Tháp Pô Nagar
Địa chỉ hiện nay
Vĩnh Phước - Thành phố Nha Trang - Khánh Hoà
Tháp Bà Pô Nagar ở phía Bắc cửa sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Tháp được xây dựng trên một khoảng đất khá bằng phẳng, rộng rãi của một quả đồi đá hoa cương, cao trên 10m so với mặt nước biển. Bên trái có một xóm Chài, gọi là xóm Bóng - tương truyền, đây là nơi đào tạo các trinh nữ cho múa bóng và những ngày tế lễ trên Tháp Bà.
Tháp do người Chăm xây dựng, để thờ nữ vương Pô Nagar - còn gọi là Yan Pu Nagara, Pô Ino Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana). Theo truyền thuyết của người Ấn Độ, bà là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, là người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo.
Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Pô Yan Amo, là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó, có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay: Pô Nagar Dara, nữ thần Kauthara; Pô Rarai Anaih, nữ thần Panduranga và Pô Bia Tikuk, nữ thần Manthit.
Tương truyền, tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm, không có quần áo. Pô Nagar hiện nay, được người Việt Nam sử dụng, nhưng đã cho nữ thần ăn mặc theo kiểu Phật. Ngoài ra, trong khu vực tháp còn có tháp thờ một số vị thần khác.
Xưa quần thể Tháp Bà có 6 ngôi tháp thờ và một số công trình phù trợ. Đến nay, quần thể di tích này, chỉ còn lại 4 tháp và 2 hàng cột lớn xây bằng gạch ở dưới chân đồi, phân bố thành 3 tầng kiến trúc.
Ở tầng trên cùng là hai dãy tháp, xung quanh có tường bao, hiện nay chỉ còn dấu tích tường xưa ở phía Tây và Nam. Dãy tháp thứ nhất, từ Bắc xuống Nam, gồm ngôi tháp chính thờ bà Pô Nagar, ngôi tháp có đỉnh nhọn tương truyền là nơi thờ thái tử Bắc Hải, kế đến là ngôi miếu nhỏ thờ ông bà lão trồng dưa. Dãy tháp thứ hai, hiện chỉ còn một ngôi tháp dài mái hình cong như yên ngựa, tương truyền là nơi thờ hai người con của bà Pô Nagar.
Ở tầng thứ 2 hiện còn hai dãy cột chính gồm 10 cột bằng gạch hình bát giác, đường kính hơn 1m và cao khoảng 3m. Bao quanh đó là hai hàng cột nhỏ thấp hơn bằng gạch và có hình bát giác. Toàn bộ hệ thống cột được dựng trên một nền gạch hình chữ nhật cao hơn 1m.
Tầng dưới cùng liên thông với tầng thứ 2 bằng một dãy cầu thang ở phía Đông. Ở đây có một ngôi tháp cổng, nay đã không còn.
Về nguyên liệu, tất cả tháp này được xây bằng gạch với những trang trí nghệ thuật bằng các chất liệu đá - gốm, đồng thời, nội dung thể hiện cũng được gắn liền với các vị thần được thờ ở đây. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá được thể hiện các chủ đề khác nhau theo tôn giáo Bà-la-môn như các pho tượng tròn trong tháp (hiện đang trưng bày tại Viện Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, là những tác phẩm nghệ thuật gắn liền với khu đền tháp, tạo thành một trong những mảng đẹp nhất của nghệ thuật Việt Nam. Cho dù có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng các nghệ nhân Chăm đã có rất nhiều sáng tạo trong cách thể hiện, góp phần đưa nghệ thuật Chăm có một vị trí xứng đáng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Hàng năm, lễ hội vía Bà được tổ chức vào ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch. Vào ngày này, các tín đồ cả người Chăm và người Việt, từ khắp nơi hành hương về tháp dâng bông, hoa quả và những điệu múa bóng cho Bà. Tháp Bà Pônagar còn là nơi tham quan du lịch vì đây là quần thể Tháp còn nguyên về giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, về lịch sử, dân tộc học, khảo cổ và văn hóa dân gian...