<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Vua Minh Mạng

Tiểu sử
 

Vua Minh Mạng - Ảnh tư liệu

Minh Mạng (明命) là vua thứ hai triều Nguyễn, con thứ vua Gia Long, tên huý là Nguyễn Phúc Đảm (阮 福 膽), còn có tên khác là Nguyễn Phúc Kiểu (阮 福 皦), miếu hiệu là Thánh tổ. Khi lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Mạng.

Năm Canh Thìn (1820), vua Gia Long mất, ông nối ngôi. Tuy là con thứ nhưng Hoàng tử Cảnh đã chết năm 1801, mà Gia Long lại thương ông hơn con Hoàng tử Cảnh (theo lệ, lẽ ra con Hoàng tử Cảnh sẽ nối ngôi). Lê Văn Duyệt phản đối việc này cho nên sau này khi lên ngôi ông rất ghét Lê Văn Duyệt.

Minh Mạng là một ông vua thông minh, hiếu học và cả quyết, mọi việc trong nước đều phải thông qua ông thể hiện tính cách tập trung quyền hành ở trung ương. Minh Mạng đặt ra lệ: các quan ai được thăng điện, bổ nhiệm … đều phải đến kinh đô gặp vua, để vua hỏi han công việc, kiểm tra năng lực và khuyên bảo… Cuối đời ông, trong nước có nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại chính quyền tập quyền của ông.

Là người tinh thông Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh, Minh Mạng rất quan tâm đến học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Năm 1821, vua cho dựng Quốc Tử Giám, đặt chức Tế Tửu và Tư Nghiệp, mở lại thi Hội và thi Đình, trước 6 năm một khoa thi nay rút xuống 3 năm.

Ông đã có những cải đổi lớn lao các định chế công quyền, hành chính, pháp luật, thuế khóa, đinh điền, tu soạn sử sách địa lý và lập các cơ sở dưỡng tế. Vua cho cải đổi cơ cấu triều đình thành Nội các với Lục bộ và Cơ mật viện, đổi trấn thành tỉnh và chia vị trí đất nước thành 31 tỉnh.

Đồng thời ông cũng là người quan tâm đến võ bị, nhất là thủy quân, ông cho người tìm hiểu cách đóng tàu của Châu Âu và ước vọng làm sao cho người Việt đóng được tàu kiểu Tây Âu và biết lái tàu vượt đại dương. Ông cho chỉnh đốn và hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc Bộ, đặt quan khuyến nông, khai hoang ven biển Bắc Bộ.

Năm 1822 -1835, Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Nông Văn Vân, khởi nghĩa chống triều Nguyễn tại các vùng Thượng du và Trung du Bắc Bộ, quân triều phải gian nan lắm mới dẹp được.

Năm Quý Tỵ (1833), ở miền Nam nghĩa quân của Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An, giết Bạch Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Quế, Minh Mạng phải chống đỡ một thời gian dài mới bình định được Nam Kì. Và cũng thời điểm này ông đã cho cải cách nền hành chánh thống nhất từ địa phương đến trung ương, cho thành lập các tỉnh trong toàn quốc.

Về đối ngoại: ông đặc biệt chú ý thần phục nhà Thanh nhưng lại lạnh nhạt và nghi kỵ đối với các nước phương Tây do vậy đã kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Trong cuộc đời làm vua của mình, ông đã giết hại nhiều công thần nhất là vụ án Lê Văn Duyệt, Lê Chất... tuy rằng khi ấy các nhân vật này đã chết từ lâu. Chính Minh Mạng và cận thần đã thi hành bản án đối với hai công thần trên khiến nhiều người yêu công lí phải phẫn nộ.

Nơi mộ của họ sau đã bị san bằng đều có bia ghi:

“Chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt thụ (phục) pháp”.

“Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp”.

Ông mất năm Canh Tý (1840), thọ 51 tuổi. Miếu hiệu là Thánh Tổ Nhân hoàng đế. Lăng của Minh Mạng là Hiếu Lăng, tại làng An Bằng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Được thờ ở Tả Nhất Án Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.

Trong đời sống riêng tư, Minh Mạng nổi tiếng là người có sức khoẻ cường tráng của đàn ông với câu nói: “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”. Cho đến nay, không có tài liệu cho biết chân dung và thể lực của ông như thế nào, chỉ biết ông có nhiều vợ và rất đông các phi tần. Có một bài thuốc bổ dương mang tên "Minh Mạng thang" được thầy thuốc căn cứ vào thể chất và sinh hoạt của ông để lập ra thang thuốc rượu. Hoàng hậu của vua Minh Mạng là Tả Thiên Nhơn Hoàng Hậu huý Hồ Thị Hoa. Minh Mạng đã có tới 142 người con, gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa.

Ngoài ra, Minh Mạng còn là một tác giả lớn với nhiều tác phẩm mang tính sử học.

Tác phẩm
 

  • Ngự chế thi sơ tập

  • Ngự chế thi nhị tập

  • Ngự chế thi tam tập

  • Ngự chế thi tứ tập

  • Ngự chế văn sơ tập

  • Ngự chế văn nhị tập

  • Minh Mạng chiếu dụ

  • Ngự chế tiễu bình Bắc Kì nghịch phỉ thi tập

  • Ngự chế tiễu bình Nam Kì nghịch phỉ thi tập

  • Minh Mạng chánh yếu.

  • Ngự chế Tiễu bình Nam Kì nghịch phỉ thi tập (1 quyển) do chính vua Minh Mạng soạn nói về việc tiễu trừ cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định.

Tập thơ này gồm 34 bài, làm trong dịp quân triều đình đàn áp cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, và đánh quân xâm lược Tiêm La ở Nam Kì, v.v... Những bài thơ này đã được in trong Minh Mạng ngự chế thi tập và trong quyển thủ, sách Khâm định tiễu bình lưỡng kì nghịch phỉ phương lược chính biên sau đem in riêng để phổ biến.

Đầu sách có tờ mặt, trang trước đề tên sách như trên; trang sau có 2 dấu đỏ, mỗi dấu 4 chữ: 1. Thế thiên hành kiện; 2. Minh Mạng thần hàn. Thứ đến mục lục; sau cùng có bài bạt của Nội các, kí tên: Hà Tông Quyền và Hoàng Quýnh đề năm Minh Mạng thứ 16 (1835).

  • Ngự chế Tiễu bình Bắc Kì nghịch phỉ thi tập (1 quyển) cũng do chính vua Minh Mạng biên soạn về việc quân triều đình trấn áp các cuộc nổi dậy ở miền Bắc.

Đây là tập thơ gồm 39 bài, làm trong dịp đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Kì: Lê Duy Lương, Nông Văn Vân v.v... Những bài thơ này đã được in trong Minh Mạng ngự chế thi tập và trong quyển thủ, sách Khâm định tiễu bình lưỡng kì nghịch phỉ phương lược chính biên sau đem in riêng để phổ biến.

Đầu sách có tờ mặt, trang trước đề tên sách như trên, trang sau có 2 dấu đỏ vuông mỗi dấu 4 chữ: 1. Thể thiên hành kiện; 2. Minh Mạng thần hàn. Thứ đến mục lục; sau cũng có bài bạt của Nội các, kí tên: Hà Tông Quyền và Hoàng Quýnh đề năm Minh Mạng thứ 16 (1835).

  • Minh Mạng chánh yếu (26 quyển) là một bộ sử lớn do vua Minh Mạng ra lệnh cho các sử thần trong Quốc sử quán biên soạn về những việc quan trọng trong triều đại mình. Sách gồm các việc thiết yếu như: sinh hoạt cung đình, hình luật, ngoại giao, trị an, khẩn hoang...

Quyển đầu: viết về những chính sách thiết yếu đời Minh Mạng lần lượt được phụng tấu do chính vua phê chuẩn như sau:

Ngày tháng năm niên hiệu Minh Mạng năm thứ mười tám, Hà Tông Quyền và các vị Đại thần khác trong Cơ mật viện đã dâng sớ tâu rằng:

“Chính sự thi hành phải có giềng mối, có pháp độ, có thể chế công bằng và ngay thẳng. Nếu giữ vững được yếu chỉ ấy thì chẳng phải khó nhọc bao nhiêu mà trị đạo thành công.

Đời xưa như nhà Đường, nhà Ngu đã từng làm ra thiên Điển, thiên Mô; nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu thì có thiên Huấn, thiên Cáo những giềng mối lớn của trị pháp đã rõ ràng, có thể noi theo vậy.

Tiếp đến đời sau, chính yếu nhà Đường trong những năm Trinh Quán, Khai Nguyên nhà Tống ba triều có bảo huấn mọi thiên, xem đó cũng đủ thấy rõ trị thể của một thời đại.

Nay kính vâng ý chỉ đức Hoàng thượng muốn trau dồi chính sự cho ngày càng thêm mới, trăm pháp độ đều sửa sang; mà cầu giềng mối then chốt mọi việc ấy thì cốt ở kính vâng mệnh trời, bắt chước tổ siêng năng việc chính trị, yêu mến người dân, bớt việc binh, giảm việc hình, cầu người hiền tài, xét đặt quan lại, trọng việc nông, chuộng tiết kiệm cùng những việc đắp xây thành lũy để bảo vệ cõi bờ. Kể từ triều Minh Mạng năm đầu đến nay đã có mười tám năm, trị thể thuần hóa rõ ràng hơn đời trước. Xin phái những bản ghi chú trong những lúc khởi, cử, động, tác, chia loại vựng đính thành một bộ, nhan đề là “Minh Mạng chính yếu toàn thư”, chúng tôi lần lượt sửa sang, khi sách đã thành xin giao cho thợ khắc và ấn hành, để phổ biến trong thiên hạ, truyền lại đời sau, khiến cho ai nấy đều biết rằng: thể yếu trị nước bình thiên hạ, là đầu mối bởi ở đây, đã dâng sớ và được phụng chuẩn, lấy nơi tả Đãi lậu viện nơi hội biện.

Lại vâng Thánh thượng dụ rằng: “Trẫm xem hộ chính yếu đời Trinh Quán đã chép, có nói rộng đến cả việc nhà Tùy vào những năm Vũ Đức. Nay bộ “Minh Mạng chánh yếu” chỉ nên chép thực, không nên chuộng hư văn, phàm những việc thuộc triều đại Gia Long, và không liên quan đến chính thể, chỉ nên chép sơ lược mà thôi. Kính vâng lấy lời này!

Ngày tháng chín năm thứ mười chín, vâng thánh chỉ dụ rằng: “Chánh yếu là đại yếu của chính thể vậy. Phàm những việc lớn thì nên chép rõ, còn những việc nhỏ chỉ chép lược mà thôi. Những điều khoản tương tự nên chép thành một thiên phụ ở sau. Vả chăng việc làm sách nên theo sử chép, phân chú hợp tả, tùy thế mà chuyển bút. Nếu không phân biệt rõ rệt, thì thành ra phức tạp. Kính vâng lấy lời này!”

Ngày tháng tám năm thứ hai mươi mốt kính dâng dạng bản tiến trình, vâng thánh chỉ dụ rằng: “Trẫm xem trong bộ Chánh yếu, nhiều chỗ nói phiền toái quá, chủ yếu chỉ có nghĩa là tóm tắt đại yếu mà thôi. Nay mỗi việc mỗi chép đầy đủ thì đó là việc làm sử vậy. Kính vâng lấy lời này!”

Ngày tháng mười, niên hiệu Thiệu Trị năm đầu mới đặt các quan nội thuộc sử quán; vâng thượng dụ: “Cho lấy Quốc sử quán làm nơi biên tập. Kính vâng lấy điều này!”

Các quan trong Sử quán phúc tấu rằng: “Năm Minh Mạng thứ mười tám, được phê chuẩn cho biên tập, đến năm thứ hai mươi mốt thì đã biên thành, vâng giao lại khảo duyệt và nhuận sắc thêm. Đến đời Thiệu Trị năm đầu, vâng chỉ dụ lại mở Sử quán, và đặt sử quan, nên dạng bản bộ chánh yếu cũng đã giao sang Sử quán tu soạn. Khi ấy các vị trong Sử quán thương lượng rằng: Bộ Minh Mạng chánh yếu với bộ Thực lục chánh biên đệ nhị kỉ, cả hai bộ cùng trong ngoài bổ túc lẫn nhau, chờ khi bộ Chánh biên đệ nhị kỉ thành rồi, sẽ biên tập bộ chánh yếu, để so sánh hai bên, ngõ hầu khỏi sai lầm, vì vậy trước đây chưa giao cho vị nào chuyên trách. Ngày tháng ba năm ngoái, bộ Thực lục chánh biên đệ nhị kỉ đã hoàn tất, các vị sử thần trong Sử quán là các ông Tô Trân mới đưa dạng bản bộ Minh Mạng chánh yếu, cùng bản thảo tục biên, chiếu theo bộ Thực lục sửa chữa thêm bớt, tập hợp thành bảy mục là: “Kính thiên, pháp tổ, đôn thân, thể thần, cầu hiền, kiến quan, lễ nhạc”. Ngoài ra hiện đương lần lượt ghi chép thêm.

Ngày tháng ba năm thứ hai mươi sáu, các vị sử thần trong Sử quán tâu xin chiếu ngày tháng năm năm thứ mười ba, bộ Thực lục đệ nhị kỉ đã biên thành, các sử thần đương thời trong bộ toản tu cùng hội ý biên tập bộ Chánh yếu. Nay kính dâng lên, để vâng kiểm duyệt. Trong bộ này có chỗ nào thiếu sót sai lầm đã được sửa đổi, thể theo nguyên bản, cùng bộ Thực lục tham chiếu, không chút sai lầm. Kính xin theo chỉ dụ cứ thực biên chép thành sách, tóm tắt những nét đại yếu. Mỗi mục, ở bên dưới đều có hợp thành “Cẩn án” một thiên, cũng đều kính cẩn vâng theo nghĩa lệ trong bộ Thực lục chép ra, một phàm lệ, một tổng mục, một tiến thư biểu, tinh tả nguyên biểu tiến trình. Trông đợi Hoàng đế giám định. Kính phụng châu phê rằng: “Bộ Thực lục đã rõ rệt đầy đủ, thì bộ chánh yếu chỉ trích ra những văn kiện thiết yếu, tường hay lược, không phương hại gì, nên bớt những lời văn phù phiếm. Kính vâng lấy điều này!”

(Phương Phủ dịch)


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt