Thoại Ngọc Hầu
Quê quán
Điện Bàn - Quảng Nam (Diên Phước - Quảng Nam)
Tiểu sử
Thoại Ngọc Hầu (瑞玉侯) là danh thần, nhà doanh điền triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, tục gọi là Bảo hộ Thoại (vì ông từng giữ chức Bảo hộ Chân Lạp - Campuchia). Ông sinh ngày 26-11 năm Tân Tỵ 1761 tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ của ông là Nguyễn Văn Lượng và thân mẫu là Nguyễn Thị Tuyết. Ông có hai bà vợ, chánh thất là Châu Thị Tế và thứ thất là Trương Thị Miệt.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Cuối thời chúa Nguyễn, ông cùng gia đình di cư vào sống tại làng Thới Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1777, ông đầu quân với chúa Nguyễn Phúc Ánh. Năm 1782, Tây Sơn tấn công vào Gia Định. Thành Gia Định bị thất thủ, Nguyễn Phúc Ánh chạy về Hậu Giang. Lúc này người Chân Lạp cùng tiếp tay với quân Tây Sơn nên cũng truy đuổi theo Nguyễn Phúc Ánh, Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát đến vùng Hà Tiên rồi ra Phú Quốc. Trên đường lưu vong, chỉ có một ít quần thần thân cận và quân hầu chạy theo ông, trong đó có Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại.
Tháng 3-1784, Nguyễn Phúc Ánh sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) được vua Xiêm đón tiếp rất lễ phép và cho viện binh Xiêm theo Nguyễn Ánh tiến về Hậu Giang. Tháng 7-1784, đoàn quân về đến Kiên Giang, thừa thắng tiến qua các vùng Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc. Lúc này, Nguyễn Văn Thoại được cử giữ chức Tiền Quân Doanh, Trung Chi Phó trưởng hiệu, Khâm Sai Cai Cơ để đánh với Tây Sơn. Tháng 12-1784, Nguyễn Huệ kéo binh vào đánh bại viện binh Xiêm, quân Xiêm bỏ chạy về nước. Nguyễn Ánh lại một lần nữa phải chạy trốn ra đến miền Thổ Châu rồi sang Cổ Cốt. Tháng 3 - 1785, Nguyễn Ánh lại được binh Xiêm đến đón; tháng 4 - 1785, đoàn lưu vong đến Vọng Các và trú lại ở Long Kỳ - ngoài thủ đô nước Xiêm mà chờ thời cơ.
Từ năm 1787 đến năm 1789, Thoại Ngọc Hầu có công trong việc thu lại thành Gia Định nên được phong chức Cai cơ. Năm 1791, ông được cử là Trấn thủ hải khẩu Tắc Khái (tức cửa Lấp thuộc Bà Rịa). Năm 1792, ông lại sang Xiêm (Thái Lan ngày nay), trên đường về đã đánh tan bọn cướp biển Bồ Đà (Giavanays). Liên tục các năm 1796, 1797, 1799 ông đều được Nguyễn Ánh cử sang Xiêm công cán. Năm 1800, Thoại Ngọc Hầu được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, tước Hầu, phối hợp với Lào đánh quân Tây Sơn ở Nghệ An. Nhưng đến năm 1801, ông bị giáng cấp xuống chức Cai đội quản suất Thanh Châu đạo, vì tự ý bỏ về Nam mà không đợi lệnh trên.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông được cử làm Thống quản biền binh bảo hộ Cao Miên, sau đó được thăng làm Chưởng Cơ ra làm trấn thủ Lạng Sơn. Ở Lạng Sơn một thời gian, Nguyễn Văn Thoại được triệu về kinh và sau đó vào Nam giữ chức vụ Trấn Thủ Định Tường khi ở đây khuyết chức.
Năm 1818, ông thiết kế và đốc suất dân binh đào kênh Đông Xuyên ở Long Xuyên (được gọi theo tên ông là Thoại Hà). Tiếp đến năm 1819, ông cùng Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Tồn được lệnh vua Minh Mạng cho đào một con kênh (sau được vua Minh Mạng cho đặt tên là kênh Vĩnh Tế) nối liền Châu Đốc - Hà Tiên.
Đây là một công trình lớn do ông thiết kế và đốc suất quân dân làm việc với số nhân công lớn gồm 80.000 người, gần 5 năm (1819 - 1824) mới hoàn thành. Công trình này là thành quả lớn lao của tập thể nhân dân mà người lãnh trách nhiệm chính với triều đình chính là ông. Nhân dân vui mừng, triều đình hoan hỷ vì hiệu quả to lớn của công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng này đem lại lợi ích lớn lao cho nhân dân miền Hậu Giang nói riêng và Tổ quốc nói chung. Vua Minh Mạng lấy làm mãn nguyện vì đạt được hoài vọng từ lâu. Sách Đại Nam nhất thống chí cho rằng: "Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên, cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng".
Năm 1836, vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, hình kênh Vĩnh Tế được chạm vào đỉnh. Đây là một di vật đối với cá nhân ông cũng như tập thể nhân dân tham gia vào công trình đào kênh Vĩnh Tế.
Sau khi hoàn thành hai công trình thủy lợi, giao thông và quốc phòng ở biên giới Tây Nam này, Nguyễn Văn Thoại được vua Minh Mạng đặc ân cho lấy tên vợ ông đặt tên kênh, lấy tên ông đặt tên núi.
Ông mất tại Châu Đốc ngày 6-6 năm Kỷ Sửu (1829) lúc đang tại chức, thọ 68 tuổi, an táng tại chân núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Sau khi mất, ông được vua Minh Mạng truy phong Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đôn thống. Thế nhưng, sau khi ông mất đi, tấm lòng son sắt vì nước vì dân của ông gần như bị chính vua Minh Mạng phủi sạch khi nghe Võ Du ở Tào Hình Bộ tố cáo ông vì tội nhũng nhiễu của dân nhiều khoản. Triều đình nghị án, ông bị truy giáng tước xuống hàm ngũ phẩm, con ông là Nguyễn Văn Tâm bị lột ấn hàm, tất cả điền sản đều bị tịch thu phát mãi. Người con rể là Võ Vĩnh Lộc theo Lê Văn Khôi khởi nghĩa chống lại triều đình, cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan, vợ chồng Lộc bị bắt, vua chỉ dụ bộ Hình điều tra mối quan hệ giữa Lộc và ông.
Sau này, khi mọi việc được phơi bày, mọi việc không liên quan gì đến ông, Võ Du bị khép tội vu cáo, bị cách chức, lãnh án lưu đày đi Cam Lộ. Mặc dù nỗi oan đã rõ nhưng ông vẫn chưa được giải oan cho đến ngày 25-7-1924, vua Khải Định mới xét và chính thức truy phong ông là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.
Ngày nay, bên triền núi Sam ở Châu Đốc có lăng Thoại Ngọc Hầu được nhân dân địa phương gọi là Sơn Lăng. Tên Thoại Ngọc Hầu cũng được đặt tên cho một đường phố lớn, một trường trung học chuyên tại tỉnh An Giang. Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có một con đường mang tên ông thuộc phường Phú Thạnh, quận Bình Tân.
Công trình
Thoại Ngọc Hầu có công lớn trong việc khẩn hoang, lập ấp, đào kênh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất Tây Nam. Ngày nay, khi đến An Giang, chúng ta có thể tham quan và tìm hiểu thêm về những công trình lịch sử mà ông đã để lại: