Khu di tích Phồn Xương
Địa chỉ hiện nay
Tân Hiệp - Yên Thế - Bắc Giang
Vị trí
Di tích lịch sử tại xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Sự kiện
Đồn Phồn Xương, là đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế hồi cuối thế kỷ 19. Khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ vào ngày 16/3/1884. Khi ấy, Yên Thế là huyện bao gồm địa dư của hai huyện Tân Yên và Yên Thế ngày nay. Đó là một huyện nằm tiếp giáp ba tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Là vùng đất bán sơn địa. Rừng núi đồng bằng, đều rất có vị thế về mặt chiến lược. Thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa này, ban đầu là Lương Văn Nắm, tức Đề Nắm, sau này là Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám. Đây là phong trào khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử dân tộc ta chống Pháp, mà khi nói tới Bắc Giang không mấy ai là không nói tới cuộc khởi nghĩa Yên Thế, nói tới Hoàng Hoa Thám.
Khu di tích có diện tích chừng hơn 5ha, trên khoảng sân rộng, có tường bao quanh.Trước đây, là khu vực chính của căn cứ Phồn Xương, tượng đài chân dung cụ Hoàng Hoa Thám cao 7m, sừng sững trên đồi cao. Phía trước tuợng đài, là chùa Thề, nơi nghĩa quân Yên Thế thường làm lễ tuyên thệ trước khi ra trận. Liền sau tượng đài, là cột “Hoàng nghĩa kỳ” và mô hình hai khẩu súng thần công, vũ khí của nghĩa quân bấy giờ. Cạnh đó, là khu đồn phụ mà thành luỹ đã được tái hiện để có thể thấy được những dấu tích về nghĩa quân Yên Thế.
Tại căn cứ Phồn Xương, năm xưa nghĩa quân vừa cày ruộng, vừa luyện tập quân sự, tích luỹ lương thực, rèn, sắm vũ khí. Đây cũng là nơi nghĩa quân tiếp đón các anh hùng nghĩa sĩ từ bốn phương tìm tới, như các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên, Kỳ Đồng… để bàn việc đánh giặc cứu nước. Dưới bóng cây giữa hai khu đồn chính và đồn phụ, là phần mộ bà Hoàng Thị Thế-con gái cụ Đề Thám. Có thể nói, toàn bộ quần thể kiến trúc ở đây, mang đến cho người xem một ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc về con người và vùng quê mà chiến công đã đi vào lịch sử.
Lễ hội
Hằng năm, vào ngày 16/3, người dân Yên Thế, tưng bừng tổ chức lễ hội với các nghi thức long trọng và các hoạt động văn hoá -thể thao-du lịch để kỷ niệm ngày nghĩa quân Yên Thế mở cuộc tấn công thắng lợi đầu tiên. Vào ngày này, từ tờ mờ đất, khắp các ngả đường trong vùng Yên Thế, Tân Yên, người người kéo nhau đi hội. Từng đoàn, từng tốp... tưng bừng phấn khởi, chật cả đường đi. Tại khu tập kết, các đoàn tham gia lễ hội quần áo chỉnh tề, hoá trang... sẵn sàng chờ giờ xuất phát hành lễ.
Tiếp đó, lễ diễu hành qua kỳ đài được cử hành để bắt đầu cho lễ hội Yên Thế. Đây là cuộc biểu dương sức mạnh, biểu dương sự uy nghi, đẹp đẽ và cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở lên sôi động nhất. Các đoàn quân lần lượt tiến qua lễ đài, với biểu tượng và trang phục riêng của mình trong tiếng trống, tiếng chiêng ngân vàng trong núi rừng Yên Thế.
Ngay sau lễ diễu hành, các trò vui được tổ chức ở nhiều địa điểm. Học sinh các trường, thi cắm trại ở sườn đồi đối diện khu đồn Phồn Xương. Sới vật được mở ra và bắt đầu trong khu vực đền Thề. Các đô vật lên làm lễ xe đài và vào trận thi đấu. Các đội văn nghệ, văn công chuyên nghiệp cũng mở màn biểu diễn ban ngày cho bà con xem. Các môn thi đấu thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu quay, mô tô bay... Cứ như thế, chỗ nào trong khu vực Phồn Xương, cũng thu hút rất đông người xem và tham dự. Trong khu đền Thề, chùa Lèo, đền thờ Bà Ba Đề Thám, các cụ, các già, các vãi dâng hương lễ Phật, lễ đền. Người ra, người vào không lúc nào ngơi. Khu nhà trưng bày về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, cũng đã mở cửa phục vụ nhân dân các nơi đến hội.
Lễ hội này, ngoài các nội dung trên, còn có những hình khác mới được bổ sung thêm vào từng năm như tổ chức diễu ngựa từ đình Hả - Tân Trung (Tân Yên) lên Phồn Xương, rước từ Nhã Nam vào tham dự. Tổ chức tiết mục “Trai Cầu Vồng Yên Thế gặp gái Nội Duệ, Cầu Lim”, tiết mục lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám... các tiết mục này, đã làm cho nội dung của lễ hội mỗi ngày một phong phú và có nét đẹp, nét mới.