<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Tỉnh Kiên Giang

Tổng quan
 

Cổng tam quan Rạch Giá - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Kiên Giang là tỉnh ven biển phía Tây Nam của Việt Nam, thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long hay miền Tây Nam Bộ. Lãnh thổ tỉnh bao gồm phần đất liền và phần hải đảo. Đây là vùng đất thuộc trấn Hà Tiên cũ do Mạc Cửu khai phá vào thế kỷ XVII. Đầu thế kỷ XVIII, Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn. Thời vua Minh Mạng, Hà Tiên là 1 trong 6 tỉnh Nam Kỳ. Sau năm 1975 thành lập tỉnh Kiên Giang cho đến ngày nay.

Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hoá và du lịch nổi tiếng ở miền Tây, là quê hương của thi sĩ Đông Hồ, là nơi phát tích của Tao Đàn Chiêu Anh Các vang bóng một thời. Cảnh đẹp của Kiên Giang ngày xưa từng được ca ngợi qua Hà Tiên thập vịnh. Ngày nay, nhiều người biết tới Kiên Giang qua danh thắng Hòn Phù Tử và đảo Phú Quốc - thiên đường du lịch của Việt Nam. Không chỉ có thế mạnh về du lịch, Kiên Giang còn có tiềm năng kinh tế với nguồn lợi vô cùng to lớn về thuỷ sản. Thành phố Rạch Giá, tỉnh lỵ của tỉnh là thành phố biển duy nhất ở miền Tây.

Điều kiện tự nhiên
 

Vị trí

Kiên Giang là dải đất tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam. Lãnh thổ bao gồm hai khu vực: đất liền và hải đảo. Phần đất liền có diện tích 5.638 km2, nằm trong tọa độ từ 9023'50'' - 10032'30'' vĩ Bắc và từ 104026'40'' - 105032'40'' kinh Đông. Phía Bắc giáp Campuchia, đường biên giới dài 56,8 km; phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêutỉnh Cà Mau; phía Tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 200 km; phía Đông lần lượt tiếp giáp tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơtỉnh Hậu Giang. Phần hải đảo có diện tích khoảng 700 km2, nằm trong vịnh Thái Lan bao gồm hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc và xa nhất là quần đảo Thổ Chu, tập trung thành 5 quần đảo là: quần đảo Hải Tặc, quần đảo Bà Lụa, quần đảo An Thới, quần đảo Nam Du và quần đảo Thổ Chu. Điểm cực Bắc của tỉnh là xã Tân Khánh Hoà, huyện Kiên Lương. Điểm cực Nam nằm ở xã Vinh Phong, huyện Vĩnh Thuận. Điểm cực Tây tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên. Điểm cực Đông nằm ở xã Hoà Lợi, huyện Giồng Riềng.

Nằm ở tận cùng phía Tây Nam của đất nước, tuy cách xa các trung tâm kinh tế lớn, nhưng lại rất gần các nước trong khu vực. Tỉnh có đường biên giới trên bộ với Campuchia, có cửa ngõ ra biển Đông thông qua vịnh Thái Lan, có sân bay ở Rạch Giá và Phú Quốc. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, là cửa ngõ thông thương với các nước bên ngoài của vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Địa hình, Địa chất

Kiên Giang có đầy đủ các dạng địa hình đồng bằng, núi rừng và biển đảo. Phần đất liền có địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam: vùng Đông Bắc có độ cao trung bình từ 0,8 - 1,2 m, vùng Tây Nam có độ cao trung bình từ 0,2 - 0,4 m so với mặt biển. Phần hải đảo có địa hình khá phức tạp, gồm nhiều đảo và núi nằm rải rác trên mặt biển thuộc địa bàn huyện Phú Quốchuyện Kiên Hải.

Địa hình đồi núi thấp

Vùng đồi núi thấp tập trung ở huyện Hòn Đất, huyện Kiên Lươngthị xã Hà Tiên, độ cao trung bình dưới 200 m. Xét về cấu tạo địa chất, có thể chia thành ba loại:

- Núi đá granít: núi Hòn Đất, núi Hòn Me, núi Hòn Sóc...

- Núi đá vôi: núi Chùa Hang, núi Bình Trị, núi Hang Tiền, núi Khoe Lá, núi Ngang, núi Trà Đuốc, núi Mây, núi Mo So.....

- Núi đá phiến xen núi đá macma phun trào: núi Bãi Ớt, núi Ông Cọp, núi Xoa Ảo, núi Nhọn, núi Tô Châu, núi Bình San, núi Pháo Đài, núi Đá Dựng....

Địa hình đồng bằng

Vùng đồng bằng tập trung ở các huyện phía Nam của tỉnh như: huyện Tân Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, huyện Gò Quao, huyện An Biên, huyện An Minh, huyện Vĩnh Thuận, huyện U Minh Thượng.....do phù sa sông Hậu bồi đắp, độ cao trung bình 0,2 - 0,4 m so với mặt biển, có nhiều kênh rạch và sông ngòi chảy qua. Khu vực này chịu nhiều ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều biển Tây, nên thường xảy ra ngập úng vào mùa mưa và nhiễm mặn vào mùa khô, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân địa phương.

Sông ngòi

Sông Ba Hòn - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Ba con sông lớn chảy trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là: sông Cái Lớn, sông Cái Bé và sông Giang Thành. Ngoài ra, còn có hệ thống kênh rạch như: kênh Vĩnh Tế, kênh Hà Tiên - Rạch Giá, kênh Cái Sắn, kênh Rạch Giá - Long Xuyên, kênh T3, kênh T4, kênh T5....có ý nghĩa rất quan trọng về giao thông, thuỷ lợi và thuỷ sản.

Chế độ thuỷ văn của tỉnh chịu tác động của hệ thống sông Cửu Long, mưa và thuỷ triều. Mùa lũ thường xuất hiện từ tháng 7 - 11 hàng năm. Tháng 10 là thời điểm lũ ngập sâu nhất. Mùa cạn kéo dài từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Thời gian này, dòng chảy từ thượng nguồn về giảm mạnh, nước biển tiến sâu vào gây ngập mặn nhiều nơi với độ mặn lên đến 5 g/l.

Khí hậu

Do nằm ở vĩ độ thấp và giáp biển nên Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới đại dương, đặc điểm chung là nóng ẩm và mưa nhiều theo mùa. Tổng lượng bức xạ trong năm từ 120 - 130 kcal/cm2. Nhiệt độ trung bình từ 27-27,50C. Biên độ nhiệt trong năm khá nhỏ, dao động từ 1 - 30C. Biên độ nhiệt trong ngày khá lớn, từ 7 - 100C. Số giờ nắng trung bình khoảng 2.500 giờ/năm.

Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình ở đất liền từ 1.600 - 2.000 mm/năm, ở hải đảo từ 2.400 - 2.900 mm/năm, riêng đảo Phú Quốc là 2.900 mm/năm. Có đến 60% lượng mưa trong năm tập trung từ tháng 7 - 10. Đỉnh của mùa mưa là vào tháng 8, lượng mưa trong tháng này có thể đạt từ 300 - 500 mm. Nhìn chung, khí hậu ở Kiên Giang khá thuận lợi: ít thiên tai, không có bão đổ bộ trực tiếp, không giá rét, ánh sáng và nhiệt độ dồi dào thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất.

Chế độ niệt ở một số địa điểm

Địa điểm Nhiệt độ trung bình Nhiệt độ tối đa trung bình Nhiệt độ tối thiểu trung bình Nhiệt độ tối đa tuyệt đối Nhiệt độ tối thiểu tuyệt đối
Phú Quốc 27,0 30,0 24,0 38,1 16,0
Hà Tiên 27,1 30,2 23,9 37,6 14,8
Rạch Giá 27,2 31,1 24,4 37,8 14,8
 

Nguồn: Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam - tập 6 - trang 328, Lê Thông chủ biên - NXB Giáo Dục - 2006

Tài nguyên thiên nhiên

Đất đai

Các nhóm đất

Có 2 nhóm đất chính

- Nhóm đất hình thành tại chỗ: được hình thành do quá trình phong hoá nham thạch, khoáng vật tại chỗ dưới tác động cơ học, hoá học trong tự nhiên. Loại đất này phân bố ở vùng núi đồi Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, Kiên Hải....bao gồm hai loại:

+ Đất pheralit: hình thành do quá trình pheralit diễn ra mạnh mẽ và chiếm ưu thế dẫn đến sự phá huỷ và rửa trôi các cation kiềm và tích luỹ nhiều sắt, nhôm nên có màu đỏ vàng. Loại đất này phân bố chủ yếu ở Phú Quốc và các hòn núi ở huyện Hòn Đất.

+ Đất sialit - pheralit: hình thành do quá trình sialit và pheralit diễn ra đồng thời, phân bố chủ yếu ở Phú Quốc và Hà Tiên.

- Nhóm đất phù sa bồi tụ: do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, tập trung ở các vùng đồng bằng của tỉnh. Do nằm xa sông nên đất ở đây có thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét từ 45 - 58%. Tầng đất dày trên 70 cm, hàm lượng hữu cơ cao, chia thành 4 loại chính:

+ Đất phù sa ngọt: chiếm diện tích khoảng 30.000 ha, phân bố chủ yếu ở các huyện Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng và rải rác ở Rạch Giá, Hòn Đất, Gò Quao. Đây là loại đất tốt nhất cho nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ Đất phèn: có diện tích khoảng 223.000 ha, chiếm 40% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở Hà Tiên, Hòn Đất, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận. Loại đất này có thể trồng một số cây như tràm, khóm. Nếu muốn canh tác các loại cây trồng khác thì phải cải tạo.

+ Đất mặn: có diện tích khoảng 20.300 ha, phân bố chủ yếu ở vùng ven biển hay ven sông thuộc các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Gò Quao và rải rác ở Châu Thành, Hòn Đất, Hà Tiên, Rạch Giá...Loại đất này thường chỉ có thể trồng lúa 1 vụ trong năm, kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản.

+ Đất phèn và mặn: có diện tích khoảng 225.000 ha, phân bố chủ yếu ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Gò Quao và rải rác ở hầu hết các huyện thị khác trong tỉnh. Đất này chịu ảnh hưởng nhiều của thuỷ triều, có thể trồng dừa, khóm, mía hoặc trồng lúa 1 vụ vào mùa mưa.

Cơ cấu sử dụng đất

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại thời điểm ngày 01-01-2007, cơ cấu sử dụng đất của tỉnh như sau:

Danh mục

Đất sản xuất nông nghiệp

Đất lâm nghiệp

Đất chuyên dùng

Đất ở

Cả nước

28,5

43,8

4,3

1,8

Đồng bằng Sông Cửu Long

63,2

8,6

5,5

2,7

Kiên Giang

69,5

16,2

3,4

1,8

 

Sinh vật

Kiên Giang có nhiều rừng, tiêu biểu là dãy rừng rậm nhiệt đới ở Vườn quốc gia Phú Quốc và rừng ngập mặn ven biển ở Vườn quốc gia U Minh Thượng. Rừng Phú Quốc phần lớn là rừng nguyên sinh, độ che phủ hơn 80%, với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Rừng U Minh Thượng cũng có nhiều loài sinh vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Thu gom cá trên bãi biển - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Kiên Giang có 200 km bờ biển với ngư trường khai thác trên 63.000 km2. Vùng biển Tây Nam là một trong những ngư trường lớn của cả nước. Theo điều tra của Viện nghiên cứu biển Việt Nam, trữ lượng tôm cá ở đây ước tính khoảng 465.000 tấn, khả năng cho phép khai thác là trên 200.000 tấn. Biển Kiên Giang là biển ấm, thềm lục địa thoải, không có vực sâu, có nhiều loài rong biển sinh sống, lại có nguồn lợi hữu cơ phong phú từ sông ngòi, kênh rạch, nên có nhiều loài thuỷ sản sinh sống. Các loài cá có trữ lượng lớn là: cơm, trích, bạc má, ngừ, ngát, thu, chim......Một số loài ngon như: kẽm, mú, nhồng....thường sống ở các gành đá, rạn biển, phải dùng câu để bắt. Một số loài cá lớn đi lẻ như: mập tịch, đao, lưỡi kiếm, đuối, cúi....có giá trị kinh tế cao. Ngoài cá, biển Kiên Giang còn có nhiều loài tôm như: rằm, thẻ, hùm, mũ ni..... Tôm thường tập trung nhiều quanh các hòn đảo, nhất là đảo Phú Quốc. Biển Kiên Giang cũng có nhiều loài thuỷ sản khác như: cua, ghẹ, sò, ốc, đồi mồi, rong biển.....

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, năm 2007, tỉnh Kiên Giang có 103.500 ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản. Tỉnh có khả năng nuôi cá rất lớn, hình thức nuôi có thể kết hợp trong ruộng lúa, trong rừng tràm. Vùng nước lợ ven biển có điều kiện nuôi tôm.

Khoáng sản

So với nhiều tỉnh ở đồng bằng Sông Cửu Long, Kiên Giang có nguồn khoáng sản dồi dào hơn cả. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 152 điểm quặng và mỏ của 23 loại khoáng sản thuộc các nhóm nhiên liệu, phi kim, kim loại. Trong đó chủ yếu là khoáng sản phi kim phục vụ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Các loại khoáng sản chính:

- Đá vôi: Toàn tỉnh có hơn 200 ngọn núi đá vôi với trữ lượng khoảng 440 triệu tấn, duy nhất có ở đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, khả năng khai thác cho phép là 250 triệu tấn, là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất xi măng.

- Than bùn: trữ lượng khoảng 150 triệu tấn, tập trung ở các huyện U Minh Thượng, An Minh, Vĩnh Thuận....là nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón, hoá chất, chất đốt.

Ngoài ra, Kiên Giang còn có nhiều đá quý như mã não, cẩm thạch....dùng làm trang sức; đất sét làm gạch ngói, gốm sứ; đá ốp lát và một số quặng kim loại ở Phú Quốc.

Du lịch
 

Tình hình phát triển

Bãi biển Kiên Lương - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

So với các tỉnh khác thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Kiên Giang có nhiều lợi thế vì được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh đẹp với địa hình phong phú bao gồm đồng bằng, núi rừng và biển đảo. Nhận xét về vẻ đẹp thiên nhiên ở Kiên Giang, thi sĩ Đông Hồ từng viết: "Ở đó, kỳ thú thay như gồm hầu đủ hết; có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn; có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long; có một ít núi vôi của Ninh Bình; có một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích; có một ít Tây Hồ; một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Thuận Hoá. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng; một ít Nha Trang, Long Hải."

Ngoài cảnh đẹp tự nhiên, Kiên Giang còn có bề dày truyền thống văn hoá lịch sử lâu đời nhất ở miền Tây Nam Bộ. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 15 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đất Hà Tiên là nơi ra đời của Tao Đàn Chiêu Anh Các, một thi đàn văn học thuộc vào loại sớm nhất ở miền Nam do Mạc Thiên Tích khởi xướng. Ở Kiên Giang còn có nhiều lễ hội văn hoá, tiêu biểu nhất là lễ hội tưởng niệm Nguyễn Trung Trực, được tổ chức tại đền thờ ông từ ngày 27 - 29 tháng Tám âm lịch hằng năm, thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham dự. Ngoài ra còn có lễ hội của đồng bào Khmer như: lễ Dol Ta, lễ cúng trăng, thả đèn gió....rất độc đáo và hấp dẫn.

Hiện nay, Kiên Giang đang khai thác các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và du lịch nghĩ dưỡng. Một số tuyến du lịch chính như:

  • Tuyến thành phố Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Lương - thị xã Hà Tiên

  • Tuyến thành phố Rạch Giá - Gò Quao - thị xã Vị Thanh - thành phố Cần Thơ

  • Tuyến thành phố Rạch Giá - Minh Lương - Vĩnh Thuận

  • Tuyến thành phố Rạch Giá - Ba Hòn - Hòn Chông

  • Tuyến thành phố Rạch Giá hay thị xã Hà Tiên - đảo Phú Quốc

Trong kế hoạch phát triển tỉnh nhà, Kiên Giang đang phấn đấu xây dựng du lịch trở thành một trong những ngày kinh tế mũi nhọn, tạo đều kiện thúc đẩy các ngành thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công phát triển góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Để đạt được điều này, tỉnh không ngừng tăng cường quảng bá du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá các loại hình sản phẩm du lịch, tôn tạo và bảo vệ các di tích thắng cảnh trên địa bàn.

Trong khuôn khổ “Năm Du lịch Quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008”, Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa - lễ hội để giới thiệu đến du khách gần xa những sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng đất này. Hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, các công trình, đồng thời xúc tiến quảng bá du lịch. Trong 6 tháng cuối năm 2008, tại Kiên Giang sẽ có 4 sự kiện lễ hội đặc sắc và hấp dẫn như:

  • Chương trình “Khám phá hang động – biển đảo Tây Nam” diễn ra từ ngày 01-06 đến 30-09-2008, tại thị xã Hà Tiên.

  • Lễ hội kỷ niệm 140 năm ngày mất của anh hùng Nguyễn Trung Trực diễn ra từ ngày 25 đến 27-09-2008, tại thành phố Rạch Giá.

  • Ngày hội văn hóa – thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang 2008, từ ngày 12 đến 14-11-2008 tại huyện Gò Quao

  • Tuần lễ du lịch văn hóa Phú Quốc và lễ công bố Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Kiên Giang trên hòn đảo Ngọc sẽ diễn ra vào tháng 12-2008 trên đảo Phú Quốc.

Trong 9 tháng đầu năm 2008 tổng lượt khách du lịch đến trên địa bàn tỉnh đạt 2.415.927 lượt khách, trong đó khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 589.810 lượt khách, tăng 33,39% so với cùng kỳ, đạt 84,20% so với kế hoạch. Trong đó khách quốc tế là 69.013 lượt, tăng 31,47% so với cùng kỳ, đạt 81,19% so với kế hoạch. Tổng doanh thu 9 tháng đạt 273,64 tỷ, tăng 14,56 % so với cùng kỳ, đạt 65,75 % so với kế hoạch.


Thắng cảnh

Di tích

Đặc sản

Hành chính hiện nay
 

Hiện nay, Kiên Giang có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thành phố Rạch Giá - tỉnh lỵ của tỉnh, thị xã Hà Tiên, 10 huyện đất liền là: huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất, huyện Tân Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, huyện Gò Quao, huyện An Biên, huyện An Minh, huyện U Minh Thượng, huyện Vĩnh Thuận; 2 huyện đảo là: huyện Kiên Hải, huyện Phú Quốc. Trong đó, huyện Hòn Đất có diện tích lớn nhất, huyện Kiên Hải có diện tích nhỏ nhất. Tổng số đơn vị hành chánh cấp xã là 142, trong đó có 15 phường, 12 thị trấn và 115 xã.

Các cơ quan quản lý cao nhất của tỉnh hiện nay là: Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Uỷ ban Nhân dân (UBND)

Tỉnh uỷ là cơ quan đại diện cho Đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh. Đứng đầu là Bí thư Tỉnh uỷ. Quyền hạn và trách nhiệm được quy định theo Điều lệ Đảng. Bí thư Tỉnh Uỷ hiện nay là ông Trương Quốc Tuấn.

Thị xã Hà Tiên - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

HĐND theo quy định là cơ quan quyền lực nhân dân trong tỉnh, được bầu lên với nhiệm kỳ 5 năm. Đứng đầu cơ quan này là Chủ tịch HĐND. Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang hiện nay là ông Trương Quốc Tuấn, kiêm chức Bí thư Tỉnh uỷ. HĐND  họp mỗi năm 2 kỳ, tại các kỳ họp này, các đại biểu sẽ bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề quan trọng của tỉnh. Hội đồng Nhân dân chịu sự giám sát và hướng dẫn hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, đồng thời chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội.

UBND do Hội đồng nhân dân chọn ra, có trách nhiệm quản lý trực tiếp các vấn đề hành chính, kinh tế, xã hội, văn hoá....của tỉnh nhà. Đứng đầu UBND là Chủ tịch và các phó Chủ tịch, bên dưới là các Sở ban ngành quản lý từng lĩnh vực cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh hiện nay là ông Bùi Ngọc Sương. Chủ tịch UBND tỉnh có địa chỉ hộp thư điện tử là chutich@kiengiang.gov.vn. Đây là hộp thư nóng được đăng thường trực trên Website Kiên Giang. Cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể gửi ý kiến của mình qua địa chỉ này và đảm bảo sẽ được nhanh chóng trả lời; đồng thời có thể đăng ký gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong cuộc gặp mặt hằng tháng.

Hệ thống các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, ngoài 17 Sở giống như các tỉnh thành khác trong cả nước, tỉnh Kiên Giang có 2 cơ quan chuyên môn được tổ chức đặc thù là Sở Ngoại vụ và Ban Dân tộc. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện bao gồm có 12 Phòng. Riêng huyện đảo Kiên Hải tổ chức 10 Phòng, không có Phòng Y tế và Phòng Tài nguyên - Môi trường. Đối với huyện Phú Quốc, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng xong đề án thành lập đặc khu Phú Quốc trực thuộc Trung ương. Do đó, bộ máy hành chính của Phú Quốc đề nghị được sắp xếp theo đơn vị hành chính thị xã Hà Tiên và thành phố Rạch Giá.

Lịch sử hình thành và phát triển
 

Vùng đất Kiên Giang ngày nay trước kia là đất Mang Khảm, thuộc phủ Sài Mạt, nước Chân Lạp. Trước thế kỷ XVII, tuy vẫn còn hoang sơ và rậm rạp, nhưng người Việt từ Thuận Hóa, Quảng Nam đã tới đây làm nhà sàn, đánh cá, cấy lúa nước... sinh sống với người Ấn, người Đồ Bà (Java) trong các điểm dân cư thưa thớt ven biển, cửa sông. Năm 1645, nhà Minh ở Trung Quốc bị diệt vong, nhiều sĩ phu, tướng thần nhà Minh bỏ nước ra đi. Thời kỳ này, nhiều nhóm người Hoa đến Việt Nam ở Phố Hiến (Hưng Yên), Thanh Hà (Huế), Hội An. (Quảng Nam).

Trong dòng người Hoa tỵ nạn đó, có Mạc Cửu. Ông sinh năm 1655 ở huyện Hải Khang, phủ Lê Châu, Quảng Đông. Năm 1671, khi 17 tuổi ông đã cùng gia quyến lên thuyền vượt biển xuống phía Nam khai hoang, mở đất và phát triển buôn bán. Cuối thế kỷ XVII, vùng đất này đã trở nên trù phú, Mạc Cửu đổi tên Mang Khảm thành Hà Tiên, lập thành 7 xã trên một vòng cung 500 km quanh vịnh Thái Lan tới Cà Mau. Thời kỳ này, theo lệnh chúa Nguyễn, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã cất quân đi kinh lý miền Nam. Ông lập phủ Gia Định, gồm hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Còn vùng đất Hà Tiên vẫn thuộc về Mạc Cửu.

Tuy nhiên do quân Xiêm thường xuyên sang xâm lấn mà  thế lực của Chân Lạp lại yếu nên Mạc Cửu đã tìm cách liên lạc với chúa Nguyễn Phúc Chu. Tháng 08-1708 ( Mậu Tý) ông cử cận thần mang ngọc lụa đến Phú Xuân dâng biểu xưng thần, xin được làm Hà Tiên trưởng. Chúa Nguyễn Phúc Chu, đã rất vui mừng đón nhận vùng đất mới, liền chấp nhận và đặt là trấn Hà Tiên của Đại Việt và phong Mạc Cửu tước Cửu Ngọc Hầu, chức Tổng binh.

Tượng Mạc Cửu ở Hà Tiên - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Được sự che chở của chúa Nguyễn, Mạc Cửu không ngừng mở rộng đất đai và phát triển buôn bán. Năm 1724, ông lại dâng toàn bộ số đất khai phá được cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn đặt tên là dinh Long Hồ và cho Mạc Cửu làm Đô đốc cai quản. Năm 1736, Mạc Cửu mất, con ông là Mạc Thiên Tứ (cũng gọi là Mạc Thiên Tích), tự là Sĩ Lân được kế nghiệp cha làm Đô đốc và không ngừng mở rộng đất đai, xây dựng Hà Tiên thành một thương cảng phồn thịnh, có cửa khẩu quốc tế, có cung điện Phương Thành, đồn lũy Giang Thành, có đội thủy quân ứng chiến để bảo vệ thương thuyền qua lại cảng. Thời Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú, đổi dinh Long Hồ thành trấn Hà Tiên.

Quân đội của họ Mạc thường xuyên tuần hành mặt biển nên chúa Nguyễn rất yên tâm về tình hình biên thùy phía Nam. Kinh tế Hà Tiên phát triển trong gần 70 năm liền. Hà Tiên buôn bán với Thuận, Quảng, Ma Lai, Xiêm, Đồ Bá, Trung Hoa, Nhật Bản… Về nội trị, Hà Tiên có Văn Miếu, thiết lập nghĩa học, thu hút thầy giỏi khắp bốn phương, dạy chữ Hán, chữ Nôm cho cả con cháu dòng dõi họ Mạc lẫn con nhà nghèo. Đặc biệt, Mạc Thiên Tứ có văn chương thơ phú phát triển nổi bật, thu hút nhân tài thơ văn từ nhiều miền đất nước, cả Trung Hoa tham gia xướng họa làm cho danh tiếng Hà Tiên vượt ra ngoài bờ cõi An Nam…

Nhưng trấn Hà Tiên - tiền đồn Đại Việt cũng chịu nhiều cuộc tấn công của quân Xiêm, quân Chân Lạp và bọn cướp biển. Trong các năm 1767, 1769, 1770, 1771, cướp biển và quân Xiêm liên tục tấn công cướp phá trấn Hà Tiên. Cuộc tấn công đánh chiếm Hà Tiên năm 1771 của vua Xiêm Trịnh Quốc Anh kéo dào 3 năm đã làm cho Hà Tiên trở nên tiêu điều, không khôi phục được nữa. Mạc Thiên Tứ chạy giặc không muốn trở về. Ngoài khơi, quần đảp Hải Tặc nhiều toán cướp biển hoành hành… Trong khi đó, Sài Gòn - Gia Định phát triển mỗi lúc một phồn thịnh, từ đó vai trò của Hà Tiên cũng trở nên mờ nhạt dần.

Thời Minh Mạng, đổi thành trấn Hà Tiên thành tỉnh Hà Tiên, là một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ. Thời kỳ đầu Pháp xâm lược nước ta, Hà Tiên là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, Đỗ Thừa Tự, Đỗ Thừa Luông. Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực hành chính lại chia nhỏ thành các tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement administratif), tỉnh Hà Tiên cũ bị chia thành 2 hạt tham biện là Hà Tiên và Rạch Giá. Từ ngày 01-01-1900 hai hạt tham biện Hà Tiên và Rạch Giá trở thành hai tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, Hà Tiên và Rạch Giá hợp nhất thành tỉnh Kiên Giang. Tỉnh Kiên Giang khi ấy gồm 7 quận: Kiên Lương, Kiên An, Kiên Bình, Kiên Tân, Kiên Thành và Phú Quốc. Tỉnh Kiên Giang phía Bắc giáp Campuchia, Đông Bắc giáp tỉnh Châu Đốc, Đông giáp tỉnh An Giang và tỉnh Phong Dinh, Đông Nam giáp tỉnh Chương Thiện, Nam giáp tỉnh An Xuyên.
Sau 1975, sáp nhập thêm tỉnh Chương Thiện vào tỉnh Kiên Giang, tỉnh lỵ đặt tại Rạch Giá.

Xã hội
 

Dân cư

Quy mô và sự phân bố

So với các tỉnh khác trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long, dân số Kiên Giang được xếp vào loại cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2007, dân số Kiên Giang là 1.705.200 người, đứng hàng thứ 3 trong khu vực, sau tỉnh An Giang (2.231.000 người)tỉnh Tiền Giang (1.724.800 người) .

Trẻ em trên đảo Phú Quốc - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Dân số của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Năm 1979, toàn tỉnh có khoảng 985.500 người. Năm 1989 là 1.216.300 người. Năm 1999 là 1.497.600 người. Năm 2003 là 1.606.600 người. Năm 2007 là 1.705.200 người. Như vậy trung bình mỗi năm dân số tăng thêm 26.000 người. Tốc độ tăng trung bình giai đoạn 1979 - 2003 là 2,6%/năm. Dân số gia tăng do hai nguyên nhân là tự nhiên và cơ học. Về gia tăng tư nhiên, dễ nhận thấy từ năm 1989 trở về trước, tốc độ gia tăng tương đối cao. Từ năm 1989 trở về sau, tốc độ có giảm dần do thực hiện chính sách dân số của nhà nước. Về gia tăng cơ học, những năm 1989 - 1999, diễn ra hiện tượng di dân tự do khá phổ biến ở hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải. Trong khoảng thời gian này, dân cư đảo Phú Quốc tăng lên khoảng 15.000 người. Còn ở huyện Kiên Hải, từ năm 1989 - 2002, dân số đã tăng từ 9.747 người lên đến 20.300 người, tức khoảng 2,1 lần.

Dân cư tập trung đông ở vùng đồng bằng như: thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, và các huyện: Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, Châu Thành. Các huyện đồi núi thấp và hải đảo thì tương đối ít hơn như: Kiên Lương, Phú Quốc, Kiên Hải. Phần lớn dân số Kiên Giang sinh sống ở các vùng nông thôn, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục thống kê năm 2007, Kiên Giang có khoảng 1.262.100 người sống ở khu vực nông thôn, 443.100 người sống ở thành thị. Dân thành thị tập trung chủ yếu ở thành phố Rạch Giáthị xã Hà Tiên, số còn lại cư trú ở  các thị trấn, đáng kể nhất là thị trấn Kiên Lương - huyện Kiên Lương, thị trấn Dương Đông - huyện Phú Quốc và thị trấn Tân Hiệp - huyện Tân Hiệp.

Cơ cấu dân số

- Xét theo độ tuổi, dân số Kiên Giang là dân số trẻ, mặc dù trong những năm gần đây, mức sinh và tốc độ tăng dân số đã giảm đi đáng kể. Về giới tính, dân số Kiên Giang thiên về nữ giới, tuy nhiên, tỷ trọng của nam cũng đang tăng dần, do đó mức chênh lệch đang được thu hẹp dần. Năm 2007, dân số nữ chiếm 865.900 / 1.705.200 người, tương đương 50,78%.

- Về dân tộc và tôn giáo, Kiên Giang là địa bàn cư trú của trên 15 dân tộc. Trong đó, người Kinh chiếm khoảng 85,5% dân số sinh sống ở khắp các huyện thị trong tỉnh. Người Khmer chiếm khoảng 12,2% dân số tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Gò Quao. Người Hoa chiếm khoảng 2,2% dân số sinh sống ở thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành. Còn lại là một số dân tộc khác như: Chăm, Tày, Mường, Nùng....Về tôn giáo, theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, trên địa bàn tỉnh có 489.609 người theo tôn giáo, chiếm khoảng 32,7% tổng số dân, trong đó Phật giáo chiếm 25%, Công giáo chiếm 5,7%, còn lại là các tôn giáo khác như: Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo.....

- Về cơ cấu lao động, Kiên Giang có nguồn lao động dồi dào và gia tăng hàng năm với tốc độ khá nhanh, trung bình 3,2%. Năm 2002, số dân trong độ tuổi lao động của tỉnh chiếm 66,4% dân số tỉnh nhà. Trên thực tế, số người tham gia lao động là 79%. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo cách ngành kinh tế diễn ra tương tối chậm. Năm 2000, tỷ lệ lao động trong ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp là 74,6% , Công nghiệp - Xây dựng là 7,4%, Thương mại - Dịch vụ là 18%. Năm 2003, tỷ lệ này lần lượt là 73,6% - 7,5% - 18,9%. Về chất lượng lao động của tỉnh, hầu hết các chỉ tiêu đều kém hơn so với chuẩn chung của cả nước. Tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn khá cao, chiếm tới 89,65% trong tổng số lao động, chỉ có 10,4% có trình độ sơ cấp, học nghề trở lên, trong đó có 7,3% công nhân kỹ thuật có bằng cấp.

Giáo dục

Cùng với sự phát triển chung của cả nước, ngành giáo dục Kiên Giang trong những năm qua đã có những thay đổi đáng kể. Số trường lớp, giáo viên và học sinh không ngừng gia tăng, phương tiện giảng dạy được cải tiến, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 30-09-2007, toàn tỉnh Kiên Giang có 492 trường học ở các cấp phổ thông, đứng thứ 2 ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, sau tỉnh An Giang với 594 trường. Tổng số học sinh phổ thông tại thời điểm 31-12-2007 là 302.076 em, đứng thứ 2 ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, sau tỉnh An Giang với 331.409 em. Tổng số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy tại thời điểm 31-12-2007 là 14.676 người, đứng thứ 2 ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, sau tỉnh An Giang với 16.616 người. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2006-2007 là 73,92%, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (80,62) và cả nước (80,42%). Năm 2003, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã hoàn thành xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

Cùng với giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng và đại học cũng được chú trọng. Năm 2007, toàn tỉnh có 5.075 học sinh trung học chuyên nghiệp, 331 giáo viên cao đẳng với tổng số sinh viên là 2.766 em.

Y tế

Trong những năm qua, ngành y tế tỉnh Kiên Giang được đầu tư quan tâm đúng mực. Số lượng các cơ sở y tế tăng đều qua các năm. Công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và phòng chống dịch bệnh được triển khai tích cực. Năm 2007, toàn tỉnh có 154 cơ sở y tế do Sở Y tế quản lý, trong đó có 15 bệnh viện, 16 phòng khám khu vực và 123 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tổng số cán bộ y tế ngành Y năm 2007 do Sở Y tế quản lý là 2.867 người, trong đó có 662 bác sĩ, 845 y sĩ, 807 y tá và 553 nữ hộ sinh. Tổng số cán bộ y tế ngành dược năm 2007 do Sở Y tế quản lý là 326 người, trong đó có 27 dược sĩ cao cấp, 194 dược sĩ trung cấp và 105 dược tá.

Kinh tế
 

Nhận định chung

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong từng thời kỳ, tỉnh đã đầu tư khai thác những tiềm năng sẵn có để đưa nền kinh tế đi lên. Tổng GDP của tỉnh liên tục tăng qua các năm: năm 1995 là 4.441,8 tỷ đồng, năm 2000 là 7.239,8 tỷ đồng, năm 2003 đạt 10.708,7 tỷ đồng, năm 2005 đạt 10.835 tỷ đồng. Năm 2003, GDP của tỉnh chiếm 11,9% GDP của toàn vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đứng đầu toàn vùng và 2,5% GDP cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1995 - 2003 là 17,6%, cao gấp đôi so với mức trung bình cả nước. Cơ cấu kinh tế hiện nay là Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ. Cơ cấu này đang chuyển dịch theo xu hướng tăng dần tỷ trọng Công nghiệp và Dịch vụ.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu nằm 2008 ước đạt mức 12,20%, trong đó đóng góp của từng khu vực như sau: Nông - Lâm - Ngư nghiệp tăng 9,99% , đóng góp 4,89% tăng trưởng; Công nghiệp tăng 12,94%, đóng góp 3,63% tăng trưởng; Thương mại - Dịch vụ tăng 16,09%, đóng góp 3,68% tăng trưởng. Năm 2008, GDP của tỉnh đạt 15.185,6 tỷ đồng, tăng 12,6%. Khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp tăng 11,1%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng  11,4 %; khu vực Dịch vụ tăng 16,8% so với năm 2007. Đóng góp tăng trưởng của Khu vực I là 4,9% Khu vực II là 3,6% khu vực III là  4,1%.  Theo thông tin từ website tỉnh, quý I năm 2009, kinh tế Kiên Giang tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 7,6%, trong đó Nông - Lâm - Ngư nghiệp 0,45%, Công nghiệp - Xây dựng 3,5%, Thương mại - Dịch vụ 3,65%.

GDP và cơ cấu GDP của Kiên Giang gian đoạn 1995 - 2003 (Giá hiện hành)

Năm Tổng số Các khu vực kinh tế
Nông - Lâm - Ngư nghiệp Công nghiệp Thương mại - Dịch vụ
Tỷ đồng %Tỷ đồng % Tỷ đồng % Tỷ đồng %
1995 4.441,8 100,0 2.435,8 54,9 1.048,3 23,6 995,0 21,5
2000 7.239,8 100,0 3.505,9 51,8 1.992,9 27,5 1.741,0 20,7
2003 10.708,7 100,0 5.013,3 50,1 3.010,5 28,1 2.648,9 21,8

Nguồn: Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam - Tập 6 - Nguyễn Văn Thông - NXB Giáo Dục - 2006

Về thành phần kinh tế, khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng lớn và ít thay đổi (93,4%). Trong đó, kinh tế nhà nước chiếm khoảng 26%, kinh tế tư nhân chiếm khoảng 67,4%. Riêng, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thấp, chỉ chiếm khoảng 6,6%.

Cùng với sự phát triển kinh tế, mức sống người dân cũng không ngừng được nâng cao. GDP bình quân đầu người của tỉnh không ngừng tăng lên qua các năm, xếp vào loại cao so với cả nước và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. GDP bình quân năm 2000 đạt 4.750.000 đồng/người/năm, năm 2003 đặt 6.665.000 đồng/người/năm. Thu nhập bình quân hàng tháng của lao động trong khu vực kinh tế nhà nước năm 2007 trên địa bàn tỉnh đạt 1.536.400 đồng.

Các khu vực kinh tế

Nông - Lâm - Ngư nghiệp

Ruộng lúa Gò Quao - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Đây là khu vực kinh tế quan trọng nhất của tỉnh. Tuy có xu hướng giảm dần tỷ trọng qua các năm, nhưng giá trị tuyệt đối không ngừng gia tăng. Trong đó, nông nghiệp chiếm ưu thế, ngư nghiệp xếp thứ hai và không ngừng gia tăng về tỷ trọng, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ và ngày càng giảm đi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2007 của tỉnh đạt 5.581,9 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong khu vực đồng bằng Sông Cử Long, sau tỉnh An Giang 6.465,4 tỷ và tỉnh Đồng Tháp 5.719,5 tỷ. Trong nội bộ ngành Nông nghiệp, đã có sự chuyển dịch giữa trồng trọt và chăn nuôi, nhưng còn rất chậm. Ngành trồng trọt luôn giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chiếm 81,1% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2003. Các nhóm cây trồng bao gồm: cây lương thực, cây công nghiệp, cây thực phẩm và cây ăn quả, trong đó ưu thế thuộc về các cây lương thực, đặc biệt là cây lúa. Diện tích trồng lúa năm 2007 của tỉnh là 583.000 ha, cao nhất vùng đồng bằng Sông Cửu Long; sản lượng đạt 2.977.400 tấn, xếp thứ 2, sau tỉnh An Giang với 3.099.400 tấn; năng suất bình quân 51,1 tạ/ha, xếp thứ 6 trong khu vực. Ngoài ra, Kiên Giang còn nổi tiếng với thương hiệu tiêu Phú Quốc. Ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển chậm và không ổn định, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nông nghiệp. Vật nuôi chính là heo, trâu bò và gia cầm.

Diện tích rừng của tỉnh trong những năm qua biến động không ổn định. Năm 2003, tỉnh có khoảng 118.900 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng là 110.900 ha, độ che phủ toàn tỉnh đạt tỷ lệ 19%. Năm 2007, diện tích rừng còn lại 102.800 ha, trong đó có 49.600 ha rừng tự nhiên và 53.200 ha rừng trồng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2007 trên địa bàn tỉnh là 89,6 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994), sản lượng gỗ khai thác năm 2007 đạt 58.600 m3. Hiện tỉnh đã có nhiều dự án trồng mới và bảo vệ khai thác rừng, trong đó mỗi năm trồng thêm 25.000 ha và trồng bạch đàn ở huyện Hòn Đất để làm nguyên liệu cho nhà máy giấy. Tỉnh cũng đã có kế hoạch khôi phục rừng tràm U Minh để giữ môi trường sinh thái ở bán đảo Cà Mau, đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển.

Ngư nghiệp là thế mạnh thứ 2 của tỉnh và là ngành có khả năng tạo ra hàng hoá giá trị cao thông qua công nghiệp chế biến. Với 200 km đường bờ biển và hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, ngư trường khai thác rộng 63.000 km2, ngành Ngư nghiệp Kiên Giang hiện có tiềm năng phát triển rất lớn. Năm 2007, Kiên Giang có 2.031 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đạt 397.294 tấn - cao nhất vùng đồng bằng Sông Cửu Long, giá trị sản xuất của ngành thuỷ sản đạt 4.507,3 tỷ đồng - đứng thứ hai khu vực, sau tỉnh Cà Mau với 6.498,1 tỷ đồng. Cùng với sự phát triển của ngành đánh bắt, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá cũng được đầu tư phát triển, tỉnh đã xây dựng nhiều hệ thống cảng cá như: Thổ Chu, Nam Du, An thới, Tắc Cậu, Dương Đông, Ba Hòn....Ngành nuôi trồng thuỷ sản cũng được chú trọng phát triển, năm 2007, Kiên Giang có khoảng 103.500 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản với sản lượng đạt 82.137 tấn.

Công nghiệp

Nhà máy xi măng Hà Tiên - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Công nghiệp là ngành giữ vị trí thứ 2 trong cơ cấu kinh kế của Kiên Giang. Trong những năm qua, ngành này có tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao: giai đoạn 1992 - 1995 là 23,3%, giai đoạn 2000 - 2003 là 11,5%. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP tăng dần đều qua các năm, từ 23,6% năm 1995 lên 27,5% năm 2000 và 28,1% năm 2003. Giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá thực tế) năm 2007 đạt 8.479,7 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2008, giá trị xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.492,6 tỷ đồng, đạt 68,12% kế hoạch và tăng 12,04% so với cùng kỳ, ước tính cả năm đạt 10.810 tỷ đồng, tăng 12,05% so với năm 2007. Trong quý I năm 2009, giá  trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 1994) trên địa bàn tỉnh thực hiện gần 2.400 tỷ đồng, đạt 19,56% kế hoạch cả năm và tăng 9,35% so với cùng kỳ năm trước.

Trong sản xuất công nghiệp, khu vực kinh tế trong nước chiếm đại bộ phận, trên 99%, trong đó khu vực quốc doanh có tỷ trọng lớn hơn khu vực ngoài quốc doanh. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không đáng kể. Về cơ cấu ngành, Kiên Giang có thế mạnh về vật liệu xây dựng, chế biến nông, thuỷ sản. Xi măng Hà Tiên là thương hiệu nổi tiếng hàng đầu trên thị trường xây dựng trong nước.

Hiện nay, Kiên Giang có 2 khu công nghiệp (KCN) tập trung: KCN Kiên Lương - Ba Hòn - Hòn Chông chủ yếu sản xuất vật liệu xây dựng. KCN Rạch Giá - Rạch Sỏi - Tắc Cậu - Bến Nhật chủ yếu chế biến nông sản, thuỷ hải sản. Hai KCN này đã và đang thu hút đầu tư của các đơn vị trong và ngoài tỉnh, kể cả vốn đầu tư nước ngoài để từng bước thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Từ nay đến năm 2010, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là:

- Ngành Công nghiệp chiếm tỷ trọng từ 30 - 35% trong cơ cấu GDP.

- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt từ 12 - 14% hằng năm.

- Tập trung đẩy nhanh các nhóm ngành có thế mạnh về tài nguyên và lao động như công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, thuỷ, hải sản.

Thương mại - Dịch vụ

Dịch vụ là ngành có tỷ trọng thấp nhất trong cơ cấu GDP của tỉnh. Mặc dù những năm gần đây có xu hướng tăng dần tỷ trọng, nhưng tốc độ chậm và chưa ổn định. Năm 2003, ngành này chỉ chiếm 21,8% GDP toàn tỉnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2007 của tỉnh đạt 15.398,8 tỷ đồng, đứng thứ 2 ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, sau tỉnh An Giang với 23.871 tỷ đồng. Tỉnh có tiềm năng rất lớn về dịch vụ, đặc biệt là du lịch.

Năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện khoảng 20.295 tỷ đồng, đạt 111,21% kế hoạch và tăng 30.3% so với cùng kỳ, trong đó, kinh tế nhà nước ước đạt 1.191 tỷ đồng tăng 21,7%; kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 19.104 tỷ đồng tăng 30,8%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2008 ướt đạt 491,2 triệu USD, đạt 147,5% kế hoạch và tăng 105,5% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu gạo tăng cả về lượng và giá, tính chung hàng nông sản đạt 360,4 triệu USD, tăng 141,2%; thủy sản 120 triệu USD, tăng 39,6%; hàng hoá khác là 10,77 triệu USD, tăng 191,1% so với cùng kỳ. Về khối lượng, gạo xuất khẩu ước khoảng 698.955 tấn, đạt 116,5% kế hoạch, tăng 38,3% so với cùng kỳ. Tôm đông 3.500 tấn, đạt 50% kế hoạch và tăng 40,4% so với cùng kỳ.

Văn hoá
 

Kiên Giang là mảnh đất tận cùng Tây Nam của Tổ quốc, nơi hội tụ của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, có sự giao thoa văn hóa nhiều vùng miền cả nước, bản sắc văn hoá tỉnh nhà cũng vì thế mà rất phong phú, đa dạng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực: văn học, nghệ thuật, ẩm thực, lễ hội, làng nghề truyền thống ...

Đất Kiên Giang ngày nay, tức Hà Tiên xưa là nơi khởi đầu cho nền văn học đồng bằng Nam Bộ. Trong đó, tên tuổi bậc nhất là nhà thơ Mạc Thiên Tích (Mạc Thiên Tứ), người đã thành lập Tao Đàn Chiêu Anh Các vào năm 1736, tập hợp danh nhân, tài tử để xướng hoạ, ngợi ca vẻ đẹp của vùng đất Hà Tiên.

Chợ nổi trên sông - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Văn hóa ẩm thực ở đây cũng rất phong phú, đa dạng với hàng trăm món ăn các loại. Các món ăn của người Kiên Giang không chỉ ngon miệng, hợp khẩu vị, bổ dưỡng, mà còn có tác dụng phòng và trị bệnh. Đến Kiên Giang vào dịp lễ hội anh hùng Nguyễn Trung Trực, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc. Đặc biệt là các món bún. Chỉ từ sợi bún mà người Kiên Giang đã có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau như: bún cá, bún thịt xào, bún nem bì, bún cà ry, bún riêu cua, bún mắm.v.v… Khi ăn tô bún mắm, du khách sẽ cảm nhận được chất ngọt lạ lùng của cá lóc đồng, vị cay nồng của ớt quyện với hương sả, chất mặn mòi của mắm sặc đồng quê, sẽ làm cho người ăn nhớ mãi.

Hằng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội, nhưng đặc sắc nhất là lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra vào tháng tháng Tám âm lịch. Lễ hội bao gồm các nghi thức: lễ rước sắc thần, lễ dâng hương, lễ tế cụ Nguyễn....cùng nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian đặc sắc thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia.

Kiên Giang có các làng nghề truyền thống rất đặc sắc như: đan đệm bàng, dệt chiếu Tà Niên, nắn nồi Hòn Đất, làm hàng thủ công mỹ nghệ bằng đồi mồi, làm huyền phách ở Hà Tiên… Làng nghề dệt chiếu Tà Niên ở làng Vĩnh Hòa Đông, xã Vĩnh Hòa Hiệp (huyện Châu Thành) nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, sản phẩm nhiều lần đoạt huy chương vàng trong các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, nhưng hiện nay chỉ vào mùa cao điểm mới có hàng trăm hộ tham gia dệt chiếu, bình thường chỉ có khoảng 25 hộ sản xuất thường xuyên. Nghề nắn nồi tập trung nhiều ở xóm Lò, ấp Đầu Voi, thị trấn Hòn Đất, hiện có khoảng 100 hộ dân sản xuất các loại bếp lò, cà ràng, khuôn bánh khọt… Đặc biệt, nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ đan bằng cỏ bàng trong những năm gần đây rất phát triển. Nguyên nhân là từ tháng 12-2004, Hội Sếu Quốc tế đã tiến hành thực hiện dự án bảo tồn 2.000 ha đồng cỏ bàng ngập mặn lớn nhất đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án kết hợp hỗ trợ người dân địa phương làm các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp từ nguyên liệu cỏ bàng như: chiếu, các loại giỏ… và mở rộng thị trường tiêu thụ sang nước ngoài. Trong những năm trở lại đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương giao cho các cơ quan chức năng tập trung khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Vừa qua, tỉnh đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa làng nghề dệt chiếu Tà Niên vào Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và khai thác du lịch làng văn hóa dân tộc Khmer”. Nếu như có sự quan tâm đầu tư đúng mức, có cơ chế chính sách hỗ trợ mang tính lâu dài, chắc chắn các làng nghề sẽ góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Giao thông
 

Hệ thống hạ tầng giao thông

Máy bay ra đảo Phú Quốc - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Kiên Giang nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km đường bộ, hệ thống giao thông ở tỉnh tương đối thuận tiện, bao gồm đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không.

Đường bộ

Hệ thống giao thông được bộ không ngừng phát triển. Giao thông nội bộ các thành phố, thị xã được nâng cấp và tráng nhựa. Các tuyến giao thông liên huyện, liên xã gai thông nông thôn trên đất liền đều thuận tiện. Đường ô tô đã nối liền từ trung tâm tỉnh đến toàn bộ các xã phường, thị trấn trên đất liền. Các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh là:

- Quốc lộ 80 đi từ thành phố Cần Thơ qua tỉnh An Giang, đến thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên nối liền tới biên giới Campuchia. Đây là tuyến đường dài và quan trọng nhất Kiên Giang.

- Quốc lộ 61 từ thành phố Rạch Giá qua huyện Gò Quao, đến thị xã Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang và cắt với quốc lộ 1A.

- Quốc lộ 63 từ thành phố Rạch Giá qua các huyện Châu Thành, An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận nối liền với quốc lộ 1A tại thành phố Cà Mau.

- Tỉnh lộ 11 bặt đầu từ ngã ba Ba Hòn, cắt quốc lộ 80, chạy dọc bờ biển đến Hòn Chông và Rạch Đùng, dài gần 29 km.

Huyện Phú Quốc cũng có hệ thống đường bộ khá phát triển với chiều dài 73 km bao gồm các tuyến: Dương Đông - Dương Tơ, Dương Đông - Hàm Ninh và từ Dương Đông đi các xã phía Bắc đảo.

Đường thuỷ

Giao thông thuỷ - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Tỉnh có mạng lưới giao thông thuỷ khá hoàn chỉnh. Hai bến tàu tại Rạch Giá và Rạch Sỏi có các tuyến chính như: Rạch Giá - Hà Tiên, Rạch Giá Long Xuyên, Rạch Sỏi - An Biên, Rạch Sỏi - Long Hưng, Rạch Sỏi - Thới Bình - Cà Mau. Bến tàu Hà Tiên, Kiên Lương có các tuyến: Kiên Lương - Long Xuyên, Hà Tiên - Châu Đốc. Các chuyến tàu này chủ yếu chạy trên các tuyến kênh như: kênh Vĩnh Tế, kênh Rạch Giá - Long Xuyên, kênh Cán Gáo ....

Đường biển có tuyến Rạch Giá - Phú Quốc và Hà Tiên - Phú Quốc. Ngoài ra, còn có các tuyến ngắn từ Rạch Giá đi ra các đảo.

Đường hàng không

Sân bay Rạch Sỏi ở thành phố Rạch Giá mỗi tuần có hai chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đi Rạch Giá. Sân bay Phú Quốc nối liền thành phố Rạch Giáđảo Phú Quốc.

Tình hình vận tải

Việc phát triển mạng lưới giao thông đã giúp cho tình hình vận tải giao thông phát triển tăng vọt. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hoá cũng như hành khách đều có sự tăng trưởng đáng kể. Về vận tải hàng hoá, khối lượng vận chuyển tăng từ 1.117.800 tấn vào năm 1995 lên 2.440.000 tấn vào năm 2003, khối lượng luân chuyển cũng tăng tương ứng từ 196.000.000 tấn/km lên 372.300.000 tấn/km. Về vận tải hành khách, năm 1995 đạt 10.500.000 lượt, 568.500.000 người/km, năm 2003 tương ứng đoạt 17.700.000 lượt và 903.900.000 người/km.

Trong các hình thức vận chuyển, đối với hành khách, đường bộ chiếm khoảng 73,4% khối lượng vận chuyển và 71% khối lượng luân chuyển; trong khi đó, đối với vận chuyển hàng hoá, đường thuỷ chiếm 70% khối lượng vận chuyển và 66,2% khối lượng luân chuyển.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt