<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Lai Vung

Tổng quan
 

Huyện phía Tây Nam của tỉnh Đồng Tháp; Bắc giáp huyện Lấp Vò cùng tỉnh; Nam giáp huyện Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long; Tây giáp sông Hậu, ngăn cách với thành phố Cần Thơ; Đông giáp thị xã Sa Đéchuyện Châu Thành cùng tỉnh. Về hành chánh, huyện bao gồm thị trấn Lai Vung và 11 xã là: Tân Phước, Long Hậu, Tân Dương, Hoà Thành, Hoà Long, Tân Thành, Long Thắng, Vĩnh Thới, Tân Hoà, Định Hoà, Phong Hoà.

Huyện nằm giữa sông Tiềnsông Hậu; liền kề với khu công nghiệp Sa Đéc, ngang khu công nghiệp Trà Nóc (thành phố Cần Thơ) và tiếp giáp với các trung tâm đô thị lớn của vùng như thành phố Cần Thơ, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang). Mạng lưới giao thông thủy bộ rất thuận lơi, đường huyện dài trên 100 km đã được trải nhựa, các tỉnh lộ 851, 852, 853 nối liền với quốc lộ 54 và 80.

Huyện có đặc sản nổi tiếng là quýt hồng và nem chua. Quýt hồng Lai Vung có màu đỏ vàng rất bắt mắt, vị chua ngọt đậm đà, hương thơm độc đáo, sản lượng ổn định 30.000 tấn/năm. Nem Lai Vung nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với các thương hiệu tên tuổi như: Chiến Ngoan, Hoàng Oanh, Ba Liêm, Út Thẳng, Tư Minh...

Lịch sử
 

Quận Lai Vung được thành lập từ ngày 01/04/1916, thuộc tỉnh Vĩnh Long, do tách ra từ quận Sa Đéc, gồm có 2 tổng: An Phong với 7 làng, An Thới với 9 làng. Ngày 29-02-1924, quận Lai Vung thuộc tỉnh Sa Đéc, bao gồm 2 tổng: An Phong với 5 làng, An Thới với 8 làng.

Sau năm 1956, tỉnh Sa Đéc bị giải thể, địa bàn quận Lai Vung nhập vào tỉnh Kiến Phong. Năm 1966, tỉnh Sa Đéc được tái lập, địa bàn huyện Lai Vung ngày nay thuộc quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc lúc ấy. Sau năm 1975, Lấp Vò là huyện của tỉnh Đồng Tháp, có 14 xã là: Long Hưng, Dương Hoà, Định Yên, Phong Hoà, Tân Thới, Bình Thành, Vĩnh Thạnh, Bình An Trung, Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Long Hậu, Phước Thành, Tân Khánh Trung, Hoà Thắng.

Ngày 27/12/1980, Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 382/CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện như sau:

- Chia xã Bình An Trung thành hai xã lấy tên là xã Bình Thạnh Trung và xã Hội An Đông.

- Chia xã Hoà Thắng thành hai xã lấy tên là xã Hoà Long và xã Long Thắng.

Ngày 05/01/1981, Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 4-CP, đổi tên huyện Lấp Vò thành huyện Thạnh Hưng.

Ngày 06/03/1984, Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 36-HĐBT, điều chỉnh địa giới hành chính huyện như sau:

- Chia xã Long Hưng thành 2 xã lấy tên là xã Long Hưng A, xã Long Hưng B.

- Chia xã Dương Hoà thành 2 xã, lấy tên là xã Tân Dương, xã Hoà Thành.

- Chia xã Định Yên thành 2 xã lấy tên là xã Định Yên, xã Định An.

- Chia xã Phong Hoà thành 2 xã lấy tên là xã Phong Hoà và xã Định Hoà.

- Chia xã Tân Thới thành 2 xã lấy tên là xã Vĩnh Thới, xã Tân Hoà.

Ngày 27/09/1988, Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 149-HĐBT, điều chỉnh địa giới hành chính huyện như sau:

- Chia xã Mỹ An Hưng thành 2 xã lấy tên là xã Mỹ An Hưng A và xã Mỹ An Hưng B.

- Chia xã Phước Thành thành 2 xã lấy tên là xã Tân Phước và xã Tân Thành.

Ngày 27/06/1989, Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 77/HĐBT, chia huyện Thạnh Hưng thuộc tỉnh Đồng Tháp thành hai huyện lấy tên là huyện Thạnh Hưng và huyện Lai Vung. Huyện Lai Vung có 11 xã Tân Dương, Hoà Thành, Long Thắng, Hoà Long, Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hoà, Định Hoà và Phong Hoà; gồm 23.864 ha diện tích và 142.267 nhân khẩu; huyện lỵ đặt tại xã Hoà Long.

Năm 1999, thị trấn Lai Vung được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Hoà Long. Huyện Lai Vung có 12 đơn vị hành chánh, bao gồm thị trấn Lai Vung và 11 xã: ân Phước, Long Hậu, Tân Dương, Hoà Thành, Hoà Long, Tân Thành, Long Thắng, Vĩnh Thới, Tân Hoà, Định Hoà, Phong Hoà như hiện nay.

Kinh tế
 

Theo thông tin từ Website huyện Lai Vung, năm 2009, GDP của huyện ước đạt 1.069 tỷ VNĐ (giá cố định 1994), tăng 15,51% so năm 2008; trong đó khu vực Nông nghiệp đạt 516 tỷ VNĐ, Công nghiệp - Xây dựng đạt 281 VNĐ, Thương mại - Dịch vụ đạt 271 tỷ VNĐ. 6 tháng đầu năm 2010, GDP huyện ước đạt 664 tỷ VNĐ (giá cố định 1994), tăng 10,54% so cùng kỳ 2009; trong đó khu vực Nông nghiệp đạt 373 tỷ VNĐ, Công nghiệp - Xây dựng đạt 124 tỷ VNĐ, Thương mại - Dịch vụ đạt 167 tỷ VNĐ.

Theo báo Đồng Tháp, bình quân 5 năm 2006 - 2010, kinh tế huyện Lai Vung tăng trên 16%/năm, trong đó khu vực Nông nghiệp tăng bình quân gần 8%/năm, Công nghiệp - Xây dựng tăng trên 37%/năm, Thương mại - Dịch vụ tăng trên 20%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực Nông nghiệp, tăng khu vực Công nghiệp và Thương mại - Dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 7.710.000 VNĐ, tương đương 698 USD (theo giá cố định năm 1994), tăng gấp 2 lần so với năm 2005.

Nông nghiệp đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, luân canh 2 lúa 1 màu hoặc 2 lúa 1 thủy sản. Diện tích nuôi thủy sản theo quy hoạch đạt 450 ha, sản lượng trên 24.000 tấn/năm. Phát triển vườn cây ăn trái có hiệu quả kinh tế, trong đó có 4,7 ha diện tích thí điểm mô hình sản xuất sạch theo hướng GAP (số liệu trên báo Đồng Tháp ngày 19-08-2010).

Công nghiêp - Xây dưng đang được tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi để phát triển. Khu công nghiệp Sông Hậu với diện tích 63 ha đang đi vào hoạt động ổn định; Cụm công nghiệp Tân Dương 16,6 ha đã hoạt động và đang phát triển mở rộng giai đoạn 2. Tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định với các làng nghề truyền thống như: đan lát, lờ lọp, đóng xuồng ghe, sửa chữa cơ khí... góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động đáng kể tại địa phương.

Thương mại - Dịch vụ phát triển với tốc độ khá nhanh. 6 tháng đầu năm 2010, huyện đã cấp phép đăng ký kinh doanh mới cho 259 hộ kinh doanh cá thể, tổng số vốn trên 3 tỷ VNĐ, giải quyết việc làm cho 820 lao động. Mô hình tư nhân đầu tư xây dựng chợ được khuyến khích, có 8 chợ tư nhân được xây dựng với tổng số vốn đầu tư trên 160 tỷ VNĐ. Các hoạt động dịch vụ như: ngân hàng, giao thông vận tải, viễn thông... hoạt động ổn định và nâng cao hiệu quả. Hiện nay, huyện đang tiến hành quy hoạch và kêu gọi đầu tư mở rộng chợ Lai Vung giai đoạn II, chợ Hoà Thành, giao chủ đầu tư xây dựng xong chợ Tân Thành, Long Thành, đầu tư Chợ Cái Sơn.

Xã hội
 

Giáo dục: theo thông tin từ Website huyện, năm học 2008 - 2009, tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành bậc tiểu học đạt 99,86%, trung học cơ sở đạt 95,4%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 62,17%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn nhiều: 823 học sinh, chiếm tỷ lệ 3,2% (tiểu học 82 học sinh, chiếm 0,64%, trung học cơ sở 435 học sinh, chiếm 4,8%, trung học phổ thông 285 học sinh, chiếm 7,10%). Năm học 2009 - 2010, huy động trẻ 5 tuổi vào Mẫu giáo đạt 99,96%, trẻ 6 tuổi vào lớp một đạt 99,57%, tuyển sinh vào lớp 6 đạt 96,84%, tuyển sinh vào lớp 10 đạt 86,28% (chưa tính số học sinh dự tuyển ngoài huyện).

Y tế: cơ sở vật chất, trang thiết bị bệnh viện huyện và trạm y tế xã được đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân tuyến cơ sở. Tính đến cuối năm 2009, toàn huyện có 7/12 trạm y tế các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia; bao gồm trạm y tế của các xã: Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hoà, Định Hoà, Long Thắng và Hoà Thành. Các trạm còn lại đang trong giai đoạn xây dựng và từng bước được đầu tư trang thiết bị để đạt chuẩn trong năm 2010.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt