<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Tỉnh Ninh Bình

Điều kiện tự nhiên

Vị trí

Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam của đồng bằng sông Hồng. Phía Bắc giáp các tỉnh Hà NamHòa Bình. Phía Tây giáp tỉnh Thanh Hóa. Phía Đông giáp Nam Định. Phía Nam giáp biển Đông. Tọa độ địa lí của Ninh Bình là 19055'39'' - 20026'25'' B, 105032'27'' - 106010'15'' Ð. Đây là tỉnh giàu về tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào. Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng kinh tế Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long và điều đó có tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế của tỉnh.

Ninh Bình nằm trên con đường giao thông huyết mạch (quốc lộ 1A) nối liền vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Đây còn là cửa ngõ giao lưu của các tỉnh phía Nam với vùng Tây Bắc giàu tiềm năng về tài nguyên.

Địa hình

Địa hình Ninh Bình có hướng nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ vùng núi Nho Quan, Tam Điệp tới miền đồng bằng Hoa Lư, Yên Khánh rồi thấp dần ra vùng biển Kim Sơn. Đồng bằng chiếm phần lớn diện tích, vùng núi chỉ chiếm khoảng 20% diện tích toàn tỉnh.

Địa hình thấp, chia cắt bởi núi đá vôi từ phía Tây sông Đáy, phân chia thành ba vùng tương đối rõ nét. Vùng núi ở phía Tây bao gồm những dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bắt nguồn từ vùng rừng núi Hoà Bình chạy ra biển Đông, có nhiều hang động đẹp như: Bích Động, Tam Cốc, Địch Lộng, Xuyên Thuỷ Động, Bàn Long, Hoa SơnPhía Đông và Đông Bắc là vùng đồng chiêm trũng thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, được phù sa bồi đắp hàng năm, đồng bằng tiến ra biển từ 80-100m, tạo  nên vùng đất mới phì nhiêu, màu mỡ. Phía Nam là vùng đồng bằng ven biển Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn.

Khí hậu

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng nên Ninh Bình nằm trong đới khí hậu gió mùa chí tuyến á đới có mùa đông lạnh khô. Vùng cũng chịu ảnh hưởng gió mùa và  khí hậu ven biển. Lượng mưa trung bình hàng năm trên 1.800 mm nhưng phân bố không đều, tập trung 70% lượng mưa vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 9) mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Toàn vùng nhận được một lượng bức xạ mặt trời lớn với tổng xạ 110-120kcal/cm2/năm. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC, nhiệt độ trung bình thấp nhất (tháng 1) khoảng 13 – 15oC và cao nhất (tháng 7) khoảng 28,5oC. Tổng nhiệt hoạt động trong năm khoảng 85000C.

Khó khăn lớn nhất về mặt thời tiết đối với sản xuất của Ninh Bình là mùa mưa bão thường xảy ra úng lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. giao thông vận tải và sinh hoạt của nhân dân. Ngoài ra, Ninh Bình cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của một số ngày nắng nóng, khô kiểu gió Lào vào mùa hạ. ,

Sông ngòi

Hệ thống sông ngòi của Ninh Bình có mật độ khoảng 0,6 - 0,9 km/km2. Lượng nước của các sông khá dồi dào. Mạng lưới sông suối phân bố tương đối đều, gồm hàng chục con sông lớn nhỏ với chiều dài khoảng 1000km. Con sông lớn nhất tỉnh là sông Đáy, chảy từ phía Đông vòng xuống phía Nam ra biển Đông. Các phụ lưu có sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Vân, sông Càn, sông Vạc, sông Lạng, sông Bến Đang. Những sông này có độ sâu trung bình trên 1m và độ rộng lòng sông trên 10m.

Độ dốc chung của sông ngòi rất nhỏ, dòng sông uốn khúc quanh co. Các sông lớn thường chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra biển.

Sông Hoàng Long và sông Đáy là đường thủy quan trọng nhất, nối liền các vùng trong tỉnh với nhau và mở rộng giao lưu với các tỉnh xung quanh, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Hồng.

Ngoài hệ thống sông, Ninh Bình còn có nhiều hồ, đầm như đầm Cút (Gia Viễn), hồ Thường Sung, hồ Đồng Liêm (Nho Quan)... Các hồ đều có cảnh quan đẹp, nằm ngay các chân núi đá vôi nên thuận lợi cho việc phát triển du lịch.

Tài nguyên thiên nhiên

- Đất

Ninh Bình có gần 14.000 ha diện tích đất tự nhiên, bao gồm các loại: đất phù sa mới, đất phù sa cũ, đất chua, đất mặn. Trong đó, đất nông nghiệp (đất phù sa) chiếm tỉ trọng lớn nhất với 6.900 ha, chiếm 46,5% diện tích đất tự nhiên. 

- Rừng

Diện tích rừng của Ninh Bình chủ yếu trong khu Vườn Quốc gia Cúc Phương với diện tích lên đến 25.000 ha. Đây là một khu rừng nguyên sinh độc đáo, là cơ sở nghiên cứu khoa học về thực vật, động vật và lâm học nhiệt đới. Rừng ở đây thuộc loại rừng mưa nhiệt đới điển hình với cấu trúc thảm thực vật nhiều tầng (5 tầng) trong đó có 3 tầng cây gỗ. Tổng trữ lượng gỗ ước khoảng 1,1 triệu m3. Ngoài ra, Ninh Bình còn có một số ít diện tích rừng trồng, chủ yếu thuộc đối tượng rừng phòng hộ mới triễn khai.

- Khoáng sản

Ninh Bình có nhiều loại khoáng sản, nhưng đáng kể nhất là đá vôi. Tỉnh có nhiều núi đá vôi với diện tích 1,2 vạn ha, trữ lượng hàng chục tỉ mét khối và hàng chục triệu tấn đôlômít chất lượng tốt. Đây là nguồn nguyên liệu lớn cho sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và một số hóa chất. Ngoài ra, Ninh Bình còn có đất sét, phân bố rải rác ở các vùng núi thấp thuộc thị xã Tam Điệp, các huyện Gia Viễn, Yên Mô, dùng để sản xuất gạch ngói và là nguyên liệu cho ngành đúc. Than bùn có trữ lượng 2 triệu tấn/năm, phân bố ở Gia Sơn, Sơn Hà (Nho Quan) dùng để sản xuất phân vi sinh.

Du lịch

Cùng với tiềm năng về công, nông, lâm nghiệp, Ninh Bình còn có thế mạnh phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Ninh Bình có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư (tại xã Trường Yên - Hoa Lư) - là kinh đô của Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, hiện nơi đây có đền thờ vua Đinh Tiên HoàngLê Đại Hành; khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (tại xã Ninh Hải - Hoa Lư)  từng được phong là “Nam thiên đệ nhị động" hay "Vịnh Hạ Long cạn"; Vườn Quốc gia Cúc Phương (thuộc huyện Nho Quan) với diện tích rừng nguyên sinh khoảng 25.000 ha, có nhiều động thực vật quý hiếm, có cây Chò ngàn năm tuổi, có động Người xưa; khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, động Vân Trình, nước nóng Kênh Gà, khu hang động Tràng An, Nhà thờ đá Phát Diệm, khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, khu phòng tuyến Biện Sơn - Tam Điệp....

Đặc sản

Cũng như các miền quê khác trên đất nước Việt Nam, Ninh Bình với truyền thống lịch sử văn hoá từ hàng ngàn năm cũng là vùng đất sản sinh ra nhiều món ăn đặc sản mang hương vị riêng, không ở đâu có được. Đối với những người con Ninh Bình xa xứ, những món ăn này khiến họ không thể nào quên được quê hương.

  • Mắm tép Gia Viễn  

  • Cơm cháy Ninh Bình

  • Rượu cần Nho Quan

  • Rượu Lai Thành

  • Nem Yên Mạc (Yên Mô)

Hành chính và các đơn vị trực thuộc

Ninh Bình nguyên là đất phủ Trường Yên vào đời nhà Lý. Trải qua lịch sử và biết bao thăng trầm, tỉnh đã nhiều lần tách nhập, đổi tên. Đến tháng 12/1975, Ninh Bình được sáp nhập với tỉnh Nam Hà thành Hà Nam Ninh. Năm 1992, Ninh Bình được tách ra riêng với 2 thị xã, 6 huyện gồm 125 xã và 11 phường, thị trấn. Ninh Bình có tỉnh lị nằm ngay trên quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam. Thị xã Tam Điệp chạy dài dọc theo quốc lộ 1A, là cửa ngõ của Ninh Bình sang thành phố Thanh Hóa. Hiện nay, Ninh Bình có tỉnh lị là thành phố Ninh Bình. Các đơn vị hành chính còn lại là thị xã Tam Điệp và 6 huyện bao gồm Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô

Lịch sử hình thành và phát triển

Tên gọi Ninh Bình chính thức có từ năm 1822 (năm Minh Mạng thứ ba). Trước đó, nơi đây là một vùng đất cổ, dấu tích con người còn lưu lại ở các di chỉ Thung Lang (Tam Điệp) có niên đại 3 vạn năm; ở hang Đăng Đắng (Cúc Phương) cách ngày nay 7.000 - 8.000 năm.

Miền đất này đời Tần (255-207 trước Công nguyên) thuộc Tượng quận. Trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 2 dưới đời nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ, đời Ngô và đời Tấn thuộc Giao Châu, đến cuối đời Lương là châu Trường Yên cũng thuộc Giao Châu.

Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên triều Đinh (968-980) đóng đô ở Hoa Lư thì đất này gọi là châu Đại Hoàng của nước Đại Cồ Việt. Đến đời Tiền Lê gọi là châu Trường Yên. Đời nhà Lý gọi là phủ Trường Yên, sau gọi là châu Đại Hoàng, nước Đại Việt. Đầu đời Trần gọi là lộ, sau đổi là trấn Trường Yên. Năm Quang Thái thứ 10 đời Trần Thuận Tông, đổi thành Trấn Thiên Quan. Thời kỳ thuộc Minh gọi là châu Trường Yên.

Đến triều Lê vẫn theo như đời Trần trước. Đời Thiệu Bình dưới triều Lê Thái Tông chia làm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan thuộc về trấn Thanh Hoa. Đời Hồng Đức, Lê Thánh Tông cho nhập 2 phủ ấy vào Sơn Nam Thừa Tuyên. Đời nhà Mạc gọi 2 phủ này là Thanh Hoa ngoại trấn ngăn cách với Thanh Hoa nội trấn bởi dãy núi Tam Điệp. Sau khi nhà Mạc bị diệt, nhà Lê đem 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan nhập vào Thanh Hoa gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Thời Tây Sơn cũng gọi là Thanh Hoa ngoại trấn thuộc Bắc thành.

Dưới triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 5 (1806) đổi Thanh Hoa ngoại trấn gọi là đạo Thanh Bình, vẫn thuộc trấn Thanh Hoa. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi tên đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình. Địa danh Ninh Bình có từ đó, nhưng vẫn là một Đạo thuộc trấn Thanh Hoa. Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829) mới chính thức đổi làm trấn Ninh Bình, đặt các quan cai trị là Trấn thủ, Hiệp trấn và Tham hiệp như các Trấn khác nằm trong Bắc thành.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình và bỏ tổng trấn Bắc thành theo chương trình cải cách hành chính của Minh Mạng. Tỉnh Ninh Bình dưới triều Nguyễn có 2 phủ gồm 7 huyện: Phủ Yên Khánh gồm 4 huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn và Kim Sơn. Phủ Thiên Quan gồm 3 huyện Phụng Hóa, Yên Hóa và Yên Lạc.

Sau Cách mạng tháng 8 (1945), Ninh Bình mang tên là tỉnh Hoa Lư trong một thời gian ngắn. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, Ninh Bình hợp với tỉnh Nam Hà (gồm Nam Định và Hà Nam) thành tỉnh Hà Nam Ninh. Tháng 12/1991, tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình như cũ. Từ đó địa giới hành chính của tỉnh Ninh Bình được ổn định đến nay.

Giáo dục

Từ khi tách tỉnh đến nay, điểm nổi bật nhất trong việc phát triển giáo dục, đào tạo của Ninh Bình là công tác phổ cập giáo dục. Từ năm 1995, Ninh Bình đã được công nhận là tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, Năm 2002, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và năm 2003 được công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục trung học đào tạo, có 7/8 huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trường học cao tầng, kiên cố; 3 trường mầm non, 106 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh cũng thường xuyên có những lớp chăm lo, đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học.

Kinh tế

Ninh Bình ưu tiên cho việc phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng, đá, gạch. Bên cạnh đó, điạ phương còn phát triển đa dạng ngành kinh tế thuỷ sản, trong đó nuôi thuỷ, hải sản là trọng tâm. Với các khu du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt khu cố đô Hoa Lư, Tam CốcBích Động là thế mạnh của tỉnh trong phát triển du lịch.

Kinh tế Ninh Bình đang trên đà phát triển khá thuận lợi, các chỉ số phát triển năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2002 so với năm 1992 (năm đầu tái lập tỉnh), nhịp độ tăng trưởng GDP gấp 2,4 lần, bình quân tăng 10,4%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 2 lần; công nghiệp tăng gấp 3 lần; thu ngân sách tăng gấp 6 lần; vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 40 lần...

Về nông nghiệp, hiện toàn tỉnh đang sử dụng 66,3 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 47,14% đất tự nhiên. Tuy nhiên, quỹ đất này không đồng đều giữa các vùng đồng bằng và miền núi. Trong khu vực đồng bằng sông Hồng, quỹ đất của Ninh Bình là cao nhất. Thế nhưng trên thực tế, hiện nay bình quân đất nông nghiệp đã sử dụng tính trên đầu người thấp hơn khả năng rất nhiều. Ngoài ra, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn khi diện tích đất nhiễm mặn và núi đá vôi chiếm diện tích không nhỏ. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp thì tỉnh đã từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu, tạo thế cân đối giữa trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.

Về công nghiệp,  toàn bộ các ngành công nghiệp quan trọng đều do công nghiệp trung ương nắm giữ như điện, hóa chất, phân bón, sản phẩm phi kim loại, khai thác đá... Công nghiệp quốc doanh địa phương gồm các ngành chế biến kim loại, sản xuất máy móc thiết bị...

Về dịch vụ, dịch vụ giao thông vận tải ngày càng phát triển do lợi thế là trung tâm, đầu mối giao thương với các tỉnh trong Nam ngoài Bắc. Mặt khác, hoạt động thương mại của tỉnh cũng ngày càng phát triển và thu hút nguồn lao động đáng kể. Du lịch trong tỉnh phát triển với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, điển hình là các hang động như Tam Cốc, Bích Động..., Vườn Quốc gia Cúc Phương, quần thể di tích Hoa Lư, quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm.

Nói chung, Ninh Bình là tỉnh có xuất phát điểm thấp hơn các tỉnh trong khu vực nhưng trong những nằm gần đây, kinh tế Ninh Bình liên tục tăng trưởng ở mức cao. Năm 2005, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 41/42, năm 2006 vươn lên xếp 18/64 và năm 2007 xếp thứ 24/64, đứng thứ 5 toàn miền Bắc. Năm 2007, Ninh Bình cũng là một trong những tỉnh có vốn đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam, xếp thứ 13/64.

Năm 2007, thu nhập ngân sách toàn tỉnh đạt 1.140 tỉ đồng, đứng thứ 26/64 tỉnh thành trong khi diện tích xếp thứ 56/64 và dân số xếp thứ 43/64 so với toàn quốc. Cơ cấu kinh tế trong GDP năm 2007 : công nghiệp - xây dựng : 40%; nông, lâm - ngư nghiệp : 26%; dịch vụ : 34%.

Văn hóa

Ninh Bình là quê hương của những người tài hoa, nổi tiếng như: Đinh Công Trứ, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trương Hán Siêu, Nguyễn Thị Niên, Bùi Văn Khuê, Phạm Nhật Duật, Vũ Phạm Khải, Vũ Duy Thanh. Ninh Bình còn là vùng đất với nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc như: lễ hội cố đô Hoa Lư, hội đền Thái Vi, hội chùa Bái Đình, hội báo bản Nộn Khê, hồi đền La, hội làng Yên Vệ, hội chùa Địch Lộng.

Giao thông

Trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10; quốc lộ 12B và đường sắt Bắc Nam chạy qua cùng hệ thống sông ngòi dày đặc như: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Càn, sông Vạc, Sông Vân...tạo thành mạng lưới giao thông thuỷ, bộ rất thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Quốc lộ 1A từ Phủ Lý  vào qua cầu Khuất đến thành phố Ninh Bình thì gặp đường xe lửa từ Nam Định sang, rồi cùng chạy song song qua đèo Tam Điệp vào Thanh Hoá. Quốc lộ 10 từ Nam Định đi vào thành phố Ninh Bình gặp quốc lộ 1A, rồi rẽ trái sang hướng Đông Nam, đi qua địa bàn các huyện Yên Khánh, Kim Sơn rồi ngoặc xuống phía  Nam vào huyện Nga Sơn của tỉnh Thanh Hoá. Quốc lộ 12B xuất phát từ điểm giao nhau với quốc lộ 1A tại thị xã Tam Điệp rồi đi ngược lên hướng Tây Bắc, qua địa bàn huyện Nho Quan, lên tỉnh Hoà Bình. Quốc lộ 45 từ Thanh Hoá đi qua huyện Nho Quan gặp quốc lộ 12B.

Nói chung, giao thông của tỉnh có nhiều thuận lợi, các loại hình phong phú, đa dạng nhằm phát huy cao nhất về lợi thế ngã ba giao thương kinh tế của mình.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt