Tỉnh Thái Nguyên
Địa chỉ hiện nay
Thái Nguyên
Chủ tịch UBND
Dương Ngọc Long
Diện tích
3.546,6 km2 (2007)
Dân số
1.137.700 người (2007)
Mật độ
321 người/km2 (2007)
Dân tộc
Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, H'Mông, Sán Chay, Hoa,Dao
Điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lý
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, nằm trong vùng Đông Bắc. Phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ. Phía Nam giáp Hà Nội. Phía Bắc giáp Bắc Kạn. Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung. Đây là một trong những vùng chè nổi tiếng, một trung tâm công nghiệp gang thép của miền Bắc, cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội giữa trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Thái Nguyên là nơi tụ hội các nền văn hoá dân tộc, là đầu mối của các hoạt động văn hoá, giáo dục của vùng núi phía Bắc rộng lớn.
Vị trí địa lí của tỉnh đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các tỉnh, thành phố trong vùng, trong cả nước cũng như với nước ngoài.
Địa hình
Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng Bắc – Nam, thấp dần về phía Nam. Cấu trúc vùng núi phía Bắc chủ yếu là đá phong hoá mạnh, tạo thành nhiều hang động và thung lũng nhỏ. Mặc dù là tỉnh trung du, miền núi, nhưng địa hình Thái Nguyên không phức tạp lắm so với các tỉnh trung du, miền núi khác. Đây là một điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong canh tác nông – lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tỉnh có ba dãy núi Tam Đảo, Ngân Sơn, Bắc Sơn là những dãy núi hình cánh cung che chắn nên ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.
Địa hình Thái Nguyên có nhiều đồi thấp, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng các công trình công nghiệp
Khí hậu
Thái Nguyên có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ chênh lệch giữa tháng nóng nhất (28,90C) và tháng lạnh nhất (15,20C) là 13,70C. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1300 – 1750 giờ, phân bố tương đối đều cho các tháng trong năm.
Lượng mưa trung bình năm khoảng 2000 đến 2500 mm, cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1.
Do địa hình thấp dần từ vùng núi xuống trung du và đồng bằng theo hướng Bắc - Nam nên vào mùa đông có thể thấy sự khác biệt theo lãnh thổ với mức độ lạnh khác nhau.
Nhìn chung khí hậu tỉnh Thái Nguyên thuận lợi cho phát triển một hệ sinh thái đa dạng và bền vững, có giá trị đối với nông, lâm nghiệp.
Tài nguyên thiên nhiên
- Đất
Thái Nguyên có nhiều loại đất khác nhau được hình thành bởi quá trình feralit. Do ảnh hưởng của địa hình nên đất đai ở Thái Nguyên được chia làm ba loại đất chính:
- Đất feralit núi chiếm 48,1% diện tích tự nhiên, phân bố ở độ cao trên 200m, hình thành do sự phong hoá trên các đá macma, đá biến chất và đá trầm tích. Đất này thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp, trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng kinh doanh, trồng các cây đặc sản, cây ăn quả và một phần cây lương thực cho nhân dân vùng cao.
- Đất feralit đồi chiếm 31,1% diện tích tự nhiên, chủ yếu hình thành trên cát kết, bội kết, phiến sét và một phần phù sa cổ kiến tạo. Đất này thích hợp với điều kiện sinh thái của một số cây công nghiệp và cây ăn quả.
- Đất dốc tụ và đất đồng bằng trên thềm phù sa cổ, phù sa sông suối chiếm 12,4% diện tích tự nhiên.
Trong tổng quỹ đất của tỉnh, diện tích đất đã sử dụng chiếm 67,5%. Diện tích đất chưa sử dụng còn khá nhiều và có thể khai thác sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp.
- Rừng
Rừng Thái Nguyên chủ yếu là rừng trung bình, rừng nghèo kiệt với các loại gỗ, đường kính nhỏ, các loại vầu, nứa và lâm đặc sản, dược liệu.
Thái Nguyên có 206.999 ha đất lâm nghiệp, trong đó 146.639 ha đất có rừng, chiếm 41,4% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, trong đó đất rừng phòng hộ 64.553,6 ha, rừng đặc dụng 32.216,4 ha, rừng sản xuất 110.299,6 ha vừa có tiềm năng phát triển ngành lâm nghiệp, vừa là nhiệm vụ để Thái Nguyên nhanh chóng tiến hành các biện pháp để phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong rừng còn nhiều loài động vật, tuy nhiên các loài thú có nguy cơ tuyệt chủng.
- Khoáng sản
Nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương, Thái Nguyên còn có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú, hiện có khoảng 34 loại hình khoáng sản khác nhau.
Khoáng sản ở Thái Nguyên có thể chia ra làm 4 nhóm: nhóm nguyên liệu cháy bao gồm than mỡ, than đá; nhóm khoáng sản kim loại bao gồm kim loại đen, kim loại màu; nhóm khoáng sản phi kim loại bao gồm pyrits, barit, phốtphorit; nhóm khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng bao gồm đá xây dựng, đất sét, đá sỏi với trữ lượng lớn, khoảng 84,6 triệu tấn. Khoáng sản của Thái Nguyên phong phú, nhiều chủng loại có ý nghĩa với cả nước như sắt, than (đặc biệt là than mỡ), tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng ... Đây là thế mạnh đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim lớn của cả nước.
Du lịch
Thái Nguyên có rất nhiều phong cảnh đẹp, các hồ nước, lớp phủ thực vật, động vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên cùng với hàng loạt di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, nghệ thuật, lễ hội, truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc. Đây là những lợi thế của Thái Nguyên trong việc phát triển các dịch vụ du lịch, cả du lịch sinh thái và du lịch nhân văn.
Thái Nguyên có các điểm du lịch như Khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu du lịch Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, khu di tích lịch sử ATK, thác Khuôn Tát, đền Đuổm, chùa Hang, chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn.
Ngoài ra, Thái Nguyên còn có bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng đã trưng bày, giới thiệu di sản văn hoá truyền thống của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, bảo tàng lưu giữ hơn 10.000 đơn vị tài liệu, hiện vật thuộc di sản văn hoá của 54 dân tộc.
Đặc sản
-
Bánh chưng Bờ Đậu
-
Xôi ngũ sắc
-
Cơm lam
-
Chè
Hành chính và các đơn vị trực thuộc
Tỉnh lỵ là thành phố Thái Nguyên
Các đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và 7 huyện khác là Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên
Lịch sử hình thành và phát triển
Thái Nguyên xưa thuộc bộ Vũ Định, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Vào thế kỷ thứ III, Thái Nguyên thuộc huyện Vũ Định, sau đổi tên thành huyện Long Bình. Đến thế kỷ thứ VII được gọi là huyện Vũ Bình, rồi thành châu Thái Nguyên dưới đời nhà Lý. Cuối thế kỷ 14, châu được đổi thành trấn, năm 1407 đổi thành châu, sang 1408 thì trở thành phủ, năm 1677 trở thành trấn. Mãi đến năm 1902, triều đình mới cử quan chức trấn nhiệm Thái Nguyên, đặt doanh sở ở Ngọc Hà. Tỉnh Thái Nguyên được chính thức phân định địa giới năm 1913.
Ngày 21/4/1965, Thái Nguyên cùng với Bắc Kạn hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái. Ngày 6/11/1996, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ X đã phê chuẩn việc tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Giáo dục
Thái Nguyên là trung tâm giáo dục và đào tạo của Việt Bắc trước đây và của miền núi trung du phía Bắc ngày nay. Hệ thống giáo dục & đào tạo có 4 trường Đại học, 7 trường trung học chuyên nghiệp, 6 trường công nhân kĩ thuật, 19 cở sở thí nghiệm, Trạm, Trại, Phân viện, Trung tâm nghiên cứu, là nơi cung cấp lao động có trình độ cho cả nước. Toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi vào các bậc, cấp học đều tăng và đạt cao hơn so với trung bình toàn quốc. Quy mô giáo dục phổ thông, mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển phù hợp với yêu cầu phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí. Hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, Trung tâm hướng nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên có bước tiến bộ quan trọng trong việc đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy, học tập, nâng cao chất lượng dạy và học góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Kinh tế
Thái Nguyên là tỉnh có tài nguyên khoáng sản phong phú và có một số khu tập trung công nghiệp. Song cho đến nay nền kinh tế Thái Nguyên vẫn là một nền kinh tế có cơ cấu nông, lâm, công nghiệp. Tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh Đông Bắc với đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam.
Đối với các tỉnh trung du và miền núi như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ thì Thái Nguyên là nơi cung cấp các sản phẩm thép, nhiên liệu than, một số mặt hàng tiêu dùng thông thường.
Đối với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, Thái Nguyên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm như than, thép cán, chè. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nhẹ khác của Thái Nguyên cũng được tiêu thụ rộng rãi tại vùng này.
Nhìn chung kinh tế của Thái Nguyên có thể chia thành hai tiểu vùng:
- Vùng phía Bắc là vùng núi, có nhiều tiềm năng về nông, lâm nghiệp. Đây là địa bàn cư trú tập trung của đồng bào các dân tộc. Kinh tế nông, lâm nghiệp là chủ yếu, công nghiệp còn quá nhỏ bé, trình độ văn hoá và trình độ dân trí còn thấp.
- Vùng trung tâm là vùng phát triển của tỉnh với trọng tâm là công nghiệp gang thép gắn liền với sự phát triển cùa thành phố Thái Nguyên; công nghiệp khai khoáng; một số ngành công nghiệp như may, lắp ráp điện tử; thương mại, ngân hàng, du lịch, trồng và chế biến chè.
Thái Nguyên là tỉnh có tài nguyên khoáng sản phong phú và có một số khu công nghiệp tập trung nhưng đến nay, kinh tế của tỉnh vẫn là nền kinh tế nông lâm công nghiệp. Cơ cấu kinh tế theo GDP của tỉnh có sự dịch chuyển nhưng chậm. Công nghiệp đóng góp khoảng 30 - 40% GDP của tỉnh, trong đó công nghiệp̣ trong nước chiếm 81% và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 19%. Tuy nhiên, các khu, ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng qua các thời kì, các năm.
Các ngành công nghiệp chủ yếu của Thái Nguyên là công nghiệp luyện kim và sản xuất gang thép xây dựng, phôi thép, công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp khai khoáng kim loại màu, than.
Theo số liệu mới nhất của Trung tâm tư vấn, xúc tiến đầu tư Thái Nguyên thì 6 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 4 tỉ đồng, chiếm 47% kế hoạch năm và tăng 25,3% so với cùng kì năm trước. Khu vực công nghiệp trung ương tăng 25,7%, khu vực công nghiệp địa phương tăng 23,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,7%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh do sự tăng trưởng đột biến của một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp chế biến tăng 20,5%, công nghiệp khai khoáng tăng 18,3%, sản xuất và phân phối điện năng tăng 94%, trong đó đóng góp quan trọng nhất là than sạch tăng 22,2%, xi măng tăng 33,8%, may mặc tăng 39,8%.
Về nông nghiệp thì khí hậu Thái Nguyên thích hợp với nhiều loại cây trồng. Sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây có sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ khắp các thị trường trong nước, đặc biệt là chè (trà). Đây là cây công nghiệp điển hình và truyền thống của tỉnh.
Về dịch vụ, hoạt động thương mại có sự chuyển đổi mạnh mẽ, cơ cấu thị phần trong nhiều ngành nghề hướng tới tất cả các thành phần kinh tế. Độc quyền giảm, nhịp độ tăng trưởng bình quân tăng cao. nhịp độ tăng của máy điện thoại là 32,4%/năm, dịch vụ vận tải hành khách tăng 17,9%/năm, nhịp độ luân chuyển hàng hoá tăng 10,5%/năm.
Văn hoá
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, vì vậy kho tàng văn hoá của cư dân trong tỉnh khá phong phú. Bản sắc văn hoá riêng của mỗi dân tộc tạo nên sự đa dạng và độc đáo của địa phương. Bản sắc văn hoá truyền thống được lưu giữ như một thứ di sản vô giá, từ kiến trúc nhà cửa, nề nếp sinh hoạt, trang phục đến tập quán sản xuất, quan hệ cộng đồng, làng bản. Mỗi mùa xuân về người dân nhiều vùng quê lại tưng bừng mở hội, cầu người yên vật thịnh, cầu mùa vụ bội thu.
Thái Nguyên là đầu mối của các hoạt động văn hoá, giáo dục của vùng núi phía Bắc rộng lớn. Truyền thống văn hoá ở Thái Nguyên khá phong phú với bản sắc riêng của từng dân tộc.
Người Nùng có kho tàng văn hoá dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc như hát sli, hát then. Người Tày có kho tàng tục ngữ, ca dao khá phong phú; các điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn, hát đám cưới, ru con; các loại nhạc cụ gồm có tanh la, não bạt, trống chiêng, kèn, tù và sáo.
Thái Nguyên có những lễ hội truyền thống tiêu biểu như hội đền Đuổm, hội Hích, hội chùa Hang, hội làng Cơm hòm…
Giao thông
Tổng chiều dài đường bộ của tỉnh là 2.753 km, trong đó Quốc lộ là 183 km, tỉnh lộ là 105,5km, huyện lộ là 659 km; đường liên xã là 1.764 km; hệ thống tỉnh lộ và quốc lộ đều được rải nhựa phân bố khá hợp lý trên địa bàn tỉnh, phần lớn các đường đều xuất phát từ trục dọc quốc lộ 3 đi trung tâm các huyện lỵ, thị xã, các khu kinh tế, vùng mỏ, khu du lịch và thông với các tỉnh lân cận.
Quốc lộ 3 từ Hà Nội lên Bắc Kạn, Cao Bằng cắt dọc toàn bộ tỉnh Thái Nguyên, chạy qua thành phố Thái Nguyên, nối Thái Nguyên với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng. Các quốc lộ 37, 18, 259 cùng với hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ là mạch máu giao thông quan trọng và thuận lợi nối Thái Nguyên với các tỉnh xung quanh.
Hệ thống đường sắt từ Thái Nguyên đi các tỉnh khá thuận tiện, đảm bảo phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa với các tỉnh trong cả nước.
Thái Nguyên có 2 tuyến đường sông chính là Đa Phúc - Hải Phòng dài 161 km; Đa Phúc - Hòn Gai dài 211 km. Trong tương lai sẽ tiến hành nâng cấp và mở rộng mặt bằng cảng Đa Phúc, cơ giới hóa việc bốc dỡ, đảm bảo công suất bốc xếp được 1.000 tấn hàng hóa/ngày đêm. Ngoài ra, Thái Nguyên có 2 con sông chính là sông Cầu và sông Công sẽ được nâng cấp để vận chuyển hàng hóa.