<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Sân chim Đầm Dơi

Tổng quan
 

Sân chim ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau khoảng 45 km về phía Nam. Sân chim Đầm Dơi có diện tích 132 ha, từng một thời nổi tiếng là sân chim có số lượng cá thể đông đúc nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Sân chim Đầm Dơi cùng với các sân chim Chà Là, sân chim Bạc Liêu được đưa vào danh sách rừng đặc dụng theo Quyết định 194/CT, ngày 09-08-1986, của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Từ năm 1978, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Minh Hải là cơ quan quản lý khu vực này. Năm 1992, Viện điều tra Quy hoạch Rừng đã tổ chức một đợt khảo sát khu vực Đầm Dơi và kiến nghị xây dựng dự án đầu tư cho khu bảo tồn thiên nhiên (trong giai đoạn đến năm 2000) với diện tích 132 ha. Hiện nay, sân chim Đầm Dơi thuộc sự quản lý của Lâm nông trường Đầm Dơi, với tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên Đầm Dơi, không có tên trong danh mục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 được xây dựng bởi Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Kiểm lâm, 2003).

Đa dạng sinh học
 

Sân chim Đầm Dơi - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Khu bảo tồn thiên nhiên Đầm Dơi là vùng đất ngập triều nằm dọc sông Đầm Dơi. Trước đây, khu vực này bao gồm rừng ngập mặn và các bãi bồi được tưới tiêu bởi hệ thống các kênh đào. Từ năm 1994 - 1995, tất cả các bãi bồi và các kênh đào được chuyển đổi thành các đầm nuôi tôm. Các đầm tôm đã ngăn nước mặn dẫn đến khu vực trong sân chim, đồng thời, mực nước các kênh đào cũng giảm đi đáng kể. Sân chim Đầm Dơi có tổng diện tích là 132 ha, bao gồm 43 ha rừng tồng ngập mặn, 21 ha rừng ngập mặn tự nhiên và 12 ha đất trống cây bụi, 38 ha diện tích các kênh đào và các đầm nuôi tôm.

- Hệ thực vật có 61 loài, chiếm ưu thế là: choại - stenochloena palustris, giá - excoecaria agallocha, xương cá - xylocarpus sessilis, cóc kèn - derris trifolia, bần trứng - sonneratia ovata, bần chua - S. caseolaris và mắm trắng - avicennia alba.

- Hệ động vật có 16 loài thú, 116 loài chim. Năm 1993, trong khu vực có tới 15 loài chim được ghi trong Sách đỏ Việt Nam hoặc Sách đỏ Thế Giới, đó là: cốc đế - phalacrocorax carbo, quắm đầu đen - threskiornis melanocephalus, quắm cánh xanh - pseudibis davisoni và giang sen - mycteria leucocephala. Những năm qua, số lượng chim đã suy giảm đáng kể do tác động của con người. Năm 1981, ước tính khoảng 100.000 con chim đã được quan sát ở Đầm Dơi, năm 1995, chỉ còn lại 200 con. Năm 1999, theo đoàn khảo sát thực địa của Chương trình BirdLife Quốc tế tại Việt Nam và Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thì trong khu vực chỉ còn một loài chim quý hiếm bị đe dọa ở mức quốc gia, đó là le khoang cổ - nettapus coromandelianus.

Vấn đề bảo tồn và phát triển
 

Từng là một sân chim có số lượng cá thể đông đúc nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long, ngày nay, sân chim Đầm Dơi đang đối mặt với cảnh mất dần sự hiện diện của các loài chim. Nguyên nhân là do sự biến đổi của môi trường tự nhiên thông qua tác động của con người. Hệ thống các đầm nuôi tôm được hình thành ảnh hưởng đến sự thoát nước ở các bãi bồi, nước giảm độ mặn, nguồn thức ăn cho chim cạn kiệt.

- Năm 1992, bằng nguồn tài chính của Chính phủ, Viện điều tra Quy hoạch Rừng và Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đã tiến hành khảo sát khu vực và có những khuyến cáo về quản lý cho giai đoạn đến năm 2000.

- Cơn bão Linda năm 1995 làm cho rừng ngập mặn tự nhiên bị giảm sút, toàn bộ các cây gỗ lớn đã bị chết. Trong khu vực này không còn sinh cảnh phù hợp đối với các loài chim nước.

- Năm 1998, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Rừng ngập mặn Minh Hải thực hiện một dự án giám sát các sân chim của tỉnh Cà Mau. Hiện nay cán bộ của khu bảo tồn đang cố gắng tiến hành các hoạt động bảo vệ và phục hồi lại rừng với sự hỗ trợ của Chi cục Kiểm lâm và chính quyền địa phương.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt