Phía Đông Sơn Dương giáp với tỉnh Thái Nguyên; phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ; phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc; phía Bắc giáp huyện Yên Sơn.
Địa hình Sơn Dương có đặc thù của vùng chuyển tiếp giữa trung du và miền núi, rừng núi chiếm 3/4 diện tích đất tự nhiên. Địa hình chia thành 2 vùng, vùng phía Bắc huyện có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, xen lẫn núi đá vôi; vùng phía Nam có địa hình đồi núi bát úp, có độ dốc thấp, thoải dần.
Chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa đông hanh khô, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22 - 240c (cao nhất từ 33 - 350c, thấp nhất từ 12 - 130c). Lượng mưa bình quân hàng năm 1.500mm - 1.800mm. Trên điạ bàn huyện có 2 con sông lớn chảy qua là sông Lô và sông Phó Đáy, ngoài ra còn hệ thống suối, khe, lạch tạo nguồn nước phong phú, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Ở Sơn Dương đã phát hiện 12 điểm có quặng thiếc, tổng trữ lượng cả quặng gốc và quặng sa khoáng đạt xấp xỉ 28.239 tấn SnO2; quặng Barit có các điểm thăm dò gồm: Ao Sen, Hang Lương, Thiện Kế, Ngòi Thia, Đùng Bùng; cao lanh – fenspat có rải rác ở Hào Phú (trữ lượng dự báo 1,411 triệu tấn) và Vân Sơn; ngoài ra còn có mỏ chì - kẽm …
Toàn huyện hiện có 47.172,6 ha đất lâm nghiệp, chiếm 59,86 % tổng diện tích tự nhiên, diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 37.311 ha. Trong đó diện tích rừng trồng: 20.320 ha chiếm 54,5 % diện tích; diện tích rừng tự nhiên 16.991 ha, chiếm 45,5 % diện tích. Độ che phủ của rừng đạt 52 %.
|
Chăm sóc vườn cây giống ở Sơn Dương. Ảnh: baotuyenquang. |
Đất đai ở Sơn Dương thích hợp cho việc trồng các loại cây như chè, mía, cây nguyên liệu giấy, các loại cây ăn quả như nhãn, vải…và chăn nuôi bò thịt.
Sơn Dương cũng là nơi tập trung các cơ sở chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng như: quặng thiếc, quặng Volfam, fenspat, Barit; khai thác đá, sỏi, cát, sản xuất gạch đất sét nung, sản xuất vôi bột… Ngoài ra còn có các cơ sở chế biến chè, đường, phân vi sinh và các ngành tiểu thủ công nghiệp như may mặc, gò hàn, sản xuất đồ mộc gia dụng.
Sơn Dương có 2 tuyến đường bộ quan trọng là quốc lộ 37 từ Thái Nguyên đi qua huyện Sơn Dương và quốc lộ 2C từ thị xã Vĩnh Yên lên Sơn Dương.
Diện tích: 789,3km2
Dân số: 165.300 người (2004)
Mật độ dân số: 209 người/km2
Bao gồm thị trấn Sơn Dương và 32 xã: Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Thượng Ấm, Tú Thịnh, Minh Thanh, Trung Yên, Tân Trào, Bình Yên, Lương Thiện, Hợp Thành, Kháng Nhật, Phúc Ứng, Hợp Hoà, Thiện Kế, Ninh Lai, Sơn Nam, Tuân Lộ, Thanh Phát, Đông Thọ, Quyết Thắng, Đồng Quý, Vân Sơn, Văn Phú, Đông Lợi, Phú Lương, Hồng Lạc, Hào Phú, Sầm Dương, Lâm Xuyên, Tam Đa và Đại Phú.
Sơn Dương là nơi sinh sống của 10 dân tộc gồm: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Hoa, H’ Mông, Sán Dìu, Mường, Ngán.
Dân tộc Tày, Dao ở Sơn Dương thường làm nhà bằng thân cây mai, cây vầu, cây tre. Mái nhà khá dốc, kéo dài từ đỉnh nóc xoè gần kín thân nhà chính, bà con thường làm nhà sàn hay nhà đất hoặc nửa sàn nửa đất nhưng điểm chung là có rất nhiều sàn gác ở trên cao để đồ đạc hoặc làm kho chứa đồ.
Nếu là nhà sàn, tường thường được làm bằng ván gỗ, phên vách nứa hoặc cây mai, vầu ken dày. Nếu là nhà đất, tường được làm bằng vách nứa đập dập trộn hỗn hợp rơm, bùn, trấu rồi trát lên cốt tre.
Người Sán Dìu ở Sơn Dương thường làm nhà gỗ truyền thống 5 gian, trong nhà lúc nào cũng có nồi cháo quanh bếp lửa, người Sán Dìu có lối hát soọng cô rất độc đáo.
Hiện tại, Sơn Dương đang xây dựng làng văn hoá du lịch của người Sán Dìu kết hợp với du lịch sinh thái mạo hiểm của vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Sơn Dương có nhiều khu di tích lịch sử nổi tiếng như: khu di tích lịch sử Tân Trào – ATK; cụm di tích Bác Tôn; Ban thường trực Quốc Hội; mặt trận liên Việt ở xã Trung Yên; đình Hồng Thái; lán Nà Lừa; làng Sảo; cụm 43 điểm di tích tại xã Tân Trào; cụm di tích phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên; cụm di tích Nha Công an và các bộ ngành ở xã Minh Thanh.
Ngoài những di tích lịch sử, Sơn Dương còn có những thắng cảnh đẹp như thác Đát (suối Tiên) xã Hợp Hoà, thác Cao Ngỗi xã Đông Lợi.
Khi đến thác Đát, du khách có cơ hội thưởng thức những món đặc sản như cá phèo, cá quy, ếch ảng....
Sơn Dương phấn đấu đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 12%.
Công nghiệp, thủ công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 37%, nông- lâm nghiệp đạt 36%, các ngành dịch vụ, thương mại đạt 27%.
Diện tích trồng rừng tập trung 4.000 ha, độ che phủ của rừng trên 55%.
Quy hoạch ổn định vùng chè thâm canh 1.500 ha, năng suất bình quân 10 tấn/ha.
Quy hoạch vùng mía nguyên liệu trên 4.000 ha, năng suất bình quân trên 60 tấn/ha.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 có hướng phát triển khu du lịch sử- văn hoá ở Sơn Dương gồm toàn bộ các di tích lịch sử cách mạng, văn hoá ở khu Tân Trào-ATK tại các xã Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Bình Yên, Hợp Thành, Tú Thịnh.