Huyện Xuyên Mộc
Địa chỉ hiện nay
Xuyên Mộc - Bà Rịa-Vũng Tàu
Vị trí
Xuyên Mộc là huyện nằm ở phía Đông, có diện tích lớn nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bắc giáp tỉnh Đồng Nai. Tây giáp huyện Châu Đức và huyện Đất Đỏ. Đông giáp tỉnh Bình Thuận. Nam giáp biển Đông.
Thông tin sơ lược
Diện tích: 642,2km2
Dân số: 120.300 người (2004)
Mật độ: 187 người/km2
Huyện lỵ: thị trấn Phước Bửu
Bao gồm thị trấn Phước Bửu và 12 xã là: Tân Lâm, Bầu Lâm, Hoà Hiệp, Hoà Hưng, Hoà Bình, Hoà Hội, Bình Châu, Xuyên Mộc, Phước Tân, Bưng Riềng, Bông Trang, Phước Thuận
Lịch sử
Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, vùng đất Xuyên Mộc ngày xưa thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định. Về sau thuộc trấn Biên Hoà, phủ tỉnh Phước Tuy. Thời Việt Nam Cộng Hoà, Xuyên Mộc trở thành tên quận của tỉnh Phước Tuy. Dân số năm 1965 là 5.185 người. Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng cắt về tỉnh Đồng Nai. Năm 1991, khi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập thì Xuyên Mộc chính thức trở thành tên huyện của tỉnh này cho đến nay.
Điều kiện tự nhiên
Diện tích rộng lớn, có đầy đủ các nguồn tài nguyên của rừng và biển, lại nằm trên trục lưu thông chính phía Đông của tỉnh, huyện Xuyên Mộc có nhiều điều kiện để phát triển một nền kinh tế đa dạng với các ngành nông-lâm-ngư nghiệp và dịch vụ du lịch
Với 80,7% diện tích đất nông, lâm nghiệp trong đó diện đất tốt và trung bình chiếm 61,5% nên Xuyên Mộc có thế mạnh trong việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là cây dài ngày như: Cao su, nhăn, cà phê, tiêu.
Kinh tế
Nông nghiệp
Diện tích trồng cây dài ngày và ngắn ngày của Xuyên Mộc xếp thứ hai toàn tỉnh, chỉ sau huyện Châu Đức. Diện tích trồng điều, khoai mì, đậu phộng của huyện nhiều nhất tỉnh. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng xây dựng những vùng chuyên canh có giá trị cao, năng suất cao đang là chủ trương chung của huyện. Kinh tế trang trại đã và đang phát triển nhiều ở các xã Hoà Hội, Hoà Hiệp, Bầu Lâm, Phước Thuận... Ngành chăn nuôi ở huyện khá phát triển, tổng đàn trâu bò khoảng 9.000 con nhiều nhất tỉnh, tổng đàn heo khoảng 42.000 con đứng thứ 2 (sau huyện Châu Đức).
Về lâm nghiệp
Diện tích đất lâm nghiệp có rừng của huyện khoảng 14,757ha chiếm khoảng 42,6% tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng toàn tỉnh, trong đó Vườn quốc gia Bình Châu Phước Bửu có diện tích 11.293ha. Đây là khu rừng nguyên sinh sát biển, có diện tích lớn rất hiếm hoi của miền Đông Nam Bộ cũng như cả nước.
Về ngư nghiệp
Ngành khai thác hải sản của huyện đứng thứ 4 toàn tỉnh. Huyện đang có 647 ghe thuyền đánh bắt có tổng công suất 15 ngàn CV, sản lượng khai thác hàng năm 7.000 tấn hải sản các loại. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 550 ha. Riêng diện tích nuôi tôm ở Phước Thuận đã là 200 ha. Vùng phát triển thủy sản của Xuyên Mộc tập trung ở Bến Cát, cửa sông Ray, Phước Thuận.
Về du lịch
Với bờ biển dài khoảng 31 km, bãi cát mịn vàng thoai thoải, nước biển trong xanh, sóng nhẹ, Xuyên Mộc đã và đang ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch. Hiện trên địa bàn huyện có hai khu bãi tắm nổi tiếng là Hồ Tràm và Hồ Cốc. Ngoài ra hệ thống rừng nguyên sinh Bình Châu Phước Bửu cũng đang được đầu tư thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Suối nước nóng Bình Châu nổi tiếng khắp nơi với nhiệt độ cao nhất lên đến 820C và nhiều chất khoáng chữa bệnh. Nơi đây đang trở địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng thu hút đông đảo du khách nhất là người lớn tuổi.