Huyện Cát Tiên
Địa chỉ hiện nay
Cát Tiên - Lâm Đồng
Vị trí
Cát Tiên là huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng. Phía Bắc, Tây và Nam của huyện có sông Đa Dâng (thượng lưu sông Đồng Nai) bao bọc, lần lượt ngăn cách với các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Đồng Nai. Phía Đông giáp huyện Bảo Lâm và Đạ Tẻh.
Thông tin sơ lược
Diện tích: 428,3 km2
Dân số: 37.800 người (2004)
Mật độ: 88 người/km2
Huyện lỵ: thị trấn Đồng Nai
Bao gồm thị trấn Đồng Nai và 11 xã là Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2, Tiên Hoàng, Gia Viễn, Nam Ninh, Mỹ Lâm, Phước Cát 1, Đức Phổ, Phù Mỹ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.
Lịch sử
Huyện mới thành lập năm 1986, Cát Tiên được nhiều người biết đến như một vùng đất đặc biệt của Tổ quốc với một vùng rừng nguyên sinh, một vùng đất nơi hình thành nhà nước cổ đại phương Nam, quê hương xứ sở của người Mạ, người Stiêng anh hùng.
Kinh tế - xã hội
Thế mạnh kinh tế của huyện Cát Tiên hiện nay là nông lâm nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp của Cát Tiên còn khá lớn, thường xuyên được bồi đắp bởi phù sa sông Đồng Nai và được xem là trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh Lâm Đồng. Cát Tiên có lực lượng lao động dồi dào, có truyền thống sản xuất nông nghiệp được hội tụ nhiều vùng trên cả nước, trình độ kỹ năng của người lao động ngày càng cao.
Về lâm nghiệp, Cát Tiên là một trong những địa bàn có rừng quốc gia có giá trị sinh thái rất lớn. Rừng quốc gia Cát Tiên có số lượng động thực vật vô cùng phong phú, trong ̣đó quý hiếm nhất là tê giác.
Đến Cát Tiên, du khách sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị trước một thung lũng màu mỡ được bao bọc ba phía bởi con sông Đồng Nai. Vượt qua dốc Mạ Ơi là một con đèo nhỏ vắt ngang giữa rừng lồ ô rất ngoạn mục cuối huyện Đạ Tẻh. Tiếp tục men theo tỉnh lộ 721 với hàng chục cua gấp khuỷu tay ép sát vào núi, bên kia chênh vênh vực sâu là đến Cát Tiên.
Thánh địa Cát Tiên nằm ngay bên trái đường, nơi cửa ngõ vào thung lũng luôn ấn tượng về sự huyền bí cho khách lữ hành. Gần 18 năm về trước, việc phát hiện ra di tích khảo cổ này được xem là một bất ngờ lớn. Qua gần 8 lần khai quật, hàng nghìn hiện vật quý giá và độc đáo đã được phát hiện tại đây như tượng Linga-Yoni, biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống tâm linh của cư dân cổ xưa, những bức tượng Phúc thần Ganesa, Siva, Uma... bằng nhiều loại chất liệu như gốm nung, đá quý, thủy tinh và kim loại.
Không chỉ có Thánh địa huyền bí, những cánh rừng trải dài, chiếm hơn 67% diện tích tự nhiên của Cát Tiên cũng chứa đựng biết bao điều kỳ thú. Hệ sinh thái của rừng Cát Tiên có đến 544 loài thực vật, trong đó có 144 loài cây làm thuốc, 200 loài chim. Đặc biệt, tại vùng rừng Cát Lộc đã phát hiện loài tê giác một sừng quý hiếm thuộc phân hệ tê giác Đông Dương.