Huyện Phú Tân
tỉnh Cà MauĐịa chỉ hiện nay
tỉnh Cà Mau
Dân số
113.267 người (2004)
Huyện ở phía Tây Nam của tỉnh Cà Mau; Đông giáp huyện Cái Nước; Tây giáp vịnh Thái Lan; Nam giáp vịnh Thái Lan và huyện Năm Căn; Bắc giáp huyện Trần Văn Thời. Phú Tân nằm trên trục giao thông Đông – Tây của tỉnh Cà Mau, đầu nối với trục quốc lộ 1A Cà Mau – Năm Căn. Đồng thời, huyện còn nằm trong hành lang ven biển Tây vịnh Thái Lan, là vùng chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Cái Đôi Vàm và 8 xã: Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Phú Thuận, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái và Rạch Chèo.
Huyện Phú Tân được thành lập ngày 29-12-1978, thuộc tỉnh Minh Hải, theo Nghị định số 326-CP của Hội đồng Bộ trưởng, gồm 16 xã và 1 thị trấn huyện lỵ. Tuy nhiên, trong Nghị định không ghi rõ tên xã và thị trấn, thực tế chỉ có 4 xã: Tân Hưng Tây, Việt Khái, Phú Mỹ A, Phú Mỹ B. Ngày 25-07-1979, địa giới hành chính huyện có sự điều chỉnh như sau:
- Tách đất xã Tân Hưng Tây lập xã Tân Hải
- Tách đất xã Việt Khái lập hai xã Việt Hùng, Việt Thắng
- Tách đất xã Phú Mỹ B lập hai xã Phú Hoà, Phú Hiệp
Ngày 28-03-1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 23/HĐBT, về việc phân vạch địa giới thị trấn và một số xã thuộc tỉnh Minh Hải. Nội dung như sau:
- Chia thị trấn Phú Tân thành hai đơn vị hành chính mới lấy tên là thị trấn Phú Tân và xã Tân Phong.
- Chia xã Tân Hải thành hai xã lấy tên là xã Tân Hải và xã Tân Nghiệp.
- Chia xã Việt Khái thành ba xã lấy tên là xã Việt Khái, xã Việt Dũng và xã Việt Cường.
Ngày 17-05-1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75/HĐBT, về việc phân vạch địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Minh Hải. Theo đó, sáp nhập huyện Cái Nước và huyện Phú Tân thành một huyện lấy tên là huyện Cái Nước. Huyện Cái Nước gồm các xã Cái Nước, Hiệp Hưng, Trần Thời, Tân Thới, Tân Hưng, Phong Hưng, Tân Hưng Đông, Hưng Mỹ, Bình Mỹ, Phú Lộc, Phú Hưng, Tân Hiệp, Đông Thới, Thanh Hưng, Thạch Phúc, Thạnh Trung, Lương Thế Tân, Hoà Mỹ, Tân Hải, Phú Hoà, Phú Hiệp, Việt Thắng, Việt Hùng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái, Phú Thuận, Phú Mỹ A, Phú Thành, Tân Nghiệp, Tân Phong, Việt Dũng, Việt Cường và thị trấn Phú Tân. Huyện lỵ đóng tại xã Cái Nước. Địa giới huyện Cái Nước ở phía đông giáp huyện Ngọc Hiển, phía tây giáp Vịnh Thái Lan, phía nam giáp huyện Năm Căn, phía bắc giáp thị xã Cà Mau.
Ngày 17-11-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ-CP, về việc thành lập các huyện Năm Căn và Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập huyện Phú Tân trên cơ sở 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 nhân khẩu của huyện Cái Nước. Huyện Phú Tân có 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái và thị trấn Cái Đôi Vàm. Địa giới hành chính huyện Phú Tân : Đông giáp huyện Cái Nước; Tây giáp biển Đông; Nam giáp huyện Năm Căn; Bắc giáp huyện Trần Văn Thời.
Ngày 23-11-2004, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 192/2004/NĐ-CP, về việc thành lập xã thuộc các huyện Cái Nước và Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập xã Phú Thuận thuộc huyện Phú Tân trên cơ sở 3.925 ha diện tích tự nhiên và 11.359 nhân khẩu của xã Phú Mỹ, thành lập xã Rạch Chèo thuộc huyện Phú Tân trên cơ sở 4.450 ha diện tích tự nhiên và 9.998 nhân khẩu của xã Tân Hưng Tây. Huyện Phú Tân bao gồm thị trấn Cái Đôi Vàm và 8 xã: Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Phú Thuận, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái và Rạch Chèo như hiện nay.
Huyện Phú Tân cũng như của toàn tỉnh Cà Mau, mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nhiệt độ cao quanh năm, nhiệt độ trung bình 26,9oC. Tháng 4 có nhiệt độ cao nhất, khoảng 27,6oC. Tháng giêng có nhiệt độ thấp nhất, khoảng 25oC. Một năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.200 mm.
Phú Tân tiếp giáp với vịnh Thái Lan nên phần lớn chịu tác động trực tiếp của chế độ nhật triều không đều của biển Tây. Thủy triều theo cửa sông Bảy Háp, cửa sông Cái Đôi Lớn, cửa kênh Công Nghiệp, cửa Mỹ Bình tràn vào nội đồng. Nguồn nước ngầm của huyện có chất lượng tốt, không bị nhiễm mặn, thuộc nhóm nước mềm, có hàm lượng kim loại nặng thấp và chưa bị ô nhiễm. Đây là điều kiện quan trọng trong việc phát triển kinh tế của huyện.
Là huyện đồng bằng ven biển, có địa hình thấp trũng, độ dốc bề mặt tương đối nhỏ, có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống phía Nam. Vì vậy, Phú Tân có sự chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, đất vườn sang nuôi tôm dưới dạng nuôi tôm chuyên, nuôi kết hợp trong mương liếp vườn, nuôi luân canh một vụ lúa.
Rừng ở huyện Phú Tân là rừng ngập mặn, được phân bố dọc theo ven biển với chiều dài 27 km. Rừng ngập mặn ven biển của huyện có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường và giúp cho nuôi thủy sản bền vững.
Thủy hải sản là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng của biển, khai thác hải sản đang là một trong những ngành kinh tế chủ lực của huyện. Phú Tân có điều kiện phát triển kinh tế nội địa, kinh tế biển và có điều kiện liên kết, phát triển với các địa phương khác trong tỉnh Cà Mau.
Kinh tế huyện được phân chia theo mùa: Mùa khô thuận tiện cho nuôi tôm nước lợ, xây dựng giao thông và các công trình dân dụng, các hoạt động thể thao, văn hoá thông tin. Mùa mưa, lượng mưa cao, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, rau màu…
Phú Tân với đặc thù là huyện ven biển, cùng với lợi thế về khai thác biển, nghề nuôi trồng thủy sản trở thành thế mạnh chủ lực. Hiện nay nghề nuôi trồng thủy sản phát triển khá đa dạng với nhiều loại hình như: chuyên nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, cải tiến năng suất cao, nuôi tôm công nghiệp hay mô hình vườn - tôm, lúa - tôm, rừng - tôm...
Năm 2008, nông dân huyện Phú Tân gieo cấy 1.521 ha lúa trên đất nuôi tôm. Lúa phát triển tốt và có khả năng cho năng suất cao. Riêng mô hình sản xuất ở khu khép kín, thuộc ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ đem lại hiệu quả cao, năng suất từ 15 - 20 giạ một công, có hộ đạt từ 20 - 25 giạ một công. Năm 2008 được xem là năm thực hiện một vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhất từ khi huyện Phú Tân tái lập đến nay.
Năm 2009, Phú Tân có khoảng 5.400 ha rừng, trong đó có hơn 4.500 ha sản xuất theo mô hình rừng - tôm kết hợp. Diện tích này tập trung phần lớn ở các xã có rừng và ven biển như: Nguyễn Việt Khái, Rạch Chèo, Phú Tân, Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm. Hiện Phú Tân đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng bảo vệ nghiêm ngặt 70% diện tích rừng, 30% diện tích còn lại dành cho nuôi tôm. Theo đó, hơn 90% diện tích đất sản xuất đều được nuôi xen canh tôm - cua - cá và một số loài khác dưới tán rừng như: ốc len, sò huyết
Định hướng phát triển mô hình rừng - tôm trong thời gian tới, huyện Phú Tân chỉ đạo phát động nhân dân nuôi xen canh tôm, cá nước mặn kết hợp nuôi sò, ốc len theo hướng đa con. Tận dụng diện tích bờ bao để trồng hoa màu tăng thu nhập. Hiện nay, mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá. Huyện đã quy hoạch vùng nuôi ốc len dưới tán rừng được hơn 70 ha, tập trung ở thị trấn Cái Đôi Vàm và xã Nguyễn Việt Khái. Người trong nghề cho biết, ốc len dễ nuôi, thu gom giống tự nhiên, thời gian thả nuôi khoảng 8 tháng, không cần cho ăn, chỉ canh giữ không cho thất thoát, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/ha, lời khoảng 50%. Cùng với nuôi ốc len, mô hình nuôi sò huyết dưới chân rừng, trong đầm nuôi tôm cũng manh nha xuất hiện. Đây là điều kiện để bà con nhân dân nơi đây nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Quan trọng hơn là từng bước khôi phục tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Phú Tân.
Năm 2008, một số hộ dân ven biển huyện Phú Tân đã bắt đầu nuôi cá nước ngọt trên vùng đất mặn ven biển, tận dụng nguồn thức ăn rẻ là cá vụn - phế phẩm của nghề khai thác biển - chỉ hơn 1.000 đồng/kg. Hồ nuôi chỉ cần đào rộng trên 200 m2. Nếu nền hồ nuôi thấp hơn mực nước biển, thì lót cao su tránh thẩm thấu nước mặn. Nếu đáy hồ nuôi cao hơn mực nước biển, thì chỉ cần xử lý nền để giữ nước. Nước được bơm từ cây nước khoan, sạch và hoàn toàn chủ động việc điều hoà.
Sáu tháng đầu năm 2009, huyện Phú Tân có tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 19 tỷ 442 triệu đồng, bằng 41,37% chỉ tiêu pháp lệnh cả năm. Bao gồm các nguồn thu chủ yếu như: thuế công thương nghiệp 17 tỷ đồng, các nguồn thu khác hơn 1 tỷ đồng, thuế nhà đất 442,4 triệu đồng, thuế trước bạ 427 triệu đồng… Theo đó, có 9/9 xã, thị trấn thu đạt và vượt chỉ tiêu quý II và đạt trên 54% chỉ tiêu cả năm. Tiến độ thu ngân sách thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Tân còn chậm nên chưa đạt kế hoạch đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Để đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân thành lập Ban Chỉ đạo thu ngân sách của huyện.
Năm 2009, huyện Phú Tân ưu tiên hoàn thiện dự án chuyển đổi khai thác biển, tập trung đánh bắt xa bờ; đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động làm nghề khai thác biển kém hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất đánh bắt ven bờ, hủy hoại môi trường, nguồn lợi thủy sản; quy hoạch và đẩy mạnh nuôi tôm công nghiệp, đầu tư xây dựng giao thông nông thôn gắn với củng cố văn hoá - xã hội, nâng cao xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa.
tỉnh An GiangĐịa chỉ hiện nay
tỉnh Cà Mau
Dân số
113.267 người (2004)
Địa chỉ hiện nay
tỉnh An Giang
Dân số
233.200 người (2004)
|
Thị trấn Phú Mỹ - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Huyện của tỉnh An Giang; Bắc giáp huyện Tân Châu, đường ranh giới dài 22,294 km; Đông giáp sông Tiền, ngăn cách với huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Nam giáp huyện Chợ Mới; ranh giới sông Vàm Nao; Tây giáp sông Hậu, ngăn cách với huyện Châu Phú. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Phú Mỹ, thị trấn Chợ Vàm và 17 xã là: Long Sơn, Long Hoà, Phú Lâm, Phú Long, Phú Hiệp, Phú Thạnh, Hoà Lạc, Phú Thành, Phú An, Phú Thọ, Hiệp Xương, Phú Bình, Phú Xuân, Bình Thạnh Đông, Phú Hưng, Tân Hoà, Tân Trung.
Phú Tân là huyện cù lao, diện tích tự nhiên 33.100 ha, thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt, nhất là cây lúa và nuôi trồng thuỷ sản. Huyện có tới trên 85% dân số theo đạo Hoà Hảo. Huyện có những công trình kiến trúc nổi tiếng như: chùa Giồng Thành, thánh đường Mubarak.
Đặc sản nổi tiếng của huyện là bánh phồng Phú Mỹ. Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm... Nguyên liệu làm bánh phồng là loại nếp đặc sản được trồng tại Phú Tân. Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, có vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng... Những năm qua, bánh phồng Phú Mỹ được người tiêu dùng ưa chuộng nên làng nghề phát triển mạnh và sản xuất quanh năm, nhộn nhịp nhất là tháng giáp Tết. Các kỳ hội chợ hay triển lãm tại An Giang, Cần Thơ hoặc thành phố Hồ Chí Minh, bánh phồng Phú Mỹ đều có mặt trong gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản của An Giang. Làng bánh phồng Phú Mỹ đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống vào cuối năm 2006. Nếu có dịp đến An Giang, bánh phồng Phú Mỹ là một món quà rất có ý nghĩa để du khách mang về làm quà cho người thân.
Năm 1836, vùng đất Phú Tân ngày nay thuộc địa bàn các thôn: Bình Thạnh Đông, Hoà Lạc, Mỹ Lương của tổng An Lương và các thôn: Long Sơn, Phú Lâm của tổng An Thành; thuộc huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Năm 1876, các thôn này thuộc hạt Châu Đốc. Năm 1899, các thôn này được tách thành 5 xã của quận Châu Thành và 4 xã của quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Năm 1956, vùng đất này thuộc quận Châu Phú và quận Tân Châu, tỉnh An Giang, cụ thể như sau:
- Quận Châu Phú gồm các xã: Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hoà Lạc, Hưng Nhơn thuộc tổng An Lương và xã Châu Giang thuộc tổng Châu Phú.
- Quận Tân Châu gồm các xã: Hoà Hảo, Phú An, Phú Lâm thuộc tổng An Lạc và xã Long Sơn thuộc tổng An Thành.
Ngày 01-10-1964, vùng đất này lại thuộc quận Châu Phú và quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, địa giới này được giữ nguyên cho đến năm 1975.
Về phía Cách mạng, sau tháng 08-1945, địa bàn Phú Tân thuộc hai huyện Châu Phú và Tân Châu của tỉnh Châu Đốc. Từ 1948 - 1950, huyện Tân Châu thuộc tỉnh Long Châu Tiền và huyện Châu Phú thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Từ giữa năm 1951, địa bàn Phú Tân thuộc quận Tân Châu, tỉnh Long Châu Sa. Tháng 10-1954, Phú Tân thuộc tỉnh Châu Đốc. Giữa năm 1957, Phú Tân thuộc tỉnh An Giang, nhưng chưa thành huyện. Tháng 12-1968, thành lập huyện Phú Tân thuộc tỉnh An Giang, trên cơ sở 4 xã của huyện Tân Châu là Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hoà Hảo và 4 xã của huyện Châu Phú là Hoà Lạc, Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hưng Nhơn.
Tháng 05-1974, huyện Phú Tân, thuộc tỉnh Long Châu Tiền. Tháng 09-1974, Phú Tân nhận thêm một số xã của huyện Hồng Ngự và chia thành hai huyện là Phú Tân A và Phú Tân B. Huyện Phú Tân A gồm 6 xã là: Long Sơn, Phú Lâm, Hoà Lạc, Châu Giang, Long Thuận, Phú Thuận. Huyện Phú Tân B gồm 8 xã là: Phú An, Hoà Hảo, Hưng Nhơn, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông, Tân Huề, Tân Quới, Tân Long.
Tháng 05-1975, Phú Tân A giao xã Long Thuận và Phú Thuận về Hồng Ngự; Phú Tân B giao 3 xã Tân Huề, Tân Quới, Tân Long về huyện Tam Nông, giao xã Châu Phong về huyện Phú Châu. Đến tháng 02-1976, huyện Phú Tân gồm có 9 xã: Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hoà Hảo, Hiệp Xương, Hưng Nhơn, Hoà Lạc, Châu Giang, Bình Thạnh Đông, thuộc tỉnh An Giang. Huyện lỵ là trị trấn Mỹ Lương
Ngày 25-4-1979, thành lập thị trấn Chợ Vàm và 4 xã: Phú Thành, Phú Thạnh, Phú Thọ, Phú Bình. Ngày 23-08-1980, đổi tên xã Hoà Hảo thành Tân Hoà, xã Châu Giang thành Phú Hiệp, xã Hưng Nhơn thành Phú Hưng, thị trấn Mỹ Lương thành xã Phú Mỹ
Ngày 12-01-1984, thành lập 2 xã Phú Xuân và Phú Long. Ngày 16-06-1997, thành lập thị trấn Phú Mỹ từ xã Phú Mỹ. Huyện Phú Tân, chính thức có 15 xã và 2 thị trấn. Ngày 17-10-2003, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2003/NĐ-CP, thành lập xã Tân Trung thuộc huyện Phú Tân trên cơ sở 790,15 ha diện tích tự nhiên và 11.163 nhân khẩu của xã Tân Hoà. Địa giới hành chính xã Tân Trung: Đông giáp huyện Chợ Mới; Tây giáp xã Tân Hoà; Nam giáp các huyện Châu Phú, Chợ Mới; Bắc giáp xã Tân Hoà, thị trấn Phú Mỹ và tỉnh Đồng Tháp. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã Tân Trung, xã Tân Hoà còn lại 921,85 ha diện tích tự nhiên và 8,188 nhân khẩu.
Mạng lưới trường lớp đã phủ rộng đến các ấp, toàn bộ các xã và thị trấn trên địa bàn huyện đều đã có trường Trung học Cơ sở. Huyện có 6 trường Trung học Phổ thông. Năm 1998, huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ - phổ cập Tiểu học. Huyện đang nâng chuẩn để phổ cập Trung học Cơ sở.
Tuy nhiên, nhiều địa phương vì chạy theo thành tích nên đã có nhiều sai phạm trong báo cáo công tác phổ cập giáo dục. Năm 2006, xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân từng bị báo chí lên án về chuyện gian lận trong công tác phổ cập Trung học Cơ sở. Báo Tuổi Trẻ đưa tin: "Không đi học một ngày nhưng vẫn tốt nghiệp THCS! Không mở lớp, không dạy nhưng vẫn lĩnh tiền dạy phổ cập bỏ túi riêng... Chuyện thật mà ngỡ như đùa đó đã xảy ra ở xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân (An Giang)". Bài báo cho biết, nhiều em không đi học phổ cập, nhưng vẫn bị xã bắt đi thi tốt nghiệp, ngày thi xã huy động lực lượng gom tất cả đưa lên ghe chở ra Trường THCS Hiệp Xương. Sau đó, nhà trường photo bài giải phát cho các em chép vào, thế là đậu. Sổ học bạ, sổ đầu bài, sổ điểm đều được nhà trường làm giả.
Hiện nay, toàn huyện đã có 17/17 trạm xá ở các xã, thị trấn và có bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh. Huyện luôn dẫn đầu tỉnh trong việc thực hiện các chương trình y tế quốc gia. Tuy nhiên, việc khám chữa bệnh theo Bảo hiểm Y tế (BHYT) trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức. Năm 2007 và 2008, tỷ lệ phát hành thẻ BHYT chỉ đạt gần 60%/ năm, trong đó, tỉ lệ BHYT bắt buộc tăng từ 106% (năm 2006) lên 206%, BHYT học sinh giảm từ 89,5% xuống còn 30,5%, BHYT nhân dân từ 145% giảm còn 19%. Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ phát hành thấp do cơ chế thay đổi liên tục; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ, công tác quản lý BHYT còn nhiều bất cập… nên tiến độ phát hành thẻ BHYT tự nguyện còn thấp so với kế hoạch. Trong hai tháng đầu năm 2008, tỷ lệ phát hành thẻ Bảo hiểm Xã hội của huyện đạt tỷ lệ 67,14%, có 3.956 người tham gia, số tiền thu được là: 991.688.000 đồng. Huyện phấn đấu thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2010.
|
Đồng lúa Phú Tân - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Phú Tân nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, là vùng ngập sâu của tỉnh An Giang, thế mạnh kinh tế của huyện là nông nghiệp. Nhờ phát huy tốt thế mạnh, cho nên những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện không ngừng gia tăng. GDP của huyện giai đoạn 1986 - 1995 tăng bình quân khoảng 7%/năm, giai đoạn 1996 - 2000 đạt 12,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng có chiều hướng tăng nhanh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 9.972.000 VNĐ, năm 2006 là 11.969.000 VNĐ. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,56% năm 2005 xuống 11,83% năm 2006.
Năm 2008, tốc độ tăng trưởng GDP huyện Phú Tân đạt 13,69% (kế hoạch là 14,97%). Hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn là thế mạnh với diện tích gieo trồng cả năm 66.143 ha, sản lượng lúa nếp ước đạt 413.736 tấn, tăng 48.532 tấn so với cùng kỳ. Tuy năng suất đạt khá nhưng đời sống nông dân bị ảnh hưởng do chi phí đầu tư sản xuất cao, giá lúa bấp bênh. Toàn huyện có 19 HTX nông nghiệp, với 1.913 xã viên, vốn cổ phần trên 9 tỷ đồng, phục vụ sản xuất trên 14.300 ha, chiếm trên 62,2% diện tích sản xuất toàn huyện. Năm qua, chương trình khuyến nông của huyện đã giải ngân 262 dự án với 205,7 tỷ đồng, tăng 190,3% so với cùng kỳ…
Tháng 01-2009, tình hình kinh tế của huyện tiếp tục phát triển. Ở lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ, tốc độ lưu chuyển hàng hoá đạt 242,2 tỷ đồng, tăng 12,15%. Giá trị sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công đạt 37,5 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Năm 2009, Phú Tân phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao, hợp lý, đảm bảo phát triển bền vững; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Theo đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 11,2%, thu nhập bình quân 19 triệu đồng/người/năm, 81,63% hộ sử dụng nước sạch, 99,25% hộ sử dụng điện; đồng thời phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn 5%, giải quyết việc làm cho 5.000 lao động. Huyện sẽ xây dựng thêm 3 vùng kiểm soát lũ mới với diện tích 2.905 ha, tổ chức sản xuất theo phương án 3 năm 8 vụ; xả lũ 10 vùng với diện tích 12.010 ha, phấn đấu diện tích gieo trồng cả năm đạt 56.212 ha; khai thác tốt các trạm bơm điện, đảm bảo cơ cấu giống ổn định 50% diện tích trồng nếp và trên 45% diện tích trồng lúa chất lượng cao…
Ngoài cây lúa, Phú Tân còn phát triển diện tích trồng các loại cây thủy sinh, trong đó sản xuất ấu, rau nhút, điên điển, rau muống....Tân Trung là xã giữ thế mạnh về trồng các loại cây thủy sinh được xem là tiêu biểu của huyện. Xã có nhiều hồ, không có đê bao, lại có diện tích trũng rộng lớn nên vụ 3 chỉ có thể nuôi trồng các loại cây con phù hợp điều kiện ngập nước. Ngoài xã Tân Trung, nông dân các địa phương khác ở Phú Tân còn khai thác thế mạnh của địa phương nhằm cải thiện cuộc sống và tăng thu nhập qua lợi thế mùa nước nổi như: nuôi cá trong vèo, ươm nuôi cá giống, nuôi tôm đăng quầng, đan lọp cá lóc, đan giỏ lục bình, làm nghề câu lưới…
Sản phẩm nông nghiệp Phú Tân nổi tiếng nhất là nếp. Nếp Phú Tân luôn đạt các tiêu chí về độ thuần, dẻo và mùi thơm đặc trưng nên được tiêu thụ mạnh cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Trước đây, giống nếp đặc sản truyền thống ở Phú Tân trước đây chủ yếu cung cấp gạo nếp cho làng nghề tráng bánh phồng. Năm nào nông dân trồng nếp trúng mùa làm bánh phồng không hết phải đem trộn với lúa tẻ mới bán được. Có lúc tưởng chừng giống nếp đặc sản sẽ bị tiệt chủng, nếu như không có làng nghề bánh phồng truyền thống tồn tại. Vài năm trở lại đây, thương lái mua gạo nếp chở đi tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia.
Có đầu ra, nông dân bắt đầu khôi phục lại vùng chuyên canh nếp đặc sản, nhiều nông dân đã học cách tuyển chọn bông thuần để làm giống sẽ cho gạo nếp nấu cơm thơm dẻo hơn. Vùng chuyên canh nếp chủ yếu tập trung ở 6 xã Tân Hòa, Phú Hưng, Phú Mỹ, Phú Thọ, Phú An và Chợ Vàm. Ba giống nếp chủ lực được nhiều nông dân chọn trồng là OM2003, LV3 và CK92 có năng suất cao, ổn định và đạt chất lượng gạo nếp thương phẩm xuất khẩu. Vùng chuyên canh nếp Phú Tân đang sản xuất 3 năm 8 vụ với hai giống nếp chủ lực là CK2003, CK92 và giống nếp thơm NK1, NK2. Nhiều nông dân cho biết, các nhà khoa học đã giúp họ lai tạo các giống nếp chất lượng cao, có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng, độ thuần (rặt) đến 98-99%, đạt chuẩn xuất khẩu, năng suất từ 7-8 tấn/ha. Năm 2006, diện tích trồng nếp của vùng cù lao Phú Tân hơn 26.850ha, sản lượng khoảng 180.000 tấn và năm 2007 tăng lên 33.000 ha, sản lượng ước gần 200.000 tấn.
Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, vùng chuyên canh nếp Phú Tân có sản lượng lớn nhất cả nước, bằng khoảng 1/2 sản lượng nếp xuất khẩu của Thái Lan. Nhưng nghịch lý là khi bán ra khỏi địa phương loại nếp này đã bị đổi tên khác, không còn là đặc sản nếp Phú Tân...Một số công ty xuất khẩu đã đổi tên nếp Phú Tân thành loại nếp cao cấp khác để xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Trung Đông. Còn các nhà phân phối ở chợ đầu mối cho “lên” hàng Thái hoặc pha lúa vào bán hàng cấp thấp ở thị trường nội địa.
Khoảng trung tuần tháng 4-2007, Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức hội thi ẩm thực các món ăn ngon Nam bộ. Trong đó, món bánh tét được làm từ nguyên liệu nếp Thái Lan, nếp Phú Tân, nếp Cái Bè và nếp Bắc. Tuy nhiên, nếp Phú Tân được đánh giá là ngon nhất, bởi có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng nên được nghệ nhân Mười Xiềm (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) chọn làm nguyên liệu để sang Mỹ trình diễn gói bánh tét. Hiện tại, Hợp phần thương mại hóa sản phẩm Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao kết hợp với Khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh Trường đại học An Giang đang hỗ trợ cho Công ty TNHH Đặng Ngọc (ấp Hưng Thới 2, xã Phú Hưng, Phú Tân) xây dựng thương hiệu “Đặng Ngọc nếp thơm Phú Tân”. Hy vọng trong thời gian tới, thương hiệu nếp Phú Tân sẽ có được vị trí xứng đáng trên thị trường tương ứng với chất lượng vốn có của mình.