Huyện Đông Hoà
Địa chỉ hiện nay
Đông Hoà - Phú Yên
Vị trí
Đông Hòa là huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía Nam tỉnh Phú Yên. Bắc giáp thành phố Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. Nam giáp tỉnh Khánh Hòa và biển Đông. Tây giáp huyện Tây Hòa. Đông giáp biển Đông, với chiều dài bờ biển gần 50 km kéo dài từ Đông Tác đến đảo Hòn Nưa.
Thông tin sơ lược
Diện tích: 26.959 ha
Dân số: 115.246 người
Huyện lỵ: Hoà Vinh
Bao gồm 10 đơn vị hành chính trực thuộc: Hòa Thành, Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam, Hòa Vinh, Hòa Tâm, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc.
Lịch sử
Huyện Đông Hoà được thành lập năm 2005 trên cơ sở tách ra từ huyện Tuy Hoà cũ. Trước đây, khi Đông Hòa còn nằm trong huyện Tuy Hòa, thì tên gọi Tuy Hòa đã có từ năm 1611, khi đó huyện lỵ đóng tại Phú Thứ. Năm 1963 chính quyền Sài Gòn chia quận Tuy Hoà thành 2 quận Tuy Hoà và Hiếu Xương, sau năm 1975 quận Hiếu Xương đổi thành huyện Tuy Hòa. Năm 1977 thị xã Tuy Hòa được nhập chung vào với huyện Tuy Hòa, nhưng một năm sau lại tách ra. Và đến 2005 huyện Đông Hòa chính thức được thành lập sau khi được tách ra từ huyện Tuy Hòa.
Tiềm năng
Trên địa bàn huyện có sông Bàn Thạch nằm ở phía Nam huyện chảy ra biển qua cửa Đà Nông, cùng nhiều điểm di tích lịch sử danh thắng như hồ Hảo Sơn-còn gọi là Biển Hồ, dãy núi Đèo Cả và núi Đá Bia-còn gọi là Thạch Bi Sơn, Mũi Điện -còn gọi là mũi Đại Lãnh, có cảng biển Vũng Rô, khu du lịch sinh thái Đập Hàn...
Do đặc điểm cấu tạo địa hình, phần lớn các điểm di tích lịch sử và danh thắng của huyện Đông Hòa đều tập trung vào khu vực phía Nam huyện, xoay quanh các khu vực Đèo Cả, Vũng Rô, Đập Hàn, Mũi Điện, Biển Hồ...Nơi đây, từ trên Đèo Cả ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng biển Đại Lãnh, Vũng Rô với đại dương mênh mông một màu xanh ngọc bích. Nhìn sang phía Tây là dãy núi Đèo Cả chập chùng với điểm nhấn vô cùng độc đáo là ngọn Đá Bia có tên gọi bắt nguồn từ truyền thuyết vua Lê Thánh Tông khắc bia trên đá. Ở đây còn có Đập Hàn, một điểm du lịch sinh thái rất nên thơ với nhiều gộp đá, thác nước và hồ nước trong suốt, mát lạnh, có Biển Hồ, là một đầm nước rộng mênh mông ngày xưa có rất nhiều tôm cá, thậm chí có cả cá sấu. Ở phía Đông là Mũi Điện (còn gọi là mũi Đại Lãnh) nằm trên núi Hòn Bà là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc với ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1890. Còn chếch xuống là Vũng Rô-một trong những bến cảng bí mật của những Con Tàu Không Số trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí đạn dược từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam...Các câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại của Đông Hòa có mối quan hệ chặt chẽ với các điểm di tích lịch sử danh thắng nói trên. Ở đây, trong dân gian vẫn còn lưu truyền truyền thuyết về việc vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đi mở cõi đã khắc bia lên tảng đá khổng lồ trên núi Đá Bia để phân định ranh giới của nước Đại-Việt, về những con chim thần ở Mũi Điện, về bàn cờ tiên ở đập Hàn, về Biển Hồ, Vũng Rô, Đèo Cả.