<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Tỉnh Nam Định

 

Điều kiện tự nhiên

Vị trí

Nam Định là tỉnh nằm ở phía Đông Nam của  vùng đồng bằng sông Hồng. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Hà Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Thái Bình, ranh giới tự nhiên sông Hồng. Phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Ninh Bình, ranh giới là sông Đáy. Phía Nam và Đông giáp biển. Tỉnh nằm trong tọa độ 19o54’-20o40’ B và  105o55’-106o45’ Đ, cách Hà Nội khoảng 90km. Nam Định là tỉnh ở vị trí trung chuyển giữa bộ phận phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng và các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Địa hình

Nam Định là tỉnh nằm ở hạ lưu của hai con sông lớn là sông Hồngsông Đáy. Địa hình chủ yếu là đồng bằng ven biển. Phía Tây Bắc có một ít đồi núi thấp như: núi Gôi (Côi Sơn), núi Ngăm (Trang Nghiêm), núi Nề (Thanh Nê), núi Hồ (Hồ Sơn), núi Tiên Hương, núi Phương Nhi, núi Ngô Xá, núi Mai Sơn thuộc hai huyện Vụ Bản, Ý Yên. Đồi núi của Nam Định không cao và có dòng chảy của khe ngòi liền kề tạo nên cảnh non nước hữu tình. Phía Nam tỉnh được phù sa sông Hồng, sông Đáy bồi đắp nên miền đất này tương đối bằng phẳng, phì nhiêu.

Địa hình Nam Định thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Nhìn chung, có thể chia Nam Định thành 3 vùng: Vùng đồng bằng thấp trũng: gồm các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường. Vùng đồng bằng ven biển: gồm các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng; có bờ biển dài 72 km, đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp ven biển. Vùng trung tâm công nghiệp - dịch vụ: thành phố Nam Định. Nơi đây từng là một trong những trung tâm công nghiệp dệt của cả nước và là trung tâm thương mại - dịch vụ, cửa ngõ phía Nam của đồng bằng sông Hồng.

Khí hậu

Cũng như các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Định mang khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm với một mùa đông lạnh và một mùa hạ nóng ẩm, nhiều mưa. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 23-240C. Biên độ nhiệt trung bình trong năm khoảng 12,60C. Lượng mưa phân bố khá đều trên lãnh thổ, khoảng từ 1.750 - 1.800 mm. Mưa tập trung nhiều vào mùa hạ (nhất là các tháng 7-8-9), chiếm khoảng 70% lượng mưa cả năm. Mưa trong mùa đông thường là mưa nhỏ, mưa phùn. Tháng ít mưa nhất là tháng 1. Hằng năm, toàn tỉnh Nam Định  nhận được một lượng bức xạ phong phú 110-120kcal/cm2/năm, cán cân bức xạ cao trên 87 kcal/cm2/năm. Độ ẩm trung bình năm là 84%. Nhìn chung, khí hậu Nam Định có các chỉ số cao về độ ẩm, ánh sáng và ít có sự phân hóa theo lãnh thổ. Đặc điểm khí hậu này thích hợp với việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi và các hoạt động du lịch.

Sông ngòi

Nam Định có hệ thống sông ngòi dày đặc. Nhìn chung, các sông đều chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ ra biển. Các sông chảy qua địa phận Nam Định phần lớn đều thuộc hạ lưu nên lòng sông thường rộng và không sâu lắm, có quá trình bồi đắp phù sa ở cửa sông. Chịu ảnh hưởng của đặc điểm địa hình và khí hậu nên chế độ nước sông chia làm hai mùa rõ rệt : mùa lũ và mùa cạn. Vào mùa lũ, lưu lượng nước sông khá lớn, lại gặp lúc mưa to kéo dài, nếu không có hệ thống đê điều ngăn nước thì đồng bằng sẽ bị ngập lụt. Vào mùa cạn, lượng nước sông giảm nhiều, các sông chịu ảnh hưởng lớn của thủy triều, khiến cho vùng cửa sông bị nhiễm mặn.

Các sông lớn gồm có sông Nam Định (còn gọi là sông Đào), sông Ninh Cơ, sông Hồng. Ngoài ra, Nam Định còn có các mạng lưới sông nhỏ góp phần vào việc tưới tiêu và cung cấp nước dùng cho người dân địa phương. 

Tài nguyên thiên nhiên

- Đất 

Diện tích đất tự nhiên của Nam Định là 163.740,3 ha, bao gồm các loại: đất cát (ven sông và ven biển), đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất feralit, đất sỏi đá và đất mới biến đổi. Trong đó nguồn đất chủ yếu là đất dành cho nông nghiệp, chiếm khoảng 65%, đất chuyên dùng chiếm khoảng 15,4%, đất thổ cư chiếm khoảng 5,8%, đất lâm nghiệp chiếm khoảng 2,9%, còn lại là đất chưa sử dụng.

Hàng năm, vùng ven biển Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng được bồi tụ ra biển với tốc độ rất nhanh, bình quân mỗi năm tiến ra biển được 80 - 120 m và cứ sau 5 năm, diện tích đất của Nam Định có khả năng tăng thêm từ 1.500 - 2.000 ha.

Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của tỉnh Nam Định rất thấp (550 m2), trong khi bình quân chung của cả nước là 1.120 m2. Tuy nhiên, đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng tạo cho đất nông nghiệp của tỉnh có khả năng thâm canh cao, nhất là cây lúa và các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày.

- Rừng

Toàn tỉnh có hơn 4.723 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ ở các huyện ven biển để chắn sóng bảo vệ đê biển, ở các đồi trọc thuộc huyện Ý Yên, Vụ Bản và các bãi bồi ven biển.

- Khoáng sản

Khoáng sản của Nam Định nghèo cả về chủng loại lẫn trữ lượng. Nam Định có một số loại khoáng sản như:

  • Nhiên liệu: than nâu ở Giao Thuỷ, được phát triển dưới dạng mỏ nhỏ và nằm sâu dưới lòng đất; dầu mỏ và khí đốt ở thềm lục địa Giao Thuỷ.

  • Kim loại: có các vành phân tán Inmenit, Ziarcon, mônazit, mới chỉ tìm kiếm và phát hiện tại Hải Hậu và Nghĩa Hưng, có quy mô nhỏ. Ngoài ra, còn có quặng titan, zicôn phân bố dưới dạng “vết”, trữ lượng ít.

  • Nguyên liệu sét: bao gồm sét làm gốm sứ phân bố tại núi Phương Nhi đã được khai thác phục vụ xí nghiệp gốm sứ Bảo Đài; sét gạch ngói nằm rải rác ở các bãi ven sông như Đồng Côi (Nam Trực), trữ lượng 2 triệu tấn; Sa Cao (Xuân Trường) trữ lượng 5 – 10 triệu tấn; Hoành Lâm (Giao Thuỷ)…, sét làm bột màu có ở Nam Hồng (Nam Trực).

Du lịch

Nam Định là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và văn hóa và những danh lam thắng cảnh đẹp, tạo thành nhiều quần thể du lịch hấp dẫn du khách.

Di tích

Danh thắng

Làng nghề

Đặc sản

  • Bánh gai

  • Bánh nhãn

  • Bánh đậu xanh

  • Bún chả

Hành chính và các đơn vị trực thuộc

Tỉnh lỵ: thành phố Nam Định

Bao gồm: thành phố Nam Định và 9 huyện là: huyện Giao Thuỷ, huyện Hải Hậu, huyện Mỹ Lộc, huyện Nam Trực, huyện Nghĩa Hưng, huyện Trực Ninh, huyện Vụ Bản, huyện Xuân Trường, huyện Ý Yên.

Lịch sử hình thành và phát triển

Nam Định là một trong những trung tâm của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, cư dân tụ họp về đây sinh sống từ rất lâu đời. Các di chỉ khảo cổ học Núi Lê, hang Lỗ Xá, Tam Thanh, huyện Vụ Bản; núi Hổ Sơn, xã Liên Minh; núi Thái, xã Kim Thái cho thấy, người Việt đã có mặt tại vùng đất này từ khoảng 5.000 năm trước.

Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, từ thời nhà Lý, triều đình đã coi vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng này là một vựa lúa, lập hai hành cung để đôn đốc việc cày cấy. Đó là hành cung Lý Nhân (xưa là Lợi Nhân) và hành cung Ứng Phong (nay là Nghĩa Hưng). Hai vựa lúa này trước nộp lương thực về Thăng Long, sau đều dồn về phủ Thiên Trường (từ khi có quân doanh Vị Hoàng).

Theo Đại Nam nhất thống chí: Phủ Thiên Trường xưa (phủ hiểu theo phủ, huyện) là Hải Thanh. Trần Thái Tông đổi là Thiên Thanh, Trần Thánh Tông đổi là Thiên Trường. Sau lại chia làm ba lộ: Kiến Xương, An Tiêm, Hoàng Giang. Thời thuộc Minh, vùng đất này được chia làm 3 phủ: Trấn Nam, Phụng Hoá, Kiến Bình.

Đời Hồng Đức nhà Lê, lộ Thiên Trường được đổi làm thừa tuyên Sơn Nam, một đơn vị hành chính quản 11 phủ, 12 huyện. Thủ phủ của Sơn Nam được đóng tại Vân Sàng, tức Ninh Bình. Đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 năm 1741, vùng đất này thuộc lộ Sơn Nam Hạ. Đời Tây Sơn, gọi là trấn Sơn Nam.

Đến nhà Nguyễn, thủ phủ trấn Sơn Nam đã dời từ Vân Sàng (tỉnh Ninh Bình) trở về Vị Hoàng. Năm 1804, vua Gia Long cho đắp một toà thành bằng đất "trên địa hạt làng Vị Xuyên và Năng Tĩnh thuộc huyện Mỹ Lộc". Năm Minh Mạng thứ 3, trấn Sơn Nam đổi là trấn Nam Định thống lĩnh cả Hưng Yên. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) vua Minh Mạng đổi trấn Sơn Nam thành tỉnh Nam Định thống lĩnh hạt Ninh Bình. Năm 1832 tỉnh Nam Định4 phủ, 18 huyện, bao gồm phần đất tỉnh Thái Bình hiện nay. Năm 1890, Thái Bình tách ra thành tỉnh riêng. Nam Định còn lại 2 phủ và 9 huyện.

Từ năm 1926, tỉnh Nam Định có 2 phủ và 7 huyện, 78 tổng, 708 xã (phủ là cấp trung gian, tương đương với cấp huyện). Riêng thành phố Nam Định có 10 phường. Đến những năm 1930, địa giới hành chính của tỉnh Nam Định không có nhiều thay đổi.

Sau Cách  mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh luôn có sự thay đổi. Năm 1953, 7 xã ở phía Bắc sông Đào thuộc huyện Nghĩa Hưng được cắt nhập vào huyện Ý Yên. Đồng thời, 3 huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên nhập vào tỉnh Hà Nam. Đến tháng 4/1956, 03 huyện này lại được cắt trả cho Nam Định. Tháng 5/1965, Nam Định hợp nhất với Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Cuối năm 1967, huyện Giao Thuỷ và huyện Xuân Trường hợp thành huyện Xuân Thuỷ. Tháng 3/1968, 07 xã phía Nam sông Ninh Cơ thuộc huyện Trực Ninh nhập với huyện Hải Hậu, 2 huyện Trực Ninh, Nam Trực nhập thành huyện Nam Ninh.

Năm 1976, tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 1991, lại chia tách thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Tháng 11/1996, tách tỉnh Nam Hà để tái lập tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam. Sau đó, trong nội bộ tỉnh Nam Định, các huyện hợp nhất trước đây lại chia tách và tái lập như cũ, đó là: Xuân Trường, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nam Trực và tái lập huyện Mỹ Lộc (gồm 10 xã). Năm 1997, xã Nam Vân, Nam Phong được cắt nhập từ huyện Nam Trực về thành phố Nam Định. Như vậy, đến cuối thế kỷ XX, tỉnh Nam Định có 10 đơn vị hành chính, bao gồm: 1 thành phố và 9 huyện, 225 xã, phường, thị trấn.

Hiện nay, hành chính tỉnh Nam Định bao gồm thành phố Nam Định, 9 huyện với 9 thị trấn, 15 phường và 202 xã.

Xã hội

Dân cư

Dân số của Nam Định năm 2007 là 1.991.200 người, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 trong toàn quốc. Mật độ dân số là 1206 người/km2, là một trong những địa phương có mật độ dân số đông nhất nước. Tuy nhiên, dân cư phân bố không đều. Thành phố Nam Định là nơi có mật độ dân cư tập trung đông nhất và thưa thớt dần ở các huyện. Tuy nhiên, cũng có một số huyện có mật độ dân cư cao như Xuân Trường, Nam Trực... là những nơi có nền nông nghiệp phát triển mạnh, kết hợp với các nghề thủ công truyền thống. Tỉ lệ tăng dân số của Nam Định thấp trong đó tốc độ tăng cơ học là âm (do dân cư di chuyển về Hà Nội hoặc vào các tỉnh phía Nam).

Giáo dục

Từ nhiều thế kỷ trước, các vua Trần đã mở học hiệu ở làng Văn Hưng để đào tạo hiền tài cho đất nước. Liên tục 7 thế kỷ sau, trường thi Nam Định luôn sánh vai cùng với trường thi Hà Nội và các trường thi xứ Đông, xứ Đoài, xứ Thanh, xứ Nghệ,...làm rạng danh nền khoa bảng Việt Nam. Do đó, người xưa đã từng truyền tụng: "Bắc Kỳ đa sĩ, Nam Định vi ưu" (Bắc Kỳ có nhiều kẻ sĩ, riêng Nam Định nhiều hơn cả). Đó cũng là nền tảng của đất học - đất văn.

Năm 1999, toàn tỉnh có 575 trường phổ thông. 100% số xã có trường tiểu học và trung học cơ sở. Tổng số giáo viên phổ thông là 14.357 người. Số dân đi học tăng hàng năm là 5%. Hiện nay, con số này ngày càng phát triển và trong nhiều năm liền, Nam Định là một trong những tỉnh luôn đứng đầu toàn quốc về chất lượng dạy và học.

Y tế

Ngành y tế của Nam Định cũng có những bước phát triển mới : 100% số xã có trạm y tế. Cứ 1 vạn dân thì có khoảng 10 y, bác sĩ và 18 giường bệnh. Công tác truyền thông dân số - kế hoạch  hóa gia đình đạt kết quả tốt, tỉ lệ gia tăng tự nhiên chỉ còn 1,2%.

Kinh tế

Nam Định là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, nằm gần hành lang kinh tế duyên hải Bắc Bộ và chịu ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ẩm, rất thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, tạo điều kiện cung cấp nước, giao lưu buôn bán cũng như phát triển kinh tế biển.

Nam Định là một tỉnh có trên 22.000 ha diện tích mặt nước và trên 70 km bờ biển, có tiềm năng rất lớn về phát triển nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản.

Ngành công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản được coi là ngành công nghiệp trọng tâm nhằm phát huy lợi thế của ngành thuỷ sản với nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại địa phương.

Hiện nay, trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Nam Định đang hội tụ được cả hai lợi thế rất căn bản là kinh tế biển và công nghiệp dệt – may. Nam Định lại là nơi có nguồn lao động rất dồi dào và chất lượng lao động đang ngày một nâng cao cùng với sự nâng cao của trình độ văn hoá, học vấn, tay nghề và sự năng động, nhanh nhạy trong cơ chế thị trường. Nam Định có hướng đầu tư đúng và có chỉ số phát triển con người cao.

Tuy nhiên, Nam Định cũng có những khó khăn lớn khi chuyển sang nền kinh tế thị trường. Nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển công nghiệp nặng còn nghèo cả về số lượng và trữ lượng. Diện tích đất nông nghiệp ít, dân số đông trong khi nền kinh tế chưa có những bước phát triển vượt bậc, tạo nên sức ép về dân số, nhất là số người chưa có việc làm còn chiếm tỉ lệ lớn.

Văn hóa

Nam Định là một vùng văn hóa tiêu biểu và đặc sắc. Việc ăn, mặc, ở, đi lại của người Nam Định vừa là sự thích nghi, hòa đồng của con người với tự nhiên, vừa là sự tận dụng và khai thác của con người đối với môi trường tự nhiên ven sông, gần biển. Trên cái nền tín ngưỡng dân gian, của tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thành hoàng tại vùng phía Bắc của Nam Định, được quan niệm là một vùng “không gian thiêng” đã là nơi khởi phát và trở thành trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu và thờ Đức thánh Trần.

Vùng ven biển Nam Định lại là nơi đầu tiên tiếp nhận và sớm trở thành mảnh đất màu mỡ cho Thiên chúa giáo nẩy mầm, bén rễ, trở thành một trung tâm Thiên chúa giáo lớn. Cả Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và các tín ngưỡng dân gian khác đều song song tồn tại, phát triển, thậm chí có khi hoà đồng trong mỗi làng xã, mỗi gia đình, làm cho đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Nam Định thật phong phú và độc đáo.

Nam Định là mảnh đất "địa linh, nhân kiệt", nơi phát tích của triều Trần (thế kỷ XIII-XIV) và sinh dưỡng nhiều danh nhân, danh sĩ, võ tướng mà tên tuổi và sự nghiệp của họ đã được sử sách ghi công, nhân dân tôn thờ mà nổi bật nhất là Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Trong chế độ khoa bảng thời phong kiến, Nam Định có 5 trạng nguyên, 3 bảng nhãn, 3 thám hoa, 14 hoàng giáp, 62 tiến sĩ và phó bảng, riêng làng cổ Hành Thiện có 91 vị đỗ đại khoa và cử nhân. Trong đó, nổi danh là Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Đào Sử Tích, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo, Trần Bích San,..

Giao thông

Quốc lộ 10 nối liền  thành phố Nam Định với thành phố Thái Bìnhthành phố Ninh Bình. Quốc lộ 21 từ tỉnh Hà Nam đi qua  thành phố Nam Định và các huyện: Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu. Đường sắt Bắc Nam đi qua thành phố Nam Định và các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên. Ngoài ra còn có hệ thống tỉnh lộ ngang dọc nối liền các huyện trong tỉnh, đảm bảo giao thông thông suốt và thuận lợi.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt