<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Di tích lịch sử Lũng Tàn

Vị trí

Di tích lịch sử hang Lũng Tàn nằm ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng. Di tích đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận năm 2005.

Địa hình

Hang Lũng Tàn nằm ở lưng chừng núi Lũng Tàn, hang không rộng, chỉ đủ cho 5 - 6 người sinh hoạt và làm việc, cửa hang cao khoảng 4m, rộng 5m nên có đủ ánh sáng để làm việc. Hang sâu khoảng 7m, có hình phễu. Xung quanh hang là rừng nguyên sinh, đường đi lại rất khó khăn, từ chân núi lên khoảng 100m là đến cửa hang, đứng từ dưới nhìn lên, do rừng cây um tùm, không thể nhìn thấy cửa hang nên đảm bảo được bí mật. Khi cần thiết có thể bí mật rút sang núi Lũng Đẩy, xã Trương Lương, huyện Hòa An. Dưới chân núi có mỏ nước tự nhiên, thuận tiện cho việc sinh hoạt và in báo. Đây chính là nơi có vị trí chiến lược, thung lũng rộng, bằng phẳng là nơi huấn luyện quân sự lý tưởng.

Sự kiện

Hang Lũng Tàn là nơi in báo Việt Nam Độc Lập năm 1942, tờ báo do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với tư cách là cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng. Đồng thời Lũng Tàn là nơi diễn ra Hội nghị thành lập các ban chấp hành cứu quốc và cử ra Ban Chấp hành Việt Minh châu do đồng chí Xích Thắng làm chủ nhiệm, ngày 7/11/1942. Ngày 7/11/1942, tại hang Lũng Tàn, Đại hội đại biểu Việt Minh Châu Lam Sơn được tổ chức nhằm biểu dương các Tổng có thành tích chống khủng bố. Hội nghị đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục phát triển, mở rộng địa bàn các đoàn thể mặt trận Việt Minh; Xây dựng các đội tự vệ, luyện tập quân sự, mua sắm vũ khí.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt