|
Chài cá trên sông - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Huyện ở phía Tây của tỉnh Cà Mau; Đông giáp huyện Cái Nước và thành phố Cà Mau; Tây giáp vịnh Thái Lan; Nam giáp huyện Phú Tân; Bắc giáp huyện Thới Bình và huyện U Minh. Huyện mang tên nhà cách mạng Trần Văn Thời (1902 - 1942). Trần Văn Thời sinh ra và lớn lên ở Cà Mau. Năm 1936, ông bắt đầu tham gia cách mạng. Năm 1940, ông tham gia khởi nghĩa Hòn Khoai trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Năm 1941, ông bị Pháp bắt và đày đi Côn Đảo rồi mất trong tu vào ngày 05-02-1942.
Về hành chánh, hiện nay, huyện bao gồm thị trấn Trần Văn Thời, thị trấn Sông Đốc và 11 xã: Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Lộc, Lợi An, Phong Điền, Phong Lạc và Trần Hợi. Trong đó, xã Trần Hợi và xã Khánh Bình Tây Bắc nằm trong phạm vi vườn quốc gia U Minh Hạ.
Huyện có vườn quốc gia U Minh Hạ, có bờ biển dài 36 km. Vùng biển của huyện có cụm đảo Hòn Đá Bạc. Huyện có nhiều cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển, lớn nhất là cửa Sông Đốc. Khu du lịch sinh thái tại cửa Sông Đốc, khu du lịch Hòn Đá Bạc hiện nay là địa điểm ưa thích của du khách trong và ngoài tỉnh. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc hằng năm thu hút khá đông du khách tham gia. Tuyến du lịch Tắc Thủ - Vồ Dơi - Hòn Đá Bạc có thể phát triển du lịch sinh thái, vườn, rừng, biển. Cụm du lịch có khu nhà nghệ nhân Ba Phi ở Khánh Hải, Đầm Thị Tường ở xã Phong Điền thích hợp cho du lịch sinh thái, điền dã...Bên cạnh đó, huyện cũng có nhiều làng nghề truyền thống rất có tiềm năng khai thác du lịch. Điển hình là nghề làm bún, ép chuối khô, trồng rau màu, nuôi cá đồng, làm khô... tập trung nhiều ở xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây; nghề làm mắm ruốc ở Đá Bạc; nghề đánh bắt thủy sản, làm khô biển ở thị trấn Sông Đốc.
Huyện được thành lập sau 30-04-1975, thuộc tỉnh Minh Hải, ban đầu viết là Trần Thời, bao gồm thị trấn Sông Ông Đốc (từ 14-02-1984 trở đi gọi là thị trấn Sông Đốc) và 5 xã: Khánh Hưng A, Khánh Hưng B, Trần Hợi, Phong Lạc, Khánh Bình.
Ngày 25-07-1979, huyện có một số thay đổi hành chính như sau:
- Chia xã Khánh Hưng A thành 5 xã: Khánh Dân, Khánh Hải, Khánh Hiệp, Khánh Hoà, Khánh Hưng.
- Tách đất xã Khánh Hưng B lập xã Khánh Tân
- Tách đất xã Trần Hợi lập thêm 3 xã: Khánh Lộc, Khánh Dũng, Khánh Xuân và thị trấn Trần Thời (từ 14-02-1984 trở đi gọi là thị trấn Trần Văn Thời).
- Tách đất xã Phong Lạc lập thêm 2 xã: Phong Phú, Phong Điền.
- Tách đất xã Khánh Bình lập thêm 3 xã: Khánh Đông, Khánh Tây, Khánh Trung
- Lập xã Lợi An ở vùng sông Ông Đốc.
|
Trung tâm huyện - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Ngày 14-02-1984, địa giới hành chính huyện có sự điều chỉnh như sau:
- Giải thể xã Phong Phú, nhập vào xã Phong Lạc và Lợi An.
- Giải thể xã Trần Hợi, nhập vào xã Khánh Xuân.
- Giải thể xã Khánh Trung nhập vào xã Khánh Bình và Khánh Đông.
- Giải thể xã Khánh Hiệp nhập vào xã Khánh Dân.
Ngày 02-02-1991, địa giới hành chính huyện được điều chỉnh như sau:
- Hợp nhất hai xã Khánh Đông, Khánh Tây thành xã Khánh Bình Đông.
- Đổi tên xã Khánh Xuân thành xã Trần Hợi.
- Hợp nhất hai xã Khánh Dân, Khánh Hưng thành xã Khánh Hưng.
- Hợp nhất hai xã Khánh Hưng B, Khánh Tân thành xã Khánh Bình Tây.
- Hợp nhất hai xã Khánh Hải, Khánh Hoà thành xã Khánh Hải.
- Tách một phần đất xã Phong Lạc nhập vào xã Lợi An.
- Tách một phần đất thị trấn Sông Đốc nhập vào xã Phong Lạc.
Ngày 06-11-1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, ra Nghị quyết chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Huyện Trần Văn Thời thuộc tỉnh Cà Mau. Ngày 25-06-1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 42/1999/NĐ-CP, về việc thành lập xã thuộc các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Cái Nước và Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập xã Khánh Bình Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời trên cơ sở có 9.864 ha diện tích tự nhiên và 17.212 nhân khẩu của xã Khánh Bình Tây.
Ngày 02-09-2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 113/2005/NĐ-CP, về việc thành lập xã thuộc các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Thới Bình và Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập xã Phong Điền thuộc huyện Trần Văn Thời trên cơ sở 5.578,88 ha diện tích tự nhiên và 13.208 nhân khẩu của xã Phong Lạc, thành lập xã Khánh Lộc thuộc huyện Trần Văn Thời trên cơ sở 2.478 ha diện tích tự nhiên và 8.215 nhân khẩu của xã Trần Hợi. Huyện bao gồm thị trấn Trần Văn Thời, thị trấn Sông Đốc và 11 xã: Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Lộc, Lợi An, Phong Điền, Phong Lạc và Trần Hợi như hiện nay.
So với một số huyện khác trong tỉnh thì Trần Văn Thời có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế. Huyện có cửa biển Sông Đốc là đầu mối giao thông, thương mại quan trọng của tỉnh; có rừng U Minh Hạ và vùng biển rộng là điều kiện thuận lợi để xuất nông nghiệp - lâm - ngư nghiệp. Những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Trần Văn Thời đạt bình quân 8%/năm. Đến cuối năm 2002: tăng trưởng GDP đạt gần 12%; hình thành cơ cấu kinh tế: Nông - Lâm Ngư nghiệp 68%, Công nghiệp - Xây dựng 13%, Thương mại - Dịch vụ 19%. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 12%. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,76%.
Năm 2006, tổng sản lượng khai thác thủy sản trên 75 ngàn tấn, trong đó khai thác biển được 70.474 tấn, sản lượng cá đồng trên 1.350 tấn. Đặc biệt, mô hình nuôi cá đồng bán công nghiệp đạt hiệu quả cao, một số dự án sản xuất lúa - cá ở Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây phát triển tốt. Năm 2007, sản lượng thủy sản đạt 82.132 tấn. Sản lượng đánh bắt trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 43.500 tấn, đạt 51,6% kế hoạch. Trong đó có 2.300 tấn tôm, góp phần phát huy tốt ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nông dân huyện đang có xu hướng kết hợp nuôi tôm trên đất trồng lúa, trồng rừng. Năm 2007 trên 16.000 ha mặt nước nuôi tôm, nuôi tôm kết hợp trồng lúa.
Diện tích đất canh tác năm 2007 đạt 32.185 ha. Năm 2008, huyện có diện tích trồng lúa trên 50.000 ha, sản lượng lúa hàng năm khoảng 180.000 tấn, bằng 40% sản lượng lúa toàn tỉnh. Vụ hè thu 2009, do thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn kéo dài cộng thêm những đợt mưa trái mùa làm đất bị xì phèn, ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của cây lúa làm thiệt hại 720.000 ha lúa hè thu của huyện. Tuy bà con nông dân đã khắc phục được hơn 620 ha diện tích nhưng do nắng nóng kéo dài liên tục nên đã gây khó khăn cho công tác khắc phục, phần lớn diện tích lúa mới khắc phục chậm phát triển. Bên cạnh đó, tình hình bệnh đạo ôn trên lá, sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện rải rác gây thiệt hại trên diện tích lúa hè thu.
Trần Văn Thời vốn là nơi có nguồn lợi cá đồng rất lớn với năng suất thu hoạch mỗi năm hàng trăm tấn. Người dân trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định từ trồng lúa kết hợp trồng màu và nuôi cá, đời sống của một bộ phận người dân khá sung túc. Tuy nhiên, vụ cá đồng năm 2009, do mưa sớm kéo dài, mực nước trong các kênh, mương rút chậm. Cá chưa xuống đìa, cộng với những đám mưa trái mùa làm cho người dân gặp khó khăn.
Huyện đang quy hoạch vùng chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng. Dự kiến đến năm 2010, huyện Trần Văn Thời có 1.500 ha được quy hoạch thành vùng nuôi tôm thẻ chân trắng. Khu vực được quy hoạch gồm 9 xã, thị trấn nằm ven 2 tuyến sống Ông Đốc, kinh xáng Thị Kẹo và đầm Thị Tường. Trước mắt trong niên vụ 2008 - 2009, huyện quy hoạch thành 2 vùng, vùng I gồm các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Lợi An và thị trấn Trần Văn Thời, với diện tích 48 ha; vùng II gồm các xã: Phong Lạc, Phong Điền, Khánh Hưng và thị trấn Sông Đốc, với diện tích 34 ha để nuôi tôm thẻ chân trắng, làm cơ sở nhân rộng cho những năm tiếp theo.
|
Cầu khỉ - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Năm 2006, thu nhập bình quân đầu người hiện nay của huyện là 6,7 triệu đồng/người/năm (tăng 700 ngàn đồng so với năm 2005); tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 17%; hầu hết các trạm y tế của huyện đều có bác sĩ trực, đã có 7/13 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Huyện giải quyết việc làm cho trên 11 ngàn lao động. Giao thông nông thôn được huyện quan tâm đầu tư nâng cấp với tổng chiều dài 53 km; hoàn thành và đưa vào sử dụng 30 cầu bê tông, tổng số vốn 3,5 tỷ đồng; nâng cấp và đưa vào sử dụng bờ kè trước khu chợ Rạch Ráng, thị trấn Trần Văn Thời. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ sử dụng điện 89,90%, có 3 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, vượt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2007, huyện Trần Văn Thời đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập Trung học cơ sở. Huyện đã giải quyết việc làm cho gần 8 ngàn lao động, trong đó giải quyết việc làm tại chỗ 2.551 lao động, đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh được 4.685 người. Đào tạo, dạy nghề ngắn hạn cho 1.661 học viên, dạy nghề miễn phí cho con em gia đình chính sách, gia đình nghèo 385 người.
Năm 2008, Bệnh viện Đa khoa huyện được mở rộng lên 18 khoa/phòng, 180 giường bệnh; ngoài ra, tại tuyến cơ sở có 59 giường bệnh đặt tại 11 trạm y tế xã và 2 phòng khám đa khoa khu vực; việc khám và điều trị bệnh cho nhân dân ngoài Tây y còn có sự tham gia hiệu quả của khoa Đông y ở Bệnh viện Đa khoa huyện và 6 phòng Đông y tại các trạm y tế xã. Năm 2008, toàn huyện có 214 cán bộ, 58 bác sỹ (trong đó có 13 bác sỹ chuyên khoa cấp 1), 02 dược sỹ đại học, 2 cử nhân điều dưỡng và 2 đại học khác. Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch và đang đào tạo 6 bác sỹ chuyên khoa cấp 1, 12 bác sỹ chuyên môn, 1 dược sỹ đại học. Mạng lưới y tế ấp cũng hoạt động khá hiệu quả với 133/154 ấp có tổ y tế, 154/154 ấp có nhân viên y tế hoạt động (số lượng là 218 người).
Năm 2009, tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu xây dựng 21 tuyến đường ô tô về trung tâm các xã. Huyện Trần Văn Thời có 11 xã nhưng chỉ có 2 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã là Khánh Bình và Khánh Lộc. Dự kiến năm 2009, huyện sẽ hoàn thành 7 dự án xây dựng đường ô tô về trung tâm 9 xã còn lại. Tổng vốn đầu tư cho 7 dự án xây dựng đường ô tô về trung tâm 9 xã trên 190 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, theo theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Thu - Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng giao thông nông thôn huyện Trần Văn Thời - thì cuối năm 2009, huyện chỉ có thể hoàn thành xong 5 tuyến đường ô tô về trung tâm các xã Khánh Bình Đông, Lợi An, Trần Hợi, Khánh Hải và Khánh Hưng. 2 tuyến đường ô tô về trung tâm 4 xã còn lại sẽ hoàn thành vào tháng 4/2010. Như vậy, cuối năm 2010 huyện Trần Văn Thời sẽ hoàn thành mục tiêu có đường ô tô về trung tâm các xã.