Thăng Long là tên gọi thân thuộc và chan chứa biết bao tình cảm của người dân Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Thăng Long là tên gọi dùng để chỉ trung tâm của quốc gia, là vùng đất kinh kì trù phú. Thăng Long từng được biết đến với tên gọi Cổ Loa thành từ thời An Dương Vương, Đại La thành trong suốt 1000 năm Bắc thuộc. Thăng Long là biểu hiện của ý chí, niềm tin và khát vọng của mỗi con người Việt Nam xưa và nay.
Lịch sử - truyền thuyết
|
Phác thảo kinh thành Thăng Long - Viện sử học |
Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỉ nguyên độc lập tự chủ. Thế nhưng, sau khi Ngô Vương mất, đất nước lại rơi vào cảnh loạn 12 sứ quân đến khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau dẹp loạn, lên ngôi, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Kinh đô lúc bấy giờ được xây dựng ở quê hương Hoa Lư (Ninh Bình hiện nay). Triều đại nhà Đinh tồn tại ngắn ngủi trong vòng 12 năm (968 - 980), nhà Tiền Lê lên thay. Hoa Lư vẫn được chọn là kinh đô và là trung tâm chính trị. Hoa Lư đã hoàn thành tốt chức năng của mình. Thế nhưng, kinh đô còn là trung tâm văn hoá và kinh tế. Với vị trí địa lí và yêu cầu đổi mới của lịch sử, kinh đô Hoa Lư không thực hiện được trọng trách này. Khi Lý Thái Tổ lên ngôi, nhận thấy điểm yếu của Hoa Lư nên ông đã quyết định dời đô. Đây là một quyết định táo bạo thể hiện tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm hoạt động quân sự của Lý Thái Tổ. Thành Đại La đã được chọn là kinh đô mới. Nhân khi vừa đến thành Đại La, vua Lý đã nhìn thấy hình tượng rồng bay lên và đặt tên cho vùng đất kinh kì này là Thăng Long.
Kiến trúc thành Thăng Long qua các thời kì
Thời Lý - Trần
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư đến Đại La thành. Trong khi đi thuyền đến thành, nhà vua đã nhìn thấy hình ảnh một con rồng bay lên nên quyết định đổi tên Đại La thành Thăng Long. Trong Chiếu dời đô thông cáo khắp thiên hạ, nhà vua đã đề cao vị trí đắc địa của kinh đô mới: "Thành Đại La (Hà Nội ngày nay - BTV) ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện đường nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi bậc nhất của các bậc đế vương muôn đời. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở". Điều này đã khẳng định, vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý đã có một tầm nhìn chiến lược. Việc dời đô là một tiền đề quyết định kinh đô sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Cũng từ đây, Thăng Long trở thành nơi định đô của nước ta trong gần 1000 năm với mong muốn đây là nơi "mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau" của Lý Thái Tổ.
|
Bản khắc mạ vàng Chiếu dời đô được thờ ở Đền Đô (Bắc Ninh) |
Theo các tài liệu sử còn lưu lại đến ngày nay thì vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô vào đầu tháng Bảy năm Canh Tuất (1010). Ngay trong đợt xây dựng đầu tiên, quy mô kinh thành được xây dựng bề thế: "Phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả xây điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Lại mở cửa phi long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cung Uy Viễn, hướng chính Nam dựng điện Cao Minh... sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An và Long Thuỵ làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thuỵ làm chỗ ở cho cung nữ. Trong thành làm chùa Hưng Thiên và trinh lâu Ngũ Phượng. Ngoài thành về phía Nam dựng chùa Thắng Nghiêm" (ĐVSKTT). Đến năm 1029, vua Lý Thái Tông cũng cho trùng tu lại hệ thống cung điện và xây dựng thêm một số công trình mới như: "Trên nền điện Càn Nguyên đổ nát dựng điện mới Thiên An, bên tả dựng điện Tuyên Đức, bên hữu dựng điện Diên Phúc, thềm trước gọi là Long Trì. Phía Đông Long Trì dựng điện Văn Minh, phía Tây dựng điện Quảng Vũ. Hai bên phải trái Long Trì đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng có việc kêu oan thì đánh chuông. Bốn xung quanh Long Trì đều có hành lang. Phía trước Long Trì có điện Phụng Thiên, bên trên dựng lầu chính dương để tính toán giờ khắc, phía sau làm điện Trường Xuân, bên trên dựng gác Long Đỗ làm nơi nghỉ ngơi du ngoạn. Đầu năm sau dựng thềm điện Thiên Khánh lọt vào giữa điện Thiên An và điện Trường Xuân, bắc cầu phượng hoàng nối các điện này với nhau" (ĐVSKTT). Đến cuối thời Lý, năm 1203, vua Lý Cao Tông lại cho xây dựng thêm nhiều cung điện nữa như điện Thiên Thuỵ, điện Dương Minh, điện Thiềm Quang, điện Chính Nghi... Trong khuôn viên kiến trúc cũ, vua Lý Cao Tông cũng cho xây dựng thêm các kiến trúc như: "... đằng sau mở điện Thắng Thọ, bên trên xây gác Thành Thọ, bên trái xây gác Nhật Kim bên phải xây gác Nguyệt Bảo, xung quanh dựng hành lang, thềm gọi là Kim Tinh. Bên trái Nguyệt Bảo đặt toà Lương Thạch, phía Tây gác xây nhà Dục Đường, phía sau xây gác Phú Quốc, thềm gọi là Phượng Tiên. Phía sau khuôn viên dựng cửa Thấu Viên, ao Dưỡng Ngư, trên ao xây đình Ngoạn Y".
Tuy nhiên, những năm cuối triều đại nhà Lý, Hoàng thành bị phá huỷ nặng nề do âm mưu xâm lược của nhà Nguyên.
Nhà Trần kế thừa nhà Lý trong hoà bình nên các toà cung điện, kiến trúc cũ được giữ hầu như nguyên vẹn. Khu vực Hoàng thành bị phá huỷ, nhà Trần đã cho đắp lại thành, xây lại các cung điện nhưng vị trí, quy mô của Hoàng thành vẫn không thay đổi. Điểm khác biệt duy nhất của hai triều đại là triều Trần đã đổi tên gọi khu vực này là Long Phượng Thành.
Những công trình kiến trúc ban đầu của thành Thăng Long tồn tại 200 năm, đến nay không còn lại một dấu vết nào. Tuy nhiên, với những mô tả trong Đại Việt sử kí toàn thư thì ta có thể hình dung diện mạo của kinh thành xưa gồm hai phần là Hoàng thành và Tử Cấm Thành.
Hoàng thành nằm trong kinh thành, là khu vực nhà vua ở và làm việc. Hoàng thành có bốn cửa lớn thông ra bốn phía kinh thành là:
- Cửa Diệu Đức (phía Bắc)
- Cửa Tương Phù (phía Đông)
- Cửa Đại Hưng (phía Nam)
- Cửa Quảng Phúc (phía Tây)
Hoàng thành luôn được xây dựng quay mặt về hướng Nam theo quan điểm "Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ văn" (Thánh nhân ngồi nhìn về phương Nam nghe thiên hạ tâu bày). Theo các tài liệu cổ, đặc biệt là Kinh Dịch thì phương Nam thuộc quẻ Ly, gắn liền với dương khí nên là vị trí tốt nhất để xây nhà, đặc biệt là các kiến trúc cung đình. Cửa phía Nam luôn là cửa dành cho vua đi. Điều này, ngày nay chúng ta có thể kiểm chứng trong các sách vở, tài liệu cổ cũng như thực tế ở các di tích thành Cổ Loa có ba vòng thành giao tiếp nhau ở mặt Nam và các cung điện trong thành đều hướng ra cửa Nam. Thành Nhà Hồ ở Tây Đô (Thanh Hoá) và kinh thành Huế cũng có kiến trúc và phương hướng tương tự.
Theo các nhà nghiên cứu về kiến trúc thành Thăng Long thời Lý thì: "Đường trục của tổng thể kiến trúc trong hoàng thành là đường Nam - Bắc chạy xuyên tâm, trên đường trục là những cung điện dành cho vua làm việc ở phía trước (Càn Nguyên, Thiên An, Thiên Thuỵ) gắn với quẻ Càn, với trời; tiếp theo phía sau là những cung điện để cho vua nghỉ ngơi và dạo chơi (Long An, Long Thuỵ, Long Đỗ) luôn khẳng định địa vị cao quý của vua là Rồng. Các công trình khác cứ thành từng cặp xây đăng đối ở hai bên, trong đó bên tả dành cho văn quan mang tính dương (Tập Hiền, Nhật Quang, Văn Minh, Nhật Kim) còn bên trái dành cho võ quan mang tính âm (Giảng Vũ, Quảng Vũ, Thiềm Quang, Nguyệt Bảo). Nơi ở của cung nữ là phía sau gần với nơi diễn ra những sinh hoạt đời thường của vua (Thuý Hoa, Long Thuỵ, Trường Xuân) cũng ở phía sau này về sau còn có hệ thống vườn cảnh. Phía trước điện làm việc của vua là Long Trì là nơi các quan văn võ tâu bàn việc nước với vua. Ở đó, phía trước có lầu theo dõi thiên văn, tính toán giờ khắc để xem điềm trời, tuân mệnh trời, phân chia thời gian cho các hoạt động của xã hội. Hai bên có lầu chuông để dân kêu kiện, có thể vào tận sân rồng đánh cho thấu đến tai vua chứng tỏ một xã hội dân chủ cởi mở.
Bao quanh hệ thống cung điện là bức tường thành chữ nhật khép kín, mỗi phía trổ một cửa mang những tên có tính cầu phúc cho dân cho nước: cửa Đại Hưng ở phía Nam, cửa Trường Phù ở phía đông, cửa Quảng Phúc ở phía tây, cửa Diệu Đức ở phía Bắc". (NNC Phương Anh)
Phía ngoài Hoàng thành là các khu dân cư với những hoạt động sản xuất, mua bán sầm uất, được chia thành từng khu vực riêng biệt: phía Đông dành cho các hoạt động công thương, phía Tây là khu vực sản xuất nông nghiệp, phía Nam là nơi tập trung tầng lớp quan lại, trí thức. Các bộ phận dân cư như trên gắn bó với nhau thành một tổng thể, tạo cho khu vực kinh đô thành một trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế. Một điều đặc biệt nữa là các vua tiền triều nhà Lý đã ý thức việc gần dân, hiểu dân nên cung Thái tử (đầu tiên là Thái tử Phật Mã) được xây dựng ở ngoài cửa Nam. Điều này giúp người được chọn kế vị ngai vàng trong tương lai có thể tai nghe mắt thấy cuộc sống của người dân, hiểu dân, biết quan tâm đến người dân và sẽ trở thành một vị minh quân sau này.
Kinh thành được bao bọc bởi bức tường thành lớn là Đại La thành, được đắp bằng đất, vừa để phòng vệ, vừa để ngăn ngừa lũ lụt. Khuôn viên của Đại La thành được xác định như sau:
- Mặt Đông thành chạy dọc theo hữu ngạn sông Hồng (từ Bến Nứa đến Ô Đống Mác ngày nay).
- Mặt Bắc dựa theo sông Tô Lịch, phía Nam Hồ Tây cho đến phường Yên Thái (đường Hoàng Hoa Thám ngày nay).
- Mặt Tây theo tả ngạn sông Tô Lịch từ Yên Thái đến Ô Cầu Giấy.
- Mặt Nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, nối với Ô Đông Mác phía Đông Nam.
Như vậy, thành Đại La được giới hạn bởi 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Trong quy hoạch tự nhiên ấy, thành là đê, sông là hào. Thành Đại La cũng mở nhiều cửa ra vào, có quân lính tuần tra canh gác.
Xung quanh kinh thành có các đền thờ, được gọi chung là Thăng Long Tứ Trấn, thờ bốn vị thần ngự từ xa xưa, ngày đêm canh giữ cho kinh thành bình yên và thịnh vượng. Các di tích này được tôn tạo, trùng tu qua các thời kì và tồn tại đến tận ngày nay. Đó là:
- Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, trấn phương Đông.
- Đền Voi Phục (Thủ Lệ) thờ Linh Lang Đại vương, trấn phương Tây.
- Đền Trấn Vũ (còn gọi là quán Trấn Vũ hay đền Quán Thánh) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phương Bắc.
- Đền đình Kim Liên thờ thần Cao Sơn, trấn phương Nam.
Ngoài ra, trong và ngoài kinh thành còn có các công trình kiến trúc điểm xuyến thêm cho bộ mặt của trung tâm như Văn Miếu - Quốc tử giám, đền Đồng Cổ,tháp Báo Thiên, chùa Một Cột...
Thời Hậu Lê
Hai triều đại Lý - Trần đã xây dựng kinh thành, tạo nền mống cho các kiến trúc cũng như tiền đề cho sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hoá, chính trị của vùng. Sau bao biến thiên, đặc biệt là hai lần chống quân Tống, ba lần chống quân Nguyên Mông, kinh thành Thăng Long đã xác định được thế "trung tâm của trời đất", là nơi các triều đại vững nghiệp đế vương của mình.
Thế nhưng, cuối thời Trần, nhà Hồ chiếm ngôi, tạo thuận lợi cho quân Minh tìm cớ xâm lược nước ta. Năm 1407, quân Minh lấy cớ phù Trần diệt Hồ đã đem quân sang xâm chiếm Đại Việt. Nước nhà bắt đầu bước vào cuộc chiến chống quân xâm lược 20 năm.
|
Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (1490) |
Năm 1427, sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi, lấy hiệu là Lê Thái Tổ, vẫn đóng đô ở Thăng Long, nhưng đổi tên là Đông Đô, rồi sau đó đổi thành Đông Kinh (1430). Về cơ bản, Đông Đô thời Lê không khác nhiều so với kiến trúc thời Lý - Trần, chỉ có điều các cung điện, đền đài đã bị phá hỏng rất nhiều, cần được sửa chữa. Vào giai đoạn Lê sơ này, Hoàng thành nhiều lần được sửa chữa, tu bổ và mở rộng. Điện Kính Thiên dựng năm 1428, xây lại năm 1465 với lan can bằng đá, chạm rồng năm 1467, nay vẫn còn trong thành Hà Nội. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước gồm 13 thừa tuyên và phủ Trung Đô tức thành Đông Kinh thời Lê sơ. Tập Bản đồ Hồng Đức còn lại đến nay đã qua nhiều lần sao chép lại về sau, nhưng vẫn là tập bản đồ xưa nhất của nước Đại Việt, trong đó có bản đồ thành Đông Kinh. Qua bản đồ này, có thể hình dung được qui mô và cấu trúc của Hoàng Thành và Cấm Thành của thành Thăng Long thế kỷ XV cùng một số cung điện đương thời.
Từ năm 1490 đến thế kỉ thứ XVI, kinh thành có nhiều thay đổi. Trong thời gian này, Hoàng thành được mở rộng. Năm 1490, Lê Thánh Tông cho xây lại Hoàng thành mở rộng thêm 8 dặm, công việc xây dựng trong 8 tháng mới hoàn thành. Bên trong Hoàng thành, nhà vua cũng cho xây thêm cung điện và lập vườn Thượng Lâm để nuôi thú. Năm 1512, Lê Tương Dực cho khởi công xây dựng Cửu Trùng Đài theo bản thiết kế của Vũ Như Tô. Đây là một công trình kiến trúc lộng lẫy, hoành tráng, mỹ lệ. Rất tiếc là công trình đã bị kiêu binh nổi loạn, phá huỷ khi chưa hoàn thành. Năm 1514, Lê Tương Dực cũng đã cho mở rộng Hoàng thành, bao bọc cả khu vực điện Tường Giang, quán Trấn Vũ, chùa Kim Cổ Thiên Hoa.
Từ năm 1516 - 1527, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, kinh thành Thăng Long chìm trong loạn lạc, các công trình kiến trúc bị phá huỷ, thiêu đốt, tàn phá nhiều lần. Đến nửa cuối thế kỉ XVI, hình thành cục diện Nam - Bắc triều. Liên minh Lê - Trịnh dần chiếm được ưu thế. Nhà Mạc phải rời bỏ kinh thành đi lánh nạn. Đến năm 1585, Mạc Mậu Hợp quyết định trở về Thăng Long, mở đợt xây dựng lại kinh thành với quy mô rất lớn. Đây là lần cuối cùng kinh thành Thăng Long được xây dựng với quy mô lớn. Năm 1599, Trịnh Tùng đuổi được nhà Mạc lên Cao Bằng, tiếp quản Thăng Long. Hoàng hành được tu sửa lại để đón vua Lê.
Sau khi cục diện vua Lê - chúa Trịnh được hình thành, các cung điện mới chủ yếu được xây dựng trong phủ Chúa. Hoàng thành bị bỏ hoang phế, không sửa chữa hay xây mới. Nhiều công trình kiến trúc trở nên hư hỏng và xuống cấp.
Thời Tây Sơn - Nguyễn
Năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh mang 29 vạn quân sang chiếm Thăng Long. Sau đó, để trả thù, Lê Chiêu Thống đã cho đốt cháy tất cả các công trình kiến trúc, đền đài, dinh thự liên quan đến chúa Trịnh ở Thăng Long. Kinh thành một lần nữa bị phá huỷ. Đầu năm 1789, Quang Trung ra Bắc, tiêu diệt quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy sang triều đình nhà Thanh lánh nạn, kết thúc triều đại nhà Lê kéo dài 361 năm (gồm thời Lê sơ và Lê Trung Hưng). Quang Trung định đô ở Phú Xuân, Thăng Long chỉ là Bắc thành. Năm 1802, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi, lập nên nhà Nguyễn, kinh đô vẫn đặt ở Phú Xuân. Kinh thành Thăng Long trở nên hoang phế. Mặt khác, những kiến trúc còn sót lại sau trận đại huỷ diệt của Lê Chiêu Thống cũng lần lượt bị các vua Nguyễn chuyển vào Phú Xuân để phục vụ cho việc xây dựng kinh thành mới. Công trình kiến trúc duy nhất được giữ lại là điện Kính Thiên và Hậu Lâu, được sửa chữa dùng làm hành cung cho nhà vua mỗi khi Ngự giá Bắc thành. Năm 1805, vua Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng thành cũ và cho xây dựng thành mới theo kiểu Vauban của Pháp. Thành mới xây dựng có quy mô nhỏ hơn thành cũ rất nhiều. Thành hình vuông, mỗi bề rộng khoảng 1km, xung quanh là hào nước sâu. Bốn bức tường thành tương ứng với bốn phố hiện nay là phố Phan Đình Phùng ở phía Bắc, phố Lý Nam Đế ở phía Đông, phố Trần Phú ở phía Nam, đường Hùng Vương ở phía Tây. Tường thành xây bằng gạch hộp, chân thành xây bằng đá xanh và đá ong. Thành mở ra 5 cửa là: cửa Đông (tương ứng với phố cửa Đông), cửa Tây (tương ứng với phố Bắc Sơn), cửa Bắc (nay vẫn còn), cửa Tây Nam (tương ứng với chợ Cửa Nam hiện nay), cửa Đông Nam (tương ứng với đoạn giao phố Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Học). Đường vào cửa xây vòm xuyên qua tường thành dài 23 m. Trên mỗi cửa có lầu canh gọi là thú lâu. Xung quanh tường thành là một dải đất rộng 6 - 7m, kế tiếp là một con hào rộng 15 - 16m, sâu 5m, thông với sông Tô Lịch và sông Hồng. Phía ngoài các cổng thành có xây một hàng tường đắp liền trên bờ hào gọi là Dương Mã thành. Các Dương Mã thành đều có một cửa bên gọi là Nhân Môn. Từ ngoài thành đi vào đều phải đi qua Nhân Môn rồi mới đến cổng thành.
|
Thành Hà Nội - Ảnh tư liệu |
Trung tâm thành Hà Nội là điện Kính Thiên (xây dựng từ thời Lê). Thềm điện có hai đôi rồng đá. Sau này, điện bị người Pháp phá huỷ và xây dựng trụ sở pháo binh Pháp. Phía đông thành là nhiệm sở của Tổng trấn Bắc thành. Phía Tây là kho thóc, kho tiền và dinh Bố chính phụ trách các kho. Năm 1812, kiến trúc Cột cờ Hà Nội được dựng ở phía Nam thành. Năm 1835, vì cho rằng thành Hà Nội cao hơn kinh thành Huế nên vua Minh Mạng đã cho xén bớt 0,5m, thành Hà Nội chỉ còn cao khoảng 5m.
Năm 1831, vua Minh Mạng đã cho đổi tên thành Thăng Long thành tỉnh Hà Nội.
Thi hào Nguyễn Du than thở:
Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một cố cung.
Dịch thơ:
Cung điện ngàn năm thành đường cái
Một tòa thành mới mất cung xưa.
Bà Huyện Thanh Quan thì hoài cổ Thăng Long thành:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Năm 1888, nhà Nguyễn nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp. Sau khi chiếm toàn bộ Đông Dương, Pháp đã chọn Hà Nội là thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Thành Hà Nội bị phá hoàn toàn để lấy đất làm công sở và trại lính cho người Pháp. Di tích còn sót lại duy nhất, tồn tại đến ngày nay là Cửa Bắc và Cột cờ Hà Nội.
|
Cột cờ Hà Nội xây dựng năm 1808 - Ảnh tư liệu |
Di tích
Cột cờ Hà Nội
Đoan Môn
Điện Kính Thiên
Nhà D67 - Hầm ngầm D67
Di tích Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu)
Hậu Lâu
Cửa Bắc
Di chỉ khảo cổ học
Trước khi thực hiện dự án xây dựng toà Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (khu vực thuộc các đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc lập, Bắc Sơn), vào tháng 12/2002, Chính phủ đã cho phép Viện khảo cổ học tiến hành khai quật trên diện rộng. Đến đầu năm 2003, diện tích khai quật lên đến 19.000m2. Từ đây, các nhà khảo cổ đã phát lộ được một phức hệ di tích - di vật phong phú, đa dạng từ thành Đại La (thế kỉ VII - IX) đến thành Thăng Long (thế kỉ XI - XVIII) và thành Hà Nội (thế kỉ XIX).
Khu vực khai quật được xác định là nằm ở phía Tây của điện Kính Thiên trong Hoàng thành thời Lê Sơ, là di tích của một phần thành Đại La thế kỉ VII - IX, thuộc phía Tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và kéo dài đến thành Hà Nội thế kỉ XIX. Khu di tích bộc lộ một bề dày lịch sử từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX gồm thời tiền Thăng Long, thời Thăng Long và Hà Nội. Các di tích và tầng văn hoá chồng xếp lên nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử một cách khá liên tục. Đây là một di tích hiếm của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vì khu di tích lịch sử - văn hoá trải dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, toạ lạc giữa vùng đất trung tâm của thủ đô.
|
Toàn cảnh di tích kiến trúc cung điện (khu A1) |
Về phương diện lịch sử, phát hiện khảo cổ học này cung cấp nhiều cứ liệu khoa học để xác định vị trí trung tâm của thành Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh cũng như mối quan hệ giữa thành Đại La, thành Thăng Long và thành Hà Nội. Được biết, thành Đại La được xây dựng từ rất sớm, trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, bổ sung, từ Tử Thành do Khâu Hoà xây năm 618 chỉ 900 bộ (khoảng 1,65 km), La Thành do Trương Bá Nghi xây năm 767 rồi Triệu Xương đắp thêm năm 791, thành Đại La do Trương Chu xây năm 808 mà La Thành bên ngoài dài 2000 bộ (khoảng 3,70 km) rồi Lý Nguyên Gia dời thành và Cao Biền mở rộng thêm thành 1982 trượng (khoảng 6,5 km), ngoài có đê dài 2125 trượng (khoảng 7 km). Đó là toà thành có qui mô lớn nhất trong thời Bắc thuộc. Tại khu vực khai quật, đã tìm thấy dấu tích thành Đại La trên cả bốn khu A, B, C, D, chứng tỏ vùng này nằm trong thành Đại La. Bên trên dấu tích Đại La là di tích kiến trúc và các di vật thời Lý. Điều đó chứng tỏ vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La đúng như Chiếu dời đô, đổi tên là thành Thăng Long và buổi đầu đã sử dụng toà thành này cùng một số kiến trúc có sẵn rồi sửa sang, xây dựng thêm những cung điện mới. Kết quả khai quật đã khẳng định đây là bộ phận phía Tây của Hoàng thành. Hơn nữa, nếu căn cứ vào bản đồ thành Đông Kinh thời Hồng Đức thì khu vực này nằm trong phạm vi Cấm thành của Hoàng thành.
Từ những giá trị nhận thấy được của khu di tích, ngày 04/09/2003 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đề nghị Chính phủ cho phép giới khảo cổ học tiếp tục mở rộng diện tích khai quật để có cơ sở khoa học đầy đủ hơn trong đánh giá cũng như trong các giải pháp bảo tồn. Theo đó, hai cuộc hội thảo cấp quốc gia và quốc tế được Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia và Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) tổ chức, lấy ý kiến của giới chuyên môn, học thuật. Tuy ở hai hội thảo này có nhiều ý kiến khác nhau nhưng không ai có thể phủ nhận được giá trị lớn lao của khu di tích và nguyện vọng của các nhà khoa học là mong muốn di tích được bảo tồn lâu dài. Ngày 5/11/2003, Bộ Chính trị đã ra thông báo số 126 -TB/TW quyết định cho phép tiếp tục khai quật trên diện rộng để có kết quả đánh giá, kết luận đầy đủ hơn về quần thể di tích này nhắm xây dựng phương án bảo tồn và phát huy ý nghĩa lịch sử của khu di tích.
|
Trục trung tâm của Cấm Thành: Bắc Môn - Hậu Lâu - Kính Thiên - Đoan Môn - Cột cờ. Đường viền đỏ là phạm vi trung tâm của Cấm Thành còn sót lại |
Như vậy, việc khai quật được mở rộng, 14 hố khai quật được mở, các nhà khoa học đã phát hiện một lượng hiện vật khổng lồ, gồm trên 4 triệu cổ vật: gạch ngói, cột gỗ lim, hoa văn tượng đá, tiền cổ từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê... Qua khảo sát số hiện vật trên, các nhà khoa học đã phát hiện 5 tầng văn hoá chồng lên nhau ở khu vực Ba Đình: văn hoá tiền Thăng Long (thế kỷ 7-9), văn hoá thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn.
Đây là lần đầu tiên giới nghiên cứu cũng như người dân có thể tận mắt nhìn thấy một phần diện mạo cực kì phong phú của các cung điện xưa trong Hoàng thành thời Lý - Trần. Qua 14 hố khai quật, các chuyên gia đã làm xuất lộ được nền móng của một cung điện lớn dài 62 mét, rộng 27 mét với 9 gian nhà thuộc thời Lý và thời Trần với hệ thống 40 trụ móng được người xưa xử lý chống lún rất kiên cố. Điều đáng kinh ngạc là các nhà khảo cổ đã tìm thấy một giếng nước từ thời Lý còn khá nguyên vẹn, đường kính 68 cm, sâu 2,5 mét cùng hai giếng thời Lê. Tiếp đó là dấu tích hai nền móng cung điện thời Lý có chân tảng đá hoa sen, dài 24,5 mét, rộng 20 mét. Đây là di tích cung điện Lý duy nhất ở Thăng Long còn nguyên vẹn: chân tảng hoa sen được xếp đặt ngay ngắn trên các trụ móng cột. Ngoài ra, người ta còn phát hiện hệ thống cống thoát nước thời Lý - Trần và dấu vết rõ nét một con đường rải sỏi dài 27,5 mét. Tổng số di vật tìm được ước tính trên 4 triệu, chủ yếu là gạch, ngói, các đồ gốm trang trí và tiền cổ. Trong số này, có những viên gạch khắc chữ "Đại Việt quốc quân thành nguyên", chỉ rõ là gạch để xây thành của nước Đại Việt thời Đinh - Lê. Những viên gạch khắc chữ "Lý gia đệ tam Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo" cho biết đó là gạch xây cung điện thời Lý năm 1057. Ngoài ra, các di vật khác như vũ khí, các loại tiền đồng, đồ dùng sinh hoạt và đồ trang sức kim loại phản ánh đời sống kinh tế - xã hội - văn hoá thời đó cũng được tìm thấy.
Khu 18 Hoàng Diệu
Trong 19.000m2 diện tích được khai quật, khu di tích 18 Hoàng Diệu được xem là "khu vực trung tâm của trung tâm" với những hiện vật phong phú, đa dạng, vị trí kiến trúc quan trọng. Đây là khu vực dự kiến xây dựng Toà nhà Quốc hội.
|
Đường viền đỏ là giới hạn của Cấm thành Thăng Long - Khu vực nằm trong đường viền xanh là di chỉ ở số 18 Hoàng Diệu |
Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu gồm tầng dưới cùng là một phần phía Đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, tầng trên cùng là cung điện nhà Lý - Trần, phần tiếp theo là một phần trung tâm của Đông cung nhà Lê và trên cùng là phần trung tâm của thành Hà Nội. Như vậy, di tích này có các niên đại kéo dài từ thời tiền Thăng Long từ thế kỷ 7 - 9 và thời Thăng Long với vai trò kinh đô của nước Đại Việt từ thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Theo giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ thì chỉ riêng bề mặt của tầng hai, thể hiện kiến trúc thời Lý - Trần, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị như nền cung điện có kích thước chiều rộng 27m, chiều ngang 60m, có 40 chân cột cùng với giếng cổ, gạch, phù điêu. Các trang trí trên cột, các tượng rồng phượng được khẳng định là mô típ hoa văn thời Lý. Các lớp kiến trúc thời Lê, Nguyễn cũng tìm được nhiều hiện vật tương tự. Theo giáo sư, số hiện vật ban đầu tìm được lên đến khoảng 3 triệu hiện vật. Đây được xem là công trình đầu tiên, có tầm cỡ và giá trị nhất được tìm thấy ở Việt Nam từ trước đến nay. Đây cũng là bằng chứng rõ ràng nhất về sự hoành tráng của kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần.
Địa điểm khai quật quan trọng nhất trong di tích này là hố B16, với diện tích 400m2. Đây là địa điểm dự kiến xây dựng Toà nhà Quốc hội mới. Qua kết quả khai quật, các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học đã phát hiện một toà lâu đài 3 tầng lầu, 4 mái, dạng hình tháp toạ lạc trên diện tích khoảng 1000m2, thuộc hệ thống cung điện Thăng Long.
Lấy bậc thềm đá Đoan Môn làm chuẩn 0.00, tại các hố A1, A1MR, A2, A2MR, A3, A4, A9, A10, A11, A12, A13 trong các lớp đất ở độ sâu trung bình trên dưới – 1, 5m so với chuẩn đã xuất lộ những ô sỏi trộn lẫn đất sét. Sỏi ở đây khá thống nhất về kích thước, chỉ khoảng bằng hoặc to hơn đầu ngón chân cái, chứng tỏ đã được chọn lọc. Hiện vật thu được trong các lớp đất này được xác định có niên đại thời Lý. Các ô sỏi này thường có hình gần vuông, mỗi cạnh khoảng 1, 3m và ăn sâu xuống các lớp dưới, dày trên dưới 1m. Điều này chứng tỏ đây là các hố đào có chủ đích để đầm - nhồi sỏi cuộn với đất sét. Đáy của các hố sỏi này nằm trong lớp đất chứa các hiện vật được xác định có niên đại Đinh - Tiền Lê. Các ô sỏi này xuất hiện trong các hố từ A1 đến A18. Tổng cộng có tất cả 40 ô sỏi, xếp thành 04 hàng dọc (hai hàng phía đông có 10 ô trong một hàng, hai hàng phía tây mỗi hàng chỉ có 09 ô).
 |  |
Gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyền" thời Đinh - Lê (hố A1) | Gạch "Lý gia đệ tam đế Thái Bình tứ niên tạo" thời Lý Thánh Tông (hố B1) |
Có lẽ đây chính lá các hố sỏi gia cố dưới các chân tảng đá kê dưới chân các cột. Nói chính xác, theo ngôn ngữ kiến trúc – xây dựng, đó là các móng trụ. Kết quả đo đạc đã giúp khẳng định đây là phế tích của một kiến trúc có bộ khung chịu lực bằng gỗ có 4 hàng chân cột. Khoảng cách giữa các cột Quân với các cột Cái là khoảng 3m. Khoảng cách giữa các cột Cái là khoảng 6m. Từ Bắc xuống Nam đã xác định được 10 vì, nghĩa là ít nhất kiến trúc này có 9 gian. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định về số gian bởi dấu vết của kiến trúc này còn phát triển kéo dài về phía Bắc, ngoài khu vực khai quật. Bước gian (khoảng cách giữa hai vì) của kiến trúc này rất lớn, khoảng 5,8m – 6m. Trên thực tế, bước gian của các di tích kiến trúc bằng gỗ cổ truyền hiện còn đứng vững trên mặt đất thường nhỏ hơn.
Hiện các nhà nghiên cứu chưa lý giải được nguyên nhân của sự chênh lệch về số lượng các móng trụ của các hàng móng trụ phía Tây nhưng ở đây chắc chắn đã có 4 móng trụ sỏi gia cố cho 1 chân tảng cột Cái và 03 chân tảng cột Quân. Khoảng cách giữa hai hàng móng trụ sỏi cuối cùng chỉ là 4, 1m chứng tỏ đây chính là không gian của chái phía Nam.
|
Hệ thống thoát nước phía Đông của kiến trúc nhiều gian ở khu A |
Nhà nghiên cứu khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên và Tống Trung Tín cho rằng: "Cách tim của các móng trụ gia cố chân tảng cột Quân phía Đông khoảng 4, 5m và chạy dài suốt chiều rộng của “toà nhà nhiều gian” nói trên còn thấy xuất lộ một cống thoát nước được xây - xếp bằng gạch (hoàn toàn không thấy dấu vết của chất kết dính dạng vôi vữa), lòng cống rộng 0,17m – sâu 0,2m. Ngoài lớp gạch đặt nằm làm đáy, hai bên thành của rãnh thoát nước này được xếp nghiêng hai lớp gạch. Kích thước trung bình của gạch ở đây là 0,36m x 0,2m x 0,05m). Về phía Đông, sát cạnh cống thoát nước này là một thềm gạch rộng 0,76m chạy dọc suốt chiều dài đường cống. Gạch lát thềm là gạch vuông 0,38m x 0,38m x 0,07m. Có chỗ còn lát lẫn cả gạch in hoa.
Cách tim của các móng trụ gia cố chân tảng cột Quân phía tây khoảng 2, 5m cũng xuất lộ một cống thoát nước khác. Dấu vết của cống phía tây bị đứt quãng ở góc Tây Nam “toà nhà nhiều gian”, khu vực bị mất 04 móng trụ gia cố chân tảng. Gạch xây-xếp cống thoát nước này là loại chuyên dụng, được sản xuất chỉ để dùng làm cống-rãnh. Các viên dùng lát đáy có mặt cắt hình thang cân (cạnh ngắn 0,16m - cạnh dài 0,22m - dầy 0,08). Những viên dựng hai bên thành có hình bình hành (cạnh ngắn 0,07m, cạnh dài 2,44m). Với hình dáng đặc biệt như vậy nên chỉ cần đào rãnh, đặt các viên gạch chuyên dụng này xuống là thành cống (đáy rộng 0,22m - miệng rộng 0,32m – sâu 0,3m).
Cách tim của các hố sỏi gia cố chân tảng cột Quân phía nam khoảng 4,5m lại cũng xuất lộ một đoạn cống xây xếp bằng gạch chuyên dụng tương tự. Các đoạn cống xây xếp bằng gạch chuyên dụng phía tây và phía nam “toà nhà nhiều gian” nếu còn nguyên vẹn sẽ “bắt” vuông góc chái Tây Nam.
Các đường cống này chính là các rãnh thoát nước mưa của “toà nhà nhiều gian”. Các cống này đều không có nắp để có thể hứng nước mưa rơi thẳng xuống từ hàng ngói lợp cuối cùng của mái (dân gian thường gọi là giọt gianh). Nghĩa là các rãnh thoát nước mưa này chính là giới hạn của mặt bằng mái. Nói cách khác, số đo giữa các rãnh thoát nước này cho biết về chiều rộng và chiều dài của công trình kiến trúc. Khoảng cách từ tim rãnh thoát nước phía Tây đến tim rãnh thoát nước phía Đông là 17,65m. Đó chính là kích thước chiều rộng của “toà nhà nhiều gian” này. Chiều dài của kiến trúc này hiện chưa khẳng định được. Nhưng nếu giả định “toà nhà nhiều gian” có 9 gian thì kích thước này sẽ là khoảng 67m".
 |  |
Tượng đầu chim phượng và lá đề trang trí (hố A1, A2) | Chi tiết di vật đầu phượng |
Theo số đo, phế tích này cho thấy đây là một công trình kiến trúc to lớn, hoành tráng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chưa thể xác định công năng của kiến trúc này. Chỉ biết rằng “toà nhà nhiều gian” này chạy dài theo trục Bắc – Nam, mở cửa ra cả hai hướng Đông và Tây.
Ông Tống Trung Tín cũng cho rằng: "Về phía Tây của toà nhà nhiều gian, cách tim các móng trụ sỏi gia cố hàng chân tảng cột Quân phía tây 4,9m, đã tìm thấy những móng trụ gia cố chân tảng khác. Vật liệu gia cố có phần đa dạng hơn, ngoài sỏi (tương tự như sỏi ở các hố đã nêu trên) còn có cả ngói vỡ vụn, được nhồi đầm theo chu kỳ 1 lớp sỏi lại 1 lớp ngói vụn. Hình dạng của các hố đào cũng khác, có hố tròn (đường kính từ 1,1m đến 1,3m), có hố vuông (1,2m x 1,2m). Bố cục của các móng trụ chân tảng này khá đặc biệt: 6 trụ móng tròn quây quanh một số trụ móng ở chính giữa. Khoảng cách trung bình giữa tim của các móng trụ tròn (làm thành một hình lục giác gần đều) là khoảng 1,3m. Tim móng trụ vuông trùng với tâm của đường tròn ngoại tiếp hình lục giác, cách tim các móng trụ tròn một khoảng 1,3m
Các cụm móng trụ gia cố chân tảng này trải dài suốt mặt phía tây của toà nhà nhiều gian. Khoảng cách giữa các cụm (đếm được tất cả 11 cụm), không thật đều, xê xích từ 8m đến 12m. Theo các nhà khảo cổ, một cụm móng trụ gia cố chân tảng như vậy là phế tích của một kiểu lầu lục giác nhỏ, được dựng nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn".
Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, Việt sử lược có nói đến loại hình kiến trúc này, gọi là Trà đình.
|
Toàn cảnh dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần - Lê (hố D2) |
Xung quanh kiến trúc này, các nhà khảo cổ cũng đã khai quật các hố, làm xuất lộ nhiều kiến trúc khác với các kiểu móng trụ sỏi gia cố, kiến trúc kết cấu theo trục Tây - Đông.
Ở phía Nam hố A20 đã xuất lộ một cụm phế tích rõ ràng hơn. Viện Khảo cổ học cho rằng: "Khác với các phế tích được tìm thấy, cụm phế tích này còn cả chân tảng đá đặt nguyên vị trí (in situ) trên hố gia cố. Thực tế này đã khẳng định chính xác về công năng của các hố sỏi. Hố gia cố chân tảng ở đây hình vuông (1,3m x 1,3m). Vật liệu gia cố hỗn hợp cả sỏi nhỏ, gạch, đá vụn. Tất cả còn 9 chân tảng, xếp hành 4 hàng. Theo trục Đông - Tây, các chân tảng cách đều nhau một khoảng 5,75m.
Các chân tảng đều được làm bằng sa thạch (grès) màu xám. Mặt chân tảng chạm cánh sen mang phong cách nghệ thuật Lý. Đường kính trong của vành hoa sen này là 0,49m. Trên mặt nhiều chân tảng còn rất rõ dấu vết cho biết cột gỗ dựng trên đó có đường kính 0,43m. Tuy nhiên ở vị trí sẽ đặt xà ngưỡng, mặt tảng để trơn, không chạm cánh sen. Nối dài hai bên (đông, tây) một số chân tảng cũng còn giữ nguyên một số viên gạch (0,38m x 0,5m x 0,11m) của hàng gạch đỡ dưới xà ngưỡng. Với dấu vết của các xà ngưỡng này cho thấy có lẽ đây là hai kiến trúc dạng hành lang, chạy dài theo Đông - Tây. Đặc biệt, cụm phế tích này còn giữ nguyên vẹn một số đoạn thềm hiên lát gạch ở phía ngoài xà ngưỡng, rộng trên dưới 1m tính từ tim chân tảng. Thềm gạch này được xây xếp bởi 8 hàng gạch (0,39m x 0,2m x 0,05m) cao hơn mặt sân 0,36m. Sân gạch chạy giữa hai hành lang này được lát gạch vuông (0,38m x 0,38m x 0,06m).
Theo các nhận định ban đầu cho rằng các phế tích kiến trúc ở phía Bắc khu A là của một tổ hợp kiến trúc có liên quan mật thiết với nhau, bao gồm: một tòa nhà nhiều gian có chiều rộng 17,65m, chạy dài ít nhất 9 gian (khoảng 67m) và một dãy các lầu lục giác. Điều đáng quan tâm là sự liên hệ, tiếp nối giữa các kiến trúc này. Hiện trường còn rất rõ một số mảng nền lát gạch vuông (0,38m x 0,38m x 0,08m), nối liền từ mép rãnh thoát nước phía Tây tòa nhà nhiều gian với các lầu lục giác.
Chiều rộng của nền gạch này đo được 2,6m. Nhiều viên gạch vuông của nền gạch nói trên đã được cắt chéo để lát sát vào hàng gạch chữ nhật (0,39m x 0,18m x 0,06m) xây nghiêng bao quanh mặt nền của lầu lục giác.
Căn cứ vào dấu vết của nền lát gạch vuông này, các nhà khảo cổ nhận định khả năng tòa nhà nhiều gian và các lầu lục giác có cùng một niên đại khởi dựng.
Về niên đại: Để định niên đại cho các dấu tích kiến trúc đã xác định ở khu A, các nhà khảo cổ dùng phương án đối chiếu và so sánh tổng hợp, kết hợp với việc phân tích địa tầng.
Trước hết các nhà khảo cổ tập trung vào các trụ móng sỏi có chuẩn niên đại tương đối. Như đã trình bày, ở khu A20 còn có 8 trụ móng sỏi còn nguyên chân tảng đá xếp tại chỗ. Các chân tảng đều bằng đá cát, các cánh sen thon thả, trau chuốt, đẹp tương tự như chân tảng đá hoa sen thời Lý ở tháp Tường Long (Hải Phòng) năm 1057, tháp Chương Sơn (Nam Định) ... Chiều rộng của nền gạch này đo được 2,6m. Nhiều viên gạch vuông của nền gạch nói trên đã được cắt chéo để lát sát vào hàng gạch chữ nhật (0,39m x 0,18m x 0,06m) xây nghiêng bao quanh mặt nền của lầu lục giác.
Đồng thời tại khu vực hố A20 có khá nhiều các di vật lá đề và gốm sứ thời Lý. Các loại gạch có thềm hiên nhà đều còn nguyên vẹn và dáng hình, sắc màu đều giống hệt như các viên gạch xây các tháp Lý vừa dẫn. Từ các dẫn liệu trên đây chúng tôi tin rằng đây là dấu tích kiến trúc của thời Lý. Niên đại này được củng cố khi so sánh mặt bằng của hai kiến trúc này là tương đương với địa tầng chuẩn Lý - Trần ở Đoan Môn đều ở độ sâu khoảng 2m. Khi đó có các móng trụ có niên đại tương đối ta có thể so sánh tìm hiểu niên đại của các móng trụ khác. Ta sẽ thấy, móng trụ sỏi ở kiến trúc nhiều gian, ở lầu lục giác giống hệt về kỹ thuật, vật liệu, kích thước với các trụ móng sỏi Lý ở khu A20.
Về địa tầng các trụ móng đó cùng độ sâu 1,80m - 2,2m với các kiến trúc ở A20, tức là đều nằm trong khoảng niên đại thời Lý.
Hơn nữa xét về mặt kỹ thuật xây dựng, các móng trụ ở đây cũng đều thuộc kỹ thuật của thời Lý và thời Trần. Trong thời Lý, kỹ thuật gia cố sỏi đặc biệt thấy rõ ở chùa Lạng (Hưng Yên), tháp Chương Sơn (Nam Định), tháp Phổ Minh (Nam Định).
|
Các giếng cổ trong Hoàng thành so với cố đô Nara (Nhật Bản) |
Các trụ móng sỏi ở thời Lý thường được gia cố rất chặt chẽ. Điều này khác với các trụ móng sỏi thời muộn hơn (có thể là thời Lê), có gia cố sỏi nhưng sơ sài hơn rất nhiều và ở độ sâu cao hơn. Nói cách khác các trụ móng sỏi Lê nằm ở mặt bằng cao hơn mặt bằng Lý - Trần. Hơn nữa, như đã nói trên, phủ trên mặt bằng của khu vực của các trụ móng thời Lý là một lớp di vật có niên đại Lý nên có thế tin rằng hầu hết các trụ móng ở đây đều thuộc thời Lý.
Điều này còn được khẳng định thêm khi phát hiện một hồ nước cổ hình chữ nhật phía Nam khu kiến trúc nhiều gian bị lấp đầy vật liệu Lý, Trần. Điều này chứng tỏ hồ nước này đã bị lấp trong thời Trần. Hồ nước này đã phá vào móng kiến trúc lầu lục giác và một phần móng trụ của 'kiến trúc nhiều gian. Các nhà khảo cổ cho rằng hồ này được đào vào đầu thời Trần và bỏ đi vào khoảng cuối thời Trần. Do đó ta cũng thấy các trụ móng sỏi đã xuất lộ ở cùng mặt bằng đều thuộc thời Lý.
Kiến trúc cổ truyền Việt là các công trình có hệ chịu lực bằng khung gỗ, với cấu kiện cơ bản là hệ thống cột. Vì vậy, người Việt chỉ chú trọng gia cố nền mà không cần đến móng. Sức nặng của công trình được phân tán qua hệ cột nên chân các cột đá được gia cố bằng các chân tảng đá có kích thước lớn gấp nhiều lần đường kính cột.
Hiện trạng khảo cổ học (tầng văn hoá, hiện vật) và kết quả khảo sát địa chất khu vực này cho phép khẳng định có một dòng chảy cổ (theo hướng Bắc - Nam) ở phía Tây các phế tích nói trên. Nền đất tự nhiên chịu tải kém nên các công trình kiến trúc ở đây đều có hệ thống hố gia cố chân tảng. Đây là một thành tựu, một tiến bộ kỹ thuật của người Việt trong xây dựng. Với khảo cổ học kiến trúc (hay khảo cổ học đô thị), các phế tích nói trên còn cung cấp những hiểu biết mới, có tính chất lý thuyết về việc gia cố chân tảng, về cách thức xác định kích thước - quy mô của một kiến trúc qua các dấu vết của phế tích. Kỹ thuật này đã được thấy ở cố đô Hoa Lư thời Đinh - Lê. Ở kỹ thuật xây trụ móng được thực hiện bằng các móng bè bằng gỗ lim cao 5 lớp kết hợp với lớp móng trụ đá ở bên trên. Đến thời Lý và thời Trần, kỹ thuật này bây giờ xử lý hoàn toàn bằng sỏi và gạch vụn, sành vụn. Móng trụ bằng sỏi thời Lý và thời Trần có quy mô và chắc chắn nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam".
Các phế tích được tìm thấy, được Viện khảo cổ học và các nhà nghiên cứu nhận xét cần được nghiên cứu và kiến giải thêm. Tuy nhiên, có thể nói rằng dù chưa khẳng định được quy mô cũng như công năng của tất cả các công trình nhưng những kiến trúc xuất lộ đã thể hiện một quần thể kiến trúc phong phú. Từ đây, diện mạo Hoàng thành Thăng Long đã phần nào hiển hiện qua dấu vết vật chất, thay vì chỉ trên sách vở nghiên cứu xưa nay. Ngoài ra, cùng với việc phát hiện các dấu tích kiến trúc, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện một số lượng lớn đồ gốm sứ. Đây là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và đồ dùng trong hoàng cung qua các triều đại phong kiến Việt Nam.
Các di vật tìm thấy
Đồ gốm thời Trần
Các di vật bằng gốm được tìm thấy, xác định thuộc niên đại nhà Trần gồm nhiều loại, nhiều dòng gốm như men trắng, men ngọc, men xanh lục, men nâu và hoa lam. Đặc biệt, đối với gốm men độc sắc, bên cạnh loại gốm trang trí hoa văn khắc chìm, các di vật còn phổ biến loại gốm có hoa văn in khuôn trong. Tại hố đào ở khu D cũng đã tìm thấy mảnh khuôn in gốm thời kỳ này cùng nhiều mảnh bao nung, con kê và đồ gốm phế thải.
Bên cạnh sự phong phú các loại hình đồ gốm độc sắc (men trắng, men ngọc, men nâu) tại khu vực khai quật đã tìm được khá nhiều đồ gốm hoa nâu có chất lượng cao. Trong đó, đáng chú ý nhất là chiếc thạp lớn có nắp trang trí hoa sen và những chiếc vò, chậu trang trí hoa văn dây lá. Đặc biệt, tại hố D5 còn tìm thấy một chiếc chậu trang trí hình bốn con chim đang đi kiếm mồi trong bốn tư thế khác nhau, xen giữa là cành lá sen và hoa sen nhỏ.
Đáng chú ý nhất trong các di vật gốm thời Trần là sự xuất hiện của dòng gốm hoa lam. Loại gốm này được tìm thấy khá nhièu trong các hố khai quật và phổ biến là bát, đĩa vẽ cành hoa cúc màu nâu sắt và xanh cobalt giống như những đồ gốm đã được xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông và Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ XIV.
Đồ gốm thời Lê
Đồ gốm sứ thời Lê tìm được tại các hố khai quật có số lượng lớn, nhưng tập trung nhiều nhất là ở khu vực ven triền sông cổ nằm giữa Khu A và B. Các đồ gốm sứ này được xác định là đồ dùng trong Hoàng cung, đặc biệt là các hiện vật thuộc loại gốm trắng mỏng, trang trí in nổi hình rồng có chân 5 móng (hoặc 4 móng), giữa lòng ghi chữ Quan hay chữ Kính. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong những sản phẩm đặc thù của gốm Thăng Long.
 |  |  |
 |  |  |
 |  |  |
Di vật gốm thời Lê - Đồ ngự dụng (Đồ dùng của vua) |
Ngoài loại gốm trang trí rồng, các di vật còn có loại gốm trắng trang trí văn in hoa cúc dây, giữa lòng cũng in nổi hay viết chữ Quan, nhưng phổ biến hơn là in hình một bông hoa nhỏ có 5 hoặc 6 cánh. Tại hố A10 cũng tìm được một khuôn in loại hoa văn này với đường nét tinh xảo.
Ngoài ra, loại gốm men trắng vẽ chỉ lam cũng tìm được khá nhiều, nhưng ở loại cao cấp giữa lòng thường viết chữ Quan bằng màu xanh cobalt. Trong số lượng phong phú các loại bình, vò men trắng tìm thấy trong dải gốm ven sông Khu A cũng có khá nhiều tiêu bản dưới đáy viết chữ Quan bằng màu son nâu. Một điểm quan trọng giúp các nhà khảo cổ khẳng định đây là đồ ngự dụng (đồ dùng của vua và vương triều) là các đồ gốm sứ có ghi chữ Hán "Trường Lạc" hay "Trường Lạc khố". Theo các tài liệu lịch sử thì Trường Lạc là cung của bà Trường Lạc Thánh Từ Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng, vợ của vua Lê Thánh Tông (1460 -1497). Như vậy những đồ sứ này được hiểu đó là những vật dụng của cung Trường Lạc.
Bên cạnh số lượng lớn và đa dạng các loại hình đồ gốm nói trên, tại khu vực khai quật còn tìm được một sưu tập phong phú các loại đĩa đèn dầu lạc nhỏ men trắng và các loại bình vôi còn khá nguyên vẹn. Trong sưu tập bình vôi có khá nhiều tiêu bản đẹp, phần quai tạo hình tua cau và những quả cau nhỏ đã được dùng đựng vôi để ăn trầu.
Như vậy, những hiện vật gốm sứ thu thập được tại các điểm khai quật không những cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long, mà còn góp thêm bằng chứng tin cậy để củng cố ý kiến cho rằng: các dấu tích kiến trúc lớn ở đây là những cung, điện của trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê.
Sự kiện
Tái hiện kinh thành Thăng Long bằng 3D
Theo kế hoạch xây dựng một bộ phim về kinh thành Thăng Long, được sự cố vấn của Giáo sư sử học Phan Huy Lê và sự bảo trợ của UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa Thành cổ Hà Nội, bộ phim Thăng Long - thành phố rồng bay đang được tiến hành. Bộ phim dự kiến kéo dài 45 phút, nhằm tái hiện một bức tranh tổng thể về lịch sử, kiến trúc, con người Hà Nội và về diện mạo các triều đại từ thời nhà Lý định đô tại Thăng Long đến ngày nay khi Hà Nội mở rộng. Bên cạnh đó phim cũng tái hiện những sự kiện lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước hào hùng gắn với Thủ đô bằng việc lướt qua các đoạn phim tư liệu và phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, các nhà sử học. Phim do các nhà làm phim trẻ của Công ty Đồ Họa Việt Nam thực hiện bằng kỹ thuật làm phim tiên tiến, kỹ xảo đồ họa 3D. Kịch bản do nhà báo Nguyễn Thu Thủy và họa sĩ Nguyễn Anh Tuấn hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu tư liệu lịch sử và đi điền dã.
Bộ phim sẽ miêu tả chi tiết về diện mạo Hoàng thành và khu vực Cấm thành. Tư liệu nghiên cứu quan trọng nhất của đoàn làm phim là các hiện vật và phế tích đã được phát lộ cũng như ý kiến của các nhà chuyên môn, những tư liệu lịch sử, nghiên cứu của các giáo sư đầu ngành.
Dự kiến phim sẽ có năm phân đoạn, bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long đến ngày nay. Điểm nhấn của phim là việc phục dựng lại một số cung điện bên trong Cấm Thành như điện Càn Nguyên (thời Lý), Thiên An (thời Trần), Kính Thiên (thời Lê), Hành cung Long Thiên (thời Nguyễn). Các phân đoạn có tên là:
- Sự phát nguyên phong thổ: Sự hình thành và phát triển của vùng đất Thăng Long thời kì đầu
- Bình minh thành Đại La: Xây dựng thành Đại La thời tiền Thăng Long và sự kiện Lý Thái Tổ dời đô
- Phục hiện diện mạo kinh thành Thăng Long: Kinh thành Thăng Long, các công trình kiến trúc của Hoàng thành và Cấm thành trải qua các triều đại
- Thăng Long phi chiến địa: Vùng đất kinh thành với những biến thiên của thời cuộc
- Hoành tráng, kỳ vĩ thành phố rồng bay: những cảnh về Hà Nội ngày nay, những công trình trọng điểm của thế kỷ 21.
Ban sản xuất cho biết, sau khi hoàn thành mỗi phân đoạn, bộ phim sẽ được trình chiếu để thu thập ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, người dân để chỉnh lí, bổ sung.
Giáo sư sử học Phan Huy Lê nhận xét: “Bộ phim được phục dựng thành công sẽ là một món quà nghệ thuật và trí tuệ dâng tặng Thủ đô 1.000 năm. Hoàng Thành tuy được phát lộ, song đã trở thành phế tích, hoặc là di tích mờ nhạt, nên rất khó hình dung ra từng kiến trúc. Ý tưởng làm phim là rất cần thiết và hữu ích góp phần đem đến cho người dân cái nhìn toàn cảnh về Thăng Long. Công nghệ 3D có đầy đủ khả năng tái hiện kiến trúc cổ mà chúng ta chưa đủ điều kiện phục dựng trong thực tế. Tất nhiên là cần phải nghiên cứu rất kỹ, đòi hỏi thời gian và nhiều công phu.
Lâu dài, bộ phim như một giáo cụ trực quan để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử. Còn trước mắt, phim sẽ như một sự khơi gợi giả định, tập hợp ý kiến của các nhà sử học, các nhà kiến trúc để nhận diện rõ hơn diện mạo của Thăng Long xưa".
Phim dự kiến được khởi chiếu vào tháng 6/2010
Hội thảo quốc tế về Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004-2008)
Ngày 24/11/2008, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004-2008)" với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khảo cổ học, lịch sử học đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, Ý...
|
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Viện Khoa học Xã hội |
Qua hội thảo, ngoài những đánh giá, nghiên cứu về các di tích, di vật cũng như khẳng định vai trò, vị trí của hoàng thành Thăng Long, công tác bảo tồn, giới thiệu, trưng bày, các nhà khảo cổ học và sử học cũng đã khẳng định: "Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu là khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Cuộc khai quật khu di tích này đã phát lộ một quần thể bao gồm nhiều loại hình di tích kiến trúc dưới lòng đất, minh chứng lịch sử lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua gần 1.300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ 7-9) đến thời kỳ Thăng Long - Hà Nội, dưới sự trị vì của các vương triều Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu di tích này là có nhiều tầng văn hóa của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú, phản ánh mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy hàng triệu di vật khảo cổ, trong số đó có nhiều đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á minh chứng rõ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long trong lịch sử." (Tổng kết hội thảo)
Kết quả đạt được lớn nhất từ hội thảo lần này là các nhà nghiên cứu đã đồng loạt có ý kiến gởi hồ sơ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hoá thế giới.
Công tác bảo tồn và đề cử được UNESCO công nhận là Di tích văn hoá thế giới
Công ước về Di sản Thế giới của UNESCO đã quy định: “Di sản văn hoá là các di tích kiến trúc, tác phẩm điêu khắc và hội họa, các yếu tố hay các cấu trúc có tính chất khảo cổ học, các công trình có sự liên kết giữa nhiều đặc điểm, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học. Di sản văn hoá còn là quần thể các công trình xây dựng tách biệt hay liên kết lại với nhau mà do kiến trúc của chúng, do tính đồng nhất hoặc vị trí của chúng trong cảnh quan, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học…”. Sau khi phát lộ và được các nhà khoa học nghiên cứu, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã nhận thấy giá trị mang ý nghĩa toàn cầu của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Điều này thể hiện rõ ở sự kết hợp hài hoà các kiến trúc, kĩ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, nghệ thuật tạo hình... đồng thời mang ý nghĩa lịch sử về một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của một quốc gia trong gần 1000 năm.
Xét về các tiêu chí đánh giá, Hoàng thành Thăng Long hoàn toàn xứng đáng được đề cử. Vì lẽ đó, UBND thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã giới thiệu Hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Các giá trị của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được phân tích như sau:
- Giá trị toàn cầu
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long có diện tích khai quật lên đến 19.000m2, có giá trị về nhiều mặt như vị trí của khu di tích trong cấu trúc thành Thăng Long - Hà Nội, tính chất, niên đại các di tích, giá trị, cấu trúc, niên đại một số di vật, mối quan hệ giữa các tầng văn hoá... Theo kết quả so sánh của một số nhà khoa học trong nước và quốc tế thì di sản này mang tầm cỡ thế giới, thoả mãn các tiêu chí để được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Ông Koichiro Matsura, Chủ tịch UNESCO từng nói: “Khu di tích này có giá trị văn hoá và lịch sử vô cùng quan trọng. Chiếu theo Công ước về Di sản văn hoá thế giới, nó hoàn toàn có thể được xem là di sản văn hoá của nhân loại”.
- Thoả mãn các tiêu chí
Theo các chuyên gia, để trở thành Di sản Văn hoá thế giới thì phải đáp ứng được 1 trong 6 tiêu chí của UNESCO. Trong khí đó, Hoàng thành Thăng Long đã đáp ứng được ba tiêu chí là:
- Tiêu chí dành cho những di sản có khả năng biểu đạt sự giao thoa lớn giữa các giá trị nhân văn trong một giai đoạn lịch sử hoặc trong một vùng văn hoá của thế giới, thể hiện sự phát triển của kiến trúc hoặc kỹ thuật, công trình nghệ thuật kỳ vĩ, quy hoạch đô thị hay các công trình tạo dựng cảnh quan
- Tiêu chí dành cho các di sản có ý nghĩa như một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng là đặc thù của một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc vừa mất đi
- Tiêu chí dành cho những di sản có mối liên hệ trực tiếp hoặc rõ ràng với những sự kiện hay truyền thống còn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và văn học có giá trị nổi bật toàn cầu.
- Chuẩn bị hồ sơ
Xét các tiêu chí, quy mô của di tích, bộ hồ sơ gởi UNESCO đề nghị công nhận Di sản Văn hoá Thế giới được các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước phối hợp hoàn thành.
Về nội dung, bộ hồ sơ gồm 9 mục, 862 trang, bao gồm cả phụ lục được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cùng với hồ sơ là 435 bức ảnh và một tập phim giới thiệu về Hà Nội dài 41 phút 35 giây... miêu tả khá chi tiết vị trí địa lý của Việt Nam, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long nhìn từ vệ tinh, báo cáo mô tả chi tiết di sản và kế hoạch phát triển, tình trạng bảo tồn, ảnh di vật...
Vùng lõi của di sản rộng 18ha, bao gồm khu di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ ở số 18 đường Hoàng Diệu. Vùng đệm của di sản rộng 108ha, bao gồm toàn bộ khu trung tâm chính trị Ba Đình nối đến phần đường Nguyễn Tri Phương, tiếp giáp với phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trần Phú, Ông Ích Khiêm, Sơn Tây, Ngọc Hà.
Theo lịch trình, ngày 15/11/2008, Ban thư ký Uỷ ban Di sản Thế giới sẽ có ý kiến phản hồi và góp ý để Việt Nam hoàn thiện hồ sơ chính thức, nộp trước ngày 1/2/2009. Tháng 3/2010, các chuyên gia UNESCO sẽ đến Hà Nội kiểm tra, đánh giá thực trạng khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và sẽ có câu trả lời chính thức vào khoảng tháng 6 - 7/2010. Hi vọng đây sẽ là một món quà quý giá cho đại lễ mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm.
Ông Laurent Pandolfi, chuyên gia vùng IIe de France, người soạn thảo kế hoạch quản lí khu di sản và kế hoạch bảo tồn, phát triển khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho bộ hồ sơ gởi UNESCO cho biết: "Đây là di tích có giá trị vô cùng đặc biệt, theo suốt chiều dài lịch sử VN, từ khu khai quật 18 Hoàng Diệu thể hiện sự phát triển của các triều đại phong kiến đến khu Thành cổ mang dấu tích phong kiến, Pháp thuộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Sau khi khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản văn hoá thế giới, nó sẽ thu hút đông đảo khách du lịch, và di tích sẽ đối mặt với lượng khách thăm thường xuyên và đông đảo".
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Hoàng thành Thăng Long
ĐB Dương Trung Quốc: Đây là tài sản vô giá
Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ học trên 14.000m2, từ lòng đất phát hiện nhiều di tích và di vật của một bộ phận Hoàng thành Thăng Long xưa. Kết quả khai quật làm phát lộ một phức hệ di tích và một khối lượng di vật rất lớn, chứng tỏ khu vực này nằm trong phạm vi phía tây Hoàng thành Thăng Long xưa.
Các di tích-di vật phản ánh một diễn biến văn hoá vật thể liên tục từ thành Đại La thời thuộc Đường (thế kỷ (TK) VII-VIII); thời Đinh tiền Lê (TK X) cho đến Hoàng thành Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng (TK XI-XVIII) rồi đến thành Hà Nội thời Nguyễn (TK XIX). Đây là lần đầu tiên, di tích của một bộ phận Hoàng thành Thăng Long - thành Hà Nội được hiển thị trước mắt chúng ta qua một bề dày lịch sử từ thời tiền Thăng Long cho đến thời Thăng Long và Hà Nội.
Di sản kinh thành Thăng Long là một di sản vô giá, chúng ta tự hào về trung tâm của nền văn hoá Đại Việt. Di sản thành Thăng Long đã chứng minh sự liên tục suốt 13 thế kỷ, trong khi đó kinh đô của một số nước trên thế giới tính liên tục không có.
ĐB Nguyễn Lân Dũng: Đó là di sản của cả dân tộc
Khi di tích thành Thăng Long được phát hiện, tôi thấy cần thiết phải bảo quản ngay, đây là tài sản vô cùng quý giá, có tiền cũng không thể mua được. Trong điều kiện ta chưa có kinh nghiệm bảo tồn di tích ngoài trời, cần tranh thủ sự hợp tác của quốc tế.
Con cháu của chúng ta bấy lâu nay chỉ học lịch sử qua sách vở, nay được nhìn thấy, sờ tận tay những di vật của hàng trăm năm về trước. Người VN tự hào khi cha ông ta đã để lại cho con cháu một di sản quý giá như vậy. Chúng ta cần phải giữ gìn di sản của cả một dân tộc.
ĐB Tôn Thất Bách: Có rất nhiều tiền cũng không mua được
Bước chân vào khu di tích, tôi thật sự ngỡ ngàng, di tích kiến trúc tuy dưới dạng phế tích nhưng gồm nhiều loại hình rất phong phú, đa dạng của nhiều thời như cung điện, những lầu nhỏ hình lục giác, hai bên bờ kênh nước, giếng nước còn rất trong và không có mùi, đường rải sỏi, hệ thống thoát nước...
Đặc biệt là hệ thống chân cột cho thấy những cung điện có quy mô khá lớn. Một khối lượng ước tính hàng nghìn di vật gồm những vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, chân cột bằng đá, đồ đất nung trang trí trên mái nhà, đồ trang sức của hoàng cung như gốm sứ, vàng, tiền đồng mang nhiều niên hiệu, súng thần công, kiếm... Di tích thành Thăng Long vẫn còn tìm thấy dấu tích của sông, hồ , một số mộ táng...nhiều di vật đất nung, đá và gốm sứ trình độ nghệ thuật cao... Những di tích đó có rất nhiều tiền cũng không mua được.
ĐB Phạm Chuyên: Cần phải xây dựng quy hoạch bảo tồn
Di tích thành Thăng Long được phát hiện cần phải được xây dựng quy hoạch bảo tồn. Đây là một quần thể di tích phong phú, đa dạng với bề dày lịch sử từ TK VII đến TK XX, nâng cao vị thế lịch sử -văn hoá của thủ đô Hà Nội. Quần thể di tích này tôi tin là sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, đem lại hiệu quả trong hoạt động du lịch và giao lưu, hợp tác quốc tế.
* Các hình ảnh sử dụng cho phần di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long được chụp lại từ tập tài liệu Hoàng thành Thăng Long - Quà tặng các đại biểu quốc tế tham dự APEC 2006