Cầu Tràng Tiền hay còn gọi là Trường Tiền bắc qua sông Hương là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng giữa lòng thành phố Huế. Đầu cầu phía Bắc nằm trên địa phận phường Phú Hoà, đầu cầu phía Nam là phường Phú Hội.
 |
Nữ sinh Huế bên cầu Tràng Tiền - Ảnh: Đào Hoa Nữ |
Theo Quách Tấn, căn cứ bài thơ Thuận Hóa thành tức sự của nhà thơ Thái Thuận dưới thời vua Lê Thánh Tông thì từ thời Lê, sông Hương đã có cầu. Chiếc cầu lúc này được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau nên có tên gọi là cầu Mây. Sau đó, cầu được sửa chữa theo kiểu có hình cái mống úp lên sông nên còn có tên là cầu Mống. Trải qua bao năm tháng, cầu được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát ván gỗ lim.
Cầu Tràng Tiền như chúng ta thấy hiện nay được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 9 tức 1897 và khánh thành vào năm 1899, có tên là cầu Thành Thái. Công việc kiến trúc do hãng Eiffel (Pháp) thi công và ngay lúc ấy cầu được xây dựng thành 6 vài 12 nhịp. Cầu dài 401,10m, lòng cầu rộng 6,20m, mặt cầu lúc đó được lát bằng ván gỗ lim.
Đến năm Thành Thái 16 (1904) cầu được sửa lại bằng sắt và xi măng. Từ năm 1914 - 1918, người Pháp đổi tên là cầu Clémenceau, là tên của Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ. Năm 1937 cầu Trường Tiền lại được "đại trùng tu" mở thêm hai hành lang hai bên cầu dành cho người đi bộ và xe đạp, với những vòng lan can được mở rộng ở 5 trụ cầu giữa 2 vài làm điểm dừng chân. Lần tu sửa này chỉ mất 3 tháng. Năm 1946 toàn quốc kháng chiến, cầu bị đặt mìn giựt sập hai vài phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để đi lại. Trong thời gian này, cầu được đổi tên và gọi là cầu Nguyễn Hoàng.
Năm Mậu Thân (1968), cầu lại bị chiến tranh làm sụp đổ một lần nữa. Hai năm sau được chính quyền đương thời cho thay thế bằng một vài cầu gỗ. Mãi đến năm 1991 cầu được chính thức khởi công sửa chữa khôi phục.
Tên gọi Tràng Tiền hay Trường Tiền là do người dân xứ Huế đặt cho cầu, vì xưa kia hai bên tả ngạn đối diện cầu, triều đình Huế có thành lập một công trường đúc tiền gọi tắt là Trường Tiền.
|
Cầu Tràng Tiền về đêm - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Trải qua nhiều năm, cầu Tràng Tiền đã gắn bó với người dân Huế, như một biểu tượng đẹp trong lòng họ mỗi khi nghĩ về quê hương. Cầu Trường Tiền có dáng dấp mềm mại, uyển chuyển, thông thoáng, nhẹ nhàng rất thích hợp với tâm hồn trầm lắng, cuộc sống ung dung, thanh thản, tế nhị, dịu dàng của người dân xứ Huế. Cầu được bắc qua khúc sông thơ mộng nhất của Cố đô. Đây là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc của thành phố văn hóa du lịch.
Cầu Tràng Tiền với tên gọi là cầu Mống lần đầu xuất hiện trong thơ Thái Thuận qua bài Thuận Hóa thành tức sự. Đây là bản dịch của nhà thơ Quách Tấn:
Ghe thuyền qua lại sớm liền trưa
Cầu Mống giăng sông cửa nước chừa
Mây lẫn bóng non trời rộng mở
Gió dồn tiếng sóng biển xa đưa
Chợ chiều tấp nập thân là lụa
Nét bút bồi hồi nhịp trúc tơ
Ca nữ quản bao dòng huyết hận
Địch đài trổi khúc lạc mai xưa
Sau đó, cầu Tràng Tiền in dấu trong ca dao:
Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp
Tội e lắm anh ơi
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông trời nên xa
Năm 1906, cầu được đúc lại bằng bê tông cốt thép nên trong dân gian cũng có câu:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Tràng Tiền đúc lại xi - măng
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non
Năm 1946, khi cầu bị giật mìn sập, lại có câu ca:
- Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên qua lại
Kể từ đời Thành Thái đến nay
Chạnh lòng biết hỏi ai đây
Việc chi nên nỗi dang tay đứt cầu?
- Chí quyết thắng Pháp Tây
Nên cầu này phải phá
Qua sông còn nhiều ngã
Đừng buồn bã em ơi
Nước non khôi phục được rồi
Cầu này bắc lại không mấy hồi đó em...
Cầu Tràng Tiền cũng thể hiện trong thơ Nguyễn Bính với lối so sánh rất thú vị:
Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ
Đôi bờ đôi cánh tay vua
Cung nga úp mặt làm thơ thất tình
...
Bồng bồng sáu nhịp cầu cao
Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh.
Cầu Tràng Tiền còn xuất hiện trong các loại hình nghệ thuật khác như tranh, nhiếp ảnh và cả trong các bộ tem về phong cảnh Việt Nam.