Thị xã Sa Đéc
Địa chỉ hiện nay
tỉnh Đồng Tháp
Dân số
96.600 người (2004)
Thị xã ở phía Tây Nam của tỉnh Đồng Tháp; Bắc giáp sông Tiền, ngăn cách với huyện Cao Lãnh; Nam giáp huyện Châu Thành cùng tỉnh; Tây giáp huyện Lấp Vò và huyện Lai Vung cùng tỉnh; Đông giáp sông Tiền, ngăn cách với huyện Cao Lãnh. Về hành chánh, thị xã bao gồm 6 phường là: phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường Tân Quy Đông, phường An Hoà; 3 xã là: Tân Quy Tây, Tân Phú Đông, Tân Khánh Đông.
Thị xã Sa Đéc là trung tâm kinh tế phía Nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng này. Thị xã được công nhận là đô thị loại 3 trong hệ thống các đô thị Việt Nam theo Quyết định số 2307/QĐ-BXD ngày 15-12-2005. Thị xã Sa Đéc phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2010. Theo quy hoạch đến năm 2015, Sa Đéc sẽ là thành phố loại 2.
Sa Đéc trước kia là đất của Chân Lạp, có tên là Psardek (nghĩa là chợ Sắt). Tương truyền, ngày xưa có nàng Psardek, con gái chúa đất họ Thạc, đã phải lòng một chàng trai nghèo. Phản đối mối tình này, cha nàng đã sai người trói chàng trai lại và thả trôi sông. Nàng Psardek buồn tình nên đã đi tu. Về sau, khi cha mất, nàng đã dùng tài sản của gia đình để làm việc từ thiện, tu bổ đường xá, xây cất chợ búa. Từ đó người ta gọi chợ và vùng này là Psardek. Lâu ngày, người ta đọc trại thành Sa Đéc.
Sa Đéc có những điểm đến thu hút du khách như: chùa Bà Thiên Hậu, chùa Kiến An Cung, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, làng hoa kiểng Tân Quy Đông. Đặc sản nổi tiếng của thị xã là bánh phồng tôm Sa Giang và hủ tiếu Sa Đéc. Đặc biệt, hủ tiếu Sa Đéc là một trong những loại hủ tiếu ngon nhất đồng bằng và được hầu hết các tỉnh biết đến.
Khoảng cuối thập niên 1750, chúa Nguyễn thành lập 5 đạo ở miền Tây Nam Bộ, địa bàn thị xã Sa Đéc ngày nay thuộc đạo Đông Khẩu thời ấy. Năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, Sa Đéc thuộc phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.
Ngày 16-08-1867, Pháp lập hạt thanh tra Sa Đéc, là 1 trong 24 hạt thanh tra trên toàn cõi Nam Kỳ. Ngày 01-01-1900, hạt thanh tra đổi thành tỉnh Sa Đéc. Ngày 09-02-1913, tỉnh Sa Đéc bị giải thể, nhập vào tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc là 1 quận của tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 29-02-1914, tỉnh Sa Đéc được tái lập. Sau năm 1956, tỉnh Sa Đéc bị giải thể, Sa Đéc trở thành quận của tỉnh Vĩnh Long. Ngày 24-09-1966, quận Sa Đéc thuộc tỉnh Sa Đéc. Sau 30-04-1975, Sa Đéc là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp, gồm 6 xã: Vĩnh Phước, Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Hưng, Tân Khánh Đông, Tân Phú Đông.
Ngày 10-09-1981, Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 62/HĐBT: giải thể các xã Vĩnh Phước, Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Hưng, Tân Phú Đông; thành lập các phường và xã sau đây:
- Thành lập phường 1 gồm có 4 khóm: khóm 1, khóm 2, khóm 3 và khóm 4 (trước đây gọi là các ấp Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thuận, Vĩnh Thới và Tân Bình).
- Thành lập phường 2 gồm có 3 khóm: khóm 1, khóm 2 và khóm 3 (trước đây gọi là ấp Hoà Khánh, Phú Mỹ và một phần của ấp Phú Thuận).
- Thành lập phường 3 gồm có 3 khóm: khóm 1, khóm 2 và khóm 3 (trước đây gọi là ấp Tân Long).
- Thành lập phường 4 gồm có 2 khóm: khóm 1 và khóm 2 (trước đây gọi là ấp Tân Hưng và ấp An Thuận).
- Thành lập xã Tân Quy Tây gồm có các ấp Tân Hoà, Tân An và một phần của xã Vĩnh Phước cũ.
- Thành lập xã Tân Phú Đông gồm có các ấp Phú Long, Phú Thuận và Phú Hoà.
- Thành lập xã Tân Quy Đông gồm có các ấp Tân Mỹ I, Tân Mỹ II và ấp Sa Thiên.
Ngày 16-02-1987, Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 36-HĐBT: tách 2 ấp Tân Huề, Tân Lợi gồm 890 ha diện tích tự nhiên với 4.508 nhân khẩu của xã Tân Dương thuộc huyện Thạnh Hưng; 3 cồn Cát, Sậy và Bồng Bồng gồm 152 ha diện tích tự nhiên với 505 nhân khẩu của xã Bình Hàng Trung thuộc huyện Cao Lãnh để sáp nhập vào thị xã Sa Đéc. Thị xã Sa Đéc gồm 4 phường, 3 xã, có 4.005 ha diện tích tự nhiên với 72.670 nhân khẩu.
Ngày 29-04-1994, chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp từ thị xã Sa Đéc về thị xã Cao Lãnh.
Ngày 30-11-2004, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 194/2004/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính thị xã như sau:
- Thành lập phường Tân Quy Đông thuộc thị xã Sa Đéc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Quy Đông.
- Thành lập phường An Hòa thuộc thị xã Sa Đéc trên cơ sở 641,10 ha diện tích tự nhiên và 7.490 nhân khẩu của xã Tân Quy Tây. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập phường An Hòa, xã Tân Quy Tây còn lại 468,19 ha diện tích tự nhiên và 4.200 nhân khẩu.
Thị xã Sa Đéc có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 6 phường là: phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường Tân Quy Đông, phường An Hoà; 3 xã là: Tân Quy Tây, Tân Phú Đông, Tân Khánh Đông.
Theo thông tin từ Website Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Tháp, giai đoạn 2005 - 2010, GDP thị xã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,8%/năm, GDP năm 2010 gấp 2,36 lần năm 2005, cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2010 - 2015, thị xã sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển thương mại - dịch vụ.
Theo Wikipedia, năm 2009, tổng giá trị GDP của thị xã ước đạt trên 1.696 tỷ VNĐ, tăng 15,92% so năm 2008; trong đó Công nghiệp - Xây dựng tăng 18,51%, Thương mại - Dịch vụ tăng 15,36%, Nông nghiệp tăng 3,98%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 26,87 triệu VNĐ/người/ năm (giá thực tế).
Theo Wikipedia, ước tính ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 33,84% trong tổng cơ cấu GDP của thị xã. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 40% giá trị của cả tỉnh. Năm 2009, giá trị sản xuất Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là 3.101,73 tỷ VNĐ. Theo Website thị xã Sa Đéc, ước tính giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quý 1/2010 của thị xã là 800,775 tỷ VNĐ, tăng 22,19% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 86,91%, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 4,52%, khu vực kinh tế cá thể chiếm 3,01% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 5,52%. Trong quý 1/2010, hầu hết sản lượng một số sản phẩm chủ yếu của thị xã đều tăng so với cùng kỳ năm 2009, cụ thể như: bột gạo tăng 7,6%, thủy sản chế biến tăng 4,2%, thịt gia súc giết mổ tập trung tăng 8,74%, gạo lau bóng, xay xát tăng 10,52%, bánh phồng tôm tăng 40,83%, thức ăn gia súc, thuỷ sản tăng 171,39%, trang in ofselt tăng 14,09.
Khu công nghiệp Sa Đéc có tổng diện tích quy hoạch là 323 ha, tọa lạc tại phường Tân Quy Đông và phường An Hoà, bao gồm 3 khu: A, C, C mở rộng. Các khu công nghiệp này có ảnh hưởng tác động không những với thị xã mà với các khu vực lân cận như Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và đang là nơi thu hút nguồn lao động lớn. Các dự án đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành nghề chế biến thủy sản và thức ăn thủy sản. Tính đến ngày 25-04-2009, khu công nghiệp Sa Đéc có 24 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 7.336 lao động, doanh thu đạt hơn 2.000 tỷ VNĐ.
Theo Wikipedia, Thương mại - Dịch vụ chiếm 57,68% trong tổng cơ cấu GDP của thị xã, tốc độ phát triển nhanh, phân bố rộng khắp trong nội thị. Thị xã Sa Đéc được xem là đầu mối dịch vụ hàng đầu của toàn tỉnh. Năm 2009, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 3.731 tỷ VNĐ, tăng 28,86% so với năm 2008. Thị xã có các trung tâm thương mại lớn như: Trung tâm thương mại - chợ Sa Đéc; Trung tâm thương mại - tài chính - ngân hàng (đang được tiến hành xây dựng, khi hoàn thành đây sẽ là trung tâm mua sắm lớn nhất tỉnh Đồng Tháp).
Theo Website thị xã Sa Đéc, ước tính tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ quý 1/2010 của thị xã đạt 1.103,13 tỷ VNĐ, tăng 16,59% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội thực hiện được 872,1 tỷ VNĐ, chiếm 79,1% tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ của quý, tăng 18,12% so với cùng kỳ năm 2009.
Theo Wikipedia, nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng thấp nhất (8,48%) trong cơ cấu GDP của thị xã. Ngành nông nghiệp phân bố chủ yếu tại các xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, một phần các phường An Hòa và Tân Quy Đông. Sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của thị xã là hoa kiểng, tập trung sản xuất ở Tân Quy Đông.
Theo thông tin từ Website thị xã Sa Đéc, tổng diện tích gieo trồng trong quý 1/2010 của thị xã đạt 2.263 ha; trong đó xuống giống 1.919 ha lúa và 344 ha rau, màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Tính đến đầu tháng 03-2010, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn thị xã đạt 160,59 ha, giảm 4,5 ha so với cùng kỳ năm 2009; tổng sản lượng thủy sản thu hoạch trong quý 1/2010 đạt 2.257,3 tấn, tăng 1.382,39 tấn so với cùng kỳ năm 2009.
Giáo dục: Sa Đéc là địa phương có truyền thống hiếu học, và có thành tích giáo dục dẫn đầu toàn tỉnh. Theo Wikipedia, nhiều năm liền Sa Đéc luôn dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng học sinh giỏi. Riêng trong năm 2008, Sa Đéc tụt 1 bậc và đứng thứ 2 (sau thành phố Cao Lãnh) về số giải học sinh giỏi trung học cơ sở, nhưng vẫn là đơn vị dẫn đầu trong cuộc thi dành cho cấp trung học phổ thông. Theo thông tin từ Website thị xã Sa Đéc, học kỳ I năm học 2009 - 2010, thị xã huy động trẻ em trong độ tuổi vào nhà trẻ đạt 38,9%, trẻ em trong độ tuổi vào mẫu giáo đạt 70,7%, trẻ em 5 tuổi vào học mẫu giáo đạt 99%, trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tỷ lệ bỏ học các bậc học như sau: bậc tiểu học có 0,02%, bậc trung học cơ sở có 0,57%, bậc trung học có 2,14%.
Y tế: Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc nằm tại số 153 Nguyễn Sinh Sắc, phường 2 là một trong các bệnh viện lớn của tỉnh. Bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Mới đây, bệnh viện đã trang bị máy tán sỏi thận ngoài cơ thể bằng sóng xung điện nhãn hiệu HD. ESWL-V là loại máy thuộc thế hệ thứ 3, định vị chính xác bằng siêu âm, được xem là loại máy tối tân nhất hiện nay. Tuy nhiên, ngành y tế thị xã cũng còn một số vấn đề như: việc xây dựng mới các trung tâm y tế còn chậm so với kế hoạch; tính đến ngày 28-05-2010, chỉ mới có 2/6 trạm y tế xã, phường xây dựng theo chuẩn quốc gia được nghiệm thu.