Nguyễn Hành
Quê quán
xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh (làng Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - trấn Nghệ An)
Tên khác
Nguyễn Đạm
Tử Kính
Nam Thúc
Nam Song
Tâm Trai
Ngọ Nam
Nhật Nam
Danh sĩ Nguyễn Hành (阮衡), tự Tử Kính, hiệu Nam Thúc, biệt hiệu Nam Song, lại có hiệu là Tâm Trai, Ngọ Nam, Nhật Nam, cũng có tên khác nữa là Đạm, nên cũng gọi là Nguyễn Đạm. Ông sinh năm Tân Mão (1771), được ấm phong là Hành Nhạc Bá. Ông là con Nguyễn Điều, cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An (nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Ông nổi tiếng văn chương, cùng với chú là Nguyễn Du là hai trong số năm nhà văn thời ấy được xưng tặng là “An Nam ngũ tuyệt”. Dù sống trong cảnh nghèo túng nhưng ông là người có quan điểm “Trung hiếu chi gia ninh sự nhị” (Dòng nhà trung hiếu không thể thờ hai vua). Ông trung thành với nhà Hậu Lê, không cộng tác với nhà Tây Sơn và sau đó càng cự tuyệt không phục vụ nhà Nguyễn, cam sống thanh bần, ẩn dật ở quê nhà.
Ngày 23-11 năm Giáp Thân (1824), ông mất tại Thăng Long, hưởng dương 53 tuổi.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc cho biết tuy phần lớn sáng tác thơ của Nguyễn Hành ra đời dưới thời Nguyễn, nhưng ông vẫn viết rất nhiều về thời Tây Sơn.
Thơ văn Nguyễn Hành viết về thiên nhiên, về con người có nhiều bài mang ý nghĩa triết lý sâu xa về cuộc đời. Về sáng tác ông có để lại 2 tập thơ và một quyển ký, tất cả đều bằng chữ Hán.
Quan Đông hải là di thảo của Nguyễn Hành. Trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có 3 bản viết tay, mang ký hiệu A.1530, Vhv.1444, Vhv.81. Xét về nội dung của 3 văn bản này thì người ta có thể thấy được chúng tương tự nhau, có lẽ chúng được chép ra từ một bản gốc. Quan Đông Hải không chỉ là một tập thơ, xen kẽ thơ còn có những bài tựa như: Vô ẩn lục tự, Lạc sinh tâm đắc tập tự... Những bài bạt như: Đẩu số thư bạt, Nghệ An phong thổ ký bạt... Những bài ký như: Đồng xuân ngẫu ký, Nam song ký... hay những bài phú như: Loạn thế độc thư cao phú, Đạo ngộ Bái công phú... Những sáng tác của ông trong Quan Đông hải cho ta thấy được phần nào chí khí và hoài bão của ông.
Nguyễn Ngọc Nhuận đã nhận xét về ông như sau: “Ông sống trong giai đoạn xã hội đầy tao loạn, cảnh đời đầy sự trớ trêu, Nguyễn Hành muốn đi tới cũng không được, muốn ở ẩn cũng không xong. Bởi thế ông đã gửi gắm tâm sự trong những trang thơ, văn và hằng mong người đời phần nào hiểu, thông cảm với mình. Từ trong tâm thức, Nguyễn Hành khát khao làm được điều gì có ích cho đời, như ông từng viết trong câu kết của bài "Kê minh phú" (Phú gà gáy): "Phượng hoàng cao bay, hạc đỗ nơi xa thẳm, đàn sắt đàn cầm, tiếng chuông tiếng trống, vui mà không dâm. Thức tỉnh người đời, răn đe thói tục, trọng ở tiếng vang dài. Ta nghĩ người xưa, thực thấy thoải mái trong lòng". Đó cũng là khát vọng của kẻ sĩ xưa nay”. – Nguyễn Hành và tập Quan Đông hải – Nguyễn Ngọc Nhuận – Viện nghiên cứu Hán Nôm.