<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Lấp Vò

Tổng quan
 

Huyện ở phía Tây Nam của tỉnh Đồng Tháp; Bắc giáp sông Tiền, ngăn cách với thành phố Cao Lãnhhuyện Cao Lãnh; Nam giáp huyện sông Hậuhuyện Lai Vung cùng tỉnh; Tây giáp huyện Chợ Mới của tỉnh An Giang; Đông giáp huyện Lai Vungthị xã Sa Đéc. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Lấp Vò và 12 xã là: Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, Tân Mỹ, Tân Khánh Trung, Bình Thạnh Trung, Bình Thành, Vĩnh Thạnh, Long Hưng A, Long Hưng B, Định An, Định Yên.

Huyện có vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ, sông Tiềnsông Hậu nằm ở phía Bắc và phía Nam huyện, giữa huyện có tuyến kênh Xáng Lấp Vò chảy suốt từ Tây sang Đông. Quốc lộ 80 và quốc lộ 54 cùng với 4 tỉnh lộ xuyên qua địa bàn huyện, nối liền các tỉnh, huyện bạn; phía Tây có bến phà Vàm Cống, phía Bắc có bến phà Cao Lãnh. Trong những năm gần đây, huyện Lấp Vò có những đổi thay rất rõ nét. Nhiều dự án đầu tư phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị được triển khai thực hiện, đã giúp cho Lấp Vò trở thành địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh so với các huyện khác trong tỉnh.

Lịch sử
 

Quận Lấp Vò được thành lập sau năm 1945, thuộc tỉnh Sa Đéc. Sau năm 1956, quận Lấp Vò thuộc tỉnh Vĩnh Long, bao gồm 2 tổng: Phú Thượng với 6 xã và Phong Thới với 5 xã; quận lỵ đặt tại xã Bình Thành Đông.

Ngày 24-09-1966, quận Lấp Vò thuộc tỉnh Sa Đéc. Sau 30-04-1975, Lấp Vò là huyện của tỉnh Đồng Tháp, có 14 xã là: Long Hưng, Dương Hoà, Định Yên, Phong Hoà, Tân Thới, Bình Thành, Vĩnh Thạnh, Bình An Trung, Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Long Hậu, Phước Thành, Tân Khánh Trung, Hoà Thắng.

Ngày 27-12-1980, Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 382/CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện như sau:

- Chia xã Bình An Trung thành hai xã lấy tên là xã Bình Thạnh Trung và xã Hội An Đông.

- Chia xã Hoà Thắng thành hai xã lấy tên là xã Hoà Long và xã Long Thắng.

Ngày 05-01-1981, Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 4/CP, đổi tên huyện Lấp Vò thành huyện Thạnh Hưng. Ngày 27-09-1988, Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 149-HĐBT, điều chỉnh địa giới hành chính huyện như sau:

- Chia xã Mỹ An Hưng thành 2 xã lấy tên là xã Mỹ An Hưng A và xã Mỹ An Hưng B.

- Chia xã Phước Thành thành 2 xã lấy tên là xã Tân Phước và xã Tân Thành.

Ngày 27-06-1989, Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 77/HĐBT, chia huyện Thạnh Hưng thuộc tỉnh Đồng Tháp thành hai huyện lấy tên là huyện Thạnh Hưng và huyện Lai Vung. Huyện Thạnh Hưng (mới) có 12 xã Tân Khánh Trung, Tân Mỹ, Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, Bình Thạnh Trung, Bình Thành, Định An, Định Yên, Vĩnh Thạnh, Long Hưng A và Long Hưng B; gồm 23.892 ha diện tích và 160. 544 nhân khẩu; huyện lỵ đặt tại xã Bình Thành.

Ngày 06-12-1996, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 81/CP, đổi tên huyện Thạnh Hưng thành huyện Lấp Vò. Năm 1999, thành lập thị trấn Lấp Vò, địa giới hành chánh huyện được giữ ổn định cho đến nay (09-2010).

Kinh tế
 

Theo thông tin từ Website tỉnh Đồng Tháp, năm 2009, kinh tế huyện Lấp Vò đạt tốc độ tăng trưởng 18,5%. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020, nông nghiệp sẽ là thế mạnh kinh tế, được tập trung phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông nghiệp: huyện đề ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2010 tốc độ tăng trưởng khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp đạt 7,24%; quy hoạch và sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ để tăng vòng quay của đất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ cấu mùa vụ hợp lý theo hướng giảm diện tích lúa 3 vụ, tăng diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, nâng hệ số sử dụng đất lên 2,7 lần; duy trì hợp lý diện tích đất lúa, ổn định sản lượng lúa bình quân từ 165.000 tấn trở lên; nâng sản lượng thủy sản lên 50.000 tấn/năm; phục hồi và phát triển đàn gia súc lên 28.000 con, gia cầm lên trên 500.000 con. Trước đó, từ năm 2006, huyện Lấp Vò đã triển khai áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa, thay thế vụ hè thu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 10 - 20 lần so với trồng lúa.

Công nghiệp - Xây dựng: những năm qua, Lấp Vò đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng các cụm, tuyến công nghiệp, tạo sức bật cho nền kinh tế và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Huyện đã quy hoạch và thu hút đầu tư vào 3 cụm, tuyến công nghiệp với gần 70 ha, gồm cụm công nghiệp Vàm Cống, tuyến công nghiệp Bắc sông Xáng (xã Bình Thạnh Trung), cụm công nghiệp Cồn Quạ (xã Định Yên), tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu.

Thương mại - Dịch vụ: nằm trên vị trí khá thuận lợi về giao thông, Lấp Vò có điều kiện để phát triển thương mại - dịch vụ. Từ khi quốc lộ 80 được nâng cấp mở rộng, việc giao dịch, mua bán ở thị trấn Lấp Vò ngày càng phát triển. Huyện đã quy hoạch thị trấn Lấp Vò trở thành đô thị loại IV, là trung tâm có vai trò đầu mối giao thương trên địa bàn huyện. Đồng thời quy hoạch, nâng cấp 4 xã Định Yên, Vĩnh Thạnh, Tân Khánh Trung, Mỹ An Hưng B lên đô thị loại V. Đây được kỳ vọng sẽ là những đầu mối thương mại - dịch vụ quan trọng của huyện cũng như của tỉnh.

Xã hội
 

Giáo dục: theo thông tin từ báo Đồng Tháp, tính đến ngày 02-09-2010, huyện Lấp Vò đã huy động 2.692 học sinh lớp 1 ra lớp đạt 89%, số học sinh vào lớp 6 là 2.615, chiếm tỷ lệ 99,43%. Năm học 2010 - 2011, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tuyển mới 23 giáo viên ở cấp học Mầm non, 20 giáo viên ở cấp Tiểu học, 5 giáo viên cấp Trung học phổ thông, nâng tổng số giáo viên toàn huyện gần 2.000 người ở các khối lớp, đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới. 30 điểm trường trong huyện cũng đã khẩn trương sửa chữa trường lớp, công trình phụ (chống thấm, nâng cấp phòng học, sửa bục giảng, quét vôi, sửa chữa nhà vệ sinh, lót nền gạch bông, san lấp sân trường...), có 9 điểm trường được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh.

Y tế: năm 2010, huyện có 13/13 trạm y tế đạt chuẩn, trong đó có 6/13 trạm đạt chuẩn quốc gia. Bệnh viện Lấp Vò là bệnh viện hạng III thuộc tuyến huyện của tỉnh Đồng Tháp, gồm 140 giường kế hoạch và tổng số biên chế là 122. Bệnh viện đã được Sở Y tế tặng danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện trong năm 2009.

Xây dựng cơ bản: hiện nay, thị trấn Lấp Vò đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng các khu dân cư như: khu tái định cư cụm công nghiệp Vàm Cống; cụm dân cư chùa Bà Hai; cụm dân cư Bình Hiệp B; đang triển khai thực hiện tuyến dân cư số 7, tuyến dân cư số 1, cụm dân cư vượt lũ Bình Hiệp A, khu tái định cư đường Hồ Chí Minh. Huyện đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư Khu dân cư Tòng Sơn ở xã Mỹ An Hưng A, với quy mô gần 5 ha; dự án Khu dân cư thị trấn Lấp Vò (thuộc tuyến dân cư Bình Thạnh 2), quy mô diện tích là trên 7 ha; dự án Khu đô thị phía Nam thị trấn Lấp Vò; dự án tuyến dân cư số 1 xã Vĩnh Thạnh, quy mô trên 1,8 ha; dự án cầu Long Hưng B, với quy mô cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, chiều dài cầu 173 m, mặt rộng 6,5 m, có tải trọng 8 tấn, dự kiến kinh phí đâu tư 21 tỷ VNĐ; dự án bến xe Lấp Vò, quy mô 10 ha, kinh phí đầu tư 40 tỷ VNĐ. Đặc biệt, dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp đang được Trung ương lập kế hoạch đầu tư xây dựng.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt