Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai cách thành phố tỉnh lỵ khoảng 30km về hướng Đông Bắc.
Trước năm 1965, Võ Nhai là huyện của tỉnh Thái Nguyên.
Năm 1965, Thái Nguyên sáp nhập với Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái, Võ Nhai thành huyện của tỉnh Bắc Thái.
Năm 1996, Bắc Thái tách thành 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, Võ Nhai trở thành huyện của tỉnh Thái Nguyên.
Phía Đông Võ Nhai giáp tỉnh Lạng Sơn; phía Tây giáp huyện Đồng Hỷ và tỉnh Bắc Kạn; phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang và huyện Đồng Hỷ, phía Bắc giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.
Võ Nhai có địa hình chủ yếu là đồi núi thấp và núi đá vôi, xen giữa là những vùng đất bằng phẳng nhỏ, nằm dọc các khe suối, triền sông.
Võ Nhai nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lượng mưa trung bình từ 1.500-2.250mm/năm, nhiệt độ trung bình là 23,20C.
Ở Võ Nhai thường xuất hiện sương muối (tháng 12 và tháng 1 hàng năm).
Võ Nhai có chì, kẽm ở Thần Sa với quy mô trữ lượng nhỏ không tập trung; vàng sa khoáng ở Thần Sa, Sảng Mộc, Liên Minh; mỏ phốt pho ở La Hiên (trữ lượng khoảng 60.000 tấn); đá xây dựng, cát, sỏi, sét xi măng ở La Hiên, Cúc Đường...
Võ Nhai có các loại đất phù sa (1.816 ha, chiếm 2,15% diện tích); đất đen (935 ha chiếm 1,11% diện tích); đất xám bạc màu (63.917,7 ha chiếm 75,63% diện tích); các loại đất khác (11.070,4 ha chiếm 16,65% diện tích).
Đất đai ở Võ Nhai phù hợp với nhiệu loại cây trồng như: ngô, đỗ tương, thuốc lá, mía, lạc, chè…
Trên địa bàn Võ Nhai có sông Nghinh Tường, sông Dong và nhiều khe, suối nhỏ chảy qua.
Võ Nhai có 15 đơn vị hành chính gồm thị trấn Đình Cả và 14 xã: Sáng Mộc, Nghinh Tường, Thần Sa, Thượng Nung, Vũ Chấn, Cúc Đường, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Liên Minh, Phương Giao, Liên Minh và Dân Tiến.
Võ Nhai là địa bàn sinh sống của 8 dân tộc như: Kinh (34,17%); Tày (29,88%); Nùng (14,52%); Dao (12,63%); Các dân tộc H’Mông, Cao Lan, Hoa chiếm 8,7%.
Người Cao Lan (Sán Chay, Sán Chí) sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước, làm nương, trồng rừng.
Người Cao Lan sống trong những ngôi nhà sàn 4 mái có 3 hoặc 5 gian, trong nhà có sàn phơi. Y phục của người Cao Lan không có nhiều hoạ tiết, phụ nữ thường mặc váy chàm dài ngang bắp chân, mặc áo chàm dài ngang váy. Nam giới búi tóc đội khăn xếp màu chàm có thêu hoa văn, mặc áo chàm dài hoặc ngắn, quần thụng màu nâu hoặc trắng. Trong những dịp lễ, tết, người Cao Lan rất thích các điệu múa Lân, múa Tắc Xình…
Võ Nhai có những thắng cảnh nổi tiếng như: quần thể hang động Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, hang Nà Kháo, hang Huyền. Ngoài ra, Võ Nhai còn có những di tích lịch sử, văn hoá như mái đá Ngườm, rừng Khuôn Mánh …
Võ Nhai phấn đấu đến năm 2020, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 9,5%/năm; sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 35.000 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 10% năm; phủ xanh toàn bộ diện tích đất trống, đồi núi trọc; 95% dân số được sử dụng điện; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%.