Sân chim Bạc Liêu
Địa chỉ hiện nay
phường Nhà Mát - thị xã Bạc Liêu - tỉnh Bạc Liêu
Sân chim nằm ở phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm thị xã khoảng 6 km về phía biển Đông. Từ thị xã Bạc Liêu đi theo đường Cao Văn Lầu, sau đó rẽ phải sang kênh 30/4 là đến sân chim. Nằm trên tuyến đường du lịch: trung tâm thị xã - sân chim - vườn nhãn - bãi biển, ngoài ý nghĩa du lịch, sân chim Bạc Liêu còn có ý nghĩa về nghiên cứu khoa học, giáo dục sinh thái và giá trị nhân văn.
|
Cổng vào sân chim - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Hàng trăm năm trước, nơi đây là thảm rừng ngập mặn ven biển rất phong phú và đa dạng với hệ sinh thái tự nhiên. Do sự bồi tụ phù sa, sân chim ngày càng xa biển. Vào năm 1962, sân chim được một hộ dân quản lý, chăm sóc bảo vệ và khai thác chim non. Sau đó, chính quyền địa phương đã tiếp nhận quản lý và đầu tư. Sau ngày miền Nam giải phóng, sân chim Bạc Liêu bị khai hoang hàng trăm ha để cấy lúa.
Năm 1987, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) nhiên Sân chim Bạc Liêu được thành lập trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Minh Hải. Sau khi Minh Hải tách ra thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, Ban Quản lý Khu BTTN Sân chim Bạc Liêu được thành lập thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Năm 1997, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư cho Khu BTTN Sân chim Bạc Liêu với diện tích 127 ha, tất cả diện tích này đều có rừng che phủ.
Năm 1989, Quỹ Brehm của Cộng hoà Liên bang Đức hỗ trợ giúp 7.000 USD để xây dựng cơ sở vật chất và quy hoạch lại sân chim. Được sự giúp sức của Phân viện điều tra quy hoạch rừng, thị xã Bạc Liêu lập dự án rồi tiến hành đào ao lưu niên tạo ra vùng đầm lầy cư trú để tăng cường tính đa dạng sinh học của các loài chim, trồng nhiều loại cây ngập nước thích hợp, phát triển rừng để chim về làm tổ, xây dựng các chòi quan sát bảo vệ chăm sóc sân chim và tiến hành nghiên cứu đặc tính sinh lý các loài chim.
Năm 1996, nhà nước cấp 200 triệu VNĐ cho vườn chim để đào đê bao ngăn xung quanh 130 ha, đào ao nước mặn và nước ngọt cũng như hệ thống kênh mương với mục đích tạo lại vùng sinh thái ngập nước quanh năm để tôm cá sinh sôi làm mồi cho chim ...Kết quả là chim đã ở vườn trong thời gian kéo dài đến 9 tháng và lượng chim tăng chưa từng thấy, ước tính đến 70.000 con. Qua khảo sát các nhà khoa học đã đánh giá rằng có sự hiện diện của 17 loài chim lớn gồm có 3 loại cốc, 3 loài bồ nông, 4 loài cò trắng, 2 loài cò quắm và một số còng cọc, chim bạc má... Ngoài ra còn có rất nhiều loài chim nhỏ như chim sẻ, chim chích, chim cu gáy. Năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp Sân chim Bạc Liêu vào hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam để bảo tồn loài và bảo tồn nơi cư trú. Tỉnh Bạc Liêu đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái vườn chim.
Khu BTTN Sân chim Bạc Liêu là sân chim lớn nhất ở lưu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Thảm thực vật trong khu vực có một số diện tích nhỏ rừng ngập mặn, trong đó ưu thế thuộc về các loài cóc vàng - lumnitzera racemosa và chà là - phoenix paludosa; rừng trồng gồm các loài: tra - thespesia populnea và keo lá tràm - acacia auriculiformis được trồng rải rác xen giữa các loài cây bụi wedelia biflora. Ngoài ra, trong khu vực có các trảng cỏ ngập nước theo mùa phân bố thành những mảng nhỏ.
Hiện nay, hệ sinh thái sân chim Bạc Liêu có diện tích khoảng 385 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh. Đây là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, với số lượng khoảng 60.000 con. Trong đó có một số loài chim được ghi vào sách Đỏ như giang sen, cốc đế nhỏ… Ngoài ra, còn có nhiều loài chim nước như: le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen và nhiều loài chim khác. Hệ thực vật phong phú với 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ. Hệ động vật bao gồm 150 loài, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, 8 loài bò sát và một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện tính đa dạng sinh học cao rất cần được bảo tồn và phát triển. Sân chim cũng là nơi trú ẩn tạm thời của những loài chim di cư từ khắp mọi miền, vào mùa mưa, từ tháng 5 đến hết tháng 10, chúng ghé lại đây, làm tổ trên những tán cây để sinh sản. Khi mùa xuân đến, chúng bay đi nơi khác sinh sống.
Những tác động của người dân địa phương tới khu bảo tồn thiên nhiên tương đối lớn. Từ năm 1997, một số hộ trong vùng đệm phá ruộng lên vuông tôm và trúng đậm. Thế là chỉ trong vòng 6 năm, 258 ha vùng đệm của vườn chim được chuyển sang thành đầm nuôi tôm. Vùng đệm – “lớp áo” bảo vệ sân chim Bạc Liêu, ngăn cách cái ồn ào náo nhiệt, giữ môi trường sinh sống của chim - đã không còn. Nhà ở, vuông tôm sát mé sân chim nên bao nhiêu rác thải cũng được vô tư trút vào bìa rừng, làm ô nhiễm sân chim.
Đầu năm 2001, sân chim đã phải đóng cửa để giải quyết việc vùng đệm bị xâm phạm. Tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Ban Chỉ đạo 1054, chuyên xử lý các ảnh hưởng bất lợi tới sân chim. Sau nhiều lần khảo sát và bàn bạc phương án, cuối tháng 10-2003, UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trương tổ chức lại sản xuất ở khu vực vùng đệm theo hình thức nuôi tôm kết hợp với ruộng lúa, vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm giảm tác động đến môi trường, bảo vệ sân chim; giải tỏa nhà ở trong vùng đệm, lập khu tái định cư mới ngoài vùng đệm để trả lại vẻ hoang sơ cho sân chim.
Ngày 23-08-2008, tại vườn chim Bạc Liêu, người ta phát hiện có nhiều chim chết không rõ nguyên nhân, nhiều nhất là loại chim còng cọc, bình quân chết 20 con/ngày. Chi cục Thú y Bạc Liêu đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Thú y vùng VII xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh tả gà (bệnh newcastle). Vườn chim đã tạm thời đóng cửa để phun thuốc diệt trùng.
Năm 2009, Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CH Liên bang Đức (BMU) thông qua Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức tại Việt Nam (GTZ) tài trợ 1,6 triệu Euro cho dự án Quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ven biển tỉnh Bạc Liêu. Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện trong 33 tháng tại 3 huyện Hoà Bình, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu, hướng tới cải thiện chức năng sinh thái của rừng ven biển và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư trong khu vực. Nhiều giải pháp sẽ được thực hiện như khôi phục hệ thống rừng ven biển và đa dạng sinh học, bảo tồn sân chim Bạc Liêu, xây dựng những chương trình giúp dân cư ven biển có thu nhập cao hơn, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.