Ngôi mộ Phan Đình Phùng tọa lạc trên đồi Châu Phong, tức núi Son thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Phan Đình Phùng (18471895), quê làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1877, ông thi đỗ đình nguyên đồng tiến sĩ, được bổ tri phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm sau, ông được về kinh nhậm chức Ngự sử Đô sát viện. Năm 1883, vì thẳng thắn lên án Tôn Thất Thuyết gây chuyện phế lập vua Dục Đức, vua Hiệp Hoà, ông bị đuổi về làng, lập trại cày, hiệu là Châu Phong.
Khi vua Hàm Nghi ra Tân Sở lập căn cứ kháng Pháp, ông lại cùng với Tôn Thất Thuyết tập hợp nghĩa quân lập căn cứ ở vùng núi Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tin dùng tướng trẻ Cao Thắng, lập xưởng chế tạo vũ khí, đánh thắng Pháp nhiều trận. Khởi nghĩa Phan Đình Phùng, trở thành một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất của phong trào Cần Vương.
Ngày 28/12/1895, sau 10 năm kháng chiến không mệt mỏi, Phan Đình Phùng lâm bệnh và qua đời tại núi Quạt, hưởng dương 48 tuổi. Sau khi ông mất, cuộc khởi nghĩa cũng bị đàn áp. Mộ ông có từ cuối thế kỷ XIX. Đầu năm 1965, được tôn tạo như hiện nay gồm: mộ và bia.
Mộ nằm giữa đỉnh đồi theo hướng Đông - Tây, bao bọc bởi 2 lớp tường cách nhau 2,5m, tường trong cao 0,3m, tường ngoài cao 0,8m. Khu vực mộ gồm hai bộ phận, mộ ở gần đỉnh đồi và bia ở bậc dưới. Từ bia lên mộ phải bước qua hàng chục bậc đá.
Mộ ghép bằng đá Thanh Hoá màu xanh, hình vuông, dài 5,28m. Đỉnh mộ cao, tạo hình chóp nón, trên có hình bông sen. Mặt trước thân mộ được tạo hình vòm cuốn lõm làm bia mộ, khắc hai dòng chữ: “Phan Đình Phùng – 1847- 1895”. Phía trước, có lư hương cũng chạm bằng đá. Mộ được bao hai lớp tường thấp bằng đá ong, bờ tường trong cao 0,30 m, tường ngoài cao 0,8 m, tạo nên vẻ trang nghiêm.
Về ngôi mộ, có hai thuyết lưu truyền là:
- Đây là ngôi mộ tượng trưng, vì sau khi ông mất, mộ được chôn ở rú Quạt, bị Nguyễn Thân phát hiện được, sai đào về, đốt thi hài và lấy tro nhồi vào thuốc súng bắn xuống sông La. Nhân dân thương tiếc ông, đắp mộ tượng trưng trên núi để tỏ lòng tôn kính.
- Sau khi thi hài ông bị đốt, nhân dân đã thu thập được ít tro. Có người còn nói rằng: “Cái xác bị đốt là xác của một người khác; còn thi hài cụ Phan thì người ta đưa về mai táng trên núi”.
Các thuyết trên đều không thể xác minh được, nhưng xu hướng chung đều cho đây là mộ tượng trưng.
Bia cũng bằng đá Thanh Hoá, cao 1,59m, rộng 0,95m, dày 0,12m, trán bia có hình bán nguyệt. Mặt trước và mặt sau bia có hình hổ phù. Riềm bia khắc hoa văn mây, lá. Văn bia bằng chữ quốc ngữ, do Trần Huy Liệu soạn. Nội dung văn bia nói về thân thế, sự nghiệp Phan Đình Phùng và đánh giá phong trào Cần Vương cứu quốc do ông lãnh đạo.
Khu mộ Phan Đình Phùng được xếp hạng Di tích Danh nhân Lịch sử ngày 23/12/1995.