<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Tịnh Biên

Tổng quan
 

Tịnh Biên là huyện biên giới của tỉnh An Giang; Bắc giáp Campuchia; Tây và Nam giáp huyện Tri Tôn; Đông giáp thị xã Châu Đốchuyện Châu Phú. Tịnh Biên là vùng núi cổ, đến thế kỷ XVIII vẫn còn hoang vu, mới được khai phá từ thời Gia Long trở về sau. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Tịnh Biên, thị trấn Nhà Bàng, thị trấn Chi Lăng và 11 xã là: Nhơn Hưng, An Phú, Thới Sơn, Văn Giáo, An Cư, Vĩnh Trung, An Nông, Núi Voi, Tân Lợi, An Hảo, Tân Lập. Trong đó, ngoại trừ xã Tân Lập, tất cả các đơn vị còn lại đều thuộc diện vùng núi.

Huyện có nhiều dân tộc, tôn giáo, di tích lịch sử và phong cảnh núi non hùng vĩ. Đến Tịnh Biên, du khách có dịp tham quan nhiều di tích lịch sử và cảnh đẹp thiên nhiên như: núi Cấmchùa Vạn Linh, rừng Trà Sư....Đặc sản nổi tiếng của huyện là bò cạp núi, rất được du khách phương xa quan tâm. Ngoài việc chế biến món ăn, bò cạp còn là một vị thuốc dùng ngâm rượu chữa bệnh nhức khớp xương. Tịnh Biên cũng được xem là điểm nóng của An Giang trong việc buôn lậu qua biên giới.

Điều kiện tự nhiên
 

Về địa hình, huyện phân thành 3 vùng rõ rệt: vùng đồi núi, vùng bán sơn địa và vùng đồng bằng. Vùng đồi núi bao gồm cụm núi Phú Cường và núi Cấm, là hai cụm núi lớn của vùng Thất Sơn, có tiềm năng khoáng sản, vật liệu xây dựng và du lịch. Vùng bán sơn địa có thể trồng cây ăn trái, chăn nuôi. Vùng đồng bằng chủ yếu trồng lúa hai vụ và một phần nhỏ diện tích thích hợp trồng tràm.
Rừng tự nhiên thuộc rừng ẩm nhiệt đới với nhiều loại cây quý hiếm. Sau năm 1975, diện tích rừng bị thu hẹp do khai thác bừa bãi. Hiện nay, diện tích rừng đã được phục hồi qua các chương trình trồng rừng phủ xanh đồi trọc. Động vật trên núi ngày càng phong phú về số lượng và chủng loại. Rừng không chỉ có giá trị lâm sản mà còn có giá trị du lịch. Rừng tràm Trà Sư và núi Cấm là những điểm du lịch nổi tiếng của huyện.

Lịch sử
 

Vào thời vua Minh Mạng, Tịnh Biên là tên phủ của tỉnh Hà Tiên, gồm 2 huyện Hà Dương và Hà Âm. Năm 1842, phủ Tịnh Biên nhập vào tỉnh An Giang. Năm 1850, bỏ phủ Tịnh Biên. Năm 1876, Tịnh Biên thuộc hạt Châu Đốc. Năm 1899, Tịnh Biên là tên quận của tỉnh Châu Đốc. Tháng 04-1957, quận Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang, gồm 2 tổng Qúy Đức (có 5 xã là: An Phú, An Nông, Nhơn Hưng, Thới Sơn, Xuân Tô) và Thành Tín (có 3 xã là: Vĩnh Gia, Lạc Quới, Ba Chúc). Quận lỵ đặt tại xã An Phú. Năm 1964, tỉnh An Giang tách thành hai tỉnh là An Giang và Châu Đốc, quận Tịnh Biên thuộc tỉnh Châu Đốc. Năm 1970, quận Tịnh Biên gồm có 10 xã: Trác Quan, Vĩnh Trung, Văn Giáo, Thới Sơn, Xuân Tô, Tú Tề, An Nông, An Phú, An Cư, Nhơn Hưng tồn tại cho đến năm 1975.

Về phía chính quyền Cách mạng, sau tháng 08-1945, quận Tịnh Biên thuộc tỉnh Châu Đốc. Ngày 06-03-1948, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ ra chỉ thị quy định Tịnh Biên là huyện của tỉnh Long Châu Hậu. Năm 1950, huyện Tịnh Biên thuộc tỉnh Long Châu Hà. Tháng 07-1951, nhập huyện Tri Tôn vào huyện Tịnh Biên. Tháng 10-1954, tách thành hai huyện như cũ, Tịnh Biên lúc này thuộc tỉnh Châu Đốc. Giữa năm 1957, Tịnh Biên thuộc về tỉnh An Giang. Năm 1971, để phù hợp với tình hình mới, vùng đất Tịnh Biên lại được cắt về tỉnh Long Châu Hà. Sau ngày giải phóng, tháng 12-1975, Tịnh Biên bao gồm 10 xã và chính thức trở thành tên huyện của tỉnh An Giang. Ngày 11-03-1977, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn hợp nhất thành huyện Bảy Núi theo quyết định 56/CP của Hội đồng Chính phủ. Ngày 25-04-1979, thành lập thị trấn Chi Lăng và xã Tân Lập. Ngày 23-08-1979, chia huyện Bảy Núi thành hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên như cũ. Ngày 10-05-1986, thành lập thị trấn Nhà Bàng trên cơ sở 227,5 ha diện tích tự nhiên với 4. 673 nhân khẩu của xã Thới Sơn và 311,5 ha tự nhiên với 2. 548 nhân khẩu của xã Nhơn Hưng. Ngày 07-02-1991, đổi tên xã Thới Thuận thành xã Văn Giáo.

Năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị Định 119/2003/NĐ-CP, thành lập xã Núi Voi trên cơ sở 1.225 ha diện tích tự nhiên và 4.387 nhân khẩu của thị trấn Chi Lăng. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã Núi Voi, thị trấn Chi Lăng còn lại 713 ha diện tích tự nhiên và 7.372 nhân khẩu.

Năm 2005, thành lập thị trấn Tịnh Biên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Xuân Tô theo Nghị định 52/2005/NĐ-CP. Thị trấn Tịnh Biên có 1.938 ha diện tích tự nhiên và 12.850 nhân khẩu. Địa giới hành chính thị trấn Tịnh Biên: Đông giáp xã An Phú; Tây giáp Vương quốc Campuchia; Nam giáp các xã An Nông, An Cư; Bắc giáp xã An Phú và Vương quốc Campuchia.

Kinh tế
 

Nông nghiệp

Tịnh Biên là một trong các huyện tiên phong ở An Giang phát động phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2007, huyện Tịnh Biên có 1.700 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (29% dân tộc Khmer). Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện thu nhập 70 triệu đồng và cấp xã trên 40 triệu đồng/năm. Có 12 mô hình sản xuất tiêu biểu được hội viên nông dân ở 14 xã, thị trấn thực hiện. Những mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế được nhân rộng trong toàn huyện.

Năm 2008, toàn huyện có 2.177 nông dân được bình xét "Nông dân giỏi" 4 cấp, tăng hơn 590 nông dân so với năm 2006, trong đó có 760 nông dân là đồng bào dân tộc Khmer ở các xã: An Cư, An Hảo, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Tân Lợi… sản xuất với nhiều mô hình: 2 vụ lúa, 2 vụ lúa + 1 vụ màu, 1 vụ lúa + 1 vụ màu + chăn nuôi....có thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/hộ/năm.

Tịnh Biên nổi tiếng với cây lúa đặc sản vùng Bảy Núi có tên gọi là Nàng Nhen thơm, chỉ có thể trồng được ở vùng Bảy Núi, không thể sinh trưởng được ở đồng bằng châu thổ. Lúa đặc sản Bảy Núi có hương vị đậm đà rất riêng, giá bao giờ cũng cao hơn lúa và gạo cao sản, ngắn ngày. Đây là loại lúa thơm dài ngày, năng suất từ 3,5 đến 4 tấn/ha, dễ chăm sóc và ít tốn chi phí. Tuy nhiên, nó đòi hỏi thời vụ khắt khe, từ khâu gieo mạ (mưa đầu mùa) đến giai đoạn trổ bông và làm đòng (khoảng tháng 10 Âm lịch) bởi có nước thì mới chắc hạt và đạt năng suất. Do vậy, năm nào mưa nhiều, trữ lượng nước dồi dào, cây lúa thơm Bảy Núi trúng mùa, ngược lại sẽ bị sụt giảm năng suất hoặc mất trắng. Những năm gần đây, thời tiết không thuận lợi, khô hạn có chiều hướng gia tăng, nhiều nông dân phải chuyển sang trồng các giống lúa cao sản, ngắn ngày. Lúa đặc sản vùng Bảy Núi có nguy cơ biến mất.

Thương mại

Tịnh Biên là huyện biên giới, có cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên là trung tâm giao thương quan trọng giữa Việt Nam với Campuchia. Khu vực cửa khẩu có diện tích khoảng 9.255 ha, dân số năm 2007 là 47.128 người, nằm trên trục quốc lộ 91, nối thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc với cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và các trục giao thông quan trọng khác.

Ngày 18-01-2009, khu thương mại quốc tế Tịnh Biên đã được tỉnh An Giang đưa vào hoạt động. Khu thương mại quốc tế Tịnh Biên rộng 10 ha, có 6 doanh nghiệp thuê 100% diện tích đất xây dựng siêu thị, cửa hàng miễn thuế. Theo quy định, du khách được mua hàng miễn thuế 500.000 đồng/người/ngày tại đây.

Chợ cửa khẩu Tịnh Biên cũng là điểm giao thương mua bán trọng yếu của huyện Tịnh Biên. Mặt hàng chủ yếu là vải vóc, đồ điện tử, mỹ phẩm có nguồn gốc từ Campuchia và Thái Lan. Ngoài ra, chợ còn bán nhiều loại đặc sản của khu vực Bảy Núi như thốt nốt, xoài, bọ cạp, mối chúa...

Xã hội
 

Giáo dục

Hiện nay, huyện Tịnh Biên có 798 cán bộ công chức hoạt động trong ngành giáo dục, trong đó 488 giáo viên đứng lớp giảng dạy. Theo đó, số giáo viên đạt trình độ đại học, cao đẳng là 234 người, trình độ 12+2 là 125 người. Toàn huyện có 33 trường tiểu học, phòng học, trang thiết bị đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Trong năm 2008, huyện đã đầu tư xây mới 4 phòng học cho Trường tiểu học "C" An Hảo. Thực hiện dự án (PEDC) giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bằng kinh phí của Trung ương, huyện đã xây dựng và đưa vào sử dụng 44 phòng ở 9 điểm trường, trang bị 329 bảng chống lóa cho tất cả các lớp học, với số tiền 600 triệu đồng; xã hội hóa giáo dục được 20 phòng học, với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Huyện cũng đã trang bị tủ, kệ đựng sách, đồ dùng dạy học, với 14.884 bộ, trị giá 189.750.000 đồng cho các em học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số Khmer…

Y tế

Ngày 09-12-2008 vừa qua, Bảo hiểm xã hội huyện Tịnh Biên đã tiến hành ký hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế năm 2009 với Phòng khám Đa khoa Quân Dân Y thuộc bệnh xá Quân Y sư đoàn 330. Bên cạnh đó, huyện cũng hoàn thành tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở các xã, thị trấn luôn duy trì ổn định với lực lượng cộng tác viên dân số có 120 người, trình độ cán bộ làm công tác dân số gia đình và trẻ em không ngừng được nâng cao.

Cơ sở hạ tầng

Toàn huyện Tịnh Biên có 42 tuyến đường, với 234,24 km, giao thông nông thôn được thông suốt đến trung tâm của 14/14 xã thị trấn. Ngoài ra, còn có những đường nhánh nối kết với các xóm, làng áp sát chân núi. Thực hiện đầu tư theo chương trình 135 giai đoạn II năm 2008, huyện Tịnh Biên được giao 750 triệu đồng đầu tư, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, một số tuyến đường thi công không hiệu quả. Điển hình như tuyến Hương lộ 13 (đoạn nối từ hồ Ô Tích Sa, thị trấn Chi Lăng đến chợ Ba Xoài). Tuyến đường được Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng (QLDAĐTXD) Tịnh Biên phê duyệt thi công tháng 04-2008. Nhưng đến tháng 11-2008, tuyến đường này vẫn chỉ là một con đường mòn đầy bùn, chỉ cần một trận mưa lớn là đường hóa thành ao. Nguyên nhân là do huyện đã dốc khoảng 1 tỷ đồng vào việc đầu tư xây dựng 7 cái cống lớn nằm dọc Hương lộ. Hậu quả là dẫn đến việc tiền đầu tư đã hết mà đường thì vẫn chưa xong.

Tỉnh An Giang đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước trên đỉnh núi Cấm, thuộc địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, do Công ty Điện Nước An Giang đầu tư thực hiện. Công trình sẽ khởi công vào đầu năm 2009, sau 7 tháng sẽ hoàn tất và đưa vào hoạt động, phục vụ nước sinh hoạt cho 600 hộ dân trên núi và khách du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai xây dựng hồ nước Thanh Long trên núi Cấm. Hồ Thanh Long có diện tích khoảng 10 ha, có chức năng giữ lại nguồn nước sinh hoạt cho một số hộ dân quanh khu vực ấp Rau Tần và Thiên Tuế, kinh phí thực hiện trên 20 tỷ đồng.
Cuối năm 2008, huyện Tịnh Biên đã đầu tư xây dựng và hoàn thành giải phóng mặt bằng cho 19 dự án, với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Trung tâm dạy nghề, đường 30-4, 2 cầu vượt Cây Đốc và Pen Đồn, khu hành chính huyện, khu dân cư cao cấp Sao Mai, tuyến dân cư Xuân Biên, khu dân cư chợ Tịnh Biên, chợ Nhà Bàng, trạm bơm Xã Tiết, tuyến dân cư N1 An Nông, Trường tiểu học Tân Lập, đường điện núi Cấm, khu hành chính Núi Voi, bãi tập kết và khu trung chuyển hàng hóa Núi Voi, đường điện 110 KV Châu Đốc - Tri Tôn, đường điện 220 KV Châu Đốc - Kiên Lương, kênh Tha La -Trà Sư.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt