Ngô Đức Kế là chí sĩ Việt Nam, hiệu Tập Xuyên, sinh năm Mậu Dần (1878), quê làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Con quan Tham tri Ngô Huệ Liên.
Năm Tân Sửu 1901, ông đỗ tiến sĩ, không ra làm quan, liên kết đồng chí hoạt động cách mạng. Cùng với Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Hân lập “Triêu Dương thương điếm” ở Vinh theo sáng kiến của Phan Bội Châu, buôn bán hàng nội, trợ cấp kinh phí, liên kết các đồng chí cho phong trào Đông du.
Năm Mậu Thân (1908), ông bị bắt đày ra Côn Đảo với nhiều đồng chí, đến năm 1921 mới được trả tự do.
Từ năm 1922, ông làm báo Hữu Thanh ở Hà Nội và nhiệt tình hoạt động văn hóa đấu tranh với các quan điểm sai trái của tạp chí “Nam Phong”, là người đầu tiên vạch trần âm mưu chính trị của tờ “Nam Phong”, nổi tiếng với bài “Nền quốc văn mới” và “Luận về chánh học cùng tà thuyết”, trực diện công kích văn hoá nô dịch của thực dân Pháp và phong trào sùng bái “Truyện Kiều” do Phạm Quỳnh đề xướng. Báo bị đóng cửa, Ngô Đức Kế mở Giác quần thư xã vào năm 1926.
Năm Kỷ Tỵ (1929), ngày 10-12 dương lịch ông mất, hưởng dương 51 tuổi. Huỳnh Thúc Kháng điếu ông bằng một đôi câu đối tuyệt tác:
撐 場 塊 磊 無 數 未 成 書 亞 魄 歐 魂 傳 到 偉 人 翻 絕 筆
拷 目 河 山 己 多 不 實 果 蘇 旃 管 帽 歌 來 正 氣 涌 潮 音
Phiên âm
Xanh trường khối lỗi, vô số vị thành thư, Á phách Âu hồn, truyện đáo vĩ nhân phiên tuyệt bút;
Khảo mục hà sơn, kỉ đa bất thực quả, Tô chiên Quản mão, ca lai chính khí dũng triều âm.
Huỳnh Thúc Kháng dịch luôn ra Việt văn:
Ngổn ngang gò đống, bao nhiêu bụng sách chép chưa xong, phách người Á mà hồn người Âu, đến chuyện vĩ nhân dừng ngọn bút;
Xơ xác non sông, những kẻ dư sinh còn được mấy, cờ họ Tô mà mão họ Quản, ngẫm bài chính khí dậy cơn dông.
Bài thơ “Hỏi Gia Long” sáng tác vào năm 1923 có thể nói là táo bạo nhất so với thơ văn đả kích châm biếm đương thời, đối tượng là Khải Định - vị đương kim hoàng thượng. Là người có nhiều uy tín với thanh niên trí thức những năm 20 thế kỉ 20.