An Giang nằm trong vùng gần trung tâm xích đạo nên mang đậm tính chất của kiểu khí hậu xích đạo, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Lượng bức xạ tương đối lớn, tổng nhiệt độ trung bình hằng năm là 10.0000C. Số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 2.520 giờ, cao kỷ lục so với cả nước. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 270C, cao nhất là tháng 4 khoảng 29,50C, thấp nhất là tháng 12 khoảng 240C. Biên độ nhiệt giữa các tháng trong năm thấp. Vào mùa khô, biên độ nhiệt từ 1,5 - 30; vào mùa mưa, biên độ nhiệt giữa các tháng chỉ vào khoảng trên dưới 10.
Số giờ nắng trung bình tại trạm khí tượng Châu Đốc thời kỳ 1976 - 2000
Tháng | Tổng cộng |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
264 | 232 | 257 | 234 | 217 | 180 | 192 | 183 | 183 | 189 | 207 | 236 | 2.574 |
Nguồn: Địa chí An Giang - UBND tỉnh An Giang - 2003
Khí hậu phân hóa thành hai mùa rõ rệt. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, có gió mùa Đông Bắc, thời tiết trong sáng, ít mưa, mưa vào mùa này chỉ chiếm khoảng 10% lượng mưa cả năm, gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng cho cây trồng và sinh hoạt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, có gió mùa Tây Nam thổi vào, nóng ẩm, mưa nhiều, lượng mưa chiếm khoảng 90% lượng mưa cả năm, tập trung cao nhất từ tháng 8 - tháng 10, gây nên cảnh ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.
Nhìn chung, chế độ khí hậu của tỉnh tương đối ôn hoà, nắng nhiều, mưa vừa, ít thiên tai, thời tiết khá ổn định, hầu như không xảy ra bão và sương muối. Đây là những thuận lợi để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và các ngành kinh tế khác như du lịch, giao thông. Khó khăn nhất mà khí hậu gây ra cho tỉnh An Giang cũng như các tỉnh khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là thiếu nước vào mùa khô và ngập lụt vào mùa mưa. Vấn đề đặt ra là cần phải có những giải pháp đồng bộ để khắc phục, tìm nguồn cung cấp nước vào mùa khô, tận dụng các nguồn lợi của lũ như: bồi đắp phù sa, khai thác thủy sản....giúp người dân yên tâm sống chung với lũ.
1. Các loại đất:
An Giang có 3 loại đất chính: đất phù sa, đất phèn và đất đồi núi.
- Nhóm đất phù sa chiếm khoảng 66% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố chủ yếu ở vùng nằm giữa sông Tiền - sông Hậu và dãy đất ven hữu ngạn sông Hậu từ Châu Đốc tới Long Xuyên. Vùng đất này được phù sa bồi tụ hằng năm, có đặc tính chung là chứa nhiều hữu cơ, ít pH, ít bị bào mòn, xâm thực, thích hợp trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả. Dựa vào nguồn gốc hình thành và thành phần dinh dưỡng, người ta chia đất phù sa ở An Giang thành 5 loại khác nhau như sau:
|
Sử dụng nguồn tài nguyên đất - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
+ Đất cồn bãi: phân bố chủ yếu ven sông Tiền, sông Hậu và một phần nhỏ trên sông Vàm Nao, gồm doi sông, cồn sông. Đất do phù sa sông Tiền, sông Hậu bồi đắp có hàm lượng dinh dưỡng cao, không chứa các ion gây độc cho cây trồng, lại được bồi đắp liên tục hằng năm nên tầng canh tác dày. Thành phần hạt gồm chủ yếu là cát thô đến mịn, tầng mặt có lẫn sét bột. Đất có tính chua ít, pH từ 4 - 2,6, ít độc chất gây hại cho cây trồng, chất hữu cơ thường ít, đạm và lân không nhiều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 cồn và cù lao, 8 trên sông Tiền, 14 trên sông Hậu. Những bãi bồi đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, dân địa phương gọi là cồn như cồn Béo, cồn Tiên ở Vĩnh Hoà, cồn Én ở Tấn Mỹ, cồn Khánh Bình của xã Khánh Hoà....Những cù lao được hình thành lâu đời, có diện tích lớn như cù lao Ông Hổ, cù lao Phó Ba, cù lao Bắc Nam, cù lao Kha Tam Boong, cù lao Bình thủy.
+ Đất phù sa xám nâu được bồi, ít hữu cơ: phân bố nhiều ở huyện Chợ Mới, huyện Phú Tân, huyện Châu Phú và những cánh đồng ven sông Hậu thuộc huyện Châu Phú, huyện Châu Thành. Đây là phần đất bị ngập nước hằng năm vào mùa mưa lũ, địa hình khá bằng phẳng và trải rộng, trầm tích chủ yếu là sét, bột, lẫn chất hữu cơ, lớp phù sa dày từ 1 - 2 m. Đất dẻo chặt, không có ion gây hại cho cây trồng, pH khoảng 4,0. Hàm lượng lân trao đổi khá thấp, từ 1 - 4 meq/100 g. Hàm lượng chất hữu cơ ở tầng mặt là 3,8%, càng xuống dưới càng thấp. Tổng số đạm trung bình thấp khoảng 0,06 - 0,18%, nghèo lân và kali. Thành phần cơ giới gồm 45% sét, 49% bột, 1,4% cát. Đất chủ yếu trồng lúa hai vụ. Một số nơi như Châu Phú, An Phú, có thể trồng 1 vụ lúa, 1 vụ màu.
+ Đất phù sa xám nâu ít được bồi: phân bố ở những địa hình thấp và thường ở sâu trong nội đồng, cách xa sông rạch, như các xã Ô Long Vĩ, Đào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây - huyện Châu Phú, xã Tân Lập - huyện Tịnh Biên, xã Vĩnh An, Tân Phú - huyện Châu Thành, các xã Tây Phú, Vĩnh Nhuận, Vĩnh Phú - huyện Thoại Sơn, một phần nhỏ ở huyện Chợ Mới và thị xã Châu Đốc. Đất có nguồn gốc từ đồng lụt thấp, địa hình tương đối bằng phẳng. Tầng mặt là lớp phù sa mới tươi nâu, chứa nhiều hữu cơ nên một vài vùng sậm màu, bề dày tầng tích tụ mùn khoảng 20 cm. Tầng mặt có bề dày trung bình khoảng 30 - 50 cm, đất có độ dinh dưỡng khá cao. Do nằm sâu trong nội đồng nên không được phù sa bồi đắp thường xuyên. Độ pH khoảng 4,5, giảm dần ở các tầng bên dưới. Hàm lượng nhôm thấp, trung bình từ 2 - 2,2 meq/100 g, lượng sunphat hoà tan khá cao, từ 0,21 - 0,6%. Hàm lượng hữu cơ khoảng 3,8%, giảm dần ở các tầng bên dưới. Thành phần hữu cơ bao gồm: 41,3% sét, 36,6% bột mịn, cát rất ít hoặc không có. Hiện trạng canh tác chủ yếu là trồng lúa 2 vụ/năm.
+ Đất phù sa có phèn: phân bố chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và Tri Tôn. Đất có nguồn gốc chủ yếu là bưng sau đê, địa hình thấp và khá bằng phẳng, độ cao trung bình từ 0,8 - 1 m so với mực nước biển. Đất có phản ứng hơi chua, pH từ 4,7 - 5,5, càng xuống sâu, lượng nhôm, tổng số acid và lượng sunphat hoàn tan tăng nhanh. Chất hữu cơ ở tầng mặt khá lớn, chiếm khoảng 5%, lượng đạm giàu có với độ dày khoảng 30 cm. Thành phần cơ giới gồm 62,66% sét, 35,6% bột. Khả năng thoát nước kém, tính thoáng khí và tơi xốp cũng thấp. Nhóm đất này chủ yếu thuộc địa hình thấp, có mức bồi tụ yếu. Tầng sinh phèn nằm ở độ sâu từ 50 - 100 cm có khả năng gây hại cho cây trồng. Hiện trạng sử dụng chủ yếu là trồng lúa 2 vụ/năm.
+ Đất phù sa cổ: phân bố ở những nơi có địa hình cao thuộc huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Nhóm đất này tạo nên dãy đồng bằng quanh núi Dài, núi Cấm, dãy cánh đồng ven kênh Vĩnh Tế. Đất có màu xám trắng, lẫn nhiều vết loang lổ đỏ nâu, trạng thái dẻo chặt, thành phần sét Kaolinit là chủ yếu. Hàm lượng nhôm hầu như không có, đất trung tính, hàm lượng sunphat thấp, đặc biệt lượng oxyt sắt Fe2O3 rất cao, có nơi chiếm tới 2,75%. Tầng mặt có hàm lượng chất hữu cơ và dinh dưỡng khá. Các tầng bên dưới nghèo dinh dưỡng và rất ít hữu cơ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của phù sa mới sông Hậu, qua các đợt lũ tràn về, đã hình thành tầng mặt mới trộn lẫn với các chất hữu cơ thứ sinh tạo thành tầng tích tụ mùn khá dày, thích hợp cho cây trồng. Hiện canh tác chủ yếu là lúa 2 vụ/năm.
- Nhóm đất phèn chiếm 23% diện tích tự nhiên, phân bố ở vùng tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang, thuộc địa phận huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên và một phần của huyện Châu Phú. Nhóm đất này được hình thành do quá trình biển tiến cách đây 6.000 năm, đặc biệt trong môi trường vũng vịnh biển nông. Dựa trên nguồn gốc hình thành và mức độ nhiễm phèn có thể chia thành 4 loại nhỏ là: đất phèn tiềm tàng, đất phèn nhiều, đất phèn ít và đất than bùn chứa phèn. Đặc tính chung của loại đất này là có chứa nhiều gốc sunphat, độ pH thấp, đất nặng, thành phần chủ yếu là sét, cát mịn. Trong môi trường acid như vậy, nhôm và các nguyên tố độc hại khác có thể gây chết cây trồng và ảnh hưởng đến đời sống của các loài động thực vật khác. Tại đây, rừng ngập mặn phát triển mạnh với các loài đước, sú, mắm....
- Nhóm đất đồi núi chiếm 10% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố chủ yếu tại huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên và một phần nhỏ ở huyện Thoại Sơn. Loại đất này được hình thành từ quá trình phong hóa, xâm thực của các đồi núi đá. Sau đó bị các dòng lũ mang xuống tích thụ thành những vành đai thổ nhưỡng quanh núi. Đất đồi núi có thành phần thuộc loại cát pha sét, chủ yếu là cát, xen lẫn ít bột và sét, có nơi hàm lượng cát chiếm trên 60% như ở các xã An Hảo, An Cư - huyện Tịnh Biên. Đất có tính trung bình, pH 6,65, hầu như không có độc chất có hại cho cây trồng. Tuy nhiên, hàm lượng chất hữu cơ trong đất rất thấp, nghèo đạm và lân, chỉ thích hợp trồng cây ăn quả và trồng rừng.
2. Cơ cấu sử dụng đất
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 01-01-2007, trong số 353.680 ha đất tự nhiên của tỉnh An Giang, có đến 280.600 ha diện tích đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 79,4%; 14.700 ha đất lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ 4,2%; 25.400 ha đất chuyên dùng, chiếm tỷ lệ 7,2%; 15.500 ha đất ở, chiếm tỷ lệ 4,4%. Trong đó, phần lớn đất nông nghiệp là đất trồng cây hằng năm, chủ yếu là lúa và hoa màu các loại.
Bảng cơ cấu sử dụng đất của tỉnh so với khu vực và cả nước
Danh mục | Đất nông nghiệp (%) | Đất lâm nghiệp (%) | Đất chuyên dùng (%) | Đất ở (%) |
Cả nước | 28,5 | 43,8 | 4,3 | 1,8 |
Đồng bằng Sông Cửu Long | 63,2 | 8,6 | 5,5 | 2,7 |
An Giang | 79,4 | 4,2 | 7,2 | 4,4 |
Nguồn: Tổng cục Thống kê - ngày 01-01-2007
Do khí hậu thuận lợi và đất đai màu mỡ nên động thực vật ở An Giang phát triển phong phú, có nhiều loài. Năm 2003, toàn tỉnh có 583 ha diện tích rừng tự nhiên và 11.8884 ha diện tích rừng trồng. Năm 2007, diện tích rừng của tỉnh đạt 14.000 ha, trong đó, có 600 ha rừng tự nhiên và 13.400 ha rừng trồng. Rừng tập trung chủ yếu ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên.
1. Thực vật
|
Vùng núi An Giang trồng nhiều thốt nốt - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Trước đây, thảm thực vật tự nhiên của An Giang rất phong phú cả về số lượng lẫn chủng loại. Qua nhiều thế kỷ, thảm thực vật này đã biến đổi mạnh do tác động của con người, nhiều hệ sinh thái ngập nước và hệ sinh thái rừng trên đồi núi đã chuyển dần sang hệ sinh thái nông nghiệp.
- Thảm thực vật ngập nước: Thực vật chiếm ưu thế là tràm, phát triển ở vùng ngập nước, bưng trũng đất phèn và than bùn ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Cây tràm ở An Giang cao từ 15 - 20 m, có khi đạt tới 25 m. Cách đây gần 1 thế kỷ, tràm mọc thành rừng, phủ kín cả vùng đồng bằng, song do con người khai thác bừa bãi nên rừng tràm bị thu hẹp dần. Ngoài tràm, còn có hơn 100 loài thực vật thuộc các họ khác nhau, trong đó nhiều loài có giá trị phát triển và khai thác như: chà là nước, mốp, trâm sẻ, trâm khế, sộp, mây nước, nắp bình, bòng bòng, choại, bồn bồn.....Thảm thực vật này có vai trò ngăn cản quá trình oxid hóa khoáng sinh phèn và quá trình khoáng phèn ở tầng đất dưới, đồng thời góp phần điều hoà khí hậu, độ ẩm, cản dòng chảy, giữ phù sa.
- Thảm thực vật đồi núi: Tập trung chủ yếu ở vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên và một phần thị xã Châu Đốc, huyện Thoại Sơn. Ngày trước, thảm thực vật ở đây thuộc kiểu rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới có cấu trúc 3 tầng rõ rệt, phong phú về chủng loại, có nhiều loại cây quý hiếm. Qua nhiều thế kỷ, do tác động của con người, thảm thực vật này đã giảm sút nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Cây tái sinh kém và lớp tái sinh không liên tục, cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Con người đã trồng tỉa hoa màu, cây ăn quả, tạo nên những thảm thực vật nhân tạo thay thế các thảm thực vật tự nhiên. Hiện nay, thảm thực vật này còn giữ được một số loài gỗ quý như: mật, căm xe, giáng hương, dầu, sao, tếch....
Để tạo sự cân bằng sinh thái, điều hoà khí hậu, cải tạo đất, tạo nguồn nước ngọt và hạn chế lũ lụt, tỉnh cần phải khôi phục lại rừng tràm và phủ xanh đồi trọc ở vùng Bảy Núi.
2. Động vật
|
Đất lành chim đậu - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Hệ động vật ở An Giang trước đây rất phong phú. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí đã viết: "Ở núi Nam Vi cây cối um tùm, cấm chặt cây, khe sâu cỏ rậm, rất nhiều hươu, nai, hổ, báo. Dân núi và người ẩn tụ họp cấy cày ở chân núi". Còn trong núi Khe Săn ở huyện Hà Dương, cách Vàm Nao 5 dặm về phía Đông Nam, theo Trịnh Hoài Đức thì "cây tùng, cây trúc tốt tươi, hươu nai tụ tập, có ruộng để cày cấy, có chằm để chài lưới, nhân dân thường đến núi này để tìm mối lợi".
Ở các vùng ngập nước thì có nhiều tôm cá và nhiều loài chim cò, đặc biệt có cả cá sấu, nhiều nhất là ở khu vực sông Vàm Nao. Người ta có thể bắt cá sấu về nuôi và xẻ thịt bán. Gia Định thành thông chí viết: "Người ta bắt ở nước thì nuôi trong cái bè, trên đất thì nuôi trong chuồng, rồi đem bán cho hàng thịt, da phơi khô đem bán, răng làm cán đồ dùng". Ngày nay, cá sấu được liệt vào danh sách những loài quý hiếm và được nuôi để lấy da xuất khẩu. Cùng loài bò sát với cá sấu, vùng nông thôn ngập nước ở An Giang còn có nhiều loài rắn như rắn nước, rắn bông súng, rắn ri voi, ri cá, rắn râu, rắn mối, rắn trun, rắn hổ, rắn lục, rắn máy gầm....
Một loài động vật tự nhiên rất phổ biến ở An Giang là chuột. Chuột có mặt ở khắp nơi, từ trong nhà đến ngoài đồng, gây thiệt hại không nhỏ cho nghề nông. Các giống chuột thường thấy ở An Giang là chuột đồng Rattus argetiventer, chuột nhà Rattus rattus, chuột cống heo hay chuột cống ét Bandicota indica, chuột cống nhum hay chuột cống cơm Bandicota bengalensis, chuột nhắt Mus musculus. Ngoài ra còn có loài chuột nhỏ, di chuyển nhanh trên các đọt lúa, rất khó diệt trừ, gọi là chuột bọ Mus sp. Ở xã Bình Long, huyện Châu Phú có một làng nghề chuyên thu gom và giết thịt chuột, gọi là làng nghề Chuột.
Với những cánh đồng bạt ngàn, An Giang là nơi sinh sống của nhiều loài chim hoang dã như: sẻ, chào mào, chích chòe, sậu, sáo, cồng cộc, le le, vịt trời, cò trắng, cò ma, cò bộ, cò lửa, diệc, cuốc, trích....Theo số liệu điều tra vào tháng 07-1999, ở rừng Trà Sư huyện Tri Tôn có 62 loài chim với hơn 5.000 cá thể. Rừng Trà Sư thể hiện tính đa dạng sinh học, là nơi có nhiều loài chim trú ẩn và làm tổ. Cũng trong đợt điều tra này, người ta còn phát hiện một số lượng nhỏ loài điêng điểng đang sinh sản. Đây là loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, còn có hơn 300 cá thể diệc lửa, điều này cho thấy đây có thể là điểm trú ngụ của các loài diệc lửa ở đồng bằng sông Cửu Long.
An Giang có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, song trữ lượng không nhiều, đáng kể nhất có vật liệu xây dựng, than bùn, nước khoáng, cao lanh và một ít quặng kim loại.
- Vật liệu xây dựng:
+ Đá granite với trữ lượng khoảng 7.046 triệu m3, phân bố ở Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn, gồm hai loại là loại sáng màu hạt mịn và loại sậm màu hạt thô. Loại sáng màu hạt mịn phân bố ở núi Trà Sư, núi Két, núi Bà Đội - huyện Tịnh Biên, núi Sập, núi Ba Thê nhỏ, núi Tượng, núi Chóc, núi Trọi - huyện Thoại Sơn; đá có màu sáng trắng, ít khoáng vật màu, kích thước hạt khá đồng nhất. Loại sậm màu hạt thô phân bố ở núi Cô Tô, núi Ba Thê; đá có màu xám, chứa nhiều khoáng vật màu, hạt thô.
+ Cát xây dựng trữ lượng khoảng 10 triệu m3, có hai loại là cát núi và cát sông. Cát núi nằm theo triền hoặc trong các trũng giữa núi Cấm và núi Dài thuộc các xã An Cư, Thới Sơn, là sản phẩm trầm tích, do dòng nước mang cát từ trên triền cao của các thềm cổ tích tụ mà thành. Cát núi thường có màu trắng, hạt thô, độ lựa chọn yếu, hiện chưa được khai thác phổ biến. Cát sông được khai thác từ lâu và ngày một phổ biến trên sông Tiền, sông Hậu. Thành phần vật chất chủ yếu của các sông bao gồm: cát bùn, bột sét, cát, bùn, bột cát phục vụ nhu cầu xây dựng và san lấp mặt bằng.
+ Sét gạch ngói có trữ lượng khoảng 40 triệu m3, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành và huyện Châu Phú. Thành phần hóa học của loại đất này bao gồm: oxyt silic chiếm từ 59,08 - 61,18 %, oxyt nhôm chiếm từ 17,39 - 17,82 %; còn lại là oxyt canxi, oxyt magiê, oxyt mangan, oxyt natri, oxyt kali và một số oxyt kim loại khác. Chỉ cần khai thác ở lớp mặt có bề dày từ 0,2 - 0,3 m là có thể đủ cung cấp cho hơn 400 nhà máy sản xuất gạch ngói lớn nhỏ trong toàn tỉnh. Sau đó, chỉ trong vòng 2 - 3 mùa ngập lũ, phù sa lại lấp đầy như cũ. Sét gạch ngói ở An Giang dùng làm gạch ống, gạch thẻ, ngói lợp, gạch tàu....sản lượng khoảng 100 triệu viên mỗi năm.
- Vật liệu trang trí:
+ Đá ốp lát: An Giang có các loại đá ốp lát như: granite hồng xen đốm đen, hoa văn nhỏ; granodiorite con tằm, có màu xám xanh, hoa văn dạng đốm lớn hình da báo; granite hồng ở khu mỏ Ô Mai...Ngoài ra còn có đá phiến đen ở núi Phú Cường, núi Nam Quy. Hiện nay, tỉnh có những mỏ đá có thể khai thác như: Mỏ núi Cấm chủ yếu nằm trên sườn Đông Nam núi Cấm, xen giữa dãy núi Cấm và núi Nam Quy. Mỏ đá Gập Ghềnh nằm ở phía Bắc núi Dài Nhỏ, thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên.
+ Đá aplite: Là nguyên liệu để sản xuất gạch ceramic. Đá aplite ở An Giang được khai thác để cung cấp cho nhà máy gạch Đồng Tâm - Long An và các nhà máy khác ở thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh aplite, những mạch pecmatit chứa tràn kali và natri rất cần thiết cho công nghiệp gốm sứ cũng được tìm thấy ở núi Sập và khu vực Bảy Núi.
- Than bùn: Có trữ lượng khoảng 16,4 triệu tấn, phân bố ở khu vực Bảy Núi, thuộc huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, dùng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh và acid humic. Dựa vào đặc điểm hình thái, nguồn gốc hình thành, than bùn ở An Giang được phân thành hai loại, gồm: than bùn dạng vỉa và than bùn dạng dải theo các lòng sông cổ. Các mỏ than bùn ở Núi Tô, Tà Đảnh, Ba Chúc thuộc dạng vỉa; các dải than An Tức, Vĩnh Gia thuộc dạng lòng sông cổ. Than bùn ở An Giang có độ pH từ 2,91 - 3,8; hàm lượng carbon từ 16,6 - 28,76 %, hàm lượng acid humic từ 13,6 - 26,7 %, độ phân giải từ 28,8 - 79 %.
- Cao lanh: Có trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn, tập trung tại huyện Tri Tôn, nằm xen kẹp trong các sườn tích phù sa cổ, ở các thung lũng giữa núi Cấm với núi Dài, giữa núi Cô Tô với núi Tà Pạ, giữa núi Nam Quy với núi Sà Lon. Cao lanh không chỉ là nguyên liệu cho sản xuất sành sứ mà còn làm khung xương gạch men cao cấp, sản xuất bột sơn. Ở An Giang, hiện có hai mỏ cao lanh đang được khai thác là mỏ Nam Quy và mỏ Tà Pạ.
- Đá quý và ngọc: Có trữ lượng không nhiều, được tìm thấy ở núi Nam Quy, núi Tà Pạ, núi Ba Thê, núi Két.
- Quặng kim loại:
+ Quặng molipden: Đã được người Nhật khai thác từ hơn 40 năm trước và miệng hầm mỏ vẫn còn ở núi Sam. Mạch quặng molipdenit có màu xám đen đi kèm với đá pecmatic. Ngoài ra, molipden còn được phát hiện trong 1 số mạch đá ở núi Trà Sư, núi Két nhưng không nhiều.
+ Quặng mangan: Là lớp bột màu tím đỏ hoặc tím đen (MnO2), phân bố ở Tà Lọt. Loại khoáng sản này đã được khai thác từ năm 1936. Quặng mangan thường đi kèm với sắt ở trong đá trầm tích bị biến chất.
Nước khoáng thiên nhiên:
- Dọc theo trục đứt gãy phân cắt núi Phú Cường và núi Dài, núi Cấm và núi Dài có 6 điểm lộ nước khoáng: núi Cậu, An Cư - phía Bắc núi Phú Cường, Soài Chết, Suối Vàng, Sà Lôn và Tà Pạ. Tại các điểm này, nước có tổng độ khoáng hóa từ 500mg/l đến 2.750mg/l.
- Dọc theo trục đứt gãy chia cắt núi Két và núi Dài (theo trục tỉnh lộ Nhà Bàn - Tri Tôn) có 5 điểm lộ nước khoáng:
+ Nhà Bàn: xuất hiện phía dưới Bắc núi Két.
+ Vĩnh Trung: xuất hiện nhiều giếng đào chứa nước khoáng.
+ Chi Lăng: nước khoáng xuất hiện trong nhiều giếng cạn ở trung tâm thị trấn Chi Lăng.
+ Tri Tôn: xuất hiện phía Bắc thị trấn Tri Tôn.
+ Cô Tô: không tìm thấy điểm lộ thiên nhưng qua các giếng khoan đã tìm ra nước khoáng ở độ sâu 123 m.
- Diatomite: Ở An Giang, diatomite được phát hiện ở Lê Trì (Tri Tôn) nằm cách mặt đất từ 1,8 - 2,2 m. Bề dày bình quân khoảng 1,7 - 2 m, trữ lượng dự báo khoảng từ 800.000 đến 1.000.000 tấn. Các loại diatomite có ở đây đều lẫn sắt hoặc chất hữu cơ rất cao, nên thường có màu xám đen hoặc vàng. Do vậy, màu trắng và tính ròng của diatomite An Giang là vô cùng đặc sắc; có thể sử dụng rộng rãi trong công nghiệp lọc hoạt tính, đặc biệt là lọc bia, rượu, dầu ăn.