Huyện Đông Anh
Địa chỉ hiện nay
Đông Anh - thành phố Hà Nội
Huyện Đông Anh là huyện đồng bằng ở phía Bắc thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn, phía Đông giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên, quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm.
Địa hình đồng bằng châu thổ sông Hồng, cao trung bình 5 - 8m. Phía Đông có nhiều doi đất cao. Núi Sái là một trong bảy ngọn núi thấp, phía Tây có nhiều đồng lầy như Hải Bối (chưa được bồi hết). Huyện cũng là địa bàn có nhiều sông hồ như sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê, đầm Vân Trì.
Các đơn vị hành chính của huyện gồm thị trấn Đông Anh và 23 xã là Bắc Hồng, Cổ Loa, Dục Tú, Đại Mạch, Đông Hội, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tầm Xá, Tiên Dương, Thụy Lâm, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.
Huyện Đông Anh là vùng đất có bề dày về truyền thống và lịch sử văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị của một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Huyện Đông Anh vốn là huyện Đông Khê, thuộc phủ Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, huyện được sáp nhập phần lớn diện tích vào tỉnh Phù Lỗ.
Từ ngày 10/04/1903, huyện Đông Khê đổi tên thành huyện Đông Anh.
Năm 1904, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc Yên nên huyện Đông Anh thuộc tỉnh Phúc Yên. Vào những năm 1913 - 1923, huyện thuộc tỉnh Vĩnh Yên, thời kì 1923 - 1950 thuộc tỉnh Phúc Yên, thời kì 1950 - 1961 thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 20/04/1961, huyện Đông Anh (gồm 16 xã) được sáp nhập vào thành phố Hà Nội.
Ngày 31/05/1961, thành phố Hà Nội sắp xếp, ra quyết định thành lập huyện Đông Anh mới trên cơ sở huyện cũ nhưng mở rộng thành 23 xã.
30/10/1982, thành lập thị trấn Đông Anh. Thị trấn có diện tích 797 ha, gồm đất của bốn xã là Tiên Dương, Uy Nỗ, Nguyên Khê, Xuân Nộn.
Hiện nay, Đông Anh là một trong những huyện của Hà Nội có nhiều bước phát triển vượt bậc. Kinh tế của huyện nhiều năm liền đạt mức độ tăng trưởng đạt 17,4% hoạt động thương mại dịch vụ ngày càng mở rộng phát triển theo hướng văn minh hiện đại; nhiều khu công nghiệp mới được hình thành như khu công nghiệp Thăng Long, Nguyên Khê đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động địa phương. Công tác thu thuế và thu ngân sách trên địa bàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được huyện quan tâm đầu tư mạnh, có trọng tâm, trọng điểm với tổng đầu tư cao; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao với mũi nhọn là: phát triển các mô hình trang trại tập trung, đưa chăn nuôi tách khỏi khu dân cư, phù hợp với quy hoạch, hình thành các vùng rau an toàn tại Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng… Nhờ có những định hướng phát triển kinh tế đúng đắn, tính đến nay, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn dưới 2% và đến năm 2010, huyện phấn đấu giảm xuống còn 0,5%.
Huyện Đông Anh rất chú trọng vào việc phát triển văn hoá, xã hội, đặc biệt là các mục tiêu về giáo dục. Trong thời gian qua, quy mô giáo dục, chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục toàn diện được giữ vững. Huyện đã phấn đấu duy trì phổ cập tiểu học, THCS, THPT đạt 45% (phấn đấu đến năm 2010 đạt 100%), 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn…
Công tác y tế, dân số gia đình và trẻ em thường xuyên được quan tâm chỉ đạo nhất là việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã. Lĩnh vực văn hóa cũng có nhiều chuyển biến. Đến nay toàn huyện có 85 thôn, làng đạt danh hiệu Làng văn hóa, trong đó 40 thôn đạt Làng văn hóa cấp thành phố; các loại hình văn hóa, thể thao thành tích cao tiếp tục được duy trì và phát triển đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần và chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.
Đông Anh còn là vùng đất lưu giữ nhiều những di tích lịch sử, những lễ hội truyền thống của dân tộc, đặc biệt là những di tích, lễ hội liên quan đến Cổ Loa thành. Huyện cũng còn lưu giữ được nhiều những bộ môn nghệ thuật truyền thống có giá trị như ca trù Lỗ Khê, rối nước Đào Thục, tuồng cổ Cổ Loa…
Hiện nay, huyện Đông Anh còn lại một số lễ hội lớn, tiêu biểu cho vùng đất này nói riêng và thủ đô Hà Nội cũng như cả nước nói chung. Đó là Hội đền An Dương Vương (còn gọi là hội Cổ Loa) được tổ chức từ mùng 4 - 15 tháng Giêng hàng năm (chính hội là mùng 6 tháng Giêng); hội làng Đường Yên được tổ chức vào mùng 2 tháng 2; hội đền Sái; hội làng Thượng Phúc; hội làng Xuân Nộn được tổ chức từ mùng 10 - 15 tháng 10 (chính hội là mùng 11 tháng 10); hội làng Xuân Trạch được tổ chức từ mùng 8 - 13 tháng 3; hội làng Quậy được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng.