Trấn Yên là huyện vùng thấp của tỉnh Yên Bái, cách thành phố tỉnh lỵ khoảng 13 km.
Thời Lý, Trấn Yên là vùng đất Châu Đăng.
Tên huyện được đặt từ thời Lê.
Năm Minh Mệnh thứ 17, Trấn Yên thuộc Phủ Quy Hoá, Trấn Hưng Hoá.
Năm 1953, cắt xã Nguyễn Phúc và 4 dãy phố của thị xã Yên Bái ra khỏi Trấn Yên.
Tháng 3/1965, cắt 19 xã thuộc vùng thượng huyện từ Ngòi Hóp lên tới Ngòi Hút để thành lập huyện Văn Yên.
Năm 1980, chuyển 4 xã: Tuy Lộc, Nam Cường, Minh Bảo, Tân Thịnh về thị xã để xây dựng thị xã mới.
Năm 2008, thực hiện Nghị định 87/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trấn Yên để mở rộng thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình, huyện Trấn Yên còn 21 xã và 1 thị trấn.
Phía Bắc giáp với huyện Văn Yên; phía Nam giáp huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ; phía Đông giáp huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái; phía Tây giáp với huyện Văn Chấn.
Trấn Yên có địa hình chuyển tiếp từ trung du lên miền núi, nằm giữa dãy Pú Luông phía hữu ngạn và dãy con Voi phía tả ngạn sông Hồng. Độ cao trung bình từ 100 – 200 m so với mặt nước biển. Nơi thấp nhất là xã Minh Quân có độ cao 20m. Địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc, các xã phía Nam có địa hình chủ yếu là đồi bát úp, đỉnh bằng, sườn thoải, các xã nằm dưới chân núi con Voi và dãy Pú luông có địa hình phức tạp, chia cắt, núi đồi xen lẫn với thung lũng sâu, có độ dốc lớn.
Trấn Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình từ 23 – 240C (nhiệt độ cao nhất là 38,9 độ, thấp nhất là 3,3 độ).
Trấn Yên có quặng sắt phân bổ ở Việt Hồng, Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca, Kiên Thành với tổng trữ lượng trên 91 triệu tấn (riêng mỏ quặng sắt ở Kiên Thành có hàm lượng trên 60%); đá thạch anh phân bố tại xã Hoà Cuông, Việt Hồng, Lương Thịnh, Kiên Thành, Y Can, trữ lượng trên 52 nghìn tấn; quặng Graphit phân bố tại xã Báo Đáp, Đào Thịnh, Nga Quán; mỏ cao lanh tại Cường Thịnh trữ lượng 150.000 tấn; mỏ sét ở Bảo Hưng, Y Can, Đào Thịnh; đá xây dựng tại Hang Dơi, Minh Quán, Việt Cường, Việt Hồng, Kiên Thành trữ lượng hàng triệu m3. Ngoài ra, Trấn Yên còn có cát, sỏi phân bố dọc theo sông Hồng với trữ lượng khoảng 3.100 nghìn m3.
Đất đai ở Trấn Yên thích hợp trồng các loại cây lương thực, cây nguyên liệu giấy (keo, bồ đề, bạch đàn), cây công nghiệp và phát triển nghề rừng, chăn nuôi đại gia súc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trấn Yên khoảng 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/năm, 100% số xã đã có đường ô tô, điện lưới quốc gia.
Diện tích: 690,74 km2
Dân số: 93.500 người (2004)
Mật độ dân số: 135 người/km2
 |
Chăm sóc vườn cây dưới tán rừng ở Trấn Yên. Ảnh: kinhtenongthon. |
Huyện Trấn Yên có 22 đơn vị hành chính gồm thị trấn Cổ Phúc và 21 xã: Nga Quán, Minh Quán, Hồng Ca, Việt Hồng, Cường Thịnh, Hưng Thịnh, Lương Thịnh, Minh Quân, Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Cường, Việt Thành, Đào Thịnh, Hưng Khánh, Y Can, Minh Tiến, Quy Mông, Kiên Thành, Vân Hội, Hoà Cuông, Bảo Hưng.
Trấn Yên là địa bàn sinh sống của 6 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 74,3%, Tày 15,8%, Dao 5,8% còn lại là các dân tộc khác như Mường, H’Mông, Cao Lan…
Người Dao ở Yên Bái được chia thành các nhóm như: Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao quần trắng và Dao làn tuyển.
Người Dao sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và lúa nước. Ngoài ra, người Dao còn có nghề thủ công như: làm giấy, dệt vải, nhuộm chàm, in và thêu hoa văn trên vải.
Người Dao thường trang trí hoa văn cây cỏ, động vật, hình người, hình chim, kết chữ Hán cách điệu trên trang phục.
Người Dao có Tết Nhảy thường được tổ chức vào tháng Chạp, trong lễ hội có các địệu múa như: múa Bắt ba ba, múa Sản xuất …
Ngoài chiến khu Làng Vần bao gồm quần thể các điểm di tích (gò cọ Đồng Yếng, di tích nhà ông Trần Đình Khánh, di tich Đình Trung, di tích Hang Dơi xã Việt Hồng), Trấn Yên còn có các di tích lịch sử như: đền Hóa Cuông, đình làng Dọc, đình Hoà Quân, gò cọ Làng Chiêng, chùa Linh Thông, đồn Ca Vịnh…
Trấn Yên cũng có nhiều thắng cảnh đẹp như: Ao Vua, thác Quẽ, hang Dơi và những cánh rừng nguyên sinh ở Việt Hồng, Kiên Thành… và các di chỉ thạp đồng Đào Thịnh, Hợp Minh, trống đồng Đào Thịnh. Trấn Yên có món đặc sản nổi tiếng là măng tre Bát Độ.
Du khách đến Trấn Yên trong khoảng thời gian từ ngày 20-25/12 (âm lịch) hàng năm sẽ được tham dự lễ hội tết Nhẩy (múa Chạy Rùa) của dân tộc Dao.