Huyện Mê Linh
Địa chỉ hiện nay
Mê Linh - thành phố Hà Nội
Dân số
187.255 người (tháng 1/2008)
Mê Linh là huyện mới được nhập vào thành phố Hà Nội kể từ ngày 1/8/2008. Phía Bắc giáp thị xã Phúc Yên và huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc. Phía Nam giáp sông Hồng, ngăn cách với huyện Đan Phượng và huyện Đông Anh. Phía Tây giáp huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Phía Đông giáp huyện Sóc Sơn.
Mê Linh là huyện thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên đất đai có hướng nghiêng dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam, chia thành 3 tiểu vùng: tiểu vùng đồng bằng, tiểu vùng ven đê sông Hồng, tiểu vùng trũng.
Địa hình đồng bằng bồi tụ phù sa sông (phù sa mới), bằng phẳng. Phía Đông Bắc huyện có xen núi thấp: Ba Tượng 334m, Coi Vây 319m. Sông Cà Lồ ranh giới phía Bắc huyện, sông Hồng ranh giới phía Nam huyện. Quốc lộ 23 chạy chéo qua huyện, đường tỉnh 312, 308, đường xe lửa Hà Nội - Lào Cai đi chéo về phía Đông Bắc huyện.
Huyện Mê Linh hiện gồm 18 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có hai thị trấn là thị trấn Quang Minh và thị trấn Chi Đông; 16 xã là: Chu Phan, Đại Thịnh, Hoàng Kim, Kim Hoa, Liên Mạc, Mê Linh, Tam Đồng, Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Tiền Phong, Tự Lập, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tráng Việt, Vạn Yên, Văn Khê.
Huyện Mê Linh là vùng đất có bề dày lịch sử văn hoá lâu đời, từng là kinh đô của nước Nam dưới thời Hai Bà Trưng. Huyện Mê Linh được thành lập ngày 5 tháng 7 năm 1977 trên cơ sở hợp nhất 2 huyện Bình Xuyên và Yên Lãng, cùng với 4 xã Văn Tiến, Nguyệt Đức, Minh Tân và Bình Định của huyện Yên Lạc, 2 xã Kim Hoa và Quang Minh của huyện Kim Anh.
Ngày 29/12/1978, Mê Linh được sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Đến ngày 17/2/1979, sáp nhập thêm các xã Nam Viêm, Ngọc Thanh, Phúc Thắng, Cao Minh và thị trấn Xuân Hòa của huyện Sóc Sơn vào huyện Mê Linh. Còn các xã: Minh Quang, Gia Khánh, Trung Mỹ, Thiện Kế, Sơn Lôi, Tam Hợp, Bá Hiến, Tam Canh, Quất Lưu, Thanh Lãng, Tân Phong, Phú Xuân, Đạo Đức, Hương Sơn và thị trấn Tam Đảo cắt sang huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phú); 4 xã Văn Tiến, Nguyệt Đức, Minh Tân và Bình Định nhập vào huyện Vĩnh Lạc (tỉnh Vĩnh Phú). Tại thời điểm này, huyện Mê Linh có 24 đơn vị hành chính như sau:
-
2 thị trấn Xuân Hòa, Phúc Yên.
-
22 xã: Chu Phan, Đại Thịnh, Liên Mạc, Mê Linh, Tam Đồng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiền Châu, Tiền Phong, Tiến Thắng, Tiến Thịnh, Tự Lập, Tràng Việt, Hoàng Kim, Văn Khê, Vạn Yên, Quang Minh, Kim Hoa, Nam Viêm, Ngọc Thanh, Phúc Thắng, Cao Minh.
Đến tháng 7 năm 1991, Mê Linh tách khỏi Hà Nội và trở về tỉnh Vĩnh Phú, sau đổi thành tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2004, tách một số xã và thị trấn của huyện Mê Linh để thành lập thị xã Phúc Yên. Huyện Mê Linh còn lại 17 xã. Ngày 01/08/2008, huyện Mê Linh lại được nhập vào thành phố Hà Nội.
Từ lâu, Mê Linh được biết đến như một vùng đất nông nghiệp trồng lúa và hoa màu cho năng suất cao, sản lượng nông sản có tiếng trên thị trường. Mê Linh là vùng chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng nên rất nghèo về tài nguyên khoáng sản. Nhưng bù lại huyện lại có tiềm năng về nuôi trồng thuỷ sản.
Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện Mê Linh có sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Cơ cấu kinh tế đã có những bước chuyển biến tích cực, từ một huyện thuần nông đã chuyển sang cơ cấu kinh tế mới là Công nghiệp - Dịch vụ - Du lịch - Nông nghiệp. Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện. Sản lượng công nghiệp năm 2007 đạt gần 2000 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách gần 300 tỉ đồng. Đến năm 2009, tổng thu ngân sách đạt khoảng 1000 tỉ đồng.
Song song với phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa xã hội cũng đã có những bước chuyển biến tích cực; các hoạt động văn hóa, thông tin đã bám sát, kịp thời tuyên truyền phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của huyện; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao, quy mô các ngành học, bậc học tiếp tục ổn định và phát triển theo hướng chuẩn hóa; các chính sách xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Hiện nay, tỉ trọng công nghiệp của huyện chiếm tới hơn 80% cơ cấu kinh tế.
Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng Quy định chung xây dựng đô thị mới Mê Linh đến năm 2020. Theo đó, huyện Mê Linh sẽ là một đô thị công nghiệp, nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, thương mại và dịch vụ du lịch với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu sinh họat và làm việc cho dân cư trong huyện, thủ đô Hà Nội và các vùng phụ cận.
Huyện có mạng lưới giao thông phát triển khá hoàn chỉnh gồm các tuyến đường bộ, đường sông và đường sắt rất thuận tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống lưới điện, nguồn điện, hệ thống cấp nước, nguồn nước, hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu toàn vùng, mặc dù chưa được hoàn thiện lắm.
Huyện có tuyến đê sông Hồng dài 19km và một vùng đất rộng, trù phú có thể phát triển tuyến du lịch sinh thái phục vụ du khách những ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài còn có những địa điểm tham quan nổi tiếng như đền Hai Bà Trưng, đồi 79 Mùa Xuân.