<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Lăng Ông Nam Hải
Thắng Tam - TP Vũng Tàu - Bà Rịa-Vũng Tàu

Vị trí

Lăng Cá Ông còn được gọi là lăng Ông Nam Hải, nằm bên phải đình thần Thắng Tam, thuộc phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Lăng được xây dựng cùng thời kỳ với Miếu Bà, nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XIX.

 Truyền thuyết

Cá Ông được xem là một vị tướng quân của Lang Vương được giao nhiệm vụ bảo vệ cho các tàu thuyền trong vùng biển. Do đó Cá Ông được thờ cúng ở những vùng ven biển trên khắp nước ta.

Lăng Cá Ông ở Vũng Tàu gắn với truyền thuyết về ba phần đầu, thân, đuôi của Cá Ông trôi dạt về ba vùng: Vũng Tàu, Cần Giờ, Long Hải ở thế kỷ XIX. Đầu cá dạt về bãi Tầm Dưng,  to đến nỗi không thể kéo lên bờ được, nhân dân phải lấy tre rào lại cho thịt thối rữa mới tháo từng khớp xương đem rửa sạch đưa về thờ trong một ngôi miếu đơn sơ ở Bãi Trước. Hơn 40 năm sau lại có một xác Cá Ông lớn trôi vào Bãi Sau, dân làng lại chôn cất cá chu đáo. Năm 1911, ngư dân địa phương xây lăng dời các xương cá lại thờ. Từ đó lăng được nhiều lần tu sửa và đến tháng 4/1969 thì được sửa chữa như hiện nay.

Lăng Cá ông Thắng Tam có tới ba sắc phong do vua ban tặng. Vua Thiệu Trị ban hai đạo sắc vào năm thứ năm (1846) phong chon cá ông danh hiệu Nam hải đại vương tướng quân, vua Tự Đức ban cho đạo sắc vào năm thứ ba (1850). Ngày vía Ông (ngày giỗ) được định vào ngày 16 tháng 8 âm lịch hàng năm. Vào ngày nay, ngư dân Vũng Tàu kéo về làm lễ cúng bái rất linh đình, trọng thể. Ngời ta đến đây cầu mong sự bình yên may mắn trong chuyến đi biển, xin xăm báo trước điều tốt lành, rủi ro và xem hát, vui chơi giải trí.

 Kiến trúc

Lăng là một toà nhà giản dị, giữa lăng có 3 bàn thờ chạm trổ công phu các hình Long, Lân, Quy, Phụng giao đầu. Phía sau bàn thờ là 3 tủ kính lớn để dựng xương cá. Tủ giữa đựng xương Cá Ông được vớt lần đầu tiên. Tủ bên phải đựng xương Cá Ông vớt lần thứ 2 và tủ thứ 3 đựng xương Cá Ông vớt trong những lần sau. Hai bên tả, hữu có thêm hai bàn thờ của Bà Sáu (Thần Rùa) và tổ nhạc. Ngư dân Vũng Tàu quan niệm rằng mỗi khi có Cá ông chết tấp vào bờ, người nào trông thấy đầu tiên thì được xem như con trưởng của Cá ông. Khi làm lễ an táng, người đó phải chịu tang và thực hiện các nghi lễ tang ma như là đám cho cha đẻ mình vậy.

 Lễ hội

Lễ hội kéo dài trong ba ngày từ 16 đến 18/8 âm lịch hàng năm, gồm có : Lễ cúng ông, lễ nghinh ông (đón cá) gồm nhiều ghe thuyền trang trí lộng lẫy, thắp đèn sáng trưng chạy vòng biểu diễn ngoài biển. Những hình thức tế lễ Cá ông mang đậm màu sắc riêng của cư dân miền biển, nhưng trong lễ hội người ta cũng dành một buổi cúng Tiền Hiền, một buổi tế lễ thần linh như việc tổ chức cúng tế trong đình làng ...


huyện Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang

Hệ thống đền thờ Cá Voi trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang gọi chung là Lăng Ông Nam Hải. Đến Phú Quốc, đi dọc bờ biển Dương Đông – An Thới, du khách bắt gặp nhiều Lăng ông ở khắp nơi như: Dương Đông, Dương Tơ, Đường Bào, Dương Xanh, Khóe Tàu Rũ, Mũi Đất Đỏ ...Hầu hết các công trình đều có kiến trúc đơn giản, không gian thông thoáng. Đến đây, du khách có dịp tìm hiểu thêm về đời sống tâm linh và nét đẹp văn hoá của người dân Phú Quốc.

Cá Voi còn gọi là Cá Ông, là loại cá có đầu tròn giống đầu voi, mình tròn bóng không vẩy, đuôi có hai chia như duôi tôm, trên trán có lỗ phun nước, có thể phun đến vài ba mét, thỉnh thoảng cũng gặp trên biển đảo Phú Quốc. Người dân biển tin rằng, loài cá này là vị cứu tinh của họ những lúc gặp sóng to, gió lớn trên biển. Nhiều người sống sót trở về sau những cơn bão biển kể lại: trong lúc chìm ghe, đuối sức mê man, họ như có vật gì đến rước, khi giật mình tỉnh dậy, thấy chân mình đã chạm bờ. Họ tin rằng, chính mình đã được Cá Ông cứu vớt, do vậy rất biết ơn và kính trọng, xem cá ông như thần hộ mệnh, gọi là Nam Hải Tướng quân. Khi cá ông chết trôi dạt vào bờ, làng chài lấy đó là vinh dự. Người gặp đầu tiên đứng ra làm tang chủ, cùng bà con chài lưới lo chôn cất hết sức trân trọng. Sau đó lập miếu, lấy bộ xương thờ gọi là Lăng ông Nam Hải.


thị trấn Sông Đốc - huyện Trần Văn Thời - tỉnh Cà Mau

Lăng Ông Nam Hải ở khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Lăng thờ Cá Ông - được vua triều Nguyễn sắc tặng Nam Hải đại tướng quân. Lăng Ông Nam Hải thể hiện tinh thần ngưỡng mộ và niềm tin của con người trước thế giới tự nhiên. Bởi nghề biển là nghề vất vả và lắm rủi ro, cần phải có niềm tin như vậy người ta mới có sức mạnh để vượt qua những khó khăn, nguy hiểm mà đại dương có thể gây ra cho con người.

Lịch sử
 

Lăng Ông Nam Hải - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Theo truyền thuyết thì Ông Nam Hải thường xuyên cứu người đi biển gặp nạn. Tương truyền vào ngày 15-07-1925, sau một đêm bão tố mịt mùng, một xác cá Ông (cá Voi) dài 20,3 m trôi dạt vào Vàm Xoáy. Các vị cao nhên địa phương gồm: cụ Nguyễn Hữu Định, cụ Nguyễn Văn Học, cụ Mai Văn Lầu, cụ Huỳnh Văn Dỏng, cụ Nguyễn Văn Tiền, cụ Võ Văn Trí, cụ Phan Văn Vị đã thỉnh xác Ông về Vàm Rạch Ruộng dựng lăng thờ cúng.

Năm 1943, tàu Pháp tuần tiễu bắn đạn pháo vào làm cháy lăng Ông, ngư dân Sông Đốc chỉ cứu được 2 xương cạnh hàm của Ông Cá. Phần hài cốt đó bị cháy sém được ngư dân quấn vải đỏ và lập lăng mới tại Vàm Sông Đốc để tiếp tục thờ cúng Ông. Bên cạnh đó, ngư dân đã thành lập Vạn Lăng Ông để cùng nhau đoàn kết trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt cộng đồng bao gồm: các ngư phủ yêu nghề biển cùng các thương nhân kinh doanh, chế biến hải sản và các tiểu thương làm dịch vụ nghề cá cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm ngư nghiệp. Sau đó, Ban trị sự lăng Ông được thành lập đồng thời di dời lăng Ông từ Vàm Sông Đốc về vị trí hiện nay, tại khóm 2 thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Từ đó đến nay, lăng đã được nhiều lần tôn tạo, trùng tu và nâng cấp, trở thành một di tích lịch sử văn hoá tôn kính, một cõi tâm linh của cư dân miền biển Cà Mau.

Kiến trúc
 

Lăng ông Nam Hải là quần thể kiến trúc đẹp, hài hoà. Bên trái cổng vào lăng Ông là điện thờ bà Thủy Long – người cai quản biển cả. Công trình quan trọng nhất của khu di tích là lăng chính, thờ Ông Nam Hải. Ngôi đền có kiến trúc khá độc đáo với những mái cong đậm nét truyền thống. Bên trong có điện thờ hài cốt Ông Nam Hải và các tả hữu tướng quân theo hầu Ông, các bậc tiền hiền, hậu hiền có công xây dựng lăng qua các thời kỳ. Nội thất được trang trí khá công phu, tạo cảm giác trang nghiêm. Khói hương lúc nào cũng nghi ngút trên điện thờ.

Lễ hội
 

Theo các bậc cao niên, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc có từ đầu thế kỷ XX. Hằng năm, lễ Nghinh Ông ở Sông Đốc diễn ra từ ngày 13 và kéo dài đến tận khuya ngày 15 tháng 2 âm lịch. Trong đó, ngày 15-02 là chánh lễ, là ngày quan trọng nhất. Nghi lễ chính bắt đầu từ 14 giờ ngày 15. Chủ lễ cùng ban trị sự lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu. Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm…mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Khi diễu hành bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo. Trước đó đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa neo đậu dưới bến sông.

Chủ lễ trực tiếp rước lư hương lên tàu đã được trang trí rất công phu, lộng lẫy và lớn nhất (có khi được kết từ ba chiếc tàu lại). Tàu do chức sắc lăng Ông và ngư phủ bầu chọn. Ra tới cửa biển nhiều tàu khác tiếp tục nhập vào đoàn diễu hành. Hàng trăm tàu đủ mọi kích cỡ, công suất, kiểu trang trí tạo thành một khung cảnh đầy màu sắc sống động cả một vùng cửa biển rộng lớn. Hàng ngàn người đủ mọi sắc áo đứng ngồi trên boong tàu vẫy cờ hoa.

Trên đường diễu hành nếu gặp cá Ông phun nước (Ông dội) thì đoàn tàu quay trở về ngay. Nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục ra khơi và sau đó chủ lễ vái đọc lời nguyện cầu. Thường thì cách đất liền một, hai hải lý, chủ lễ sẽ làm lễ “xin keo”. Xin được keo tức là đã gặp “Ông” và rước “Ông” về. Tại lăng sẽ tiếp tục diễn ra các nghi lễ, cúng bái đến tận khuya. Điện thờ được bày rất nhiều mâm (xôi, hoa quả, heo…) - chủ yếu là ngư dân tự nguyện hiến cúng. Nhân dịp này ngư dân trong vùng, khách thập phương đến thắp hương, cúng tiền và hiện vật thờ tự rất đông…Số tiền này niêm yết công khai, sau đó dùng vào việc tổ chức, khánh tiết và xây dựng tu bổ lăng.

Cũng như nhiều nơi khác, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng, gió hoà, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt an khang. Lễ được tổ chức khá lớn, có hàng chục ngàn người trong tỉnh và vùng lân cận đến cúng viếng, tham dự lễ hội. Trong đó có nhiều ngư dân của các tỉnh miền Trung và phía Nam đang khai thác cá ngoài khơi cũng nhớ ngày về dự.


xã Vàm Láng - huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang

Lăng ở ấp Lăng, xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, là nơi thờ cá Ông của cư dân vùng ven biển Gò Công. Hàng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 03 (âm lịch). Nghi lễ có rước sắc Thần từ đình Kiểng Phước bằng xe ngựa, lễ xô giàn thí, cúng thủy lục, cúng vong linh thiên vị, làm lễ Nghinh Ông trên biển với hàng trăm tàu thuyền trang hoàng lộng lẫy. Phần hội có các đoàn hát bội được mời về biểu diễn các tuồng tích xưa tại võ ca của lăng để dân chúng thưởng thức. Ngoài ra, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: kéo co, bơi lội, đẩy cây,… thu hút nhiều thành phần tham gia, góp phần tạo cho không khí ngày hội càng thêm vui tươi, huyên náo.


thị trấn Gành Hào - huyện Đông Hải - tỉnh Bạc Liêu

Tổng quan
 

Lăng thờ Cá Ông ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, gần ngã đường vào thị trấn Gành Hào và đường đê ra biển. Lăng được cất từ lâu, ban đầu ở vàm sông Gành Hào, sau đó do vàm sông sạt lở, người dân địa phương di dời vào vị trí hiện nay. Đối với người hành nghề đánh bắt hải sản, Cá Ông là một sinh vật linh thiêng luôn phù trợ cho người đi biển, không những giúp cho người đi biển đánh bắt nhiều cá tôm mà còn cứu nạn mỗi khi bị bão giông.

Lăng Ông Nam Hải - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Tại mỗi lăng thờ Cá Ông, hàng năm đều tổ chức lễ hội Nghinh Ông rất long trọng. Tùy vào ngày ông lụy ở mỗi nơi mà lễ Nghinh Ông được tiến hành vào những thời đểm khác nhau. Đây là loại lễ hội quan trọng và lớn nhất của ngư dân và từ lâu đã trở thành một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc. Lễ Nghinh Ông còn có nhiều tên gọi khác nhau như: lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh ông Thủy tướng, lễ cúng biển… Thời Nguyễn, các vua suy tôn cá ông là Nam Hải đại tướng quân. Riêng vua Gia Long phong cho cá Ông tước hiệu: "南海巨族玉麟上等神 - Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần".

Lăng Ông ở Gành Hào hiện nay có tới 4 cốt (sọ đầu) cá Ông, 9 xương sườn và khoảng mười đốt xương sống. Xương sọ cái lớn nhất có chiều ngang trên 1 m; xương sườn cái dài nhất từ 2,5 - 2,6 m. Hiện nay, chưa có một kết quả khoa học nào xác định những chiếc xương này có từ khi nào, nhưng theo lời những người già ở đây thì chí ít cũng khoảng 100 năm.

Lễ Nghinh Ông ở Gành Hào được tổ chức vào ngày 09 - 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội dân gian truyền thống được lưu truyền gìn giữ hàng năm, do vậy mà không ai bảo ai, hễ đến ngày lễ, hàng vạn người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về Gành Hào tham gia lễ hội. Lễ được tổ chức dưới hình thức học trò lễ dâng rượu, cúng tế, sau đó khách đến ăn uống và xem hát tuồng kéo dài đến khuya.

Nghi thức quan trọng nhất là lễ rước Ông. Từ sáng sớm, có không dưới 100 tàu thuyền trong huyện và khắp nơi về tham gia lễ hội. Các chủ ghe tàu trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu, như một thuyền hoa, mọi người vô tư lên tàu ra biển Nghinh Ông. Trong đó, có một cụm tàu chính gồm 2 chiếc kết lại thành đoàn. Tàu này có nhiệm vụ chở Ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ. Lễ được khởi hành tại lăng ông, đi đầu là đội múa lân, kế đến là đội kèn Tây, theo sau là học trò lễ, các đoàn binh sĩ (mặc trang phục binh sĩ thời Gia Long), nữ thanh lịch…Dân chúng đứng hai bên đường, hò reo cổ vũ, tạo nên không khi lễ hội thật náo nhiệt. Đoàn diễu hành qua thị trấn Gành Hào rồi xuống tàu và chạy ra biển tiến hành làm lễ cúng bái, xin keo cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng thuận lợi. Cuối cùng là nghi thức thả tôm giống xuống biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, đây là một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Nghinh Ông hàng năm của ngư dân Gành Hào - Đông Hải.

Vài điểm đặc biệt về văn hoá thờ Cá Ông ở vùng Bạc Liêu - Cà Mau
 

- Vật hiến sinh: gồm heo quay và heo sống (giết thịt, để cả con) cùng hương hoa, trà, rượu. Một nghi thức đặc biệt quan trọng là khi cúng phải làm thủ tục chia phần hiến tế. Ông chủ tế lật bụng vật hiến sinh lên, dùng dao lướt dọc, ngang trên thân con vật, biểu thị là đang phân chia vật phẩm hiến tế cho các thần linh, thực hiện 3 lần để chia cho đủ, nếu không thì linh thần quở trách suốt năm, làm ăn không khấm khá. Thủ tục này được thực hiện rất cẩn trọng với tâm tưởng “ăn đồng, chia đủ”, thật công bằng.

- Lễ diễu hành Nghinh Ông: ngư dân cho rằng hướng Tây - Nam là hướng Thần Nam Hải đang ngự trị - hướng Phúc. Theo những nghiên cứu về khí tượng thủy văn thì hướng Tây của biển Đông là lục địa, tại vùng biển Bạc Liêu hướng Đông thuộc hướng của những cơn bão hình thành và đổ bộ vào bờ - hướng Họa. Dân gian cho rằng hướng Tây - Nam là hướng trời yên biển lặng. Vì thế, đoàn diễu hành lễ Nghinh Ông thường đi về hướng Tây - Nam. Đây là điểm khác biệt so với vùng ven biển miền Trung.

- Các điều kiêng cữ: trong ngôn ngữ, kiêng không được gọi cá Voi là con cá mà phải gọi là Ân ngư, là Ông cá. Cá Ông chết gọi là Ông lụy, xương cá Ông gọi là Ngọc cốt, khi hành lễ phải xưng Ông là Đại Càn Nam Hải Đại Tướng Quân, khi cúng tế phải gọi Cung nghinh, thỉnh Ông; trong hành vi, chánh tế phải là đàn ông lớn tuổi, kiêng đàn bà con gái ngồi trên mòi tàu đánh cá, mỏ neo tàu, hoặc bước ngang chân qua ụ tàu; kiêng phụ nữ đang “dơ mình” bước vào chánh điện thờ Ông; kiêng việc nam nữ giao phối trên tàu lúc neo đậu cũng như ra khơi, không được tự ý xê dịch bàn thờ trên tàu; kiêng cho súc vật như kỳ đà, mèo, rùa xuống tàu.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt