<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Loài mollis
Berrya mollis

Berrya mollis Wall. - Tách mềm, Trai tách.

Cây gỗ cao 10 - 15m; nhánh khá to, màu trăng trắng, có lông mềm. Lá to, gần như có 3 thùy, hình tim ở gốc và với hai tai tròn, lượn sóng, hầu như có răng thùy, đường kính 12 - 17cm, có tuyến và có lông mềm ở dưới, gân 7 - 9, tỏa tia, nổi rõ cả hai mặt, gân giữa với 4 đôi gân bên; gân nhỏ nằm ngang và song song, có lông nhung mềm.

Cụm hoa chùy ở ngọn, cao 20 - 40cm, nhiều hoa, có lông trắng; hoa khá to, màu trắng. Đài hình trứng. Tràng có 5 - 6 cánh hoa, lõm ở đỉnh. Nhị nhiều, đính quanh bầu, trên một phần nâng cao của đế hoa, cao 1mm, bao phấn vuông. Bầu không cuống, có lông mịn, gần hình cầu, có 4 - 6 cạnh biến đổi thành cánh; vòi nhụy dài bằng bầu, đầu nhụy có 3 thùy; noãn 2.

Quả dính với đài; cánh 6, dài 2 - 3cm, rộng 7 - 8mm; hạt 1 - 2, dài 5mm, có phôi nhũ.

 

 

Berrya mollis Wall.

1. Lá; 2. Hoa; 3. Quả.

 

Phân bố ở Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ở nước ta cũng chỉ gặp ở tỉnh Đồng Nai.

Ra hoa và quả tháng 6 - 9.

Gỗ màu đỏ nâu, dùng làm bánh xe và dùng trong xây dựng.


Blumea mollis

Blumea mollis (D. Don) Merr. – Đại bi mềm.

Cây thảo cao 15 - 60 cm, có rễ chính to; thân không chia nhánh hay chia ít nhánh, có lông tiết và lông đứng. Lá có phiến xoan, dài 1 - 8cm, rộng 0,5 - 3cm, đầu có mũi nhọn, mép có răng to, có lông mềm.

 Cụm hoa như bông; hoa đầu cao 4 - 6mm; lá bắc hẹp và có lông dài; hoa vàng. Quả bế cao 1mm, có mào lông dài màu trắng.

 Phân bố ở Nam Trung Quốc, các nước châu Phi và Nam Á.

Ở nước ta có gặp ở Thừa Thiên - Huế và Khánh Hòa.

 

               

Blumea mollis (D. Don) Merr.

1. Phần gốc cây; 2. Ngọn cây mang hoa;  3. Đế hoa; 4. Hoa cái; 5. Hoa lưỡng tính.

 

Cây mọc  nơi ẩm mát ở rìa rừng.

Ra hoa vào tháng 2.

Ở Trung Quốc, toàn cây dùng trị phong nhiệt ho suyễn, đau đầu, nghẹt mũi, viêm màng phổi, viêm tuyến vú. Liều dùng 12 - 20g, dạng thuốc sắc.


Argyreia mollis

Argyreia mollis (Burm. f.) Choisy. - Bạc thau mềm, Thảo bạc che.

Dây leo phủ lông tơ mềm màu trắng hay vàng vàng. Lá mọc so le, phiến lá hình bầu dục hay thon ngược, đầu có mũi, gốc tù tròn, mặt trên có lông áp sát, mặt dưới phủ lông tơ: cuống lá dài 6 - 20mm.

Cụm hoa ở nách lá phía ngọn, thường gồm 4 - 5 hoa. Hoa có cuống ngắn hơn cuống lá, lá bắc mau rụng; đài cao 1cm, có lông bạc; tràng cao 4 - 5cm, rộng 6cm, ở trên, mặt ngoài có lông trắng; nhị 5 cao cỡ 2cm. Quả mọng to 8mm.

Loài của  Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaixia, Inđônêxia. Ở Việt Nam có gặp từ Quảng Trị, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương đến An Giang.

 

 

Argyreia mollis (Burm.f.) Choisy

Cánh lá mang hoa.

 

Cây mọc ở rừng còi và rừng phục hồi.

Ra hoa tháng 12.

Lá làm thuốc đắp chữa mụn nhọt.

Ở Giava (Inđônêxia), rễ sắc nước được dùng phối hợp với một số loài cây thuốc khác (thuộc các chi Callicarpa, Anethum Alyxia ) để chữa đau dạ dày. Lá được dùng đắp trị mụn nhọt.


Circaea mollis

Circaea mollis Sieb. et Zucc. - Quái thảo mềm, Cỏ lộ châu.

Cây thảo cao 0,4 - 1m, với thân hình trụ hay gần 4 cạnh, phân nhánh, có lông mịn. Lá có phiến hình trái xoan, dài 5 - 8cm, rộng 2 - 4cm, nhọn ở đầu, thót lại hoặc tù - tròn và không cân ít hay nhiều ở gốc, có răng nhiều hay ít với răng cách quãng, ngắn và tù, có lớp lông mịn ngắn và cách quãng; gân bên 8 - 10 đôi, hợp thành một gân mép. Cuống lá 1 - 2cm, có lông.

Cụm hoa chùm có lông mịn, dài 6 - 10cm. Cuống hoa cỡ 2mm. Đài có ống vượt quá bầu 0,5 - 1mm; lá đài xoan - bầu dục, 2,5 x 1,5mm, có lông hoặc nhẵn. Cánh hoa hình tim ngược, 2 thùy, 2 x 2mm. Nhị có chỉ nhị dài 2mm; bao phấn tròn. Đĩa mật lồi bao quanh vòi nhụy ở gốc. Bầu hình quả lê, 2,5 x 1,5mm, có nhiều tơ móc, với 2 ô một noãn; vòi hình sợi, 3mm; đầu nhụy có 2 thùy.

Quả gần hình cầu, 3 - 4mm, với 4 cạnh rõ và với tơ móc màu hung hung, cuống gần bằng quả; 2 ô, mỗi ô 1 hạt. 

Circaea mollis Sieb. et Zucc.

1. Ngọn cây mang hoa; 2. Hoa; 3. Quả;

4. Lát cắt ngang quả; 5. Hạt.

Phân bố ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Lào và Việt Nam. Ở nước ta có gặp tại Lào Cai (Sa Pa và vùng phụ cận).

Cây mọc trong các savan cỏ ở độ cao tới 1500m.

Ở Sa Pa, người ta dùng lá giã ra để đắp lên các vết thương cho chóng liền sẹo. Còn ở Quảng Tây (Trung Quốc), toàn cây được dùng trị nội thương, rắn cắn, đau tứ chi; dùng ngoài trị dị ứng ngoài da.


Abrus mollis

Abrus mollis Hance [A. pulchellus Wall. ex Thw. subsp. mollis (Hance) Verdc.] - Cườm thảo mềm, Mao tương tư tử.

Dây leo dài 2 - 4 m; thân mảnh, có lông sát màu gỉ sắt. Lá dài 10 - 15 cm, mang 12 - 18 đôi lá chét mỏng; lá chét dài hơn 1,5 cm, mặt dưới có lông dày màu xám, hai đầu tròn hoặc bị cắt ngang; lá kèm 3 - 4 mm.

Chùm hoa ở ngọn hay ở nách lá, dài 2 - 6 cm; lá bắc hình đài; hoa màu hồng nhạt, cao 1 m. Quả mỏng, dài 4 - 8 cm, có lông mịn; hạt 5 - 9, màu nâu hay đen.

Abrus mollis Hance

1. Lá và cụm hoa; 2. Lá kèm;

3. Lá chét; 4. Lá bắc.

Phân bố ở Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Inđônêxia. Ở Việt Nam, có gặp từ Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Ninh vào tới Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương.

Cây mọc dưới tán rừng, trên các bãi hoang, trên đất có cát đá, từ vùng thấp tới vùng cao 1200m.

Có quả từ tháng 11 đến tháng 2.

Cây được dùng thay thế Cam thảo dây, nhưng tác dụng không mạnh bằng.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ cây được dùng trị cảm mạo, viêm gan thể hoàng đản.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt