<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Di chỉ Phùng Nguyên

Vị trí

Di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên, nằm trên hai gò đất: Gò Ếch và Gò Nhà Gĩa trong cánh đồng Dộc Chầu, thuộc thôn Phùng Nguyên (tên cũ là Cổ Nhuế - tên Việt Cổ là Kẻ Noi), xã Kinh Kệ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, nay thuộc xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Quá trình khảo sát

Di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên, được phát hiện năm 1959, nghiên cứu thực địa nhiều lần và khai quật ba lần chính (1959, 1961, 1968) với tổng diện tích gần 4000m2. Nhìn chung tầng văn hoá có bốn lớp: lớp một: đất canh tác từ 0,10m – 0,20m. Lớp hai: đất phù sa trắng mịn dày từ 0,05m – 0,10m. Lớp ba: đất phù sa lẫn gỉ sỏi và than tro dày 0,10m – 0,30m. Lớp bốn: đất sét mịn màu vàng nhạt, dày khoảng 2,50m. Di vật làm lộ ra qua các lần khai quật là các vệt đất màu xám trắng, các hố đất đen, với hàng mấy ngàn hố như vậy.

Di vật trong di chỉ này rất phong phú, tổng số hơn 2000 đồ đá, gần 200 đồ gốm nguyên, hơn 10 vạn mảnh gốm, hàng mấy trăm hòn cuội tự nhiên. Đồ đá có: công cụ sản xuất – vũ khí, gồm  rìu  có vai,  rìu  có mấu,  rìu  tứ giác (chiếm số lượng hơn 1100 tiêu bản  rìu  các loại), đục 59 chiếc, dao cưa, mũi lao – mũi giáo, mũi tên, mũi nhọn, chày nghiền, hòn kê, bàn mài, bàn dập; đồ trang sức có: hơn 500 mảnh vòng đá đủ kích cỡ, khuyên tai, hạt chuỗi và các đồ trang sức khác; ngoài ra đồ đá còn một số loại hình khác như lõi vòng, đá hình chữ nhật mài xung quanh, thỏi đá mài nhẵn, phác vật  rìu , mảnh tước, mảnh đá và hòn cuội; Nguyên liệu đá phong phú, gồm các loại: Xpilit, ămphibolit, nêphôrít, quacdit, sa thạch phenxpat với kỹ thuật từ ghè đẽo đến khoan, tiện, cưa và mài đá đạt trình độ điêu luyện.

Đồ gốm ở đây, cũng phong phú về hình loại có: nồi, bình, bát, vật hình nuôi, dọi xe sợi, bi gốm, chạc gốm, (một công cụ dùng để giữ - ủ lửa), gốm có gốm thô (gốm đen, gốm đỏ), gốm mịn làm bằng bàn xoay là chủ yếu và lò nung đạt hơn 6000- 7000. Đặc biệt, là hoa văn trên gốm Phùng Nguyên đạt đến trình độ tuyệt diệu trong sáng tạo các án hoa văn trang trí, từ văn thừng, văn chải, văn in, văn đắp thêm, văn đan đến văn khắc vạch chấm dải, phức tạp, đồ án đối xứng sinh động. Đây là đỉnh cao của nghề gốm nguyên thuỷ ở nước ta. Ngoài ra ở đây, còn có công cụ bằng xương như mũi nhọn.

Niên đại và sự phân bố

Di chỉ Phùng Nguyên, có niên đại khoảng đầu thiên niên kỷ II trước Công Nguyên. Vì tính chất đại biểu của khảo cổ học Phùng Nguyên, do đó, các di chỉ được phát hiện sau Phùng Nguyên, có tính chất như Phùng Nguyên, được xếp vào cùng loại hình và gọi là văn hoá khảo cổ học Phùng Nguyên.

Văn hoá khảo cổ học Phùng Nguyên, không chỉ phân bố ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, mà còn phân bố rộng khắp đồng bằng trung du Bắc Bộ, và tính đến đầu những năm 80, có 52 di chỉ thuộc văn hoá khảo cổ học Phùng Nguyên, mà nhiều nhất tập trung ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nội, Hà Bắc.

 


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt