<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Tánh Linh

Vị trí

Tánh Linh là huyện miền núi nằm phía Tây Nam của tỉnh Bình Thuận. Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng. Nam giáp huyện Hàm Tân. Tây giáp huyện Đức Linh. Đông giáp huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam.

Thông tin sơ lược

Diện tích: 1.174,2km2

Dân số: 92.600 người (2004)

Mật độ: 76 người/km2

Huyện lỵ: thị trấn Lạc Tánh

Bao gồm: thị trấn Lạc Tánh và 13 xã là: Đức Phú, Nghị Đức, Măng Tố, Bắc Ruộng, Đức Tân, Huy Khiêm, La Ngâu, Đồng Kho, Gia An, Đức Bình, Gia Huynh, Đức Thuận, Suối Kiết.

Huyện Tánh Linh được thành lập vào năm 1983, trên cơ sở tách ra từ huyện Đức Linh trước đó.

Địa hình

Huyện có các ngọn núi lớn như: núi Bnom Pang Hya cao 1478 m, núi Ông có đỉnh cao 1.302m tập trung ở phía Bắc huyện, giáp biên giới với tỉnh Lâm Đồng. Núi Dangdao cao 851 m, núi Dangdui cao trên 706 m, Catong cao 452 m, phân bố ở phía Nam.

Sông ngòi

Sông La Ngà là con sông chính lớn nhất của huyện và cũng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp, trong vùng là phụ lưu cấp 1 của hệ thống sông Đồng Nai bắt nguồn từ núi cao nguyên Di Linh, sông chảy qua địa phận huyện Tánh Linh có chiều dài 45 km, diện tích lưu vực khoảng 417,4 km2 vào mùa mưa thường gây ra lũ lụt ngập úng. Ngoài ra, còn có sông Phan, sông Cát, Sông Dinh, và các con suối nhỏ chỉ có nước trong mùa mưa.

Tài nguyên đất

Với diện tích hơn 1.000km2, huyện Tánh Linh có một nguồn tài nguyên đất khá phong phú. Bao gồm các nhóm đất chính như:

  • Đất phù sa (FL): chủ yếu là phù sa của sông La Ngà phân bổ hầu hết ở các xã trong huyện. Diện tích 9.936 ha, chiếm 8,26% diện tích tự nhiên.

  • Đất Gley (GL): Diện tích 7.324,78 ha chiếm 6,24% tổng diện tích tự nhiên. Đất nằm trong vùng địa hình trũng thường bị ngập nước quanh năm.

  • Đất xám (AC): Diện tích 21.019,34 ha chiếm 17,9% diện tích đất tự nhiên, có thành phần cơ giới nhẹ, tầng dày đất thường trên 100 cm lượng mùn tương đối thấp.

  • Đất đỏ(ER): Diện tích 62.596,06 ha chiếm 53,31% diện tích đất tự nhiên có thành phần cơ giới trung bình, cấu tượng viên, cục nhỏ, đất từ chua đến ít chua đại bộ phận có tầng dày trên 100 cm. Đất có độ phì tương đối khá, gồm 3 loại là: đất nâu vàng, đất nâu đỏ và đất đỏ vàng.

  • Đất đen (LV): Diện tích 9.282,13 ha chiếm 7,9% diện tích đất tự nhiên, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng pha sét. Có độ phì tương đối cao, đất có tầng dày thích hợp cho cây có giá trị kinh tế cao như cây cao su, điều, cà phê và hoa màu khác gồm có 2 đơn vị đất là đất nâu thẩm trên đá bazan và đất đen tầng mỏng.

  • Đất màu vàng đỏ trên núi(AL): Diện tích 4.811,23 ha chiếm 4,1% diện tích đất tự nhiên. Phân bổ ở vùng núi phía Bắc của huyện, thành phần cơ giới tương đối phức tạp thay đổi từ thịt pha cát đến thịt nặng pha sét. Đất có tầng dày tương đối từ 70- 100 cm hàm lượng mùn cao đất ít chua.

  • Đất xói mòn từ sỏi đá(LP): Diện tích 2.149,89 ha chiếm tỷ lệ 1,83% diện tích tư nhiên của huyện, đất có tính chất cơ bản là không có tầng dày.

Khoáng sản

Huyện Tánh Linh có những loại khoáng sản sau: nước khoáng Đức Bình, sét gạch ngói Gia An, than bùn ở Biển Lạc, cát ở lòng sông La Ngà, Đá Granit và cuội sỏi Laterit nằm rải rác ở các xã nhưng tập trung chủ yếu chung quanh khu vực núi Ông.

Kinh tế – xã hội

Đại bộ phận dân số sống bằng nghề nông. Cảnh quan thiên nhiên phong phú và tiềm năng kinh tế đa dạng. Có núi Ông ôm  ấp thác Bà quanh năm nước mát; đất đai phì nhiêu cùng với lòng mến khách, cộng với nhiều chính sách kêu gọi đầu tư, Tánh Linh sẽ cùng với xu thế phát triển chung của cả tỉnh,  hội nhập vào xu hướng phát triển của  khu vực, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước. Định hướng cơ cấu kinh tế của Tánh Linh  trong những năm tới là tiếp tục khai thác tiềm năng kinh tế ở các  nông, lâm nghiệp kết hợp, mở rộng kinh tế trang trại, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ du lịch.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt