<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Ngọc Hiển

Tổng quan
 

Rừng được bên sông - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Huyện ở tận cùng phía Năm củ tỉnh Cà Mau và cũng là tận cùng phía Nam của nước Việt Nam. Ngọc Hiển là một bán đảo, phía Bắc tiếp giáp với huyện Năm Căn, 3 mặt cỏn lại tiếp giáp biển với chiều dài bờ biển là 98 km. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Rạch Gốc và 6 xã: Tam Giang Tây, Tân Ân Tây, Viên An Đông, Tân Ân, Viên An và Đất Mũi. Do đặc thù địa lý, 3 mặt giáp biển, 1 mặt giáp sông, bề mặt địa hình bị nhiều sông lớn chia cắt, Ngọc Hiển là huyện duy nhất ở Cà Mau chưa có đường bộ đến trung tâm xã, giao thông chủ yếu trên địa bàn vẫn là đường thủy.

Ngọc Hiển là tên của nhà hoạt động cách mạng Phan Ngọc Hiển. Ông sinh năm 1910 tại Cần Thơ, tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn năm 1931, được phân công về Cà Mau dạy học. Ngày 13-12-1940, ông lãnh đạo tù nhân Hòn Khoai tiến hành cuộc khởi nghĩa, chiếm ngọn hải đăng. Trở về đất liền, Phan Ngọc Hiển cùng các nhân vật tham gia khởi nghĩa Hòn Khoai bị Pháp bắt và xử bắn tại sân vận động thị xã Cà Mau (nay là thành phố Cà Mau) năm 1941.

Huyện có các điểm tham quan du lịch như:

- Cột mốc quốc gia tại Mũi Cà Mau là điểm mốc có ý nghĩa thiêng liêng, là điểm tận cùng cực Nam của Việt Nam (trên đất liền)

- Di tích cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) trên đảo Hòn Khoai đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ văn hoá - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cách mạng.

- Bến Vàm Lũng - điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển, thuộc ấp Dinh Hạng, xã Tân Ân. Đây là điểm đã tiếp nhận trên 3.000 tấn vũ khí của 57 chuyến tàu cập bến chi viện cho chiến trường miền Nam từ năm 1962 đến năm 1972.

- Đền thờ Hồ Chí Minh tại vàm Ông Trang xã Viên An

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Đảo Hòn Khoai

Bãi biển Khai Long

Đặc sản:

Ba khía Rạch Gốc


Lịch sử
 

Huyện Ngọc Hiển ngày này được thành lập vào ngày 17-12-1984, thuộc tỉnh Minh Hải, do đổi tên từ huyện Năm Căn theo quyết định 168/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Huyện Ngọc Hiển trước đó đã được đổi tên thành huyện Đầm Dơi. Sau khi thành lập ngày 17-12-1984, huyện Ngọc Hiển bao gồm thị trấn Năm Căn và 8 xã: Hàm Rồng, Hiệp Tùng, Tam Giang, Đất Mũi, Đất Mới, Tân Ân, Viên An, Viên An Đông.

Ngày 14-02-1987, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 33/b-HĐBT, điều chỉnh địa giới hành chánh huyện Ngọc Hiển như sau:

-  Giải thể thị trấn Năm Căn. Thành lập xã Hàng Vịnh trên cơ sở diện tích và dân số của thị trấn Năm Căn cũ. Xã Hàng Vịnh có 2.200 ha đất với 5.550 nhân khẩu

- Chia xã Đất Mới thành hai đơn vị hành chính lấy tên là xã Đất Mới và thị trấn Năm Căn (thị trấn huyện lỵ huyện Ngọc Hiển). Xã Đất Mới có 10.470 ha đất với 4.395 nhân khẩu.  Thị trấn Năm Căn có 1.200 ha đất với 2.497 nhân khẩu.

Ngày 06-11-1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, ra Nghị quyết chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Huyện Ngọc Hiển thuộc tỉnh Cà Mau.
Ngày 25-06-1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 42/1999/NĐ-CP, về việc thành lập xã thuộc các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Cái Nước và Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập xã Tân Ân Tây thuộc huyện Ngọc Hiển trên cơ sở 11.096 ha diện tích tự nhiên và 10.030 nhân khẩu của xã Tân Ân.

Ngày 29-08-2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 41/2000/NĐ-CP, về việc chia tách, thành lập xã thuộc các huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Theo đó, địa giới hành chính huyện Ngọc Hiển được điều chỉnh như sau:

- Thành lập xã Tam Giang Tây thuộc huyện Ngọc Hiển trên cơ sở 9.235 ha diện tích tự nhiên và 6.672 nhân khẩu của xã Tam Giang.

- Thành lập xã Tam Giang Đông thuộc huyện Ngọc Hiển trên cơ sở 9.530,79 ha diện tích tự nhiên và 5.468 nhân khẩu của xã Tam Giang.
Ngày 17-11-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ-CP, thành lập huyện Năm Căn trên cơ sở 53.291,40 ha diện tích tự nhiên và 70.745 nhân khẩu của huyện Ngọc Hiển. Huyện Năm Căn có 53.291,40 ha diện tích tự nhiên và 70.745 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã Hàm Rồng, Đất Mới, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Tam Giang, Tam Giang Đông và thị trấn Năm Căn. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập huyện Năm Căn, huyện Ngọc Hiển còn lại 74.329,87 ha diện tích tự nhiên và 77.289 nhân khẩu; có 6 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã Tam Giang Tây, Tân Ân, Tân Ân Tây, Viên An, Viên An Đông, Đất Mũi

Ngày 04-06-2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã; thành lập xã, phường, thị trấn thuộc huyện U Minh, huyện Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập thị trấn Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển trên cơ sở điều chỉnh 5.271,50 ha diện tích tự nhiên và 7.831 nhân khẩu của xã Tân Ân. Bộ máy hành chính thị trấn Rạch Gốc đã chính thức đi vào hoạt động ngày 15-07-2009. Sau khi điều chỉnh, huyện Ngọc Hiển có 7 đơn vị hành chánh trực thuộc, bao gồm thị trấn Rạch Gốc và 6 xã: Tam Giang Tây, Tân Ân Tây, Viên An Đông, Tân Ân, Viên An và Đất Mũi.


Điều kiện tự nhiên
 

Địa hình

Huyện 3 mặt giáp biển, một mặt giáp sông, địa thế cô lập hoàn toàn. Địa hình bằng phẳng, cao trình trung bình từ 0,5 - 0,7m, thường xuyên ngập triều biển, riêng vùng ven biển Đông có địa hình cao hơn (từ 1,2 - 1,5 m). Bề mặt địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông rạch tự nhiên và kênh mương chằng chịt, có nhiều con sông rất rộng, thường xuyên ngập triều biển.

Do hình thành từ các trầm tích biển trẻ nên nhìn chung nền đất yếu, lớp bùn hữu cơ và sét hữu cơ dày từ 0,7 - 1,7m, lớp bùn sét dày 1,3 - 1,4m. Do các công trình xây dựng nằm trực tiếp lên lớp bùn yếu nên cần có các giải pháp xử lý về nền móng, chống lún và triệt tiêu lún, vì vậy suất đầu tư rất cao. Khu vực đất rừng, bờ sông thường có nhiều lỗ mội, đây là một đặc điểm cần chú ý khi xây dựng các đầm nuôi thủy sản, cần có giải pháp thi công thích hợp để chống cạn nước đầm nuôi.


Khí hậu

Huyện Ngọc Hiển mang đặc trưng khí hậu gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ trung bình 26,90C. Một năm chia làm hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Huyện có lượng mưa cao nhất trong tỉnh Cà Mau cũng như trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 2.300 mm. Lượng mưa giảm dần về phía Đông Bắc của huyện, tại khu vực tiếp giáp với huyện Năm Căn có lượng mưa trung bình 2.200 mm.

Chế độ gió thịnh hành theo mùa:

+ Mùa khô, gió thịnh hành hướng Đông và Đông Bắc, vận tốc trung bình từ 1,6 - 2,8m/s, biển tương đối lặng, thời tiết tốt, thuận lợi cho khai thác biển, nuôi trồng thuỷ sản, đẩy mạnh các hoạt động du lịch...
+ Mùa mưa, gió thịnh hành hướng Tây Nam, tốc độ gió trung bình từ 1,8 - 4,5m, lượng mưa lớn, thỉnh thoảng xuất hiện áp thấp gần bờ, giông, lốc, gió xoáy cấp 7 - cấp 8, ảnh hưởng đối với nghề khai thác biển.

Thủy văn

Huyện vừa giáp biển Đông, vừa giáp biển Tây, nên chịu tác động trực tiếp của chế độ bán nhật triều không đều (biển Đông) và chế độ nhật triều không đều (biển Tây). Thủy triều Biển Đông lớn, vào các ngày triều cường biên độ triều vào khoảng 300 - 500 cm, các ngày triều kém biên độ triều cũng đạt từ 180 - 220 cm. Thủy triều biển Tây yếu hơn, biên độ triều lớn nhất khoảng 100 cm. Thủy triều lên cao hằng năm từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Biên độ triều có xu hướng giảm dần từ Đông sang Tây.

Huyện có nhiều cửa sông lớn đổ ra biển như Ông Trang, Cá Mòi, Rạch Tàu, Rạch Gốc, Bồ Đề. Trong đó cửa Bồ Đề rộng 600 m, sâu 19 - 26 m, cửa Ông Trang rộng 600 - 1.800 m, sâu 4 - 5 m. Sông Cửa Lớn dài 58 km nối từ cửa Bồ Đề ở phía biển Đông với cửa Ông Trang phía biển Tây. Đây là tuyến sông lớn nhất tại khu vực Năm Căn - Ngọc Hiển. Tất cả các con sông trên địa bàn đều nhiễm mặn. Độ mặn nước sông biến đổi theo mùa, mùa khô độ mặn cao hơn mùa mưa. Tuy nhiên, do huyện giáp biển 3 mặt nên mức độ chênh lệch không cao như các huyện khác.

Nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp lấy từ nguồn nước ngầm và nước mưa. Hiện nay nguồn nước ngầm đang được khai thác trên địa bàn huyện là từ tầng II đến tầng III (có độ sâu từ 89m đến 172m), riêng khu vực xã Tân Ân khai thác nước ở 3 tầng II, III và tầng IV (có độ sâu từ 78m đến 222m). Chất lượng nước nhìn chung tốt, không bị nhiễm mặn, thuộc nhóm nước mềm, chưa bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cho sinh hoạt.

Rừng

Năm 2004, diện tích đất rừng của huyện là là 65.473 ha, chiếm 88,1% diện tích tự nhiên toàn huyện. Bình quân đất lâm nghiệp/người đạt 8.320 m2, trong khi bình quân toàn tỉnh Cà Mau là 1.021 m2/người, bình quân vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1.485 m2/người và bình quân cả nước chỉ có 211 m2/người.

Về chức năng sử dụng, tài nguyên rừng của huyện chia thành 3 loại: rừng sản xuất 50.195 ha, rừng phòng hộ 4.826,3 ha, rừng đặc dụng 10.451 ha. Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chủ yếu được dùng cho mục tiêu phòng hộ, ba vệ môi trường, bảo tồn gen động thực vật, nghiên cứu khoa học và kết hợp tham quan du lịch sinh thái. Rừng sản xuất, có thể tiếp tục sản xuất lâm ngư kết hợp như hiện nay, hoặc tách riêng diện tích trồng rừng - nuôi tôm trong từng hộ. Rừng sản xuất có cũng có thể kết hợp cho thăm quan du lịch, cũng có thể giữ rừng ngập mặn để khai thác du lịch thay vì khai thác lấy gỗ, củi...

