<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Di tích Căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa

Tổng quan
 

Căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Trần Văn Thành tại tỉnh An Giang trong những năm 1867 - 1873. Bảy Thưa là tên một cánh rừng, Láng Linh là tên vùng đất bùn lầy quanh năm ngập nước, cả 2 nằm trên địa bàn tiếp giáp giữa 3 huyện: Châu Thành, Châu PhúTri Tôn.

Láng Linh là tên vùng đất thấp, nhiều phèn, không có kênh, rạch lớn ra vào, suốt năm chỉ gieo gặt một mùa lúa sạ. Phía Bắc giáp vùng biên giới núi Sam, phía Tây dựa Thất Sơn, phía Đông cặp sông Hậu, phía Nam giáp núi Ba Thêthành phố Long Xuyên. Hằng năm, vào mùa nước nổi (từ khoảng tháng 8 cho đến cuối tháng 10 âm lịch), cả vùng một biển nước mênh mông (vì thế có tên gọi Lánh Linh); còn vào mùa khô, nước không cạn hẳn mà biến thành những ao đìa, mương rạch, những đầm lầy vô số đĩa vắt cùng với lau sậy, cỏ dại thi nhau chen chúc, trùm lấp... Bảy Thưa nằm tiếp giáp với Láng Linh, nơi đây mọc khá nhiều cây bảy thưa - một loại cây hiện nay không còn nhiều, tại dinh Sơn Trung chỉ còn 3 bụi cây non nhỏ nhoi - cũng là một vùng trũng thấp, đầm đìa ứ đọng.

Sau khi Nam Kỳ rơi vào tay Pháp, Trần Văn Thành rút lui về Láng Linh để xây dựng mật khu. Nghĩa quân gồm quân sĩ triều Nguyễn, cùng khá đông người yêu nước từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khi căn cứ phát triển, hương chức hội tề địa phương cũng ngầm giúp nghĩa quân. Họ xây dựng đồn lũy, chiến hào, và lò đúc súng đạn tại đây. Trần Văn Thành phong chức cai đội cho nghĩa quân. Mật khu này xưng danh hiệu là “ Thiên sơn Trung tự”, kiểu chùa chiền; quân đội thì lấy tên Gia Nghị cơ hoặc Giang Nghị cơ. Trung tâm mật khu còn gọi là dinh Sơn Trung hay Sơn Trung doanh. Theo tài liệu của Pháp, số quân của ông Thành vào năm 1870 có khoảng 1200 quân, đa số là tín đồ theo giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Quá trình chống Pháp
 

Năm 1871, một cộng sự của Pháp là Trần Bá Lộc thử hành quân vào mật khu, nhưng không thành công do sình lầy, bốn phía lau sậy mù mịt, thỉnh thoảng bị phục kích. Tháng 02-1872, Pháp bắt được một nghĩa quân đi mộ lính ở Long Xuyên, thu được tin tức. Sau đó, Pháp sai cai tổng Mun theo sát những người đặt lọp, giăng câu phía ngọn Mặc Cần Dưng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), lần đến gần mật khu, thấy nghĩa quân tích cực củng cố công sự, lò đúc súng đang hoạt động ngày đêm...

Chủ tỉnh Long Xuyên tên Emile Puech xin chi viện thêm 40 lính Mã tà (Mã Lai) từ Cần Thơ để tăng viện, đồng thời thông báo chủ tỉnh Châu Đốc, tùy khả năng mà hiệp đồng. Phó quản Hiếm trước kia từng ở hàng ngũ của Trần Văn Thành rồi đầu hàng, được cầm đầu toán lính nhỏ. Cánh quân mạnh nhất do phủ Trần Bá Tường (em ruột Trần Bá Lộc) chỉ huy...Viên chủ tỉnh Emile Puech là chỉ huy trưởng, đại úy Guyon làm trợ lý. Tất cả sẵn sàng chuẩn bị đánh mật khu.

Đầu tháng 03-1873 (tháng 2 âm lịch), Pháp xua quân vào phá đồn Hờ ở Cái Dầu, uy hiếp đường giồng Nghệ rồi kéo dần vào rừng. Họ nả đại bác lên phía trước và bắt dân chúng dọn đường sau. Quân Bảy Thưa tuy tinh thần rất cao, nhưng chống giữ không nổi. Qua 5 ngày chiến đấu, quân Bảy Thưa lui dần. Pháp không dám tiến mau vì ngột nắng và sợ đĩa. Ngày 20-03, quân Pháp từ Châu Đốc đánh vào đồn Cái Môn, súng nghĩa quân bắn không được xa, phát nổ phát không nên chẳng bao lâu quân Pháp tràn vào được. Cùng ngày ấy từ phía Vĩnh Thanh, cờ Pháp tiến vào đuổi nghĩa quân tới ngọn rạch Hang Tra là nơi Trần Văn Thành chỉ huy chiến cuộc. Con thứ tư của ông Thành là Trần Văn Chái làm tiên phong, đề đốc Văn tức đội Văn giữ hậu tập. Đến gần tối thì Chái bị thương ở đùi, bị bắt và sau đó tuẫn tiết trong nhà ngục Châu Đốc, năm ấy mới vừa 18 tuổi. Xong trận, Pháp thu hết các súng nặng, nhẹ; hủy hết cả lò đúc đạn dược, rồi nổi lửa đốt hết doanh trại của nghĩa quân. Sau khi bản doanh Hưng Trung bị tàn phá, thất bại nặng, ông Thành rút lui vào chiến khu và mất ngày 21 tháng 2 âm lịch năm 1873.

Có người lại cho rằng: Ngày 20-3-1873 (21 tháng 2 âm lịch), quân Pháp tấn công vào đồn Hưng Trung là tổng hành dinh của nghĩa quân do Trần Văn Thành chỉ huy. Ông và các nghĩa quân của mình đã xả thân chiến đấu, nhưng chỉ cầm cự được đến tối thì thất thủ. Pháp không tìm được thi thể ông, nhưng có lẽ ông đã hi sinh trong trận chiến này.

Láng Linh ngày nay
 

Láng Linh ngày nay tuy vẫn còn là vùng quê nghèo khó, tuy nhiên, không còn là vùng trũng hoang vu như ngày xưa. Hiện đã có đường nhựa dẫn tới vùng này. Hai bên đường, nhà cửa bắt đầu mọc lên, khang trang, đẹp đẽ. Bây giờ ở xứ này có nhiều gia đình trúng mấy vụ lúa, vụ tôm, nên đã cất nhà mới, hoặc sửa lại căn nhà cũ cho tươm tất, khang trang. Những cây cầu khỉ đã được thay thế bằng cây cầu treo, loại cầu rất phố biến ở An Giang. Chợ búa, trường học được xây dựng rải khắp địa bàn với mái ngói, tường vôi tươm tất. Tại các trạm xá đều đã có bác sĩ Tây y, có phòng chẩn trị Đông y đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Châu Phú, hiện nay, huyện đã đầu tư gần 130 tỷ đồng để xây dựng 27 cụm tuyến dân cư, với tổng diện tích 92,8 ha, có thể bố trí đến 4.711 nền nhà và đã có trên 4.000 hộ ở rải rác theo các kinh rạch đã có chỗ ở ổn định. Bây giờ, người ta không còn xem Bình Chánh, Bình Phú, Đào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vỹ của khu vực Láng Linh - Bảy Thưa là 5 xã vùng sâu, vùng xa nghèo đói nữa, mà gọi đó là 5 xã “vùng trong” để phân biệt với các xã ven trục quốc lộ 91.

 


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt