Huyện Cầu Ngang
Địa chỉ hiện nay
tỉnh Trà Vinh
Dân số
141.616 người (01-04-2009)
|
Thị trấn Cầu Ngang - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Huyện nằm phía Đông Nam của tỉnh Trà Vinh; Bắc giáp huyện Châu Thành; Nam giáp huyện Duyên Hải; Tây giáp huyện Trà Cú; Đông giáp sông Cổ Chiên. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Cầu Ngang, thị trấn Mỹ Long và 13 xã là: Kim Hoà, Hiệp Hoà, Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, Mỹ Hoà, Thuận Hoà, Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây và Thạnh Hoà Sơn.
Thị trấn Cầu Ngang nằm cách trung tâm hành chính tỉnh Trà Vinh 23 km theo quốc lộ 53 về phía Tây Bắc. Huyện các khu du lịch sinh thái Cồn Nghêu (xã Mỹ Long Nam), Cồn Bần (xã Mỹ Long Bắc), Hàng Dương (thị trấn Mỹ Long) và tôn tạo khu di tích lịch sử chùa Dơi (xã Mỹ Long Bắc). Trên địa bàn huyện có 23 chùa Khmer, trong đó có 2 chùa đặc trưng là chùa Cossom, ở xã Hoà Thuận và Chùa Ô Răng ở xã Long Sơn; đồng thời có chùa Dơi – chùa Liên Giác (chùa phật) ở xã Mỹ Long Bắc, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Lễ hội Nghinh Ông Mỹ Long được tổ chức hàng năm vào ngày 11 và 12 tháng 5 âm lịch.
Quận Cầu Ngang thuộc tỉnh Trà Vinh từ ngày 01-01-1928, gồm có 3 tổng: Bình Trị với 5 làng, Vinh Lợi với 6 làng, Vinh Trị với 6 làng; quận lỵ ở làng Thuận Mỹ. Sau năm 1956, quận thuộc tỉnh Vĩnh Bình, gồm có 2 tổng Bình Trị và Vinh Lợi, tất cả có 8 xã, quận lỵ ở xã Mỹ Hoà. Sau 30-04-1975, Cầu Ngang là huyện của tỉnh Cửu Long.
Ngày 29-09-1981, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ra Quyết định số 98/HĐBT, về việc phân vạch địa giới hành chính một số huyện thuộc tỉnh Cửu Long. Theo đó, chia huyện Cầu Ngang thành hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải. Huyện Cầu Ngang gồm có các xã Thạnh Hoà Sơn, Long Sơn, Nhị Trường, Hiệp Hoà, Vĩnh Kim, Mỹ Hoà, Hiệp Mỹ, Mỹ Long. Trụ sở huyện đóng tại xã Mỹ Hoà.
Ngày 27-03-1985, địa giới hành chính huyện Cầu Ngang có sự điều chỉnh như sau:
- Chia xã Mỹ Long thành 2 xã: Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam.
- Tách đất xã Hiệp Hoà lập xã mới Kim Hoà.
Ngày 23-11-1991, địa giới hành chánh huyện có sự điều chỉnh như sau:
- Thành lập thị trấn Cầu Ngang trên cơ sở tách ra từ xã Mỹ Hoà.
- Sáp nhập 2 xã Mỹ Long Bắc và Mỹ Long Nam thành xã Mỹ Long.
Ngày 26-12-1991, tỉnh Cửu Long được tách thành tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Huyện Cầu Ngang thuộc tỉnh Trà Vinh.
Ngày 07-10-1995, thị trấn Mỹ Long được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Mỹ Long.
Ngày 03-10-1996, địa giới hành chính huyện Cầu Ngang có sự điều chỉnh như sau:
- Tách đất xã Mỹ Hoà lập xã mới Thuận Hoà
- Tách đất xã Nhị Trường lập xã mới Trường Thọ.
Ngày 02-03-1998, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 13/1998/NĐ-CP, về việc thành lập một số xã thuộc các huyện Châu Thành, Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Cầu Kè và Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Theo đó, chia xã Mỹ Long thuộc huyện Cầu Ngang thành hai xã Mỹ Long Nam và Mỹ Long Bắc. Xã Mỹ Long Nam có 6.548,7 ha diện tích tự nhiên và 6.018 nhân khẩu. Xã Mỹ Long Bắc có 6.039,3 ha diện tích tự nhiên và 9.684 nhân khẩu.
Ngày 10-12-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 157/2003/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới Hành chính để thành lập xã thuộc các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long và Trà Cú tỉnh Trà Vinh. Theo đó, chia xã Hiệp Mỹ thuộc huyện Cầu Ngang thành xã Hiệp Mỹ Đông và xã Hiệp Mỹ Tây. Xã Hiệp Mỹ Đông có 1.560,21 ha diện tích tự nhiên và 7.025 nhân khẩu. Xã Hiệp Mỹ Tây có 1.970,06 ha tích tự nhiên và 8.097 nhân khẩu.
Cuối năm 2004, huyện Cầu Ngang có 15 đơn vị hành chính, bao gồm thị trấn Cầu Ngang, thị trấn Mỹ Long và 13 xã: Kim Hoà, Hiệp Hoà, Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, Mỹ Hoà, Thuận Hoà, Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây và Thạnh Hoà Sơn.
Đất đai
Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện: 31.885,97ha, chiếm 14,39% diện tích toàn tỉnh (221.515 ha); phần lớn đất đai của huyện là đất nông nghiệp, với 27.569,55 ha chiếm 86,463% diện tích tự nhiên của huyện, đất phi nông nghiệp có 4.303,63ha, chiếm 13,5% diện tích đất tự nhiên của huyện, hiện còn 11,79ha đất chưa sử dụng, chiếm 0,03% diện tích đất tự nhiên của huyện. Đất đai Cầu Ngang chia thành nhóm:
- Đất cát giồng: có 4.181,79 ha, chiếm 12,81% diện tích đất.
- Đất phù sa: có 21.357,72 ha, chiếm 65,44% diện tích đất;
- Đất phèn: có 7.899,08 ha, chiếm 21,75% diện tích đất.
Nhìn chung, đất đai trong huyện có sa cấu là sét đến sét pha thịt, tầng canh tác trung bình đến khá dày, thích hợp cho việc trồng lúa và các loại cây màu.
Nguồn nước
Huyện Cầu Ngang có đặc điểm nguồn nước mặt rất đặc biệt, bao gồm ba nguồn mặn, ngọt, lợ do đó rất phù hợp cho việc canh tác đa cây, đa con của huyện. Nguồn nước mặt của huyện chủ yếu được cung cấp từ sông Cổ Chiên, sông Thâu Râu, sông Vinh Kim và nguồn nước mưa. Vào mùa khô do tác động của thủy triều đưa nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào nội địa làm nhiểm mặn nước khu vực cửa sông nên khả năng cung cấp nước ngọt cho sinh họat và sản xuất có gặp khó khăn, nhưng đây lại là lợi thế cho việc phát triển nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm sú. Nguồn nước ngầm khá phong phú, với 3 tầng chứa nước thay đổi từ 60 - 400 m, phổ biến từ 90 - 120 m; khả năng khai thác 97.000 m3/ngày.
Huyện Cầu Ngang được thiên nhiên ưu đãi, có 15 km bờ biển, có vùng nước ngọt, vùng nước lợ, vùng nước nặm và đất giồng cát. Huyện có khả năng sản xuất đa dạng cây trồng, con nuôi, vật nuôi. Năm 2007, diện tích đất nông nghiệp 27.569 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa 18.000ha, có 8.000 ha đất trồng màu, trong đó có trên 3.000 ha chuyên trồng đậu phộng; tổng đàn bò hiện có 30.000 con. Năm 2009, huyện Cầu Ngang hiện có 5.017 ha đất sản xuất nông nghiệp của 9.713 hộ dân có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/ha/năm, chiếm trên 19% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện, cao nhất tỉnh. Theo kế hoạch, năm 2010, cơ cấu nông nghiệp sẽ có sự chuyển đổi như: diện tích cây đậu phộng từ 3.000 ha năm 2007 lên 4.000 ha năm 2010; sản lượng thủy sản 44.300 tấn năm 2007 lên 57.700 tấn năm 2010; đàn bò 30.000 con năm 2007 lên 35.000 con trong năm 2010.
Huyện Cầu Ngang nằm gần cửa Cung Hầu - nơi sông Cổ Chiên đổ ra biển - chịu sự chi phối bởi chế độ triều cường biển Đông thông qua sông Cổ Chiên, nên sự xâm nhập của nước mặn vào mùa khô đã hạn chế đến việc khai thác và sử dụng đất nông nghiệp, nhưng đây lại là lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là nuôi tôm sú), từ đó có nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến. Ngoài ra huyện còn có 15 km đường bờ biển thuộc khu vực các xã Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long, đây cũng là lợi thế của huyện trong việc phát triển ngành khai thác và đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Năm 2009, huyện Cầu Ngang chuyển đổi thêm 1000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang luân canh lúa tôm, nâng tổng số diện tích chuyển đổi đến năm 2009 là 7.365 ha.