Tỉnh Ninh Thuận
Địa chỉ hiện nay
Ninh Thuận
Vùng
Duyên hải Nam Trung Bộ
Chủ tịch HĐND
Nguyễn Chí Dũng
Chủ tịch UBND
Nguyễn Đức Thanh
Ninh Thuận là tỉnh nằm ở phía Nam của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, nhưng do mối quan hệ phát triển kinh tế xã hội, những năm gần đây, tỉnh được xếp vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Tỉnh được biết đến như vùng đất của văn hoá Chăm với kiến trúc tháp Chàm tiêu biểu, vùng đất của những đồi cát nóng bỏng, những cánh đồng khô cằn, từng được mệnh danh là miền Viễn Tây của Việt Nam. Ninh Thuận cũng nổi tiếng với những thắng cảnh tuyệt đẹp như bãi biển Ninh Chử, đèo Ngoạn Mục, vịnh Vĩnh Hy....Tỉnh cũng là địa phương sản xuất muối lớn nhất cả nước, sản lượng 130 nghìn tấn/năm với các nhà máy sản xuất muối lớn như: Cà Ná, Phương Cựu..
Về mặt địa lý, Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, lãnh thổ nằm trong tọa độ từ 11° 18’ 14'' - 12° 09’ 15'' vĩ Bắc và 108° 09’ 08'' - 109°14’ 25'' kinh Đông; Bắc giáp tỉnh Khánh Hoà, Nam giáp tỉnh Bình Thuận. Tây giáp tỉnh Lâm Đồng, Đông giáp biển. Tỉnh có đường bờ biển dài 105 km và vùng lãnh hải rộng hàng chục nghìn km2.
Tỉnh nằm giữa 3 trục đường giao thông chính là: quốc lộ 1A, quốc lộ 27 và đường sắt Bắc Nam. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực, cách cảng Cam Ranh 50 km, cách thành phố Nha Trang 105 km về phía Bắc; cách thành phố Phan Thiết 150 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 350 km về phía Nam; cách thành phố Đà Lạt 110 km về phía Tây.
Địa hình Ninh Thuận thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Đây là vùng đất cuối của dãy Trường Sơn với nhiều dãy núi đâm ra biển. Ninh Thuận được bao bọc bởi ba mặt là núi và một mặt là biển. Phía Tây là vùng núi cao giáp Đà Lạt, phía Bắc và Nam có hai dãy núi chạy ra biển, giữa tỉnh và ven biển là vùng đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp. Vùng núi cao chiếm 63,2% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, vùng gò đồi chiếm 14,4% và đồng bằng là 22,4%.
Ninh Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất nước, có nền khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng là khô nóng, gió nhiều. Nhiệt độ trung bình năm là 27oC, trong năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 – 11, mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau. Lượng mưa trung bình từ 700 – 800 mm/năm ở Phan Rang và tăng dần theo độ cao ở vùng núi. Độ ẩm 75 – 77%. Năng lượng bức xạ lớn, khoảng 160 kcal/cm2/năm. Tổng lượng nhiệt bình quân năm khoảng 9.500 – 10.0000C.
Đặc điểm khí hậu Ninh Thuận gây ra nhiều khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất, nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho một số cây trồng vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như: nho, mía, thuốc lá, hành, tỏi, bò, dê.....
Ninh Thuận có nhiều sông, suối, tổng diện tích lưu vực các sông chính là 3.600 km2, tổng chiều dài các sông suối là 430 km, bao gồm hai hệ thống sông chính là:
- Hệ thống sông Cái ở phía Nam: lớn nhất tỉnh, bao gồm sông Cái và các sông nhánh như: sông Trà Co, sông Sắt, sông Cho Mo, sông Dầu, sông Than, sông Quao, sông Lu với tổng chiều dài là 246 km, tổng diện tích lưu vực là 1.929,5 km2.
- Phía Bắc tỉnh có các sông ngắn, bắt nguồn và kết thúc trong lãnh thổ tỉnh như: sông Trâu, sông Bà Râu, sông Quán Thẻ....
Nhìn chung, hệ thống sông suối có lưu vực nhỏ, sông hẹp và ngắn. Nguồn nước phân bố không đều theo thời gian và không gian, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam và vùng trung tâm của tỉnh, khu vực phía Bắc và vùng ven biển thiếu nước nghiêm trọng. Nguồn nước ngầm chỉ bằng 1/3 mức bình quân cả nước, lại bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, nên việc khai thác gặp nhiều khó khăn.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Ninh Thuận, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh 3.360 km2, trong đó đất dùng vào sản xuất nông nghiệp 69.704 ha, đất lâm nghiệp 186.928 ha, đất chuyên dùng 14.645 ha, đất ở 3.858 ha, còn lại đất trống chưa sử dụng, sông suối và núi đá 50.638 ha. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tại thời điểm ngày 01-01-2007, tổng diện tích đất tự nhiên của Ninh Thuận là 336.300 ha, trong đó, đất nông nghiệp là 70.000 ha, đất lâm nghiệp là 187.300 ha, đất chuyên dùng là 10.400 ha, đất ở là 3.700 ha. Đất đai phần lớn là đồi núi, độ dốc cao, tầng đất mỏng, đá lẫn và lộ đầu ít đến nhiều. Thuận lợi cho việc phát triển lâm nghiệp trong việc trồng cây rừng và cây lâu năm, khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Bờ biển Ninh Thuận dài 105 km với vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2, có 3 cửa khẩu ra biển là Đông Hải, Cà Ná, Khánh Hải. Vùng biển Ninh Thuận là một trong bốn ngư trường lớn nhất và giàu nguồn lợi nhất về các loài hải sản của cả nước, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và phát triển công nghiệp khai thác thủy sản và khoáng sản biển. Vùng biển Ninh Thuận có trên 500 loài cá, tôm, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như cá mú, hồng, thu, ngừ, tôm hùm, mực ống, mực nang…
Rừng của Ninh Thuận có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển các ngành kinh tế - xã hội và cải tạo môi trường sinh thái, là một thế mạnh cần khai thác trong thời kỳ tới. Trữ lượng gỗ của tỉnh gần 11 triệu m3 và có 2,5 triệu cây tre nứa. Rừng sản xuất có 58,5 nghìn ha, trữ lượng 4,5 triệu m3 gỗ, rừng phòng hộ đầu nguồn có 98,9 nghìn ha, trữ lượng gỗ khoảng 5,5 triệu m3.
Khoáng sản ở Ninh Thuận tương đối phong phú về chủng loại: khoáng sản kim loại có wolfram, thiếc; khoáng sản phi kim loại có thạch anh tinh thể, cát thuỷ tinh, sét, muối khoáng thạch anh, sô đa; nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng có cát kết vôi, sét phụ gia, đá xây dựng…
Hiện nay chủ yếu mới khai thác đá, đất sét, cát làm vật liệu xây dựng; khai thác muối khoáng để sản xuất muối công nghiệp, khai thác nước khoáng ở Tân Mỹ. Các khoáng sản làm nguyên liệu cho vật liệu xây dựng còn tiềm năng, có thể khai thác để sản xuất xi măng, làm gạch ngói, đá xây dựng.
Thiên nhiên ưu đãi cho Ninh Thuận những lợi thế để phát triển ngành du lịch. Tỉnh có nhiều thắng cảnh đẹp như bãi biển Ninh Chử, bãi biển Cà Ná, đèo Ngoạn Mục, vịnh Vĩnh Hy....Bên cạnh thắng cảnh thiên nhiên, Ninh Thuận còn có những tháp Chàm cùng vô số các di tích lịch sử văn hóa và nhiều hiện vật quý giá.
Ninh Thuận rất thích hợp trong việc xây dựng cảnh quan du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái được xem như là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trên quy mô rộng lớn và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các cộng đồng dân cư tại các vùng du lịch, đồng thời bảo vệ môi trường và tài nguyên cho sự nghiệp phát triển lâu bền ở Ninh Thuận.
Phan Rang - Đà Lạt - Nha Trang là một trong 7 vùng trọng điềm du lịch của cả nước đến năm 2020. Chính phủ đồng ý chủ trương cho khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Do đó định hướng phát triển du lịch của Ninh Thuận trong những năm tới là phát huy các lợi thế về du lịch biển, du lịch sinh thái, lịch sử và văn hoá, đưa du lịch thật sự là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
Đến với Ninh Thuận du khách sẽ được tham gia nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như tắm biển, nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng, du thuyền, leo núi, dự lễ hội của người Chăm. Ninh Thuận là vùng đất của gió, nắng, của những đồi cát ngút ngàn bụi tung mờ ảo, của những bãi biển xinh đẹp quanh năm sóng vỗ, của những truyền thuyết dân gian đầy bí ẩn.
Những điểm du lịch hấp dẫn của Ninh Thuận:
Tháp Pôklông Garai
Bãi biển Ninh Chử
Khu du lịch Cà Ná
Đèo Ngoạn Mục
Vịnh Vĩnh Hy
Tháp Pôrômê
Tháp Hoà Lai
Cồn cát Nam Cương
Vườn quốc gia Núi Chúa
Hang Ông Phật
Ghềnh Ông Nồng
Giếng Đục
Núi Bạc
Hồ Sông Trâu
Hồ Sông Sắt
Hồ Tân Giang
Ngày trước, tỉnh Ninh Thuận là vùng đất thuộc Chiêm Thành. Đời chúa Nguyễn Phúc Tần, lấy sông Phan Rang làm ranh giới hai nước. Năm 1692, vua Chiêm là Bà Tranh đem quân quấy nhiễu, chúa Nguyễn Phúc Chu đem quân đi đánh và bắt được Bà Tranh, bèn sát nhập đất Chiêm Thành vào nước ta và đặt tên là trấn Thuận Thành. Năm 1697, thành lập phủ Bình Thuận và dinh Bình Thuận có các đạo Phan Thiết, Phan Lang, Maly và Phố Hài. Đời Gia Long, dinh Bình Thuận đổi thành trấn. Đời Minh Mạng đạo Phan Lang đổi thành huyện An Phước. Đến năm 1832, trấn Thuận Thành đổi thành tỉnh Bình Thuận, gồm hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận. Năm 1888, phủ Ninh Thuận sát nhập vào Khánh Hoà.
Ngày 20-05-1901, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Phan Rang, tỉnh lị cũng là Phan Rang. Năm 1913, tỉnh Phan Rang bị xóa bỏ, phần phía Bắc nhập vào tỉnh Khánh Hoà, còn phần phía Nam gọi là đại lý hành chính, thuộc tỉnh Bình Thuận.
Ngày 05-07-1922, tỉnh Phan Rang, còn gọi là tỉnh Ninh Thuận, được tái lập. Tỉnh gồm phủ Ninh Thuận và huyện An Phước (nơi người Chăm cư trú), do một Công sứ Pháp cai trị. Dưới Công sứ còn có một Quản đạo.
Năm 1958, tỉnh Ninh Thuận gồm có 3 quận: Thanh Hải (quận lị Khánh Hải), An Phước (quận lị Hậu Phước), Bửu Sơn (quận lị An Sơn), tổng số đơn vị hành chính cấp xã là 24. Ngày 06-04-1960, thành lập quận Du Long, trên cơ sở tách một phần đất quận Bửu Sơn và một phần đất của quận Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Quận lỵ đặt tại Karom, xã Cam Ly. Trước ngày 16-04-1975, tỉnh Ninh Thuận gồm có 5 quận: Thanh Hải, An Phước, Bửu Sơn, Du Long và Sông Pha.
Sau 30-04-1975, Ninh Thuận được sáp nhập với Bình Thuận, Tuyên Đức, Lâm Đồng thành tỉnh Thuận Lâm. Tháng 02-1976, ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải. Ngày 26-12-1991, Quốc hội Việt Nam ra Nghị quyết về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận. Tỉnh Ninh Thuận có 4 đơn vị hành chính gồm: thị xã Phan Rang - Tháp Chàm và 3 huyện: Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, có diện tích tự nhiên 3.530,4 km2, với số dân 406.732 người. Tỉnh lỵ là thị xã Phan Rang - Tháp Chàm.
Ngày 06-11-2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 65/2000/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ninh Sơn, để tái lập huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, tái lập huyện Bác Ái trên cơ sở 103.090,18 ha diện tích tự nhiên và 29.835 nhân khẩu của huyện Ninh Sơn. Huyện Bác Ái gồm 9 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Phước Bình, Phước Hoà, Phước Tân, Phước Đại, Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Thành, Phước Trung và Phước Chính.
Ngày 07-07-2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 84/2005/NĐ-CP, về việc thành lập xã thuộc huyện Ninh Hải và thành lập huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, thành lập huyện Thuận Bắc trên cơ sở 31.993 ha diện tích tự nhiên và 34.675 nhân khẩu của huyện Ninh Hải. Huyện Thuận Bắc có 31.993 ha diện tích tự nhiên và 34.675 nhân khẩu, có 6 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã Lợi Hải, Công Hải, Phước Chiến, Phước Kháng, Bắc Sơn, Bắc Phong.
Ngày 10-06-2009, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP, thành lập huyện Thuận Nam ở phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Huyện Thuận Nam được thành lập trên cơ sở điều chỉnh hơn 56 ngàn ha diện tích tự nhiên và gần 55 ngàn nhân khẩu của 08 xã thuộc huyện Ninh Phước và hai xã mới là Phước Ninh và Cà Ná. Đến đây, tỉnh Ninh Thuận có 7 đơn vị hành chánh trực thuộc gồm: thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và 6 huyện là: Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc, Bác Ái, Thuận Nam.
Ninh Thuận có nền văn hoá mang đậm màu sắc văn hoá của dân tộc Chăm. Nền văn hoá ấy được thể hiện qua chữ viết, trang phục dân tộc, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm. Tỉnh có hơn 20 làng người Chăm, trong đó có những làng vẫn duy trì các tập quán của chế độ mẫu hệ. Ninh Thuận là một trong những địa bàn sinh sống của người Việt Cổ. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện các mộ cổ chôn cùng với đồ đá, đồ sắt thuộc nền văn hoá Sa Huỳnh cách đây khoảng 2.500 năm.
Ninh Thuận là vùng đất nổi tiếng về các di tích văn hoá Chămpa và các tiềm năng kinh tế phong phú khác. Ngư trường Ninh Thuận là một trong bốn ngư trường lớn của cả nước có nhiều loại hải sản quý và sản xuất được quanh năm. Bờ biển dài có nhiều bãi tắm đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch, vừa thuận lợi để phát triển sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn. Bên cạnh đó, khoáng sản ở Ninh Thuận cũng khá phong phú và đa dạng, trong đó phải kể đến một số loại có trữ lượng cao, chất lượng tốt thuận lợi cho khai thác công nghiệp như đá granít, cát silic, nước khoáng..
Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc Nam; quốc lộ 1A; quốc lộ 27. Tỉnh có ba tuyến đường 702, 703 đều đạt tiêu chuẩn cấp IV, láng nhựa với tổng chiều dài 53,9 km nối trung tâm tỉnh lỵ với các huyện trong tỉnh. Hầu hết hệ thồng đường huyện và liên xã được nâng cấp và đảm bảo giao thông cơ giới thuận tiện quanh năm.