Biển

Huyện Ngọc Hiển có bờ biển dài 98 km, bao gồm 72 km bờ biển Đông và 26 km bờ biển Tây, chiếm 38,6% chiều dài bờ biển toàn tỉnh Cà Mau. Vùng biển Ngọc Hiển có trữ lượng hải sản lớn và đa dạng, nhiều loại có giá trị kinh tế cao. Ngư dân của hầu hết các tỉnh từ miền Trung đều đến đây khai thác.

Vùng bãi bồi là nơi giao thoa của hai chế độ triều biển, nên có giá trị đa dạng sinh học cao. Theo số liệu điều tra, tại khu vực bãi bồi cửa Ông Trang có 53 loài cá thuộc 29 họ, 11 loài tôm và 3 loài cua bể. Ngoài ra còn có nhiều loài thuộc lớp 2 mảnh vỏ như sò, điệp, vọp, nghêu… đặc biệt là sò được phân bổ trên một phạm vi khá lớn. Vùng bãi bồi Mũi Cà Mau là hệ sinh thái quan trọng, tạo nên hệ sinh thái vùng triều, có tiềm năng kinh tế lớn nhưng rất nhạy cảm, dễ bị phá vỡ nếu sử dụng không hợp lý. Vùng biển gần bờ của huyện có cụm đảo Hòn Khoai, là điểm hậu cần cho khai thác kinh tế biển, phát triển du lịch biển đảo và bảo vệ quốc phòng an ninh.

Ngoài trữ lượng hải sản, vùng biển Ngọc Hiển còn có tiềm năng khí đốt, theo ước tính khoảng trên 170 tỷ m3, trong đó trữ lượng đã phát hiện khoảng 30 tỷ m3. Khả năng phát triển và khai thác có thể đạt sản lượng trên 8 tỷ m3/năm. Trữ lượng khí ở ngoài vùng biển là tiền đề để phát triển công nghiệp khí điện đạm cho tỉnh Cà Mau, cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, mở ra một số dịch vụ cho tỉnh Cà Mau và cho huyện Ngọc Hiển, đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ về tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh.

Kinh tế
 

Những ngôi nhà bên sông - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Ngọc Hiển là huyện miền biển, kinh tế chủ yếu của huyện là Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Huyện có 3 loại hình sản xuất cơ bản gồm: nông - lâm nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản, nuôi trồng thủy sản. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện là 16,6%, thu nhập bình quân đầu người 9,7 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: ngư - lâm - nông nghiệp: 61,7% - tăng: 0,32%; công nghiệp - xây dựng: 19,8% - giảm 1%; dịch vụ: 18,5% - tăng 3,3%.

Giai đoạn 2006 – 2008, kinh tế huyện đã đạt được những kết quả sau:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,8% (tăng 19%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng kinh tế ngư – nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.
- Sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đều tăng năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng; từ 23.000 tấn năm 2006 lên 38.000 tấn năm 2008, tăng 1,6 lần. Một số mô hình sản xuất đa cây đa con, mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm quảng canh cải tiến chất lượng cao đang trên đà phát triển mạnh, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người 13,7 triệu đồng/năm.

Mô hình sản xuất truyền thống của huyện là nuôi tôm kết hợp với trồng rừng. Nhưng trên thực tế, giá trị của con tôm cao hơn rất nhiều lần so với giá trị của cây rừng nên người nông dân không muốn giữ rừng, thay vào đó họ muốn phá rừng để mở rộng diện tích nuôi tôm. Từ năm 2003, huyện Ngọc Hiển đã đưa ra giải pháp tách tôm ra khỏi rừng để vừa đảm bảo việc khôi phục rừng, vừa phát triển con tôm - là thế mạnh kinh tế mũi nhọn của huyện. Tuy nhiên, vấn đề này đang tạo ra mâu thuẩn giữa người dân nuôi trồng với các nhà quản lý và ngành Lâm nghiệp. Người dân thì muốn nhà nước giao đất, giao rừng và phải để bà con có quyền đầu tư khai thác trên mảnh đất của mình với nhiều hình thức khác nhau, miễn là hiệu quả kinh tế cao mà mảnh đất vẫn giữ được độ che phủ của rừng theo quy định của nhà nước. Vì theo người dân, nuôi tôm dưới rừng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, bởi hệ thống rừng giống như một cỗ máy lọc nước tự nhiên khổng lồ. Còn quan điểm của tỉnh và ngành Lâm nghiệp nhất quyết phải “tách” rừng ra khỏi vùng nuôi trồng thủy sản, theo “lý” họ đưa ra, làm như vậy để dễ quản lý được rừng, theo ô, theo thửa, theo khoảnh. Nếu để như ý của người dân thì mất rừng.

Giải pháp trước mắt cho vấn này là huyện quy hoạch 3 tiểu vùng ngư nghiệp và 3 vùng nông lâm nghiệp. Về ngư nghiệp, trước mắt tập trung khai thác vùng ven bờ và sông, kênh, rạch, để tổ chức nuôi các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao như: nghêu, hàu, sò và các loại cá… Vùng nội địa tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, thả xen các loại cua, cá…Về lâm nghiệp cũng chia thành 3 vùng, rừng phòng hộ phải giữa được nguyên hiện trạng, ở những vùng đất gò cao chuyên làm nghề rẫy, sử dụng đa cây, đa con vật nuôi, một vùng kinh tế rừng tôm khép kín chủ yếu là nuôi tôm sinh thái quảng canh cải tiến xen canh với các loại con có giá trị kinh tế cao khác…

Định hướng phát triển trong giai đoạn tới của huyện là: phát triển lâm ngư nông kết hợp, thực hiện đa dạng loài nuôi và loại hình nuôi để phát triển bền vững, phát triển sản xuất giống thủy sản chất lượng cao phục vụ nhu cầu con giống trong huyện và của tỉnh, khai thác hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tăng cường công tác khôi phục, bảo vệ rừng và phát triển rừng, nhất là khu vực vườn quốc gia Mũi Cà Mau, rừng trên đảo Hòn Khoai.

Xã hội
 

Năm 2006, huyện có 2 xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập Trung học Cơ sở và một trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2008, 3/27 trường Trung học Cơ sở đạt chuẩn quốc gia, 5/6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 6/6 xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở và phổ cập xoá mù chữ, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá 75%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 20,5%. Hàng năm tạo việc làm bình quân 2.200 lao động. Tỷ lệ đào tạo nghề đạt trên 20%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 11,33%; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa 109 căn, xây dựng nhà vì người nghèo được 777 căn.

Theo báo cáo của Hội đồng Nhân dân huyện, 6 tháng đầu năm 2009 huyện đã giải quyết việc làm cho 2.361 lao động, đạt hơn 94%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,15% so với năm 2008; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tăng cường. Chuẩn bị cho năm học mới 2009 - 2010, huyện Ngọc Hiển được phân bổ nguồn kinh phí 500 triệu đồng thực hiện sửa chữa trường lớp. Hiện huyện đang tiến hành sơn lại cổng rào, sửa chữa bàn ghế, mái lợp các phòng học...Huyện cũng đầu tư 1,6 tỷ đồng xây dựng nhà vệ sinh trong trường học. Khó khăn hiện nay là trong năm học mới này, toàn huyện Ngọc Hiển có trên 2.000 học sinh cần hỗ trợ tiền đò, lãnh đạo huyện đang chỉ đạo điều tra rà soát lại nhằm đảm bảo tính chính xác và đúng tiêu chí hỗ trợ. Huyện cũng đang tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H1N1, trong đó đặc biệt quan tâm đến các điểm trường, để học sinh yên tâm bước vào năm học mới.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt