<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Vạn Ninh

Vị trí

Vạn Ninh là huyện nằm ở cực Bắc của tỉnh Khánh Hoà. Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Phú Yên ngăn cách bởi đèo Cả. Nam và Tây Nam giáp huyện Ninh Hoà. Đông giáp biển, có bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn và vịnh Bến Gối. Bắc giáp tỉnh Phú Yên. Tây giáp tỉnh Đắk Lắk. Nam giáp huyện Ninh Hoà. Đông giáp biển.

Thông tin sơ lược

Diện tích: 550,1km2

Dân số:117.800 người (2004)

Mật độ: 214 người/km2

Huyện lỵ: thị trấn Vạn Giã

Bao gồm thị trấn Vạn Giã và 12 xã là Đại Lãnh, Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Bình, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Lương, Xuân Sơn, Vạn Hưng, Vạn Thọ, Vạn Thạnh.

Lịch sử

Huyện Vạn Ninh trước kia là huyện Quảng Phước thuộc phủ Thái Khang, được thành lập năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), đến năm 1690, phủ Thái Khang đổi thành phủ Bình Khang gồm 2 huyện Quảng Phước và Tân Định. Năm Gia Long thứ hai (1803) phủ Bình Khang đổi thành phủ Bình Hòa. Năm Minh Mạng thứ mười hai (1831), phủ Bình Hòa lại đổi thành phủ Ninh Hòa, gồm các tổng: Phước Tường Ngoại, Phước Tường Nội, Phước Thiện, Phước Hà Nội, Phước Hà Ngoại, Phước Khiêm.

Sau khi xâm lược nước ta, Pháp cho mở đường 21, nối liền Buôn Ma Thuột với huyện Tân Định và cảng Hòn Khói, nền kinh tế Tân Định trở nên phồn thịnh. Vùng đất Vạn Ninh lại được đổi tên huyện Tân Định thành phủ Ninh Hòa, cắt 3 tổng của huyện Quảng Phước là Phước Khiêm, Phước Hà Nội, Phước Hà Ngoại nhập vào phủ Ninh Hòa (huyện Ninh Hòa ngày nay). Phủ Ninh Hòa cũ đổi thành huyện Vạn Ninh ngày nay.

Từ năm 1945 trở về trước, huyện Vạn Ninh có 3 tổng: Phước Tường Nội, Phước Tường Ngoại, Phước Thiện. Đầu năm 1946, chính quyền cách mạng chủ trương thành lập đơn vị hành chính cấp xã, huyện Vạn Ninh thành lập được 8 xã. Phước Thiện có 3 xã: Phước Đông, Phước Trung, Phước Tây; Phước Tường Nội có 3 xã: Đồng Xuân, Đồng Tiến, Đồng Hòa; Phước Tường Ngoại có 2 xã: Liên Hưng, Liên Hiệp.

Đến năm 1956, chính quyền Sài Gòn cắt tổng Phước Thiện nhập vào huyện Ninh Hòa.
Sau khi miền Nam Hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Năm 1976, dưới chính quyền cách mạng, Vạn Ninh và Ninh Hòa hợp nhất thành huyện Khánh Ninh. Năm 1979, Khánh Ninh lại được tách ra làm 2 huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh cho đến ngày nay.

Đặc sản

Huyện Vạn Ninh nổi tiếng có món bún mực. Trong Nam, ngoài Bắc ai đi qua đây nếu biết, đều muốn dừng để thưởng thức món quê chế biến đơn giản mà ngon lạ này. Bắt đầu từ đèo Cổ Mã, các quán bún mực nằm rải theo Quốc lộ 1A chạy dài đến Đại Lãnh.

Vùng biển Đại Lãnh mùa nào cũng có mực ngon. Con mực trung trung, don don không lớn quá, tươi rói; khi nào có khách nhà hàng mới bật bếp nấu. Nước lèo ngon phụ thuộc vào độ tươi của mực. Mực mới đánh bắt đem về chế biến chắc chắn có vị ngọt đặc trưng. Rau ăn kèm với bún mực có xà lách, rau thơm các loại. Cách nấu đơn giản này người địa phương gọi là nấu ngọt hay nấu ngót; không chỉ mực mà còn với các loại cá như cá hồng, cá phèn, cá bè… chấm với nước mắm nguyên chất dầm thêm vài trái ớt xiêm xanh nồng.

Điều thú vị là vượt qua ranh giới đèo Cả giữa hai tỉnh Phú YênKhánh Hoà, món bún mực lại được chế biến kiểu khác nhưng ngon không kém. Món bún mực có tính "vùng miền" này khác nhau không chỉ cách nấu mà còn về chất liệu - chính là tuỳ thuộc vào loại mực. 

Nếu ở Vạn Ninh nấu bằng mực ống, mực lá… thì bún mực Phú Yên chỉ chế biến từ mực cơm. Loại mực này ngọt, không dai, ruột trắng. Con mực chỉ nhỉnh hơn lóng tay một chút và tươi xanh.

Vạn Ninh nấu ngọt (nước trong) thì bún mực Phú Yên lại nấu theo kiểu nấu chua. Cà chua thái nhỏ, tao qua dầu cho ra màu rồi nấu. Món bún mực ở Phú Yên tuỳ mùa mực. Bún mực Vạn Ninh mùa nào cũng có bởi cách chế biến không kén mực.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt