trong độ tuổi từ 60 trở lên. Kết cấu dân số trẻ của Trà Vinh được lý giải bởi tỷ suất sinh thô khá cao trong một thời gian dài, làm gia tăng tốc độ tăng dân số tự nhiên. Dân số trẻ giúp Trà Vinh có nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, do kinh tế của tỉnh chủ yếu dự vào nông nghiệp nên số lao động dư thừa khá cao, nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết như: việc làm, y tế, giáo dục.....
- Xét về giới tính, dân số Trà Vinh có nữ nhiều hơn nam, tuy nhiên, mức chênh lệch không đáng kể và không thay đổi nhiều qua các năm. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2004, số nữ trung bình của tỉnh là 521.200 người, chiếm 50,7% dân số toàn tỉnh; năm 2008, số nữ trung bình của tỉnh là 557.200 người, chiếm 52,5% dân số toàn tỉnh.
- Về dân tộc, Trà Vinh là địa bàn có nhiều dân tộc cùng cư trú. Người Khmer ở Trà Vinh chiếm khoảng 30% dân số tỉnh, đông nhất so với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; tuyệt đại bộ phận người Khmer ở Trà Vinh sinh sống bằng nghề nông, trồng lúa nước là chủ yếu và sống tập trung trên những con giồng cao, bao quanh bởi chi chít mương rạch nhỏ. Người Hoa ở Trà Vinh số lượng không nhiều, chiếm khoảng hơn 1% dân số tỉnh. Người Kinh chiếm khoảng 68,8% dân số tỉnh. Một số ít còn lại là các dân tộc Chăm, Tày, Nùng.
- Về lực lượng lao động, Trà Vinh có dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Trà Vinh, năm 2004 lực lượng lao động của tỉnh có 638.000 người; trong đó 43.000 người thiếu việc hoặc có việc làm không thường xuyên và 14.000 người thất nghiệp. Hàng năm có khoảng 10.000 lao động của tỉnh tìm kiếm việc làm ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
|
Trường tiểu học Long Thới A, huyện Tiểu Cần - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Hệ thống giáo dục của tỉnh Trà Vinh bao gồm đầy đủ các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 30-09-2008, tỉnh Trà Vinh có 335 trường học ở các cấp phổ thông, đứng thứ 10 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tổng số học sinh phổ thông tại thời điểm 31-12-2008 là 150.393 em, trong đó, cấp tiểu học là 76.385 em, cấp trung học cơ sở là 50.373 em, cấp trung học phổ thông là 23.635 em. Tổng số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy tại thời điểm 31-12-2008 là 9.753 người, trong đó, giáo viên tiểu học là 4.417 người, giáo viên trung học cơ sở là 3.513 người, giáo viên trung học phổ thông là 1.823 người. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2007 - 2008 là 87,42%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (84,41) và cả nước (86,58%). Năm học 2008 - 2009, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh đạt 82,5%, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước (83,8%).Theo báo điện tử Vietnamnet, rong tổng số 5785 thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2009 của tỉnh chỉ có 33 em đỗ loại giỏi, 288 thí sinh đạt loại khá.
Tuy tỉnh còn nghèo, nhưng ngành giáo dục trong những năm qua đã có những bước phát triển khá. Cuối 2007, tỉnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Phổ thông cơ sở; 6/8 huyện thị có trường dân tộc nội trú (DTNT) với trên 1.000 học sinh người dân tộc Khmer. Tình trạng học sinh bỏ học đã được cải thiện. Tuy nhiên về cơ sở vật chất, các trường trong tỉnh đều chưa đáp ứng được việc học ngày 2 buổi. Việc xây dựng trường chuẩn còn chậm. Đào tạo nhân lực khó khăn, phân luồng học sinh sau Phổ thông cơ sở còn lúng túng. Năm 2007, trên địa bàn tỉnh có 98 trường dạy tiếng Khmer; nhưng quy mô, cấp học, đầu tư... còn lúng túng, đang chờ chủ trương. Kế hoạch kiên cố hoá trường học đến 2010 không thể hoàn thành, trên địa bàn tỉnh còn hàng ngàn trường tre lá, còn nhiều điểm trường mượn nhà dân, nhà chùa. Tỉnh chỉ đạo mỗi ấp phải có lớp mầm non, nhưng hiện chỉ có trên 70% ấp thực hiện được.
Về giáo dục chuyên nghiệp, Trà Vinh hiện có đủ các loại hình đào tạo như trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề. Tỉnh đang cố gắng từng bước đào tạo lực lượng lao động lành nghề cho nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn. Riêng về việc đào tạo lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao về chuyên môn, Trường đại học Trà Vinh có hợp đồng đào tạo theo địa chỉ để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, số sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm vẫn còn khá cao. Năm 2009, có đến 835 sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm, phần lớn là sinh viên cao đẳng và đại học ngành sư phạm, trong số này có 674 sinh viên ra trường năm 2008. Những năm qua, trường đại học Trà Vinh ngưng đào tạo bậc cao đẳng và đại học sư phạm do "cung" đã vượt "cầu".
Năm 2009, Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã ký kết chương trình hợp tác về Giáo dục - đào tạo giữa tỉnh Trà Vinh và thành phố Hồ Chí Minh. Việc ký kết được thỏa thuận theo 5 nội dung: hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục, chất lượng chuyên môn; kinh nghiệm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, công tác đào tạo nghề, đa dạng hoá các loại hình trường; hỗ trợ công tác bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ quản lý chuyên môn; hợp tác thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các hội thảo chuyên đề và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống trường lớp tại hai địa phương.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê năm 2008, tỉnh Trà Vinh có 178 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Trong đó có 10 bệnh viện, 8 phòng khám đa khoa khu vực và 160 trạm y tế phường xã; tổng số giường bệnh là 1.440 giường, trong đó các bệnh viện có 860 giường, phòng khám đa khoa khu vực có 14 giường, trạm y tế có 440 giường. Cũng theo thông tin từ Tổng cục Thống kê năm 2008, tỉnh có 448 bác sĩ, 603 y sĩ, 482 y tá, 212 nữ hộ sinh, 33 dược sĩ cao cấp, 177 dược sĩ trung cấp và 7 dược tá.
Theo thống kê của tỉnh, năm 2007, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm 2% (đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản còn 4/100.000 (đạt kế hoạch đề ra). Năm 2008, Trà Vinh có 20 sinh viên tốt nghiệp các trường y, dược, nhưng chỉ có 1 người về công tác tại tỉnh. Do đó hiện nay, nguồn nhân lực y tế của tỉnh đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh theo thiết kế xây dựng ban đầu chỉ có 400 giường bệnh, năm 2003 lắp đặt thêm 100 giường nữa cho các khoa điều trị nhưng nay vẫn không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm. Ngoài ra, các máy móc thiết bị y tế hỗ trợ điều trị cũng luôn làm việc hết công suất, không có thời gian bảo hành, sửa chữa...Tháng 11-2009, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh triển khai lắp đặt hệ thống chạy thận nhân tạo với 4 máy, kinh phí trên 2 tỷ đồng. Dự kiến trong quý I năm 2010 Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh sẽ đưa vào hoạt động hệ thống chạy thận nhân tạo này. Theo kế hoạch, đến Quý II năm 2010, Dự án Y tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh lắp đặt thêm 4 máy chạy thận nhân tạo nữa.
Đầu năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định về việc thành lập Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Cầu Ngang trực thuộc Sở Y tế tỉnh trên cơ sở nâng cấp mở rộng quy mô hoạt động Bệnh viện Đa khoa Cầu Ngang. Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Cầu Ngang có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ở tất cả các huyện lân cận như: Duyên Hải, Châu Thành và Trà Cú. Bệnh viện có quy mô 200 giường, được bố trí 1 - 1,2 biên chế/giường theo quy định của Bộ Y tế, với tổng kinh phí đầu tư hơn 34 tỷ đồng.
Ngày 14-07-2008, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Y tế Trà Vinh, do bác sĩ Lý Thị Tuyết làm hiệu trưởng. Trường được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ở trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn gồm các chuyên ngành chủ yếu: điều dưỡng, hộ sinh, dược, y sỹ, kỹ thuật viên y học, và nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Là tỉnh thuần nông, kinh tế nông nghiệp và thủy sản vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Những năm qua, tình hình kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh có phát triển một bước về năng lực sản xuất, góp phần tăng trưởng nền kinh tế địa phương, chuyển biến về xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, cải thiện thu nhập và đời sống dân cư.
Giai đoạn 1993 - 2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm của tỉnh đạt 8,9%. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2000 tăng gấp 2 lần so với năm 1991 - lúc mới tái lập tỉnh. Giai đoạn 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh đạt 12,02% trong đó: Nông - Lâm - Ngư nghiệp tăng 8,09%, Công nghiệp - Xây dựng tăng 21,73%, Thương mại - Dịch vụ tăng 16,65%. Năm 2009, kinh tế Trà Vinh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 8,2%.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ trọng khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp vẫn còn cao, nhưng đang có chiều hướng giảm qua các năm (72,7% năm 1995, 62,6% năm 2003). Thương mại - Dịch vụ đứng hàng thứ 2 trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và đang có xu hướng tăng, nhưng chậm (18,4% năm 1995, 23,0% năm 2003). Khu vực Công nghiệp - Xây dựng đứng hành thứ 3 trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng có tốc độ tăng nhanh rõ rệt qua các năm (8,9% năm 1995, 14,4% năm 2003). Nhìn chung, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành đã diễn ra theo hướng giảm dần tỷ trọng Nông - Lâm - Ngư - Nghiệp, tăng dần tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại - Dịch vụ nhưng vẫn còn chậm. Nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào Nông - Lâm - Ngư nghiệp, đặc biệt là Nông nghiệp.
Về cơ cấu thành phần kinh tế, khu vực kinh tế trong nước chiếm ưu thế tuyệt đối, trong đó khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đang nổi lên với ưu thế ngày càng cao. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế. Trong suốt thời gian 1988 - 2003, trên địa bàn tỉnh mới thu hút được 8 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 37,9 triệu USD, trong đó vốn pháp định là 16,1 triệu USD.
Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan, nhưng nền kinh tế của Trà Vinh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do quá phụ thuộc vào nông nghiệp. Công nghiệp và Dịch vụ còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Sản phẩm làm ra không có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật còn nhiều hạn chế.
Trong mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, Trà Vinh ưu tiên đầu tư phát triển thủy hải sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh công nghiệp chế biến xuất nhập khẩu, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Các mục tiêu kinh tế xã hội của Trà Vinh đến năm 2010 là:
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm cao hơn 5 năm trước và có bước chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo. Đưa GDP năm 2010 bình quân đầu người gấp đôi năm 2004. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tăng nhanh hàm lượng công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản phẩm, giảm mức tiêu hao vật chất nói chung và năng lượng nói riêng.
- Tập trung khai thác thế mạnh của các ngành dịch vụ còn nhiều tiềm năng. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ giá trị cao như bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, du lịch. Tiếp tục phát triển các ngành vận tải, thương mại; mở rộng và nâng cao sức mua của thị trường nội địa.
- Phát triển công nghiệp trên cơ sở đổi mới công nghệ; tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp; lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, mũi nhọn để có chính sách khuyến khích phát triển thành sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao.
- Hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để giải quyết vấn đề lao động, việc làm.
- Mở rộng và nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế đối ngoại; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mục tiêu tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng…
- Tập trung huy động vốn cho đầu tư phát triển. Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước (vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý) để phát triển lựu lượng sản xuất và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng tăng nhanh hàm lượng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế. Hoàn chỉnh một bước hệ thống kết cấu hạ tầng. Thực hiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để đầu tư nhiều hơn cho các vùng còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào Khmer.
- Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong nền kinh tế. Cải thiện rõ rệt trình độ công nghệ trong nền kinh tế, phát huy cao độ nội lực và tranh thủ từ bên ngoài về khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường.
Nông - Lâm - Ngư nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Trà Vinh. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tại hội nghị tổng kết tình hình hoạt động ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2009, triển khai kế hoạch năm 2010, giá trị sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp năm 2009 của tỉnh là 7.501,9 tỷ đồng, vượt 1,97% kế hoạch (tăng 2,08% so với năm 2008). Trong đó, giá trị nông nghiệp đạt 4.806,2 tỷ đồng, vượt 1,61% kế hoạch, tăng 2,91% so cùng kỳ; giá trị ngư nghiệp đạt 2.599,5 tỷ đồng; giá trị lâm nghiệp đạt 96,1 tỷ đồng. Năm 2010, tỉnh đề ra chỉ tiêu giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp là 7.912 tỷ đồng (tăng 5,47% so năm 2009). Cụ thể, về nông nghiệp: diện tích gieo trồng cả năm 278.390 ha, riêng về diện tích cây lúa là 228.000 ha, 60% sử dụng giống xác nhận; thủy sản: diện tích nuôi trồng 60.130 ha (sản lượng 90.760 tấn), sản lượng khai thác thủy sản 66.500 tấn (nội đồng 12.000 tấn, khai thác hải sản 54.500 tấn)…
|
Đồng ruộng Trà Vinh - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Trà Vinh có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Đây là ngành chiếm vị trí hàng đầu trong số các ngành kinh tế của Trà Vinh. Cho đến năm 2000, nông nghiệp vẫn chiếm 55,1% GDP của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1993 - 2000 đạt mức 5,83%. GDP nông nghiệp năm 2000 tăng gần 1,6 lần so với năm 1992. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 của tỉnh là 3.642,5 tỷ đồng.
Trong cơ cấu kinh tế của ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, nông nghiệp luôn giữ vai trò dẫn đầu và bỏ xa ngư nghiệp, lâm nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỉnh chủ trương chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành, vì thế, tỷ trọng ngành nông nghiệp đang có xu hướng giảm, tuy nhiên, tốc độ giảm khá chậm. Trong nội bộ ngành nông nghiệp, trồng trọt chiếm ưu thế hàng đầu. Năm 2003, trồng trọt chiếm 71,1% trong cơ cấu GDP nông nghiệp, nhưng tỷ trọng này đang giảm dần qua các năm. Trong khi đó, chăn nuôi ngày càng tăng dần tỷ trọng, song chưa thật sự vững chắc. Dịch vụ nông nghiệp có tỷ trọng nhỏ, nhưng lại tăng liên tục qua các năm. Từ năm 2000 trở đi, diện tích lúa tuy giảm nhưng sản lượng lúa hàng năm vẫn đạt trên 1 triệu tấn/năm, gấp 2 lần so với năm 1992 khi mới tái lập tỉnh. Năm 2005, diện tích lúa của tỉnh là 232.400 ha; sản lượng lúa đạt 1028,8 nghìn tấn. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê năm 2008, diện tích trồng lúa của tỉnh là 226.900 ha, sản lượng lúa đạt 1086,7 nghìn tấn.
Những năm qua, Trà Vinh ưu tiên làm thủy lợi: đắp hàng trăm km đê sông, đê biển, xẻ kênh cấp 1, 2, 3, kênh nội đồng, quy hoạch, phân vùng... Song song với công tác thủy lợi, để giúp cho nông dân các vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn trong tỉnh thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh kết hợp với Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long đã tổ chức thành công nhiều mô hình nhân giống lúa mới như OM 2117, OM 2718 nguyên chủng trên diện tích hơn 50 ha, đồng thời trồng thí điểm so sánh với 10 giống lúa, giống nếp mới như OM 4495 OM 2008 T, OM 2868,....Trung tâm giống và kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng đã kết hợp với phòng nông nghiệp các huyện, thị xã tổ chức hội thảo cho nông dân về phương pháp nhân giống lúa mới, áp dụng để trồng lúa thương phẩm trên các vùng chuyên trồng lúa, vùng chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản như lúa – cá, lúa với giống mới… Trong đó, có bộ giống nếp đặc sản để gieo trồng trên vùng đất vườn của huyện Cầu Kè, các giống lúa OM 2514, OM 4495, cùng các giống lúa OM 2717, OM 2718 nguyên chủng… giúp cho nông dân chủ động trong việc chọn giống phù hợp với điều kiện đất đai ở từng vùng sản xuất đa dạng của địa phương. Các giống lúa mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thích nghi với các vùng đất giồng cát, đất thịt pha cát, đất đai bị thiếu nước ngọt; định lượng giống giảm theo phương pháp sạ hàng chỉ ở mức 100 kg/ha, giảm trên 40% so với phương pháp sạ lan trước đây, chi phí đầu tư, chăm sóc thấp nhưng vẫn cho năng suất từ 4 tấn đến 5,5 tấn/ha.
|
Vườn bưởi - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
- Lúa là cây trồng chính, có lợi thế cạnh tranh cao, có thị trường tiêu thụ rộng lớn và vững chắc, sản xuất rất ổn định với năng suất liên tục tăng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Tuy diện tích canh tác bị thu hẹp do chuyển sang các mục đích sử dụng khác, nhưng nhờ năng suất tăng khá (năm 2005 đạt 4,43 tấn/ha) nên sản lượng hàng năm vẫn duy trì trong khoảng trên 1 triệu tấn, giá bán thóc liên tục tăng từ năm 2001 đến nay, thu nhập của người trồng lúa tăng khá ổn định.
- Tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá có quy mô lớn như vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh mía, vùng rau - màu, vùng lúa - màu.
- Vùng chuyên canh mía ở Trà Vinh có quy mô lớn, tập trung; tuy diện tích có biến động do ảnh hưởng của giá thu mua mía cây từng năm, nhưng nhờ có lợi thế về điều kiện đất, nước và trình độ thâm canh cao nên năng suất bình quân toàbn vùng tăng từ 81,18 tấn/ha năm 2001 lên 87,6 tấn/ha năm 2005, có hộ đạt trên 150 tấn/ha.
- Rau và lạc phát triển ổn định trên đất cát giồng, cho năng suất và hiệu quả cao, tiêu thụ thuận lợi ở thị trường Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong giai đoạn 2000 - 2005 diện tích gieo trồng rau tăng bình quân 12,8%/năm, diện tích lạc tăng bình quân 16,8%/năm.
- Các loại cây ăn trái chính gồm quýt, xoài, vú sữa, sầu riêng … phát triển tốt nhờ đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào quanh năm, ít bị ảnh hưởng của lũ. Hiện thị trường tiêu thụ chính là trong nước.
- Hạn chế hiện nay trong phát triển trồng trọt là triển khai chương trình đa dạng hoá cây trồng trên đất lúa còn chậm, chất lượng trái cây chưa đảm bảo yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ. Do nằm ở cuối nguồn nước ngọt nên còn nhiều diện tích thiếu nước tưới vào cuối mùa khô.
- Ngành chăn nuôi đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với trồng trọt, là nhân tố quan trọng trong tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
- Đàn lợn tăng nhanh, chăn nuôi trang trại đã được chú trọng phát triển, hiệu quả chăn nuôi trang trại khá cao.
- Đàn trâu giảm, đàn bò tăng rất nhanh, từ 50.491 con năm 2000 lên 117.873 con năm 2005, là tỉnh thành công nhất trong phát triển đàn bò ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
- Đàn gia cầm phát triển khá từ 2000 - 2003, sau đó bị suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, từ 3,75 triệu con năm 2002 xuống 2,48 triệu con năm 2005.
Hạn chế rõ nét nhất trong phát triển chăn nuôi là quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán; chưa chủ động khâu thức ăn, chế biến còn kém phát triển, chưa có khu chăn nuôi tập trung, xử lý và sử dụng chất thải chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Dịch bệnh còn chưa được kiểm soát chủ động. Giá thành chăn nuôi còn cao, chưa mở rộng được thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu thụ thịt lợn và gia cầm ở thành phố Hồ Chí Minh bị canh tranh gay gắt bởi chăn nuôi ở Đông Nam Bộ.
Trà Vinh là một trong những tỉnh có diện tích rừng ngập mặn khá lớn. Năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 6.953 ha; trong đó: rừng phòng hộ 2.291 ha, rừng sản xuất 4.663 ha, chủ yếu là rừng ngập mặn ven biển. Từ năm 2001 - 2005, công tác bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn đã được chú trọng, đã trồng mới được 1.116,3 ha, bình quân mỗi năm trồng được 279,1 ha; trồng cây phân tán 25,76 triệu cây, bình quân một năm trồng 6,44 triệu cây. Năm 2005, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp theo giá cố định (năm 1994) đạt 69,31 tỷ đồng, trong đó trồng và chăm sóc rừng 1,94 tỷ đồng, khai thác lâm sản 65,40 tỷ đồng, dịch vụ lâm nghiệp 1,97 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31-12-2008, tổng diện tích rừng của Trà Vinh là 6.700 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 1.300 ha, diện tích rừng trồng là 5.400 ha, đạt tỷ lệ che phủ 2,9%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2008 của tỉnh là 62,7 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 1994).
Bảng thống kê hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp của tỉnh 2001 - 2005
Đơn vị tính: ha
Loại đất | Năm | Biến động |
2001 | 2005 | |
Đất có rừng sản xuất | 4.637 | 4.663 | 26 |
Đất có rừng phòng hộ | 1.033 | 2.291 | 1.258 |
Tổng diện tích đất có rừng | 5.670 | 6.954 | 1.284 |
Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường Trà Vinh
Tỉnh dự kiến đến năm 2010, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 7.964 ha, trong đó ổn định diện tích rừng sản xuất (4.663ha), trồng thêm 1.000 ha rừng phòng hộ. Vận động, khuyến khích trồng cây rừng trên mặt liếp ở khu vực chuyên nuôi trồng thủy sản nước mặn, mỗi năm trồng thêm 5 - 6 triệu cây phân tán.
|
Cảng cá Láng Chim - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Trà Vinh có gần một nửa diện tích nằm trong vùng bị nhiễm mặn. Ngày trước, cây lúa chiếm ngôi vị độc tôn. Các vùng nhiễm mặn của Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang hầu như không được canh tác. Những năm gần đây, tỉnh đã tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản trên diện tích không phù hợp cho trồng trọt. Các vùng này đều chuyển sang nuôi tôm sú với các mô hình mới mang lại hiệu quả cao. Các vùng nước ngọt như: Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, thị xã Trà Vinh nuôi tôm càng, cá tra, cá ba sa và các loại thủy sản khác.
Ngành thủy sản liên tục đạt sản lượng cao, khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng giảm phương tiện khai thác ven bờ và tăng năng lực khai thác hải sản xa bờ. Năm 2005, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 38,7 nghìn ha; sản lượng thủy sản đạt 139.376 tấn; trong đó, sản lượng thủy sản khai thác: 65.477 tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng: 73.900 tấn; số tàu đánh bắt hải sản xa bờ là 258; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994: 1534,8 tỷ đồng. Tính đến tháng 05-2009, toàn tỉnh có 1.196 tàu, thuyền máy, trong đó tàu có công suất 90 CV trở lên là 135 chiếc, những tàu khai thác xa bờ đều được trang bị đầy đủ máy móc thông tin…Nuôi trồng thủy sản vùng nước mặn ven biển tiếp tục phát triển đa dang với nhiều loại như: tôm, cua, cá, so huyết. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2009 sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 14.600 tấn, tăng gần 30% so cùng kỳ các năm trước.
Hạn chế trong phát triển thủy sản hiện nay là nhà nước chưa kiểm soát hữu hiệu được tình hình phát triển, nhất là phối hợp đồng bộ giữa phát triển nuôi trồng với dịch vụ kỹ thuật, kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng và dịch bệnh; còn yếu kém trong khâu sản xuất giống, nhất là giống tôm. Chưa đồng bộ giữa phát triển nuôi trồng với xây dựng cơ sở chế biến và mở mang thị trường tiêu thụ. Phát triển nuôi trồng thủy sản mà nhất là nuôi tôm nước lợ còn chưa vững chắc, chưa kiểm soát tốt được dịch bệnh, tình trạng tôm chết hàng loạt vẫn còn xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều hộ nuôi tôm. Để phát triển kinh tế biển, trong thời gian tới Trà Vinh tập trung phát triển theo các mục tiêu như: phát triển đánh bắt và khai thác thủy sản; nuôi trồng thủy sản, chế biển thủy sản và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; bên cạnh đó phát triển lâm nghiệp theo hướng khôi phục và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển nhằm cải thiện môi trường sinh thái cho dân cư và cho phát triển bền vững sản xuất nông – ngư nghiệp.
- Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh mở rộng trên 50.000 ha đất ven biển và 15.000 ha đất bãi bồi và cồn nổi để nuôi trồng thủy sản theo hương đa dạng hoá đối tượng nuôi như: tôm, cua, cá, nghêu, sò huyết… nhằm sử dụng có hiệu quả tiềm năng diện tích nuôi trồng vùng bài bồi và cồn nổi ven biển, vùng đất rừng, vùng đất nông nghiệp ngập nước khi triều lên; thực hiện tốt chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ vốn vay tín dụng, tập huấn kỹ thuật nuôi… để khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trên mặt nước biển…
- Về chế biển thủy sản, tỉnh tiếp tục ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh như: tôm sú, cá tra, chế biến nghêu, sò huyết… và chế biến tôm khô xuất khẩu; tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản hình thành các hiệp hội hoặc tập đoàn kinh tế phù hợp với xu hướng của thời kỳ hội ngập; xây dựng thương hiệu mặt hàng thuỷ hải sản.
- Về dịch vụ hậu cần nghề cá: tỉnh Trà Vinh khai thác và phát huy tốt năng lực hoạt động của cảng cá Láng Chim, bến cá Định An, khuyến khích đầu tư cơ sở đóng tàu sửa tàu cá tại các cảng cá, bến cá, xây dựng các trung tâm sản xuất giống thủy sản; đầu tư xây dựng trạm thông tin liên lạc với tàu cá, trạm trắc quan, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, môi trường nước tại trung tâm vùng ven biển của huyện Duyên Hải.
Trong nền kinh tế, công nghiệp - xây dựng của Trà Vinh giữ vị trí khá khiêm tốn. Năm 2003, tỷ trọng của ngành chỉ chiếm 14,4% trong cơ cấu GDP. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thì tương đối cao. Trong giai đoạn 1993 - 2000, mức tăng trưởng bình quân của ngành đạt 16,6%, trong đó giai đoạn 1993 - 1995 lên đến 20,5%, giai đoạn 1996 - 2000 giảm còn 11,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng liên tục qua các năm. Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 là 1.702 tỷ đồng. Năm 2009, giá trị sản lượng công nghiệp của tỉnh đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm trước.
Về cơ cấu ngành, ưu thế thuộc về công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Trà Vinh có nguồn nguyên liệu dồi dào từ nông nghiệp và thủy sản, do đó công nghiệp chế biến có nhiều lợi thế để phát triển. Về cơ cấu theo thành phần kinh tế, khu vực kinh tế trong nước là chủ yếu. Trong nội bộ khu vực kinh tế trong nước, kinh tế quốc doanh có tỷ trọng tăng dần, từ 24,6% năm 2000 lên 59,2% năm 20003. Ngược lại, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm tương ứng, từ 75,4% năm 2000 xuống còn 40,8% năm 2003. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hầu như không đáng kể. Chứng tỏ sức hút đầu tư nước ngoài của Trà Vinh còn hạn chế, nguyên nhân chính là do sự trở ngại về giao thông.
Trong phát triển công nghiệp toàn diện, Trà Vinh chú trọng công nghiệp chế biến, đặc biệt là tôm đông lạnh xuất khẩu. Năng lực chế biến đạt gần 14.000 tấn tôm đông lạnh thành phẩm/năm. Một số ngành công nghiệp: dược phẩm, đường, cơm dừa nạo sấy, nước khoáng, may xuất khẩu... cũng góp phần lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: dệt chiếu, thảm lác xuất khẩu... cũng mang lại nhiều lợi nhuận.
- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn của Trà Vinh với nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú và tạo ra nhiều mặt hàng phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh và xuất khẩu:
+ Công nghiệp xay xát phát triển mạnh với sản lượng trung bình đạt 0,5 triệu tấn/năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và một phần cho xuất khẩu. Dự kiến năm 2010, công suất sẽ đạt 1,2 triệu tấn.
+ Công nghiệp chế biến thủy sản có tốc độ tăng trưởng khá cao. Những năm qua, trên địa bàn huyện đã có nhiều nhà máy chế biến thủy sản như: nhà máy Long Toàn, chi nhánh của công ty Nông sản xuất khẩu Cần Thơ tại Láng Chim, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Định An; công ty Mỹ Sinh.... Sản lượng thủy sản đông lạnh năm 2003 tăng gấp 5,6 lần so với năm 2000. Tháng 11-2009, tỉnh đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp chế biến thủy sản Công Thành. Cụm công nghiệp này được xây dựng trên diện tích 7 ha, bao gồm các nhà máy như nhà máy chế biến thủy hải sản có công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy chế biến bột cá có công suất 7.500 tấn sản phẩm/năm, nhà máy chế biến cá khô có công suất 800 tấn sản phẩm/năm... Các nhà máy đều được trang bị dây chuyền, máy móc hiện đại, đạt tiêu chuẩn HACCP để xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài. Dự kiến, cụm công nghiệp chế biến thủy sản Công Thành sẽ hoạt động từ tháng 02-2011 và sẽ giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động tại địa phương.
+ Công nghiệp mía đường ở Trà Vinh phát triển tương đối ổn định. Nhà máy đường Trà Cú đã được xây dựng và đi vào hoạt động năm 2001. Công ty Mía đường Trà Vinh được thành lập trên cơ sở di chuyển và đổi tên Công ty đường Linh Cảm - Hà Tĩnh; hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đường mật và các sản phẩm sau đường (cồn, bánh kẹo, nước giải khát, phân vi sinh, ván ép...); dịch vụ kỹ thuật mía đường; sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Niên vụ 2009 - 2010, công ty mía đường Trà Vinh đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho người trồng mía. Ngoài việc đầu tư mía giống, phân bón, hợp đồng bao tiêu sản phẩm... công ty còn cho nông dân vay thêm 17 triệu đồng/ha với diện tích mía trồng mới, 9 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc (lãi suất tính theo ngân hàng Đầu tư và phát triển). Các chính sách trên nhằm ổn định diện tích mía trong tỉnh hàng năm 5.000 – 6.000 ha, đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động đạt công suất 2.000 tấn mía/ngày, năng suất mía đạt 100 – 120 tấn/ha, chữ đường đạt 10 – 12 CCS. Theo kế hoạch, công suất nhà máy từng bước sẽ mở rộng để đạt 3.000 – 4.000 tấn mía/ngày.
+ Công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa có nhiều điều kiện để phát triển. Trà Vinh là tỉnh có diện tích dừa đứng hàng thứ 2 ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa chưa có điều kiện để phát triển. Sản phẩm chính là cơm dừa nạo sấy và than hoạt tính. Năm 2003, công ty Trà Bắc đầu tư xây dựng nhà máy cơm dừa nạo sấy với công suất 2000 tấn/năm. Tỉnh có nhà máy chế biến than hoạt tính quy mô 1000 tấn/năm, năm 2003, nhà máy được duyệt dự án mở rộng quy mô 2500 tấn/năm.
+ Công nghiệp chế biến gỗ bao gồm hoạt động cưa xẻ gỗ và sản xuất đồ gỗ gia dụng. Giá trị của ngành đang có chiều hướng gia tăng với nhịp độ nhanh.
Ngoài các ngành nêu trên, công nghiệp chế biến của Trà Vinh còn có một số ngành khác như: giò chả, bánh kẹo, nước đá.....
- Công nghiệp dệt may có quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Sản phẩm chủ yếu là may gia công quần áo, giày da. Ngoài ra còn có dệt chiếu, dệt thảm, đan lác.....Dự kiến, năm 2010, tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex sẽ xây dựng khu công nghiệp dệt nhuộm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung có diện tích khoảng 150 ha, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu khoảng 20 USD/m2. Dự kiến tổng sản lượng vải dệt của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp này đạt khoảng 200 triệu m2/năm. Tổng thời gian xây dựng và thu hút doanh nghiệp đi vào sản xuất lấp đầy khoảng 5 năm.
- Công nghiệp cơ khí: năm 2003, toàn tỉnh có khoảng 300 cơ sở sản xuất các sản phẩm kim loại, sản xuất và sửa chữa máy nông nghiệp, phương tiện vận tải. Các sản phẩm hầu hết đều là tiểu thủ công, chất lượng kỹ thuật còn hạn chế.
- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã và đang phát triển rộng khắp, phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh. Sản phẩm chính là gạch nung, tập trung chủ yếu ở các huyện Cầu Kè, Càng Long, sản lượng năm 2003 đạt khoảng 1 triệu viên/tháng. Ngoài ra, tỉnh còn có một số cơ sở sản xuất bê tông, gạch bông....
Năm 2006, tỉnh đã quy hoạch 5 khu công nghiệp (KCN) là Long Đức, Cầu Quan, Láng Chim, Định An, Cổ Chiên với tổng diện tích trên 500 ha và 9 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các huyện, thị với tổng diện tích 564 ha. Trong đó, quan trọng nhất là KCN Long Đức trên địa bàn xã Long Đức, thị xã Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ 3km, nằm song song với sông Cổ Chiên và bên cạnh Cảng sông Long Đức. KCN cho phép cập cảng các loại tàu tải trọng dưới 2.000 tấn; có tuyến đường nối với quốc lộ 53 ngang qua thị xã Trà Vinh. Ngành nghề, lĩnh vực kêu gọi đầu tư: chế biến thuỷ hải sản; chế biến đa dạng các sản phẩm từ cây dừa; chế biến các sản phẩm sau đường và phụ phẩm của đường; chế biến thức ăn gia súc và thuỷ sản; sản xuất các sản phẩm nhựa và composit; sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; sản xuất các nguyên liệu trung gian cho ngành dược phẩm; sản xuất linh kiện và lắp ráp điện tử; lắp ráp ôtô, xe máy; các dự án khác, phù hợp với quy hoạch chung của khu công nghiệp. Hiện nay cảng sông Long Đức gắn liền với KCN Long Đức đang khai thác, đáp ứng cho tàu, sà lan 1.000 tấn cập cảng. Đặc biệt dự án kênh đào Quan Chánh Bố được Chính phủ đầu tư nằm trên đất Trà Vinh, mở ra một cửa sông mới, tạo ra luồng giao thông cho sông Hậu, khắc phục sự bồi lắng của cửa Định An, đảm bảo trọng tải cho tàu 20.000 tấn vào cụm cảng Cần Thơ.
Đầu năm 2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã thông qua đề án quy hoạch xây dựng Cụm cảng Long Toàn (huyện Duyên Hải) với diện tích 170 ha. Cụm cảng Long Toàn (nằm cách cầu Long Toàn hiện hữu 400 m) được UBND tỉnh Trà Vinh giao cho doanh nhân Trầm Bê và Công ty TNHH xây dựng Hàm Giang (huyện Trà Cú) đầu tư số vốn khoảng 1.700 tỷ đồng. Dự án có 2 bờ, phía Tây sông Long Toàn có diện tích 37 ha, chiều dài mặt cảng 800 m và phía bờ Đông có diện tích 134 ha, chiều dài mặt cảng 2.000 m. Trong quá trình thực hiện cụm cảng Long Toàn, nhà đầu tư sẽ thi công việc nắn dòng sông Long Toàn và cải tạo, nâng chiều rộng sông ra 300 m, khắc phục tình trạng uốn cong của hai phía bờ sông. Độ sâu của đường vào cảng có khả năng cho tàu 2.000 tấn ra vào. Cụm cảng Long Toàn sẽ thực hiện khép kín với các hạng mục như bãi bốc xếp hàng, tập kết container, nhà điều hành, nhà kho, khu dịch vụ - giải trí... Sau khi đi vào hoạt động, cụm cảng Long Toàn sẽ góp phần giải quyết cho khoảng 1.000 lao động, góp phần rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa đường thủy từ thành phố Hồ Chí Minh qua tuyến sông Hậu ra biển Đông như hiện nay và ngược lại.
Tính đến hết tháng 01-2010, trên địa bàn tỉnh có các cụm công nghiệp sau:
- Cụm công nghiệp đã triển khai đầu tư và đi vào hoạt động:
+ Cụm công nghiệp giày da Tiểu Cần, có qui mô diện tích 31 ha, tổng mức đầu tư của dự án là 10 triệu USD, hiện tại xây dựng 30/31 ha và có khoảng 5.000 lao động.
+ Cụm công nghiệp giày da Trà Cú, có qui mô diện tích 14 ha, tổng mức đầu tư của dự án là 06 triệu USD, hiện tại xây dựng 4/14 ha và có khoảng 1.300 lao động.
+ Cụm công nghiệp Phong phú Cầu Kè, có qui mô diện tích 10 ha, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 65 tỷ đồng, hiện tại xây dựng 6/10 ha và có khoảng 830 lao động.
- Các Cụm công nghiệp đã lập quy hoạch chi tiết:
+ Cụm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp An Trường, huyện Càng Long, diện tích 23 ha.
+ Cụm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Trà Cú, diện tích 50,64 ha.
- Các Cụm công nghiệp đang triển khai lập quy hoạch chi tiết: Cụm công nghiệp Cổ Chiên, xã Đại Phước, huyện Càng Long, diện tích 132,56 ha. Dự kiến sau này nâng thành Khu công nghiệp.
- Các Cụm công nghiệp đã nằm trong quy hoạch sử dụng đất nhưng chưa lập quy hoạch chi tiết:
+ Cụm công nghiệp Cầu Quan, có diện tích 120 ha. Dự kiến nâng thành Khu công nghiệp.
+ Cụm công nghiệp Vàm Bến Cát - Cầu Kè, diện tích 50 ha.
+ Cụm công nghiệp Vàm Lầu, huyện Cầu Ngang, diện tích 48 ha.
+ Cụm công nghiệp huyện Châu Thành, diện tích 50 ha.
|
Chợ Trà Vinh - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Thương mại - Dịch vụ đứng hàng thứ 2 trong cơ cấu GDP của tỉnh và đang có chiều hướng tăng dần tỷ trọng. Năm 2003, ngành này chiếm 23% trong cơ cấu GDP. Tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm khá cao, giai đoạn 1992 - 2000 là 17,7%. Năm 2005, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế là 4.781,1 tỷ đồng. Năm 2006, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế đạt 4.989,3 tỷ đồng. Theo Tổng cục Thống kê năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế năm 2008 của tỉnh là 6.610,7 tỷ đồng.
Theo thông tin trên website Sở giao dịch thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh, năm 2009 ước tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên địa bàn tỉnh đạt 7.800 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 130 triệu USD, trong đó xuất khẩu trực tiếp ước đạt 90 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm: gạo các loại, tôm đông lạnh, cá fillet, chả cá Surimi, mực, bạch tuột, tơ xơ dừa, than gáo dừa, than hoạt tính, cơm dừa nạo sấy, dừa trái, hoá chất, bảng kẽm, vật tư ngành in...Giá trị kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10 triệu USD chủ yếu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên liệu.
Đầu năm 2009, Sở Công thương Trà Vinh đã phối hợp với Phân Viện Nghiên cứu Thương mại thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Công Thương xây dựng đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020. Mục tiêu của đề án là:
- Phát triển mạng lưới bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vừa đảm bảo phục vụ cho nhu cầu mua bán của dân cư, vừa đảm bảo liên kết theo hệ thống với các loại hình kinh doanh khác, tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông hàng hóa được mở rộng và gắn kết với các tỉnh khác trong cả nước, với thị trường khu vực và thế giới.
- Đảm bảo các điều kiện để hoạt động của các loại hình bán lẻ hiện đại phù hợp với yêu cầu tổ chức không gian kinh tế, không gian đô thị, phục vụ thuận tiện với chất lượng dịch vụ cao cho người tiêu dùng, đảm bảo an ninh, trật tự, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại.
- Đảm bảo vai trò mạng lưới bán lẻ hiện đại trong việc điều phối liên kết giữa sàn xuất với thương mại và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
- Làm cơ sở cho ngành thương mại của tỉnh lập kế hoạch thu hút đầu tư phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh.
Đề án khi hoàn thành sẽ có tác dụng tích cực đến sản xuất, tiêu dùng và phục vụ cho các quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và tăng trưởng của ngành thương mại nói riêng, làm căn cứ pháp lý để cấp phép cho đầu tư nước ngoài và ngành bán lẻ của tỉnh theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.
Tuy là vùng đất trẻ nhưng Trà Vinh có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer. Người Khmer có chữ viết riêng, các lễ hội truyền thống như Chol chnam thmay (mừng năm mới), Dolta (lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (lễ cúng trăng), Lễ hội nghinh ông (lễ cúng biển), Dâng bông, Dâng phước và các phong tục tập quán có giá trị văn hoá khác.
Người Khmer còn xây dựng trên địa bàn Trà Vinh nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, hài hoà thiên nhiên, tiêu biểu là chùa Âng, toạ lạc tên khu đất rộng 4 Ha, trong thắng cảnh Ao Bà Om.Theo thống kê trên địa bàn Trà Vinh có tới 140 ngôi chùa Khmer, vượt xa số lượng của người Kinh, người Hoa và của các dân tộc khác hiện có trên địa bàn Trà Vinh cộng lại. Chùa Hang ở khu đất 10 ha với những cây cổ thụ xanh mát. Chùa Nôdol còn gọi là chùa Cò vì trên khuôn viên chùa rộng 3 ha đã hơn 100 năm nay trở thành nơi cư trú của hàng ngàn con cò và nhiều loài chim quý khác. Chùa Samrônge, tương truyền được xây dựng lần đầu vào năm 642 và xây dựng lại năm 1850 với nhiều biểu tượng bằng đá quý và những tấm bia cổ khắc chữ Khmer. Vài nơi tập trung khu xóm theo Thiên Chúa giáo như Bãi San, Đức Mỹ... Nhà thờ tại thị xã Trà Vinh có kiến trúc đẹp và cổ điển, huyện Càng Long có Giáo xứ Nhị Long.
Do Trà Vinh là tỉnh giáp biển, những làng chày ven biển của tỉnh vẫn bảo lưu nét đẹp văn hoá của cư dân miền biển. Lễ hội Cúng biển tiêu biểu cho nét đẹp văn hoá này. Hằng năm, Trà Vinh có 3 lễ hội Cúng biển diễn ra ở ba địa điểm và thời điểm khác nhau đó là: Cúng biển Mỹ Long - huyện Cầu Ngang; Cúng biển Hiệp Thạnh; Cúng biển Động Cao - huyện Duyên Hải. Trong đó, đáng chú ý nhất là Cúng biển Mỹ Long diễn ra 3 ngày 10, 11 và 12 tháng 5 âm lịch hàng năm. Lễ chính diễn ra vào ngày 11 với nghi thức Nghinh Ông. Sáng sớm, có một đoàn thuyền được tập hợp từ chiều bữa trước, kéo còi rời bến đi rước "Ông". Trên thuyền chính trang bị dàn nhạc ngũ âm, múa lân. Thuyền treo cờ kết hoa, dừng lại ở nơi cửa sông và biển giáp nhau, có ba hồi tù và vang lên, sau đó đoàn thuyền nhất loạt phụt khói đen, lướt sóng tiến ra biển. Kèn và trống nổi lên không dứt, tạo nên một âm thanh sôi động trên cả một vùng biển. Lễ hội Cúng biển Mỹ Long kết thúc trong sự lưu luyến của khách thập phương. Ngàn lời cầu chúc tốt lành sẽ như những luồng gió mới thổi căng những cánh buồm đang khao khát ra khơi của ngư dân Mỹ Long trong mùa biển mới. Những năm gần đây, mỗi năm cúng biển, ngành Văn hóa địa phương tổ chức các chương trình văn nghệ lành mạnh, góp phần đẩy lùi các trò chơi mê tín. Đảm bảo an toàn trật tự xã hội cho khách thập phương.
- Đường bộ: tỉnh có 2.111,639 km đường bộ, quốc lộ chiếm 10,2%; tỉnh lộ 21,5%; huyện lộ 68,3%. Tỉnh đã và đang đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại và du lịch. Từ tỉnh lỵ Trà Vinh đi đường bộ đến thành phố Hồ Chí Minh 200 km, đến thành phố Cần Thơ 100 km, đến khu du lịch Biển Ba Động 60 km. Quốc lộ 53 nối liền các thị trấn trong tỉnh với thị xã Trà Vinh và thành phố Vĩnh Long. Đây là tuyến đường bộ duy nhất từ Trà Vinh với các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Đường thủy: hệ thống bao gồm các trục dọc và trục ngang. Trục dọc gồm tuyến sông Cổ Chiên. Kênh Trà Ngoa và Ba tháng Hai trục ngang có tuyến: kênh Nguyễn văn Pho, sông Cần Chông, sông Bến Cát nối từ sông Hậu sang sông Tiền. Đó là những tuyến lưu thông hàng hoá đường thủy chính của Trà Vinh. Từ cửa biển Định An đi đến Côn Đảo mất từ 5 - 7 giờ chạy tàu, đi Cần Thơ mất khoảng 3 giờ chạy tàu.
Trà Vinh nằm giữa sông Cổ Chiên, sông Hậu và một mặt giáp biển. Đây là nơi sông Tiền và sông Hậu đổ ra biển Đông với 3 cửa lớn là Cung Hầu, Cổ Chiên và Định An. Đây được xem là những cửa thông thương quan trọng từ Đồng bằng Sông Cửu Long với biển Đông và các nước trong khu vực. Thế nhưng sau 17 năm tái lập (1992 - 2009), Trà Vinh vẫn đang nghèo nhất vùng và xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế. Từ thị xã Trà Vinh, duy chỉ có quốc lộ 53 đi lên thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), từ đó mới đi tiếp được tới các tỉnh khác, còn không là phải đi đường thủy bằng xuồng, ghe thô sơ, tốc độ chỉ vài chục km/h; Hoặc phải qua các phà lớn Hàm Luông, Cổ Chiên, Đại Nghĩa trên sông Tiền, sông Hậu để sang các tỉnh láng giềng Bến Tre, Sóc Trăng.
Chính phủ Việt Nam đã dành một khoản ngân sách khá lớn và giao các Bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng các chương trình, dự án phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông (cầu đường, kênh đào, bến cảng) đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập của cả vùng. Gần 50 km quốc lộ 53 - quốc lộ duy nhất từ Vĩnh Long đi Trà Vinh - đã được Chính phủ Việt Nam quyết định cho nâng cấp lên 4 làn xe. Quốc lộ 54, vốn là con đường nhỏ, vòng vo các huyện ven sông Hậu nối Trà Vinh với các huyện phía Nam của tỉnh Vĩnh Long cũng đã có dự án nâng cấp hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Các cầu lớn như Cổ Chiên, Đại Nghĩa trên quốc lộ 60 đi qua sông Tiền, sông Hậu cũng đã được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp lập quy hoạch thiết kế, dự toán kinh phí xây dựng trong thời gian tới…
Cuối tháng 11-2009, Bộ Giao thông Vận tải công bố dự án xây cầu Cổ Chiên bắc ngang sông Cổ Chiên, trên quốc lộ 60, nối liền hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre. Theo dự án và những khảo sát tiền khả thi, cầu Cổ Chiên được xây theo kiểu cầu dây văng, chiều dài 1.574 m, tổng kinh phí đầu tư khoảng 3.477 tỷ VND. Vị trí được chọn để xây cầu Cổ Chiên cách bến phà hiện nay khoảng 3.600 m về phía hạ lưu. Cầu Cổ Chiên sau khi xây dựng, hợp cùng hệ thống các cầu lớn đã và đang xây dựng như Rạch Miễu, Hàm Luông… sẽ làm cho tuyến quốc lộ 60 thông suốt và thuận tiện hơn, trở thành tuyến giao thông quan trọng nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh ven biển Nam Bộ, phá thế độc đạo của quốc lộ 1 A hiện nay. Theo đó, khoảng cách từ Trà Vinh về thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn 130 km, so với 203 km theo quốc lộ 53 và quốc lộ 1 A.
Về giao thông đường thủy, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo ngành Giao thông vận tải quý IV năm 2009 khởi công dự án kênh đào Quan Chánh Bố đi ra biển qua địa bàn huyện Duyên Hải để thông luồng cho tàu có trọng tải từ 20.000 tấn đến 40.000 tấn vào cảng Cái Cui, thành phố Cần Thơ. Từ đây, Trà Vinh lại có đủ điều kiện xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế nằm cạnh khu kinh tế Định An có diện tích tự nhiên gần 40.000 ha, là một trong 15 khu kinh tế ven biển của cả nước đã được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ký quyết định thành lập. Nhiều cảng biển, cảng sông khác cũng sẽ được xây dựng tạo điều kiện vận chuyển hàng hoá thông thương nhanh chóng với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong vùng…
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê năm 2007, khối lượng vận chuyển hành khách của tỉnh là 11,4 triệu lượt người, khối lượng luân chuyển hành khách đạt 610,3 triệu lượt người/km; khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 5.589,4 nghìn tấn (đường bộ đạt 2.332,7 nghìn tấn, đường thủy đạt 3.256,7 nghìn tấn), khối lượng luân chuyển hàng hoá đạt 211,5 triệu tấn/km (đường bộ đạt 46,9 triệu tấn/km, đường thủy đạt 164,6 triệu tấn/km).